Nhưng sự thực có thể còn thê thảm hơn.
Nhiều người cả đời sống dựa vào vợ, vào bạn bè viết ra những điều mà để có người biết đến, anh chị ta thậm chí phải lấy cả tiền sữa của con, tiền chợ hàng ngày của vợ, bán đi đủ thứ trong nhà, chằng đụp của bạn bè để cuối cùng cũng in ra được một vài đầu sách. Khi còng lưng bóp trán ngồi viết, gạch xóa, sửa chữa, nó được nâng niu cẩn thận còn hơn cả vàng bạc châu báu. Vậy mà khi thành quyển sách với vô vàn khổ nhọc đi kèm, không ít phen nó bị quăng quật, rẻ rúng còn hơn cả thứ của nợ. Trăm người nhận nó đều bằng một vẻ mặt: Hân hoan, cả thật lẫn giả vờ, kèm vài lời chúc mừng đa phần là nhạt nhẽo. Nhưng sau đó là cả trăm cách ứng xử với nó. Tôi đã tận mắt chứng kiến một nhà thơ khom người xuống sát đất để bày tỏ sự kính trọng khi tặng sách một nhà phê bình, với hy vọng ông ta sẽ ngó nghiêng tới và nếu vào đúng lúc dễ dãi có thể ông ta còn ban cho vài nhời vàng ngọc. Nhưng tác giả của nó chỉ vừa lui ra khỏi nhà, món quà tặng “quý giá” đã nhanh chóng thành vật kê nồi. Một cảnh tượng khác, chuyện này do chị bạn nhà thơ của tôi kể lại, chính chị tận mắt thấy những cuốn sách, cả dầy lẫn mỏng, cả bìa cứng lẫn bìa mềm, cả sang lẫn hèn, đều được một nhà văn “chiếu cố” bằng cách tống thẳng vào sọt rác như thế nào! Ông ta ném xong còn phủi hai tay vào nhau, như ta vẫn làm thế khi trót cầm phải thứ nhơ bẩn. Chính chị bạn tôi sau đó đã nghiêm khắc cho tôi lời khuyên là chớ tặng sách bừa bãi (“em cấm anh”, chị đã nói nguyên văn như vậy, với cái quyền là bạn thân).
Nếu chỉ kể chuyện người, tôi e sẽ bị ai đó trách là ác ý, bịa tạc do đố kị. Vậy thì đây, chuyện này một trăm phần trăm là chuyện của tôi, do tôi gây ra. Một nhà thơ vốn là chỗ thân quen, luôn miệng khen tôi có tài, luôn miệng bảo chờ đọc tác phẩm mới của tôi, một lần, khi nhận sách tôi tặng (tôi là người hầu như không tặng sách những người vai vế, tự cho là họ có vai vế, trong trường hợp đang kể hoàn toàn chỉ vì tôi coi ông là người thân), có lẽ thói quen “mục hạ vô nhân” của ông quá mạnh, hoặc do ông nhiều việc nên lãng ý quên tác giả cuốn sách đó vẫn đang lù lù trước mặt, vì thế, khi vừa đón cuốn sách từ tay tôi, không hề có bất cứ đắn đo nào, ông ném toẹt nó vào góc nhà, nơi hàng trăm cuốn sách ông được tặng khác đang nằm chất đống và đã bị bụi phủ dầy thêm mỗi ngày. Tôi chỉ hơi bất ngờ chứ không hề oán giận, không phật ý, thậm chí còn muốn bật cười vì cái cách mà ông hành động nó mới dứt khoát, mạnh mẽ và hồn nhiên làm sao! Không phải ai cũng có thể làm được như vậy. Phải là người ý thức rất rõ mình có trong tay thứ quyền lực gì. Ở đây là quyền coi chính nghề viết của mình còn rẻ rúng hơn cả mẻ! Hoặc đơn giản nó là cái hành động quá quen thuộc hàng ngày của ông.
Tôi không trách, không giận còn vì tôi tin rằng chắc chắn ông từng nhiều phen muốn phát điên khi cứ phải nhận sách từ những người mà mình chẳng hề muốn đọc. Đọc một cuốn sách dở, vô bổ, chả khác nào lao động cải tạo. Chuyện đó thì ai cũng biết. Đã thế, không đọc sách người khác “đòi” tặng cũng có thể bị quy là mắc tội. Chẳng hạn như một lần cách đây hơn hai chục năm, (vẫn liên quan đến ông nhà thơ vứt sách tôi tặng) trong cuộc gặp gỡ các văn nghệ sỹ của lãnh đạo Hà Nội, một nhà văn đã ở tuổi gần đất xa trời, tóc bạc trắng, khi được mời phát biểu cảm tưởng, đã bật khóc tu tu trước hàng trăm đại biểu vì phát hiện ra rằng, cuốn sách ông kính cẩn đề tặng người mà ông kính trọng suốt hơn một năm vẫn không được ông ta nhòm tới, thậm chí ngay cả cái tên khi ông hỏi lại cũng không nhớ.
