Lệ Thu là nhà thơ nữ hiếm hoi thời chống Mỹ đã khẳng định vị trí và cá tính sáng tạo của mình ngay từ những thi phẩm đầu tiên. Hoàn cảnh đất nước cắt chia, cuộc sống lớn của cách mạng và nhân dân cùng với khát khao sáng tạo đã giúp Lệ Thu nhanh chóng nhập cuộc và thao thức để biến hiện thực sống (réalité vécue) của mình thành năng lực sáng tạo dồi dào, tạo thành thế giới hình tượng đa dạng, lấp lánh lời giải đáp về những điều lớn lao, trọng đại đối với quê hương, đất nước và con người Việt Nam trong thời chiến. Và cả sau này, trong thời bình, chị luôn đổi mới thi ca trên cái nền ngôn ngữ và quan niệm thơ mà mình đã tâm huyết lựa chọn. Có thể nói, Lệ Thu là nhà thơ có phong cách sáng tạo riêng trong nền thơ hiện đại Việt Nam. Thiên tính nữ dạt dào cộng với những đam mê dâng hiến tình yêu cho cuộc sống đã định hình trong thơ Lệ Thu những phẩm tính nghệ thuật riêng: vừa có tính trữ tình sâu lắng vừa có tính thời sự - thời đại sâu sắc. Đó chính là tổng số thành thi ca và thi pháp rất đáng trân quý của Lệ Thu cho đến ngày nay.
Một đời người, một đời thơ không bình lặng, Lệ Thu đã thực sự sống hết ý nghĩa và giá trị, nói theo nghĩa nhân bản và văn hóa nhất của những từ này. Đến nay, chị đã có một sự nghiệp văn chương không nhỏ. Đó là ân huệ và phần thưởng mà cuộc sống và nhân dân trao tặng và làm động lực cho tâm hồn thi ca của chị.
Ở lứa tuổi 70, chị vẫn nhạy bén và hiện đại trong tư duy sáng tạo. Có thể kể những tác phẩm chính của Lệ Thu: Xứ sở loài chim yến (1980), Niềm vui cửa biển (1983), Hương gửi lại (1990), Nguyện cầu (1991), Chân dung tình yêu (1996), Khoảng trời thương nhớ (2000), Tri kỷ (2000), Đến với thơ Lệ Thu (2000), Mây trắng (2005), Tri âm của đất (2009)…
Minh chứng cho thành tựu thơ Lệ Thu là những Giải thưởng cao quý: Giải A Văn học nghệ thuật Đào Tấn - Xuân Diệu (tỉnh Bình Định) lần thứ 1 (1990-1995), lần thứ 2 (1996-2000), lần thứ 3 (2001-2005), lần thứ 4 (2006-2010), lần thứ 5 (2011 - 2015)
Từ tác phẩm đến giải thưởng là hành trình lao động, sáng tạo không mệt mỏi của Lệ Thu. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam là kết quả cống hiến của chị cho nền văn chương hiện đại Việt Nam, xứng đáng là nữ thi sĩ tài danh của quê hương “đất võ trời văn” mà chị đã chịu ảnh hưởng và nối tiếp hành trình nghệ thuật của mình từ các thi sĩ lừng danh Bình Định thời Thơ mới 1932-1945: Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan...
Lệ Thu được sinh ra và có tuổi thơ sống, học tập tại quê hương Bình Định không lâu. Năm 15 tuổi (1955), chị vinh dự được đi tập kết ra Bắc, học ở trường Học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, về làm phóng viên, biên tập viên tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1973, vào chiến trường B làm phóng viên Đài Phát thanh giải phóng thường trú tại Trung trung bộ. Năm 1975, trực tiếp tham gia giải phóng và tiếp quản thị xã Qui Nhơn, tỉnh Bình Định. Sau về công tác tại Sở Văn hóa thông tin, Hội Văn học nghệ thuật Nghĩa Bình. Trở thành Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Định trong nhiệm kỳ I ; là đại biểu Quốc hội khóa IX (1992-1997). Đó là hành trình sống và hành trình thơ gian nan và vinh dự, lặng lẽ và hiển minh, âu lo và hy vọng, bởi những gì chị có được đều do cuộc sống nội tâm và cuộc sống cách mạng tạo nên. Tâm hồn và thi ca của chị đã thuộc về nguồn cội của những chân lý vĩnh cửu ấy.
