PHẠM NGỌC TIẾN
Nhưng cuộc sống lại không thể thiếu chuột. Chắc chắn thế. Con người dù nghĩ ra bao nhiêu thứ kể cả độc dược để tiêu diệt chuột nhưng hầu như bất lực. Sự sinh sôi của chuột như thể thách thức tạo hóa và buộc tất cả các sinh vật khác phải cùng chung sống với nó. Dù đó là chiến tranh hay hòa bình.
Phiễu phão thế liệu có hơi quá đà. Chuột có thật sự đáng ghét như thế không? Có nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Nhất là đối với trẻ thơ. Dạo còn nhỏ thậm chí tôi còn thích chuột. Ấy là con chuột lang nhỏ xíu đánh vòng. Giống chuột này bé quắt queo có cái đuôi dài, mắt đỏ và rất nhanh nhẹn. Người bán thứ đồ chơi này làm ra cái lồng bằng thép hoặc tre được đan rất khéo trong có quả cầu gắn bậc thang xoay được. Con chuột được nhốt trong lồng và cứ thế nó chạy trên quả cầu thành những vòng tròn bất tận trong khi nó hầu như đứng yên một chỗ chỉ quả cầu chuyển động nom rất thích mắt. Thằng bé con vài tuổi là tôi mê mẩn nhìn con chuột đánh vòng không biết chán. Mà kể cũng lạ con chuột cứ thế chạy không ngừng nghỉ, chẳng biết mệt nhọc. Còn bé nhưng tôi đã nghĩ thương con chuột và hỏi mẹ vậy con chuột ngủ lúc nào? Tôi đã theo dõi con chuột đến lúc mệt quá thiếp đi. Tỉnh dậy vẫn thấy nó chạy. Thật kỳ lạ. Con chuột đánh vòng đã gieo sự kỳ thú trong trí tưởng tôi những thắc mắc tuổi thơ. Cho đến một hôm vì quên cho con chuột uống nước nên nó chết cỏng. Tôi đã khóc sưng cả mắt và đem nó chôn ở gốc cây bàng trước cửa. Kỷ niệm về con chuột đánh vòng mãi nằm trong ký ức của thằng bé con bằng chính sự ân hận.
Lớn lên chút tôi làm quen với những con chuột bạch được mẹ tôi nuôi rất cẩn thận trong một chiếc chuồng gỗ được đóng công phu. Gọi là chuột bạch nhưng không phải con nào lông cũng trắng mà pha vá nhiều màu. Tôi quan sát bầy chuột này hàng ngày. Chúng rất đáng yêu và mẽ ngoài của chúng cũng không giống những con chuột thông thường. Giống chuột bạch ngắn người, mập và không có đuôi dài. Chỉ là mẩu đuôi cun cũn nhưng nhờ thế mà chúng không đáng ghét. Chuột bạch ăn cỏ, lá cây có đôi khi là ngô, gạo.
Dạo đó có nghề phụ nuôi chuột bạch. Một vài cơ sở y tế, phòng thí nghiệm cần những con chuột phục vụ cho nghiên cứu khoa học nên đặt hàng trong dân. Cứ đến cữ thời gian quy định là họ đến tận nhà thu mua. Những con chuột khỏe mạnh được chọn lựa cẩn thận. Mỗi lần xuất chuột bạch mẹ tôi có món tiền nên cho cả nhà được bữa tươi cải thiện sướng mê tơi. Với những con chuột bị thải loại không đạt thường thì mẹ tôi bán cho một mối hàng ở chợ. Chuột bạch được coi ngang hàng như thỏ nên thịt của nó dễ bán và có giá trị.
