Biết tiết chế, kỹ càng trong chọn lọc, nữ đạo diễn Đoàn Hồng Lê trong những thủ pháp xử lý đã tỏ ra rất công phu, chắc tay nhấn nhá đậm nhạt, lại nắm vững cái đích cần tới nên ràng giữ được cảm xúc của người xem đến phút cuối cùng. Trong thời kỳ mở cửa, với thể loại Phóng sự-Tài liệu đã du nhập một quan niệm, để tôn trọng sự thật không nên sắp xếp bày đặt, cứ để cuộc sống tự nhiên ùa ập vào ống kính...
“NGƯỜI MẸ” NHẮC NHỚ SỨC MẠNH CỦA THỂ LOẠI PHIM TÀI LIỆU
TÔ HOÀNG
Cảnh mở đầu phim là gương mặt một người đàn bà ngoài 60, với vẻ khô xác, in hằn dấu vết của những bươn chải, vất vả tưởng như cuộc đời đã vắt kiệt cả nụ cười lẫn giọt nước mắt của bà . Đấy sẽ là nhân vật chính của bộ phim, bà Nguyễn Thị Đẹp. Và lạ lùng chưa, bà Đẹp bỗng cất tiếng hát , lại bằng tiếng Anh, bài hát vẫn còn trên cửa miệng nhiều bạn trẻ hôm nay- “ Yesteday once more ”:
...tất cả những ký ức tươi đẹp nhất
trở về trong tôi thật rõ ràng
những kỷ niệm khiến tôi òa khóc
ngày xưa ấy một lần nữa lại trở về...
Trên nền lời ca là 3,4 tấm ảnh của một cô gái Sài gòn những năm đầu thập niên 1970 với mái tóc tém, cặp mắt mở to trong sáng, một gương mặt ưa nhìn...
Người xem còn chưa hiểu ra chuyện gì, bỗng ré lên tiếng khóc của trẻ thơ, hình ảnh một cô gái trong tấm áo dài trắng te tái chạy trong nỗi sợ hãi, những cánh chim câu hoảng hốt vụt bay lên… Và câu chuyện của bà Nguyễn Thị Đẹp được bắt đầu.
Xin nói ngay, nữ đạo diễn Đoàn Hồng Lê, tác giả của bộ phim tài liệu mang tên “Người Mẹ” rất có ý thức khai thác yếu tố tương phản ở phim tài liệu. Không chỉ trong những cảnh mở đầu bộ phim chúng tôi vừa kể. Mà còn ở nhiều phần tiếp sau. Sự tương phản vốn là yếu tố góp phần tạo nên kịch tính, cũng tức là tạo nên sự hấp dẫn của thể loại phim người thật, việc thật – đáng tiếc, điều này không phải người làm phim tài liệu nào cũng có ý thức.
Câu chuyện bà Nguyễn Thị Đẹp kể từ màn ảnh như sau: Vì hoàn cảnh gia đình (mẹ mất sớm, bố bệnh, anh đi lính, 4 em còn cắp sách tới trường) cô Đẹp nhận việc làm cho một đơn vị lính Mỹ đồn trú tại căn cứ Long Bình (Đồng Nai). Theo lời bà, hồi ấy bà con cô bác Sài gòn không có thiện cảm với các thiếu nữ Việt làm ở các “sở Mỹ”, càng tỏ ra ác cảm khi các cô có quan hệ yêu đương với đám lính Mỹ. Có một chàng lính kèn tên Joe thầm yêu Đẹp và cô gái cũng đáp trả tình yêu ấy trong nỗi lo sợ người cha cấm đoán, xóm giềng xí xầm. Hiệp định Paris năm 1973, Joe phải trở về nước, không biết rằng Đẹp đã mang thai...Bà Đẹp hôm nay kể tiếp trên nền những mét phim tư liệu (nữ đạo diễn chọn những mét phim lưu trữ kèm theo âm thanh ghi từ hiện trường): Lời tuyên bố của ông Lê Đức Thọ tại buổi họp cuối cùng ở Paris. Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Sài gòn. Tiếng đạn, tiếng bom xen tiếng kêu khóc thất thanh, tìm kiếm nhau trong hoảng loạn. Lời tướng Dương Văn Minh tuyên bố Quân lực Miền Nam Việt Nam đầu hàng..Giữa tao loạn cô Đẹp thuở ấy không muốn bế đứa con gái lai sang Mỹ, vì thương bố ở lại không nuôi nổi đàn em. Giữ đứa bé bên mình, cô khiếp hãi vì nghe nói “người ở phía bên kia trở về sẽ treo cổ, cắt đầu những ai có quan hệ với lính Mỹ, người Mỹ”. Không suy nghĩ nhiều, cô Đẹp đã gửi đứa con lai ( tên Việt là Nguyễn Phương Mai ) lên chuyến máy bay cuối cùng của cuộc sơ tán trẻ em lai mang tên “ BabyLift “rời sân bay Tân Sơn nhất chiều ngày 19 tháng Tư năm 1975. Chỉ với mong ước duy nhất, con gái sẽ được ấm em, sung sướng.Tiếp nối là hơn 40 năm bà Đẹp gắng gỏi tìm tung tích đứa con rứt ruột đẻ ra..
Cũng xin được nói ngay, khi lược ghi lại diễn tiến của những ngày khó quên ấy, tuyệt nhiên tác giả không cao giọng nhân danh điều này, lẽ khác để lên án phía bên thắng, bên thua. Hoặc cũng không lớn tiếng rao giảng thứ thương vay, khóc mướn. Bằng từng khuôn hình, từng thủ pháp mong-ta-giơ, bằng việc khai thác tối đa hiệu quả âm thanh.. nữ đạo diễn Đào Hồng Lê chỉ muốn nhấn nhá một điều: cả cô Đẹp, cả anh lính Joe và hàng triệu người Việt, người Mỹ đều là nạn nhân của một hoàn cảnh cụ thể.