Là nữ thi sĩ có hành trình nghề nghiệp lâu dài và vững chắc, hẳn nhiên Lệ Thu đã xác định cho mình vị trí và quan niệm nghệ thuật riêng. Điều đó làm nên cá tính và phong cách sáng tạo của chị. Nghĩ về nghề, nghĩ về vai trò của thi sĩ, Lệ Thu đã gan ruột và nhất quán trong ý hướng và quan niệm. Chúng phóng chiếu vào thơ chị thành những phóng thể tinh thần và thi ca đa dạng, mới mẻ có giá trị nhận thức và giá trị nghệ thuật sáng rõ. Lệ Thu luôn tâm niệm và xác tín về nghề một cách chân thành: “Gian nan và cực nhọc nhưng rất hạnh phúc khi được cầm bút gửi gắm nỗi lòng mình lên trang giấy. Những giây phút sống thực được nhà văn cảm nhận và lưu giữ trong ký ức như con trai ngậm ngọc để kết tinh, thai nghén thành tác phẩm văn chương. Chạy theo “cái mới” của thiên hạ không bằng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh độc đáo của chính mình. Tôi tin vào lời đúc kết của tiền nhân: “Văn là người”. Bởi vậy, tôi luôn tự nhủ: Phải biết làm Người trước lúc làm Thơ”. (Hội nhà văn Việt Nam, Nhà văn hiện đại Việt Nam, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2010).
Cũng cùng tư tưởng ấy, Lệ Thu đã nghĩ về đạo đức của người nghệ sĩ. Nhà thơ, trước hết, phải là nhà mỹ học và đạo đức học, sau đó mới là nhà tư tưởng và nhà nghệ thuật: “Nhà văn phải sống có nhân cách thì mới nói được những điều đúng đắn khách quan… Thông qua tác phẩm tốt, giàu tính nhân đạo, người đọc hiểu được cơ bản phẩm chất của nhà văn. Văn chương mà độc ác thì lòng người cũng khó nhân từ bác ái lắm! Ngược lại, văn chương đẹp đẽ cao vời mà cuộc sống thực của tác giả quá tầm thường tồi tệ, thì lại là sự dối trá với chính mình” (Nhiều tác giả - Đến với thơ Lệ Thu, Nxb Thanh Niên, tr.25). Từ hệ quy chiếu ấy, Lệ Thu thường tuyên ngôn nghệ thuật bằng thơ rất súc tích, tâm huyết và nhân hậu.
Câu thơ hay không bảo lãnh được hành vi
Nếu hành vi đó có chút gì khuất tất
Chỉ có thể đem giá trị mình có thật
Thế chấp cho đời để nhận được câu thơ
(Thế chấp)
Quan niệm nghệ thuật của Lệ Thu rất gần với quan niệm của nhà thơ lớn Chế Lan Viên: “Thơ cần có ích - Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi”. Lệ Thu luôn xác tín rằng thơ phải nói về những thực tế ở đời, đừng xa cách, viển vông, hãy nói nỗi buồn và niềm vui có thật của lòng mình và của chung quanh. Và đặc biệt là nhà thơ phải biết hy sinh và nhân ái: “Phải biết làm người trước lúc làm thơ/ Phải biết nhận về mình phần chát chua cay đắng/Để vị ngọt cuộc đời còn đọng ở câu thơ” (Tự nhủ) để thơ mãi hiến dâng, chứ “thơ không làm hành khất”.
Với Lệ Thu, thơ phải là thông điệp với nhân gian những ngọt nào, tri âm, tri kỷ từ trái tim yêu thương và khát khao dâng hiến của nhà thơ: “Khi mặt trời lặn sau địa cầu / Xin thơ hãy làm trăng/ Làm giọt sương đêm cho hoa ủ mật” (Tự nhủ). Lệ Thu luôn tự vấn với chính mình về những điều hằng cửu có liên quan đến phẩm tính thi sĩ và sứ mệnh văn chương: “Nhà thơ, dẫu cho cuộc đời riêng có bị vùi dập nặng nề và nghiệt ngã đến đâu thì thơ văn vẫn phải nhân từ, độ lượng, bởi nó phải làm cái phao cứu sinh cho niềm tin của nhân thế, là tri âm, tri kỷ của mọi kiếp người” (Hội Nhà Văn Việt Nam - Nhà văn VN hiện đại – Hà Nôi 1997) Lệ Thu đã sống hết cái tôi nghệ sĩ của mình để sống hết cái ta nhân hậu của cuộc đời
Với những quan niệm nền tảng sáng rõ như trên, Lệ Thu đã dành trọn trái tim thơ của mình cho tình yêu và cuộc sống với bao cung bậc trữ tình, nhân hậu. Thơ chị luôn gắn với những bước đi lớn của lịch sử cũng như những vui buồn ơn nghĩa quanh đời mà chị với tư cách là chứng nhân và là người nhập vai nồng nhiệt.
