Báo Tiền Phong ngày 23/2 có bài “Nguyễn Duy nịnh vợ” tản mạn về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ gốc Thanh Hóa. Thời buổi này, tôn vinh nhà thơ thì quá tốt. Thế nhưng, khẳng định Nguyễn Duy là “nhà thơ duy nhất ở Việt Nam dành hẳn một tập thơ tặng vợ” thì hoàn toàn không chính xác. Thơ Nguyễn Duy viết về vợ, chỉ thấy cái tếu táo của Nguyễn Duy mà không thấy vợ đâu. Ở Việt Nam, ít nhất có hai nhà thơ viết về vợ nhiều hơn Nguyễn Duy, in thơ về vợ ấn tượng hơn Nguyễn Duy, là Trần Mạnh Hảo (tiêu biểu là tập “Giáng Tiên”) và Đặng Hấn (tiêu biểu là tập “Thơ tình tặng vợ”)!
NGUYỄN DUY NỊNH VỢ
HẠNH ĐỖ
Tròn 25 năm tập thơ “Vợ ơi” của ông được NXB Phụ Nữ tái bản, các thanh niên lại ồ lên tạo trend với những trích đoạn cũ: “Khi trong túi có mấy đồng ngọ nguậy/ ta chạy rông như gì nhỉ - quên đời/ lúc xơ xác bờm xơm từng sợi tóc/ đói lả mò về/ cơm đâu/ vợ ơi”!
Tình của tôi cứ toàn “vu vơ vớ vẩn”
Tôi từng có dịp đi biên giới cùng Nguyễn Duy, về thăm lại chiến trường xưa, nơi ông từng tham chiến và khởi phát những câu thơ: “AQ túm tóc Chí Phèo/ Để hai bác lính nhà nghèo cùng thua”. Dịp đó đúng vào ngày 17/2, Nguyễn Duy kể, năm 1989 ông đã về thăm lại Lạng Sơn: “Lúc đó trên đống đổ nát của chợ Kỳ Lừa, cửu vạn của Việt Nam bắt đầu chở nông thổ sản của Việt Nam qua biên giới, và cửu vạn Trung Quốc chở bia Vạn Lực sang Việt Nam. Giữa trưa, anh cửu vạn người Việt và anh cửu vạn người Hoa ngồi uống bia Vạn Lực cùng nhau say la đà ở chợ Kỳ Lừa. Tôi chạnh nghĩ, giá như mười năm trước không xảy ra cuộc chiến ấy, tất cả ngồi uống bia say la đà với nhau như thế này thì cuộc đời đã tươi đẹp biết bao nhiêu”.
Tối hôm ấy, như thường lệ, ông đọc thơ tình. Nguyễn Duy bây giờ nhiều bệnh, đi phải chống gậy, thơ mình câu nhớ câu quên. Rất ngạc nhiên, trong số bạn bè cùng chuyến đi có một bác sĩ quân y mê thơ ông, đoạn nào quên, Nguyễn Duy nhờ bác sĩ đọc hộ.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên bảo tôi, khi nào vào Sài Gòn cô phải gặp một người tên là Trần Đăng Khoa, tay này vô cùng đặc biệt, thuộc thơ Nguyễn Duy không sót câu nào!
Nói về thơ tình của mình, Nguyễn Duy bảo, “thơ tình thế hệ tôi nó hỏng lắm. Cứ vu vơ vớ vẩn cả thôi, không như các bạn bây giờ: “các em yêu thế ấy đấy à, trăm phần trăm là trăm phần trăm”. Rồi ông kể, cái đận về Thái Bình làm nền chèo cho vở múa “Hạn hán và cơn mưa” của Ea Sola, ông ở với những diễn viên nông dân tròn 3 tháng. “Chúng tôi ở trong trường Đảng huyện Quỳnh Phụ, lúc đó dùng cho đội thợ cắt may thuê. Biết tôi là nhà thơ, các cháu thanh niên đến xin mượn tập thơ của tôi để đọc. Tôi mang cho mượn, chúng nó đọc nhoắng cái xong rồi bảo nhau: thơ tình của lính nó khô lắm chúng mày ạ, chả có gì”!
