CHÊNH LỆCH TIỀN LƯƠNG
Lương giáo viên không thấp so với mặt bằng chung nhưng không có bổng lộc nào khác thành ra vẫn hoàn nghèo (đừng so cái nghèo giữa giáo viên và công nhân). Điều đáng bàn là chính sách tiền lương “ủng hộ” người già. Một giáo viên dạy trên 25 năm nhận lương gấp ba lần giáo viên mới ra trường.
Lương 9 triệu đồng/tháng chưa phải cao cho giáo viên già nhưng lương 3 triệu đồng/tháng cho giáo viên trẻ thì quả bất tương xứng với hiệu năng giảng dạy. Ba triệu đồng chi sắm quần áo cho tươm tất (đứng bục giảng mà) rồi mua xe máy, mua laptop, mua điện thoại (trả góp). Cái ăn hằng ngày tiếp tục bám mẹ cha.
Học bao năm sư phạm tốn kém bao nhiêu tiền của, ra nghề với đồng lương bèo bọt, chưa kể có trường hợp lót tay đến méo mặt để có chỗ dạy. Giáo viên trẻ ấy chưa bị trầm cảm đã là may.
Nhận lương 3 triệu nhưng dạy số tiết như nhau, có thể thiếu một chút kinh nghiệm nhưng bù lại nhiệt huyết, kiến thức tươi mới, cập nhật, hiện đại. Xa lắc một thời các vị phụ huynh nghĩ: “Con tôi học dốt, thôi thì cho nó đi sư phạm kiếm cái nghề”, nay đầu vào ngành sư phạm đã được nâng lên đáng kể.
Ngày tôi mới đi dạy, nhận lương trao tay từ thủ quĩ bằng một nửa so với người dạy trên 10 năm. Tôi nói: “Tôi dạy số tiết như anh, tôi còn dạy tốt hơn anh, sao lương anh gấp đôi lương tôi?”. “Cậu hỏi nhà nước ấy chứ” người đó tím mặt trả lời. Cô thủ quĩ bảo: “Anh cứ dạy sẽ đến lúc được như thầy. Thầy có kinh nghiệm và thầy còn nuôi con, anh thì độc thân kia mà”. Tôi chỉ nói sự thật nhưng gây khó chịu cho giáo viên già. Nay tôi nhận lương gấp nhiều lần giáo viên trẻ, tôi đợi xem có giáo viên trẻ nào đủ “sức mạnh” để bì bồ tiền lương với tôi nhưng chưa thấy, có lẽ họ nói lén.
Lương thấp, giáo viên trẻ âm thầm tìm sự công bằng một cách tiêu cực: Hay cáu gắt hoặc mackeno học sinh. Tìm mọi cách dạy thêm thì càng tự hạ phẩm giá. Không trau dồi kiến thức, không nghiên cứu chuyên sâu - đừng lầm dạy thêm là nghiên cứu chuyên sâu - và mù tịt những thứ ngoài chuyên môn của mình v.v… Liệu có chủ quan chăng, khi nhiều giáo viên trẻ trông thiếu sức sống, chẳng thấy “góc cạnh” gì?
MONG ĐƯỢC THƯƠNG HƠN MONG ĐƯỢC TÔN TRỌNG
Ngành sư phạm hiện là chọn lựa sau cùng của học sinh khá giỏi, dẫu sao vẫn hơn một thời “chuột chạy cùng sào” mà những người đó nay đang còn đứng lớp, là những giáo viên già.
Giáo viên trẻ ngoài tấm bằng tốt nghiệp, họ có thêm các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, soạn giáo án điện tử v.v… Lẽ ra phải tự tin, tràn đầy nhiệt huyết, biết phản biện, biết hoài nghi, biết đưa ra chính kiến, biết phê phán, nhận xét đánh giá đồng nghiệp. Những tố chất cần có để được tôn trọng thì xếp lại, đi phát huy những cái dạ thưa, cười hiền, nhũn nhặn, vâng lời, tỏ ra vô hại… để được mọi người thương. Cách xử thế ấy, xem chừng, đang được cổ xúy thành thứ “văn hóa ứng xử” của người trẻ; có đau lòng không? Nhà trường là nơi dễ dàng lan tỏa những giá trị cải cách xã hội, nếu sở hữu đội ngũ giáo viên trẻ bạc nhược thì còn đâu hy vọng?
Quản lý giáo dục hiện nay thiên về “soi mói”, tức không tin nhau, vô cùng khổ sở khi không tin nhau. Ai được quyền soi mói? Hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn… là những giáo viên già soi mói, bảo sao không sợ.
Câu nói “Tương lai đất nước nằm trong tay các bạn trẻ” nằm trên cửa miệng các quan chức cơ hội, mị dân, rằng ta không tham quyền cố vị, khi đi vào môi trường giáo dục trở thành câu: “Chúng ta có đội ngũ giáo viên trẻ, tài năng, nhiệt huyết đó là cơ hội để trường ta xuất sắc vươn lên tốp đầu”. Nói cho sướng miệng, nghe cho sướng tai rồi quên khuấy ngay, chẳng đãi ngộ, chẳng ghi nhận. Có giáo viên trẻ bị đì cho bao năm không được dạy lớp cuối cấp (lớp 5, lớp 9, lớp 12) với lý do chưa đủ kinh nghiệm. Và tôi chưa gặp giáo viên trẻ nào dám phản kháng.
Khi có thao giảng, tiết dạy của giáo viên trẻ từ khâu giáo án đến giảng thử bị giáo viên già thích thú đem cái kinh nghiệm chẳng mấy hay ho áp đặt. Giáo viên trẻ không cãi, họ cứ một thầy hai cô răm rắp làm theo, thật vô lý. Từ “kinh nghiệm” hàm chứa lối mòn, hàm chứa đóng khung, rõ ràng không phù hợp với nền giáo dục khai phóng. Giáo viên, thời thông tin toàn cầu, cần sự nhiệt tình để “truyền lửa” cho trò hơn là cần kinh nghiệm.
Xét cho cùng người trẻ không được tôn trọng, ngoài đặc thù kính trọng người già của xã hội Á Đông, có phần lớn lỗi ở họ.