Chị có tuổi thơ trong veo ở quê hương, nhưng chưa kịp sống hết những kỷ niệm ấu thơ về nơi chôn nhau cắt rốn, thì chị lại phải từ giã mẹ, từ giã quê hương để lên đường ra Bắc. Những lưu luyến, nhớ thương sâu nặng ấy sớm đi vào thơ chị như những vết khắc của tình cảm thiêng liêng với quê hương và người thân, để chúng trở thành những day dứt tâm hồn và nghệ thuật: “ Một mai ai chớ bỏ ai/ chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim / Tiếng ru tan trong nhịp võng êm đềm/ Đọng lại hồn con nỗi nhớ (Nỗi nhớ -Trường ca Quê hương)
Nỗi nhớ trong thơ Lệ Thu cụ thể và xúc động, bởi nó có khả năng đánh thức những gì thiêng liêng và nhân hậu nhất về tình đời và kiếp người trong từng tâm trạng và hoàn cảnh riêng:
“Dẫu mai sau đời tràn ngập ánh ngày/ Màu trắng ấy trong lòng ta vẫn sáng/ Ơi chiếc khăn đêm nay trên màu tóc bạn/ sẽ soi tôi đi trọn cuộc đời (Chiếc khăn tay màu trắng)
Thơ Lệ Thu bao giờ cũng chân thành, xuất phát từ những rung động thực sự trước hiện thực cuộc sống và con người cụ thể. Chị cảm nhận, rung động và thể hiện thành thơ với hệ thống ngôn từ chắt lọc, tinh tế và giàu tính giãi bày, tâm sự; càng về sau càng triết lý, chiêm cảm. Vì vậy, bên sau hình tượng và ngôn từ, bao giờ tình cảm và suy nghĩ của chị cũng hiện lên sâu sắc và gần gũi. Viết cho con ngày xa cách vào chiến trường, chị như thấy được cái giá trị hạnh phúc dành cho con ở ngày mai: “Khi lịch sử sang trang con vẫn nhìn thấy mẹ/ Khi Tổ quốc gọi tên từng thế hệ / Trong vinh quang, con không phải cúi đầu”. (Viết cho con)
Tấm lòng người mẹ trong thơ Lệ Thu luôn dạt dào, tha thiết. Chị theo dõi con mình trong từng chặng lớn khôn và những chông gai đang bày ra trên con đường đi của cả một thế hệ trẻ mà chị hết mực yêu thương, vừa lo âu day dứt :
Má vẫn thầm ước mong
Những người bạn tốt đừng qua đời
Và kẻ xấu bớt sinh ra
Để đường con dẫu chưa nhiều hoa
Cũng đừng nhiều gai gốc…
(Năm mười tám tuổi của con)
“Cuộc sống sau chiến tranh với bao biến đổi đã để lại trong thơ chị những tâm tình, suy tưởng về tình yêu, về nhân thế và thời cuộc… Thơ chị mãnh liệt, tin yêu, nhiều “lửa” nhưng cũng tinh tế, lãng mạn, đằm sâu. Đã từng làm đại biểu Quốc hội, tham gia “quốc sự”, nhưng chị vẫn không thôi là một người phụ nữ với bao đa mang, bao đau khổ và hy vọng bình dị giữa cuộc đời - cuộc đời mà chị đã cống hiến hết mình cho nó” ( Hồn Việt)
Thơ Lệ Thu từ những năm kháng chiến trải dài đến thời hậu chiến vẫn tiếp nối mạch trữ tình đời tư, thế sự và công dân nồng nhiệt ấy, nhưng có sự loại trừ , quy giảm những yếu tố không còn phù hợp với thời cuộc nữa, để thay vào đó những cảm xúc mới, những chiêm nghiệm mới do hằng số cuộc sống, tâm lý và thi ca đã khác trước. Chất thơ chị vẫn ngọt ngào, sâu lắng nhưng giờ đây chị chú trọng vào chiều sâu của cảm xúc và hình tượng để khám phá, phát hiện bản chất của hiện thực mới, qua đó, chị thể hiện năng lực quan sát, khái quát và tư duy trữ tình - biện lý của mình. Cuối cùng là sự phát hiện những tứ thơ sâu sắc, giàu triết lý. “Hơi ngượng ngùng trước một lời khen/ thoáng ngơ ngác trước điều phản trắc/ thuộc lịch sử cha ông để tin yêu và đánh giặc/ Nhớ rõ ngừơi giúp mình để trả nghĩa, đền ơn” (Điềm đạm Việt Nam)