Chính ông tự tổng kết: phần lớn tình yêu của lính già là tình yêu quan họ lảng bảng trên mây trên gió, không thực tế. “Sông Thao” là như thế, “Đà Lạt một lần trăng” cũng là như thế, toàn “dùng dằng” với “ấp úng sôi” chả được tích sự gì cả!
Nhà thơ duy nhất ở Việt Nam dành hẳn một tập thơ tặng vợ
Năm 1995, khi NXB Phụ Nữ lần đầu tiên in “Vợ ơi” có người đã “chê” Nguyễn Duy: nịnh vợ quá, nịnh không chịu được! Sau đó, ông trả lời thế này: “Viết thơ cho vợ, việc đầu tiên phải thật. Không phải “nịnh” đâu, mà là giãi bày tình cảm thật của một thằng lính lang thang khắp các chiến trường… Nghĩ lại người vợ mình ở nhà vất vả, nào con cái, ốm đau, một mình chèo chống hết, thấy mình công ít, tội nhiều. Phàm cái gì “nịnh” là không thể hay, vì nó có cái gì trí trá ở trong ấy. Ngày xưa biết bao nhiêu người nịnh vua mà rồi có còn lại bài thơ nào đâu”.
Nhân vật chính trong cả tập thơ “Vợ ơi” của Nguyễn Duy là bà Bùi Thị Hào, người đồng cam cộng khổ cùng tác giả “Hơi ấm ổ rơm” suốt quãng thời gian ông là nhà thơ, là người lính, và cả là “doanh nhân”. Bà Hào mất vào năm ngoái. Bạn bè ông bảo, sau một năm tang con, đến tang vợ, Nguyễn Duy yếu nhiều.
Vì gia đình, có những đoạn thời gian Nguyễn Duy “rũ bùn đứng dậy bon chen thương trường”. Để trả nợ nần, ông tự mình làm lịch thơ. Không có vốn để thuê người, Nguyễn Duy làm lịch dựa trên cơ sở những gì mình có: chiếc máy ảnh cũ, đồ dùng cũ nhặt nhạnh từ khắp nơi. Vào mùa lịch, cả gia đình tập trung mọi nguồn lực sản xuất: Nguyễn Duy làm thơ kiêm thợ chụp ảnh, con làm thiết kế, vợ theo dõi sổ sách kế toán… Khi lịch thơ có lãi, bạn bè muốn giúp một tay để nâng ý tưởng lên, nhưng ông từ chối với lý do: Tạng thơ lục bát của mình mà kỹ thuật, hiện đại quá e hỏng cái chân chất, cái thần hồn. “Làm lấy có thể vụng về, ngây ngô, nhưng nó hồn nhiên. Tôi không thích kỹ thuật photoshop lấn át hết cái hồn nhiên, tươi thắm, chân thực của những hình ảnh thật. Tôi sợ sự sạch sẽ đến mức vô trùng, vô cảm. Ngay cả chữ tôi cũng thảo bằng tay, như một chất liệu hội họa”.
Toàn bộ sáng tác trong tập “Vợ ơi” được Nguyễn Duy viết rải rác trong nhiều năm. Nhà phê bình Chu Văn Sơn sinh thời đánh giá: “Việc này ở ta xem ra là độc nhất vô nhị. Vì cảm hứng về người yêu thì vô tận, cảm hứng về vợ lại dễ... cùng tận. Người ta vẫn kháo nhau rằng thơ cho vợ chỉ có độc một loại thôi: ấy là "thơ...vẹo". Nghĩa là "theo vợ" ấy mà ! Nhưng Duy không thế. Thơ về vợ của Duy gợi ta nhớ đến Tú Xương. Cũng thương rát lòng, cũng đau thắt ruột, cũng cười ra nước mắt”.
