Nhà thơ Vũ Đình Liên bình thản lấy từ trong tay nải của mình một gói giấy báo. Ông xin phép ngồi một góc, sẽ sàng mở gói giấy. Trong đó là một gói lá chuối, màu lá mới ngả vàng. Ông lại sẽ sàng mở ra. Đó là một nắm cơm, một nắm cơm bình thường, gạo phiếu của mậu dịch




Ông đồ VŨ ĐÌNH LIÊN và bữa cơm nắm

THANH THẢO

Nhà thơ Vũ Đình Liên, tác giả bài thơ “Ông đồ bất tử, là nhà thơ sáng tác ít nhưng tên tuổi thì còn lại với nền thơ Việt. Ông cũng còn là dịch giả nổi tiếng thơ Charles Baudelaire, như có lần ông thổ lộ, thơ Baudelaire cứ ám ảnh ông không dứt, và ông cảm thấy mình có một duyên nợ nào đó với thơ của thi hào Pháp mà ông ngưỡng mộ từ những năm còn đi học.

Tôi chỉ được gặp Vũ Đình Liên có một lần, nhưng nhớ mãi. Không phải nhớ vì ông đọc thơ hay có “show” trình diễn nào đặc biệt, mà nhớ vì được nhìn thấy ông ăn… cơm nắm. Không phải cơm nắm của các bà mẹ bà chị hay bán ở một số con phố Hà Nội những năm sau này, món cơm nắm thơm ngon ăn với muối vừng hay ruốc bông, chả quế… Mà cơm do chính nhà thơ nắm để mang ăn đường.
Hình như dạo đó là khoảng năm 1981-1982 gì đó, tôi vào Sài Gòn để đi Bến Tre dự lễ kỷ niệm nhà thơ vĩ đại Nguyễn Đình Chiểu. Dạo ấy cả nước còn rất khó khăn, và phương tiện lưu thông mà các nhà thơ hay dùng là… xe đò, loại xe đò hạng bét không chỉ chở người mà còn chở kèm… heo. Heo được bỏ rọ chất lên trên nóc thùng xe, và từ đó, chúng tha hồ xả chất thải không lấy gì làm thơm tho xuống đầu cổ hành khách. Đúng là xe “hành khách”. Nhưng không còn bất cứ lựa chọn nào khác, nên các nhà thơ muốn du hành đành dùng phương tiện này vậy, dù mua vé không hề dễ.

Buổi trưa hôm đó, mới tới nơi tập trung để chờ xe đón đi Bến Tre, tôi chợt thấy một ông già bước vào. Đó là một người già lành hiền, ăn mặc không còn có thể giản dị hơn, nhưng rõ ra là một trí thức “cũ”, nền nếp, với phong thái khiêm nhường nhưng đường hoàng. Khi được giới thiệu, tôi mới biết đó là nhà thơ Vũ Đình Liên. Ai trong chúng ta mà chẳng một lần nghe hay thuộc lòng bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên! Tôi rất hân hoan được chuyện trò với ông.

Sau một hồi thăm hỏi chuyện trò, Vũ Đình Liên xin phép chúng tôi dùng cơm trưa. Cơm trưa? Tất cả chúng tôi có mặt ở đó đều đã ăn trưa, và xung quanh tịnh không có một hàng quán nào có thể phục vụ, dù là một bữa ăn trưa đơn giản nhất. Đang ngạc nhiên, thì nhà thơ Vũ Đình Liên bình thản lấy từ trong tay nải của mình một gói giấy báo. Ông xin phép ngồi một góc, sẽ sàng mở gói giấy. Trong đó là một gói lá chuối, màu lá mới ngả vàng. Ông lại sẽ sàng mở ra. Đó là một nắm cơm, một nắm cơm bình thường, gạo phiếu của mậu dịch. Kèm một gói nhỏ muối vừng. Chấm hết. Không thịt kho, ruốc bông ruốc hoa hay chả quế giò lụa gì sất! Tác giả Ông đồ ngồi ung dung ăn nắm cơm của mình đúng như cách ông đồ của ông “Bày mực tàu giấy đỏ/ Trên phố đông người qua…”. Tự nhiên, tôi cảm thấy mắt mình rân rấn ướt. Là tác giả bài thơ nổi tiếng qua nhiều thế hệ đó ư? Là nhà giáo nhà thơ mà chúng tôi đã học tác phẩm từ ngày còn cắp sách tới trường đó ư?... “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?...”. Bây giờ, khi nhớ lại cảnh nhà thơ Vũ Đình Liên ăn cơm nắm, tôi những muốn kêu lên bằng hai câu thơ ông như vậy!

Kể chuyện nhỏ này để nhớ lại một thời khốn khổ, với những con người nổi tiếng nhưng khốn khổ. Và đẹp. Đẹp trong cảnh nghèo khó. Tại sao không?