Phút biết anh là phút gặp mắt anh nhìn
Phút hiểu anh cũng là phút ấy
Vì giếng quá trong nên dễ nhìn thấy đáy
Vì mắt quá trong nên mắt nói rất nhiều
Em chẳng dám nhìn nhiều - đôi mắt ấy
Đừng hỏi em không nhìn sao thấy
Cho em hỏi một lời: Sao anh cứ nhìn em?
(Lời của mắt)
Bám vào những non tơ của cuộc sống để phát giác sự vật, và con người ở bề sâu, góc khuất của chính chúng, từ đó, thơ sẽ ngân lên những âm thanh dịu ngọt, bao dung.
Cầu mong anh mãi là anh
Cầu mong trái ngọt, cây lành vườn yêu
Cầu mong muôn vạn buổi chiều
Đừng rơi nước mắt bởi điều bâng quơ
(Nguyện cầu)
Quan niệm thơ của Lệ Thu cũng có sự phát triển trên cái nền tư tưởng mà chị đã xác định từ trong kháng chiến, nhưng giờ đây, có chiều sâu tư tưởng hơn, bởi chị có nhu cầu quay về trò chuyện với trái tim mình, tức chị có nhu cầu từ hướng ngoại trở về với hướng nội, khi ấy, mình mới thật là mình, trước khi có nhu cầu tâm sự và thao thức về tha nhân: “Ta sinh ra vốn là chiếc lá/ Xanh hết mình cho tất cả tháng năm xanh/ Lúc tàn úa (ta biết rằng không thể khác) Dòng nhựa cạn khô và ta sẽ lìa cành”. Và sự sống sẽ là chất liệu hồn nhiên và tươi non nhất mà thơ chắt chiu từng chữ để thông điệp đến con người.
Chiếc lá một ngày kia rơi xuống đất
Bao nắng mưa ủ mục dưới chân người
Ta thanh thản lẫn vào cùng vạn vật
Dâng chút mỡ màu cho sự sống sinh sôi.
(Chiếc lá)
Đó chính là những trăn trở để chống lại sự chai lỳ hóa cảm xúc thi ca. Chị biết tự thức tỉnh mình bằng những đối sánh với đời tư - thế sự để định hướng hành vi đạo đức. Nhìn loài mai chiếu thủy, chị nghĩ về nghĩa lý và giá trị của đời người “Không như muôn thuở lẽ thường/ nhởn nhơ khoe sắc, hướng dương phô mình/ Thăng trầm lòng vẫn lặng thinh/ Thản nhiên dưới lá, dấu mình sau cây” (Mai chiếu thủy).
Nghĩ về mẹ, giờ đây thơ chị càng đằm sâu hơn, bởi điểm tựa của suy tưởng đã có thêm kinh nghiệm của khách thể hỗ trợ, có thêm sự so sánh tương đồng để nhận thức và đúc kết:“Chênh vênh vách đá ngàn khơi/Mẹ xây tổ giữa một trời sóng chao / Cho con biết tự dạt dào/ Hiên ngang từ phút ban đầu - loài chim - À ơi… đôi cánh non mềm / Ngủ đi hãy ngủ bình yên - ngoan nào - Ngủ trong tiếng biển rì rào...” (Lời ru chim yến). Hình ảnh mẹ nhiều lần hiện hữu trong thơ chính là sự thức nhận về thời gian và sự hiện sinh không chỉ của chính mẹ mà còn chính là của mọi kiếp người trong hành trình sống và khát vọng
Và cao hơn chính là tầm khái quát có tính chân lý vĩnh hằng về dáng đứng Việt Nam qua chân dung người mẹ.