Có một kỷ niệm về chuột bạch khiến tôi phải lưu giữ ký ức thậm chí nó là nỗi ám ảnh suốt cuộc đời. Ấy là không hiểu tại sao đôi khi chuột mẹ đẻ lứa chuột con nhưng lại ăn thịt đám con nhỏ chỉ để lại mỗi cái đầu. Khiếp lắm, cái đầu bé xíu xiu đôi mắt hồng hồng vẫn mở thao láo khiến tôi vô cùng sợ hãi. Tôi vốn yếu đuối đa cảm từ nhỏ ( có lẽ đó là mầm mống của năng khiếu văn chương sau này) nên rất sợ ảnh hình ấy. Mẹ tôi bảo đấy là vì chuột đẻ chạm vía người dữ nên nó bảo vệ con bằng cách ăn thịt. Tôi mù mờ không hiểu. Sau này lớn chuyện chạm vía tôi nghĩ là có thật. Một số người nào đó vía nặng, vía xấu đi đến đâu mang lại sự đen đủi đến chỗ ấy. Con chuột mẹ có lẽ sợ hãi bằng bản năng giống nòi đã làm cái chuyện hệt như một tội ác kia. Dù vậy chuồng chuột bạch luôn hấp dẫn tôi. Đi học về tôi chăm chỉ cho chúng ăn chúng uống và làm vệ sinh chuồng. Cao hứng tôi còn thả vài con chuột bạch trưởng thành ra ngoài. Giống chuột bạch chậm chạp và không đi đâu xa chỉ quẩn quanh trong nhà rất vui mắt. Nhưng phải canh chừng bọn mèo bởi nếu không, phót một cái là con chuột đi đời với đám hung thần của loài chuột ấy. Vẫn là mẹ tôi bảo nếu nhà có chuột bạch thì giống chuột hoang kia sẽ bỏ đi. Tôi cũng chẳng nhớ rõ nhà tôi dạo ấy có chuột hay không.
Sau này những cái đầu chuột quắt queo mắt thô lố gây cho tôi sự ám ảnh vĩnh viễn. Nhất là khi chứng kiến bọn mèo bắt chuột và ăn thịt. Tôi thích mèo nên luôn nuôi mèo trong nhà. Chúng ăn thịt chuột là dĩ nhiên vì đó là quy luật sinh tồn các giống nòi. Có điều này tôi cũng không giải thích được là mèo ăn chuột bao giờ cũng để lại một phần thân thể con mồi. Hình như cứ đầu tháng là mèo ăn chuột từ phần đầu và để lại khúc đuôi. Cuối tháng là ăn từ đuôi để lại phần đầu. Đã có lần trong một tạp văn tôi tả con mèo thành tinh nhà tôi bắt chuột mang cả lên bụng ông chủ trẻ để đánh chén. Một cuộc tàn sát tôi là người chứng kiến trực tiếp mang lại những cảm giác ghê sợ. Đến mức biên tập viên là nữ đọc và kiên quyết đòi tôi cắt bỏ vì man rợ và mất thẩm mỹ.
Chuột có nhiều loại. Tôi đang nói lũ chuột hoang không phải chuột cảnh, chuột nuôi vừa kể ở trên. Chuột chù, chuột nhắt, chuột cống, chuột đồng...Có loài chuột chỉ bò chạy được trên mặt đất hang hốc nhưng cũng có loài chuột leo cây, leo xà nhà rất mểu. Lũ chuột đó cực nguy hiểm. Một dạo tôi chơi chim và sơ ý buổi tối quên không cất các lồng chim treo ngoài vườn vào nhà và kết quả là sáng hôm sau chim bị lũ chuột tấn công chết vật vờ trong lồng, lông chim dờ dật vương vãi.