Hát xẩm ở Mỹ
Nhạc sĩ Trần Tiến, một trong những bạn bè thân thiết của Nguyễn Duy tiết lộ: “Anh Duy sở dĩ được nhiều cô mê vì không chỉ làm thơ hay, ông này còn hát xẩm rất tình”. Để chứng minh lời nói của Trần Tiến, nhà báo Nguyễn Thế Thanh kể với tôi: “Chuyến ấy tôi với Nguyễn Duy đi Mỹ, ở Boston. Buổi tối, mấy anh em rủ nhau ra khu Đại học Harvard ngồi tán gẫu. Anh Duy bảo, uống bia mãi cũng chán, Thanh ra cầm cái mũ để anh hát xẩm. Rồi anh ngồi hát ở vỉa hè, sinh viên đi qua vô cùng ngạc nhiên. Kết thúc cuộc biểu diễn, trong cái mũ có hẳn 100 usd cát-xê. Anh Duy hỏi, chừng ấy đủ trả tiền bia không? Anh Nguyễn Bá Chung bảo, bia tao trả rồi, đó là cát-xê của Duy”.
Không chỉ xẩm, Nguyễn Duy có thể hát quan họ, viết lời chèo. Toàn bộ phần lời chèo trong vở diễn “Hạn hán và cơn mưa” của Ea Sola Thủy là do Nguyễn Duy viết. Để có thể hoàn thành vở diễn này, ông và nữ biên đạo múa gốc Việt đã ba cùng với đoàn diễn viên nông dân suốt ba tháng. Ông cũng là người viết hộ các bà những bản khai lý lịch và đơn xin xuất ngoại lần đầu. Sau đó, những diễn viên lão nông ấy, lần đầu tiên rời khỏi lũy tre làng là bước thẳng từ ruộng lúa nước lên các sân khấu chuyên nghiệp nổi tiếng của châu Âu.
Nhiều năm trước, tôi có dịp gặp bà Trịnh Thị Răm (một nghệ nhân hát Dặm ở Kim Bảng, Hà Nam), nhắc đến Nguyễn Duy, bà Răm bảo: “Tôi nhớ chứ, bác Duy tốt lắm, lên máy bay tôi mời cơm nắm muối vừng mà bác ấy mừng cứ như được mời sơn hào hải vị. Cô Thủy (Ea Sola) cũng tốt. Cô ấy dạy chúng tôi lên máy bay phải ngồi thế nào, đi vệ sinh ra sao, lúc máy bay sắp hạ cánh thì phải nâng ghế ngồi lên... Lắm lúc nói chuyện cô Thủy không hiểu tiếng Việt, bác Duy lại phải đứng ra phiên dịch”.
Gần đây nhất, Nguyễn Duy liên tục phải ra ra vào vào giữa Sài Gòn – Hà Nội vì tác phẩm “Kim mộc thủy hỏa thổ” của ông được nhạc sĩ Vũ Nhật Tân dàn dựng theo cách hòa phối giữa nhạc cụ phương Tây, nhạc cụ cổ truyền Việt, và diễn xướng thơ theo một số làn điệu dân ca, tuồng, niệm kinh Phật. “Ngũ Hành” (tên mới của “Kim mộc thủy hỏa thổ” trên sân khấu âm nhạc) thường được diễn ở sân khấu Đông Kinh cổ nhạc trên phố Đào Duy Từ. Sau đó, tác phẩm này chính thức được biểu diễn tại Nhạc viện Hà Nội. Những yếu tố vốn khá xa nhau, nhờ sáng tạo của nhạc sĩ và các nghệ sĩ biểu diễn đã tạo nên một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh, độc đáo, có phần lạ lẫm, bất ngờ.
Nguồn: Tiền Phong