Dẫu dòng sông bên lở bên bồi
Nước vẫn chảy giữa đôi bờ che chở
Sau đám mây đen là mặt trời rực rỡ
Ta hiểu bạn, hiểu thù, ta hiểu lòng ta
Đau tột cùng không thốt tiếng rên la
Trước hạnh phúc bỗng thấy lòng bối rối
Xót cô Kiều tấm thân chìm nổi
Thươngđất nước mình phải chịu lắm phong ba
(Điềm đạm Việt Nam)
Mạch thơ trữ tình đời tư và thế sự của Lệ Thu bao giờ cũng điềm đạm và nâng lên tầm nhận thức biện chứng. Chị chưa bao giờ dễ dãi với chính mình và thi ca. Những lời tự thoai, tự vấn cứ vang lên day dứt đầy hình tượng và ám ảnh:
Biển âm thầm dữ dội. Biển bao dung
Cứ trong trẻo đến cồn cào nỗi nhớ
Sau bão táp, dịu dàng cơn sóng vỗ
Bãi êm đềm rạng rỡ đón triều lên
Dẫu cơn sóng sẽ lui về xa thẳm
Ngấn cát mịn rưng rưng bờ muối mặn
Đứng trông vời như một giấc chiêm bao!
(Thủy triều)
Nếu những cây bút nữ trưởng thành sau 1975 cố gắng thể hiện mình bằng tiếng nói trẻ trung, có phần làm dáng và “tự sắm vai” ưu tư trước tuổi, thì Lệ Thu lại điềm tĩnh, thâm trầm sâu sắc và triết lý hơn theo trải nghiệm của riêng mình. Thơ chị không lẫn vào ai. Chị hướng về mình, sau đó nhìn ra tha nhân tạo nên những kiến trúc mở của tâm hồn và thơ ca. Chất triết lý trong thơ Lệ Thu thường là nỗi buồn đau gan ruột và đã chín thành cảm xúc : “Lửa cháy đượm không gây tàn muội khói/ đắng tận cùng là vị ngọt cao sang”. Để rồi “Không điều kiện, không chút gì thắc mắc/ Nhận về mình tất cả nỗi đau thương/ Khi tuổi trẻ đi qua cùng nhan sắc/ Hoa cuối mùa xin gửi lại nguồn hương”. Cuối cùng, sự cứu rỗi cuộc sống vẫn là lòng nhân ái, bao dung mà chị nhận về mình và nói hộ cho bao người khác.
Muốn giữ mãi trong lòng mình im lặng
Để người đi như một khách qua đường
Chỉ e ngại trên dặm dài trưa nắng
Anh cháy lòng không thấy suối yêu thương
(Hương gửi lại)
Cuộc đời không phẳng lặng nên không thể nào níu giữ thời gian, cũng như không thể nào biển thôi bão tố, đời thôi sóng gió. Cho nên mây trắng trên đầu ta luôn nhắc trái tim thơ:
Gửi hạnh phúc vào ngân hàng mùa Xuân
gửi tình yêu vào mặt trời mùa Hạ
một chút hồng của hoa
một chút xanh của lá
thấm thoắt đời ta
mây trắng bạt ngàn
(Mây trắng)
Tứ thơ và hồn thơ Lệ Thu thường vang ngân trong giai điệu và điệp khúc có phần xót xa nhưng tin yêu vào cuộc sống và dâng hiến đến cùng:
Củi đã cháy cho đời ngọn lửa
Phận mình đen nhẻm hòn than
Than lại cháy cho đời hơi ấm
Hóa thân mây trắng dịu dàng
(Ngày của đời người)
Bởi vì yêu thương con người và cuộc sống bằng sự rung động thật sự của trái tim mình nên tình yêu không giả tạo: “Làng ven sông,làng yêu thương/ đêm trăng bên cầu gió lộng/ Gò Bồi quê hương nước măm/mặn mà cho ai, vì ai…” (Làng ven sông)
Thơ viết về bạn bè và kỷ niệm của Lệ Thu bao giờ cũng ân tình, xúc động thông qua những chi tiết gần gũi nhưng giàu sắc thái biểu cảm. Năm tháng đã qua - năm tháng đang về là bài thơ hay nằm trong mạch suy tư thâm trầm, triết lý này của Lệ Thu.