Nói đến chuột hẳn phải nhắc đến điều này, chuột thật ghê sợ vì hình dạng và cuộc sống chui rúc bẩn thỉu nhưng nó cũng là một món ăn của con người. Đồng bằng Bắc Bộ nhiều vùng thịnh hành cỗ phải có thịt chuột. Tất nhiên đây là chuột đồng chuyên ăn thóc hoa màu nên béo mẫm và sạch sẽ. Có hẳn chợ chuột bày bán nguyên mẹt chuột đã vặt lông trắng hêu hểu hoặc đã thui qua lửa vàng xuộm. Nhưng nói đến món ăn chuột đồng phải là miền Tây Nam Bộ. Đồng Tháp Mười mùa lúa hoặc nước nổi chuột là đặc sản. Những con chuột chặt bỏ đầu, chân được rán lên nóng hôi hổi là món nhậu nhất thống cho những lưu linh. Chúng được gọi là gà đồng thịt rất thơm ngon.
Tôi bị ám ảnh về những cái đầu chuột nên tuyệt không bao giờ dám đụng đũa. Dạo chiến tranh ở Đông Nam Bộ, cánh lính bẫy chuột rất tài có khi vớ được cả đàn chuột gianh là loại chuột chuyên đào rễ củ cỏ gianh để ăn. Thấy bảo chuột này quý là thuốc bổ nhưng tôi dẫu đận đó điều kiện chiến trường kham khổ thiếu thịt thèm thịt nhưng vẫn sài lắc. Họa may bắt được con dúi có hình dạng gần giống chuột và hình như nó cùng loài chuột. Giống này chuyên đào hang ăn củ măng, mai, trúc thì tôi còn đủ can đảm làm vài gắp. Bây giờ dúi rừng gần như tiệt chủng và nó vẫn là một món ăn cao cấp trong các nhà hàng thú rừng.
Có lẽ nhà văn nào cũng có vài ba sáng tác về các loài vật trong đó có chuột. Thằng tôi cũng không nằm ngoài thông lệ. Tôi từng viết một truyện ngắn, chủ quan của tôi đánh giá là hay. Đó là truyện ngắn “Vọng thanh” được in trên nhiều báo, tuyển tập chung và cá nhân. Câu chuyện kể về một anh bị vợ bỏ mắc chứng mất ngủ. Tắt đèn, bật đèn đều không ngủ được. Nguyên nhân sau được quy cho giống chuột. Đêm đêm chúng mở ra những vũ điệu và âm thanh đực cái tác động lên thần kinh thằng người mất vợ. Điên tiết anh này mua một con mèo về nhốt bằng sợi dây điện buộc cổ. Chuột sợ mèo nhưng chúng tinh khôn biết tỏng giống mèo buộc chẳng làm nên cơm cháo gì. Tiếp tục mất ngủ, anh này bèn huấn luyện con mèo từ cho ăn thịt chín rồi thịt sống rưới thêm tiết và sau cùng bỏ đói. Khi con mèo đói được tháo xích nó đã xông vào lũ chuột bằng sức mạnh quật khởi. Đàn chuột bị tiêu diệt nhưng anh vẫn mất ngủ vì con mèo. Nó động dục gọi bạn và bắt chuột bên ngoài tha về. Không thể chịu nổi anh tống khứ con mèo. Vẫn không ngủ được. Một đêm mệt quá anh thiếp đi trong tiếng ngào của con mèo và bất chợt anh thấy âm thanh chút chít mỏng manh. Một cái đầu chuột xinh xinh ló ra từ tủ sách. Bất giác anh mỉm cười và đêm đó là đêm cực kỳ ngon giấc. Trong giấc ngủ miên mải lần đầu tiên từ ngày vợ bỏ đi anh mơ gặp một người đàn bà như một sự cởi bỏ thù hận.
Đấy chuyện chuột với đời sống là như thế đúng như cái kết truyện ngắn của tôi. Nó xấu nó bẩn nó là biểu tượng của tất cả những gì xấu xa của những thằng người đục khoét, tàn phá cuộc sống nhưng bất luận thế nào chúng vẫn tồn tại. Cuộc sống vẫn phải có những cái xấu hiện diện dù sự hiện diện ấy là một cuộc chiến với chính cái tốt.
Âu đó mới thật sự là cuộc sống./.