Cũng ngay ở phần này, phim đã giới thiệu với người xem “một thiên thần áo trắng”- cô gái Mỹ tên là Cherie Clark, là nhân viên trong chuyến bay “Babylift” cuối cùng có chở bé Nguyễn Phương Mai qua Mỹ. Sau này khi đã là bà Cherie Clark, bà đã viết một cuốn sách về chuyến bay đó và kể lại, chiếc máy bay phải cất cánh muộn 10 giờ đồng hồ, đạn cối nổ tứ phía. Trẻ em không chịu được oi nóng, thiếu nước, thiếu sữa uống, nhiều em đã chết trên đường. Bước qua thế kỷ 21, bà Cherie Clark trở thành Hiệu trưởng một trường Đại học Y tế cộng đồng tại Uganda, châu Phi nhưng vẫn giữ liên lạc với đám trẻ lai trên chuyến di tản “Babylift” và đã tích cực giúp đỡ bà Nguyễn Thị Đẹp tìm đứa con gái thất lạc của mình.
Trở lại câu chuyện kể của bà Đẹp… Hơn 40 năm bà không lấy ai. Ngoài việc kiếm tiền nuôi đàn em phương trưởng, bà chỉ còn mỗi nguyện ước tìm ra đứa con gái. Bà Đẹp có giữ được địa chỉ của anh lính Mỹ tên Joe. Thư gửi đi bị trả về. Đó là những năm quan hệ Việt Mỹ chưa bình thường hóa. Cũng còn lâu lắm mới có Internest. Bộ phim không sa đà vào những cơn sùi sụt, thương nhớ con của bà Đẹp. Cũng không hề đụng chạm tới những vất vả, trang trải trong hơn bốn mươi năm ấy của bà ở quê hương. Phim tiếp tục nuôi cảm xúc của người xem bằng câu chuyện nhận nhầm mẹ con với bà Đẹp của một cô gái lai khác, cũng họ tên là Nguyễn Phương Mai nhưng nhiều chứng chỉ không phù hợp.Như một cánh cửa mở ra những gì còn phức tạp, còn nhiều hệ lụy xung quanh đám trẻ lai rời khỏi Việt Nam sang Mỹ vào những năm đã xa xôi ấy..
Cuối cùng thì bà Nguyễn Thị Đẹp đã tìm ra cô Nguyễn Phương Mai –giọt máu của bà. Đó là cả một kỳ công của bà Cherie Clark trên chuyến bay “Babylift” năm xưa; của người chị cùng cha khác mẹ với bé Nguyện Phương Mai, của bà mẹ nuôi người Mỹ đã nhận bé Phương Mai về cưu mang từ khi cô bé mới đặt chân tới Mỹ; bởi một chàng trai Việt du học tại Mỹ có tên là Vũ Lệ..
Phần “Happy end” của phim “ Người Mẹ “ vẫn giữ nguyên được nỗi xúc động như ở phần bà Đẹp kể chuyện. Bởi bà Đẹp chọn lựa không biết vận bộ đồ nào, có nên phấn son hay không khi đi gặp con? Bởi cô bé Phương Mai năm xưa, nay đã thành người vợ, người mẹ trong một gia đình Mỹ khá giả vẫn đẫm nước mắt ân hận vì từng ấy năm quên mất người đã mang nặng đẻ đau ra mình; đã quên cả hoàn cảnh chiến tranh từng xẩy ra, dẫu vậy vẫn mừng vì cuộc hội ngộ lần này như một phép màu. Vượt lên trên tất cả, những cảnh cuối của bộ phim thấm đẫm tình thương yêu, nỗi đồng cảm, sự san sớt yêu thương của những ai dù khác màu da, dù sống trong những cộng đồng khác nhau đều gặp nhau ở tấm lòng biết trân trọng tình mẫu tử, đức hy sinh mênh mông, cao rộng của những đấng sinh thành tất cả vì con cái.
Biết tiết chế, kỹ càng trong chọn lọc, nữ đạo diễn Đoàn Hồng Lê trong những thủ pháp xử lý đã tỏ ra rất công phu, chắc tay nhấn nhá đậm nhạt, lại nắm vững cái đích cần tới nên ràng giữ được cảm xúc của người xem đến phút cuối cùng. Trong thời kỳ mở cửa, với thể loại Phóng sự-Tài liệu đã du nhập một quan niệm, để tôn trọng sự thật không nên sắp xếp bày đặt, cứ để cuộc sống tự nhiên ùa ập vào ống kính ( !? ). Quan niệm này hẳn còn phải tranh cãi nhiều.
Bộ phim “Người mẹ” góp cho ta một lời giải đáp: Hình như với thể loại phim Phóng sự- Tài liệu cái chủ quan của người sáng tạo càng đóng vai trò quyết định, trong cả cách cảm thụ, cách lý giải, cách biểu đạt đề tài đã được chọn lựa. Vấn đề cuối cùng là cái chủ quan kia bản lĩnh, tầm nhìn, tầm phán xét ở mức nào và cái “gu” thẩm mỹ ra sao ?
Phim “ Người mẹ “ sẽ chiếu trên màn ảnh VTV8 (VTV tại Đà Nẵng) vào tối Giao thừa, tết Canh Tý này.