Ôi đất nước cái ngày xong giông bão
Nắng mênh mông trong mắt chúng tôi cười
Mái tóc bớt xanh, da bớt thắm - nửa đời
Người con gái trở về làm mẹ
Người con gái trở về băng vết thương đau xé
Giữa mặt trận đời thường
viên đạn núp sau tim
(Năm tháng đã qua – năm tháng đang về)
Trong mạch thơ hồi ức và đồng hiện này, Lệ Thu muốn làm sống lại những gì cao đẹp buổi nguyên sơ. Ở đó, sự hồn nhiên, tình người thánh thiện sẽ có khả năng phục sinh những tốt đẹp, tránh được những đam mê, cạm bẫy, lọc lừa.
Có một ngọn đèn giữa đồng quạnh gió chao
Em ráng giữ qua đêm dài khỏi tắt
Có một trái tim như ngọn đèn lay lắt
Xin chắn giùm một phía gió, nơi anh
(Gió)
Thơ Việt Nam sau 1975 có nhu cầu cấp bách quay về tìm hiểu chính bản thân con người cá nhân với những khám phá mới mẻ, như cách cân bằng cho một thời gian dài thơ dành cho cảm hứng sử thi, hoành tráng. Với Lệ Thu, nhu cầu này càng cấp thiết, qua đó, chị có dịp đánh thức những những kinh nghiệm quan hệ cá nhân của mình bằng tiếng nói nghệ thuật bất ngờ và mới mẻ. Các thi phẩm Tri kỷ, Mây trắng và Tri âm của đất chính là nhu cầu ấy của chị trong từng bước ngoặt chuyển mình của đời sống và nhu cầu được sống hết cái tôi thi sĩ của mình, trước khi nhìn ra tha nhân. Nhiều bài thơ hay, tứ thơ hay được Lệ Thu triển khai và khái quát thành những hình tượng có tính triết nghiệm bất ngờ. Đó là bước tổng hợp thi ca mới từ “Xứ sở loài chim yến”, “ Niềm vui cửa biển”, “Hương gửi lại”, “Nguyện cầu”, “Chân dung tình yêu”, nhưng giờ đây lung linh hơn, trải nghiệm hơn.
Có thể xong rồi, có thể lặng im
Nhưng nhức nhối đến tận cùng nhịp thở
Năm tháng đã qua chưa lúc nào run sợ
Sao năm tháng đang về day dứt thế bạn ơi!
(Năm tháng đã qua - năm tháng đang về)
Lệ Thu luôn nhìn thế sự và cá nhân với cái nhìn xoáy sâu và nghi vấn để truy tìm bản chất đích thực của tình yêu, tình đời một cách văn hóa. Sự lựa chọn hành vi đạo đức của mỗi cá nhân luôn gắn với đời tư và thế sự, để qua đó, nhà thơ nhận ra chân lý của cuộc sống.
Chúng ta đổi hạnh phúc, tuổi xuân
để có một chân trời
Chân trời ấy ai có quyền che khuất
Dù cuộc sống hôm nay có muôn vàn tủi cực
Bữa cơm chưa no, tấm áo chưa lành
Bầu trời kia ai bảo hết màu xanh
(Một thời ta sống)
Muốn mọi giả trá, đớn hèn phải bị tử thương trên hành trình đi tìm chân - thiện - mỹ, nhưng thật khó: “Biết làm sao để cất nổi một lời/ Bắn một phát/ Cho thói đê hèn kia gục chết” (Năm tháng đã qua-năm tháng đang về). Dù sao chị vẫn tin vào sự chiến thắng của điều thiện đối với cái ác: “Nhưng dù cơn bão nhân tâm toan phả bằng sử sách - Thì vàng vẫn là vàng - Không thể nào đổi khác” (Giã từ chim báo bão).