Cả hội trường hôm ấy tất nhiên là được một phen cười ồ lên. Nhưng ngay sau đó mỗi người bèn tự cảm thấy cám cảnh, tủi hổ cho cái nghề bạc bẽo của mình.
Những gì tôi vừa dẫn có lẽ chỉ là chuyện hy hữu (mong là vậy), còn nói chung, khi nhìn thấy đứa con tinh thần của mình bị ghẻ lạnh, bị hành hạ, đa số những người cha người mẹ của chúng đều không dám kêu ca, trách móc, mà tìm cách nhắm mắt làm ngơ, tìm mọi cách tự dối lòng mình là dù thế nào thì ở đâu đó nó vẫn được ai đó đón nhận bằng sự nâng niu. Rằng, ở đâu đó, nó đang khiến cho hàng ngàn người xúc động, thậm chí làm thay đổi cách nghĩ, cách sống của họ. Rằng ở đâu đó người ta đang nhắc tên tác giả bằng sự biết ơn và ngưỡng mộ lớn lao. Không thế, làm sao nhà văn có được vị trí quyền lực với xã hội đến vậy? Đi đường phạm lỗi, bị cảnh sát dừng xe đòi phạt, chỉ cần nói mình là nhà văn, giơ ra cái thẻ hội viên càng tốt, còn được nể tới tám chín phần mà chiếu cố tha bổng cơ mà! Ra chợ mua hàng, chỉ cần nói là nhà văn, có thể ghi sổ nợ bao giờ có thì trả.
Thôi thì tự huyễn một chút, hoang tưởng một chút cũng đem lại cái lợi là khiến mình dễ sống. Nói vui thì thế. Nghiêm túc ra thì thực sự nhà văn có quyền lực hay không và quyền lực đó thể hiện dưới hình thức nào?
Từ vài câu chuyện thê thảm mà tôi vừa kể, có vẻ như tôi đang cố làm nản lòng những người cầm bút, làm thui chột khát vọng của những người sắp dấn thân theo nghiệp chữ nghĩa với hy vọng đó là con đường vinh quang. Bạn nghĩ thế cũng được, nhưng đừng quên rằng tôi cũng đang thuộc số những người “vô tích sự” mà tôi đang kể về họ. Nhưng chưa bao giờ tôi bi quan, hoặc đòi hỏi mình phải được đối xử ra sao. Ngay cả điều chúng ta đang bàn luận là quyền lực của nhà văn, thì với tôi cũng hoàn toàn phụ thuộc vào chính lựa chọn của anh ta. Như những gì tôi nghiệm thấy từ thực tế và qua sách báo, qua lịch sử văn học thì nó là thế này: Nếu anh cứ viết như hàng trăm hàng ngàn người đã đang và sẽ viết về những điều vô thưởng vô phạt, nếu coi viết là đang thực hiện nhiệm vụ đã nhận với ai đó, với thế lực nào đó nhằm tới mục tiêu tán tụng họ theo đơn đặt hàng, nếu viết chỉ để mong được đoái xét bổng lộc, thì QUYỀN LỰC CỦA NHÀ VĂN LÀ ZERO, không cần bàn cãi.
Nhưng bạn hãy yên tâm khi chúng ta luôn có sẵn những tấm gương lớn về chuyện này, để không việc gì phải buồn chán với cái nghề bạc bẽo của mình. Chuyện tôi đọc đã lâu nhưng không thể quên về nhà văn Nga từ chối giải thưởng của Tổng thống-nhân danh nước Nga- khiến người quyền lực thứ hai thứ ba thế giới cảm thấy lúng túng, buồn tủi, chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện về quyền lực của nhà văn lớn đến mức nào một khi chính ông ta muốn. Hay như chuyện mới đây liên quan đến việc nhà văn Milan Kundera chiếu cố nhận lại quốc tịch Sec, sau khi chính phủ đương nhiệm bày tỏ sự hối lỗi thống thiết về hành động trục xuất ông trong quá khứ, chả lẽ không đáng để chúng ta, những người cầm bút, coi là sự tưởng thưởng thầm lặng, chậm trễ nhưng không bao giờ bỏ sót của Thượng Đế, cho những đứa con mà Ngài lựa chọn, làm cái công việc rất dễ trở thành kẻ vô tăm tích.