Như vậy, xuất phát từ nhu cầu đối diện với chính mình, Lệ Thu buộc phải nhìn nhận và phát hiện vấn đề trong từng mối quan hệ cụ thể; sau đó, bình tĩnh và dũng cảm tự bạch những vui buồn vui, cơ cực của chính mình và san sẻ với chung quanh: “Đường trần thăm thẳm ngút xa/ chông gai lớp, quỉ ma trùng trùng/ Con thuyền bé nhỏ riêng – chung/ Buông neo vũng xoáy, xuôi cùng lạch nông/ Tình thì gặt những bão giông/ Thơ thì gieo những cánh đồng bỏ quên…”( Là tôi).
Chị đã nhận ra hai sự thật (Sân khấu - Cuộc đời) tác động lẫn nhau mà con người cần phải tự mình lựa chọn để ứng xử hợp quy luật: “Sống khác bản thân/ Trên sân khấu hóa thiên tài / Đóng kịch giữa đời thường/ Dẫu tinh vi / Cũng không thể nào dấu được / Bởi cuộc đời tính năm / Sân khấu thì tính phút/ Khán giả một đêm/Bè bạn cả một đời” Sân khấu và cuộc đời đều là sự sống, nhưng là hai hệ quả chân lý khác nhau.
Không ngừng âu lo, trăn trở, có lúc không khỏi rơi vào trạng thái “bất lực” trước nhân tình thế thái: “Tôi đem tất cả vàng mười/ Đặt lên canh bạc cuộc đời. Và thua” (Vần thơ Thị Kính). Nhưng rồi đời người, ai cũng phải đi hết vòng “trầm luân trần gian” mà mỗi phận người phải gánh chịu. Nhưng nhà thơ tự an ủi “rồi cũng qua đi tất cả”. Và điều còn lại là sự thanh thản sau khi đã dũng cảm chấp nhận mọi thử thách để trả những món nợ của lòng mình:
Nợ trần gian đắng cay - tôi đã trả
Trái tim thương khép lại cánh ưu phiền
…
Nợ trần gian nhọc nhằn - tôi đã trả
Trái tim thơ thanh thản bước qua cầu
(Chúc thư)
Trong mảng thơ đời tư, Lệ Thu khai thác đến tận cùng chính nội tâm mình để những vui buồn ân nghĩa được gọi tên. Chị sử dụng cặp phạm trù không gian và thời gian như một triết thuyết “Mầm xanh bao hạt nở ra/ mỏi mòn bao lá úa già lìa cây/ tình yêu một thuở tròn đầy/ nhớ thương thương nhớ hao gầy một thân/ biết rằng trái đất xoay vần/ thắt lòng ai đã một lần biệt ly”
Không gian và thời gian có lẽ cũng là cách tốt nhất để đối chiếu, so sánh những quan hệ nhân sinh và lịch sử:
Nhân loại ra đi từ mọi chân trời
Và gặp nhau nơi giấc mơ hạnh phúc
Lịch sử không lặp lại lần thứ hai
Khổ đau ơi, xin đừng điệp khúc
(Đối thoại miền cổ tháp)
Triết lý về thời gian,về tình yêu trong thơ Lệ Thu mang tính chiêm nghiệm, nhưng không phải một chiều mà thường là đa dạng với những đối lập giữa có và không, giữa hiện hữu và hư vô, giữa hiện tại và tương lai, giữa khoảnh khắc và vĩnh hằng, giữa nhớ và quên…
Tôi trong giàu sang - trong khổ nghèo lận đận
Trong vinh quang - trong thất bại ê chề
Tim vẫn đập như ngọn đèn kiên nhẫn
Giữa đêm trường soi tỏ bến si mê
(Tạ từ)
Ám ảnh tan vỡ và không bình yên luôn xuất hiện trong thơ Lệ Thu như là những dự cảm và khắc khoải có tính bản thể của thời hiện đại:
Ở đâu Địa ngục - Thiên đường
Ta riêng hạt bụi về nương luống cày
Hát lời muối mặn gừng cay
Ngàn năm vẫn với đất này… tri âm
(Tri âm của đất)
Thơ Lệ Thu có nhiều khoảng lặng, khoảng trống sau văn bản, ngoài câu chữ, bởi chị thường triết lý thông qua các biện pháp tu từ đặc trưng, mới mẻ. Những tiêu đề bài thơ thường có sự đúc kết thành những nội dung có tính chân lý sâu sắc. Ví như Thế chấp, Điềm đạm Việt Nam, Tri kỷ, Tri âm của đất, Sân khấu - Cuộc đời, Thông điệp, Ký thác, Hương gửi lại,Chúc thư…là những bài thơ có tính triết mỹ như thế. Những thông điệp mà Lệ Thu chuyển đến người đọc bao giờ cũng qua kiểm nghiệm từ thực tiễn cá nhân và chung quanh. Chị sống hết nghĩa ân với cuộc đời và chị cũng sẵn sàng đón nhận cả hồng phúc lẫn bi ai từ cuộc đời đem lại. Tuổi trẻ không bình yên thời chiến, chị đã dâng hiến cho quê hương đất nước; giờ trong thời bình, chị bình tĩnh nhận ra bài học làm người: “Dẫu một mình chói chang/Dẫu một mình tàn lụi/Trái tim không bóng tối/ Chẳng khi nào cô đơn” (Một mình)
Chính vì vậy mà dù viết về chủ đề nào, thơ Lệ Thu vẫn vang lên thông điệp yêu thương và dâng hiến. Chị liên hệ, đối sánh với lịch sử, văn hóa và những danh nhân cụ thể trong quá khứ để tự nâng mình lên tầm thức nhận đồng hành cùng hiện tại. Chị tái hiện hình tượng quê hương, đất nước, các nhà văn hóa, nhà thơ lớn với sự ngưỡng mộ và khẳng định những kết tinh nghệ thuật và tư tưởng của họ để trở thành di sản dân tộc. Những bài thơ của Lệ Thu về các đối tượng này đều hay, đúc kết thành tư tưởng và triết mỹ sâu sắc, làm hiện lên “lượng thông tin tâm hồn” mới mẻ theo tầm đón nhận hiện đại. Thơ về tình mẹ con, tình bạn của Lệ Thu cũng được phóng chiếu hài hòa từ tư duy trữ tình và biện lý ấy nên thõa mãn nhận thức thẩm mỹ cho người đọc. Đó là cái tôi trữ tình tự soi tỏ, tự biểu hiện say mê. Tứ thơ hay và sức liên tưởng mới lạ trong thơ Lệ Thu cũng từ đó hình thành.
Chị không chủ trương chạy theo mode, làm dáng và lai căng… đánh mất bản ngã thơ của mình. Vốn sống, vốn học vấn và vốn tri thức nghệ thuật đã giúp chị bền bỉ với thi ca mà không sợ đuối sức và không sợ lặp lại chính mình. Thơ Lệ Thu càng về sau càng lặng lẽ, suy tư và chắt lọc. Chị tự lắng nghe nhịp tim sinh nở của mình trong nhịp đời cuộn trôi thao thiết; qua đó, thể hiện được sức sống tươi non trong từng giọt hồng cầu thi sĩ. Thơ Lệ Thu luôn đổi mới trên cái nền truyền thống vững chắc mà chị đã lựa chọn ngay từ những ngày đầu vào nghiệp bút. Chị có vốn thi pháp vững chắc riêng nên đã làm chủ thể loại, làm chủ ngôn ngữ một cách nghệ thuật. Thơ chị thể hiện tính chỉnh thể chặt chẽ. Ngôn ngữ thơ luôn thể hiện “tính thi ca” mới mẻ và linh hoạt như R. Jakobson yêu cầu đối với các nhà thơ lớn. Vần điệu, tiết tấu cũng như các biện pháp tu từ trong thơ Lệ Thu đa dạng và giàu hàm ngôn. Sự hòa quyện giữa ngôn từ, hình tượng và tư tưởng đã tạo thành chất thơ trữ tình - triết lý, kết hợp nhuần nhị giữa cảm xúc và trí tuệ, được đặt trong những thể loại và cấu trúc sở trường. Thơ chị thường được gieo vần gián cách, vần cổ truyền hoặc vần liên tiếp, có khi biến ảo, đan xen nhiều loại vần trong một bài thơ đã làm cho nhịp điệu và giọng điệu thơ Lệ Thu gần với Thơ Mới 1930 - 1945, nhưng có phá cách và linh hoạt để phù hợp với tình cảm và tâm trạng của chủ thể và của chính nhà thơ. Sự tuân thủ thi pháp ngữ điệu của tiếng Việt khiến thơ chị luôn hài hòa, giàu nhạc tính, dễ cảm hóa lòng người.