Ngày nay, những con đường đất đỏ từng in dấu chân của Trịnh Công Sơn đã đổi thay nhiều. Ngôi trường xưa hay căn nhà nơi Trịnh Công Sơn từng ở đã không còn dấu tích. Người ta nói nhiều về âm nhạc, về đời tư, ít có bài khảo cứu về nhà giáo trẻ họ Trịnh giàu nhiệt huyết và dấn thân




Di sản Trịnh Công Sơn trong văn hóa B’Lao

VÂN HẬU

Mỗi độ tháng Tư sắp về, khi cao nguyên Bảo Lộc đón những cơn mưa đầu mùa; cũng là lúc đàn ong hối hả hút giọt mật cuối cùng trên những chùm bông cà phê trắng xinh. Nhạc sĩ huyền thoại Trịnh Công Sơn cũng ra đi vào một ngày đầu tháng Tư để lại cho đời di sản âm nhạc đồ sộ.
B’Lao xưa – Thành phố Bảo Lộc ngày nay được trời phú cho khí hậu ôn hoà, mát mẻ quanh năm. Theo sử liệu và địa chí Lâm Đồng, vào những năm 1890, bác sĩ người Pháp Alexander Yersin trên đường thám hiểm cao nguyên Langbian đã phát hiện ra nơi này, vùng chuyên canh trà được hình thành những thập niên sau đó. Bảo Lộc còn là thủ phủ dâu, tằm, tơ Việt Nam. Cũng chính nơi đây, nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh đã có một thời tuổi trẻ gắn bó, trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa B’Lao.
Mái trường xưa và thầy giáo trẻ Trịnh Công Sơn.
Theo khảo cứu, Trịnh Công Sơn học khóa I Trường Sư phạm Qui Nhơn (1962 – 1964), năm 1964 mãn khóa được bổ nhiệm lên B’Lao dạy học, làm Trưởng giáo trường Bảo An. Trường chỉ có ba lớp 1,2,3 thuộc loại trường sơ cấp, không có chức Hiệu trưởng, người phụ trách trường gọi là Trưởng giáo. Sĩ số mỗi lớp chừng vài mươi em, đa số học sinh là người dân tộc ít người. Trường có hai phòng đứng chơ vơ trên một bãi đất trơ trụi, mái tranh, vách nứa. Phòng học không có cửa, nhiều hôm mây mù trắng xoá là đà bay tràn vào lớp học làm cho thầy giáo và học trò cũng lãng đãng theo mây như truyện cổ tích. Hằng ngày ông Trưởng giáo họ Trịnh đi về trên con đường dốc đất đỏ mà vào mùa nắng thì bụi đỏ mịt mù, mùa mưa bùn lầy nhoe nhoét.
Trịnh Công Sơn dạy học ở Bảo Lộc suốt 3 năm từ 1964 – 1967. Ông là một nhà giáo yêu nghề, yêu trẻ, chịu đựng và dấn thân, dâng hiến một phần tuổi thanh xuân của mình cho nền giáo dục nước nhà. Điều đó được minh chứng, một chàng trai xứ Huế mộng mơ, không tìm cách ở lại chốn thị thành (dạy nhạc ở Trường Sư phạm Quy Nhơn như kể trong thư gửi cho Dao Ánh 2-9-1964) mà đi nhận nhiệm sở nơi vùng xa xôi, khó khăn nhất bấy giờ.
Ngày nay, những con đường đất đỏ từng in dấu chân của Trịnh Công Sơn đã đổi thay nhiều. Ngôi trường xưa hay căn nhà nơi Trịnh Công Sơn từng ở đã không còn dấu tích. Người ta nói nhiều về âm nhạc, về đời tư, ít có bài khảo cứu về nhà giáo trẻ họ Trịnh giàu nhiệt huyết và dấn thân; duy chỉ có hình bóng của ông giáo Sơn là vẫn luôn hiển hiện trong ký ức những người yêu mến ông cũng như những học trò cũ nay tuổi đã ngoài lục tuần.
Thư tình từ miền đất lạnh B’Lao
 Khoảng thời gian dạy học ở Bảo Lộc, Trịnh Công Sơn đã viết hơn 300 lá thư tình gửi cho người con gái mình yêu ở Huế có tên Ngô Vũ Dao Ánh. Trong số đó, hơn một nửa được viết từ B’Lao. Đọc cuốn “Thư tình gửi một người” (NXB Trẻ - 2001) và các tư liệu thu thập được thấy rằng, lá thư đầu tiên từ B’Lao đề ngày 2-9-1964 với những dòng suy tư trầm mặc: “… Bây giờ núi đồi Blao còn đêm mù sương và im lìm ngủ. Anh thắp nến trắng viết thư cho Ánh và trùm chăn quanh mình. Miền cao nguyên này lạnh suốt ngày. …”. “… Buổi sáng thức dậy sương muối xuống đầy cả vùng trước mặt, cây cỏ trắng xóa ....”.
Có lẽ, từ ngày đầu tiên đặt chân lên đây, “xứ bụi đỏ, sương mù” đã khắc đậm trong tâm hồn ông bức tranh thiên nhiên đầy chất thi vị. Nhiều lá thư sau này viết cho Dao Ánh trong nổi niềm nhớ nhung da diết, Trịnh Công Sơn không quên nhắc tới không gian mờ ảo, thần tiên, vẽ đẹp hoang sơ đến nao lòng của xứ trà B’Lao, với những buổi sáng sương trắng mơn man trên những bãi hoa cỏ tím ngát, chờ đón mặt trời lên; với những cơn mưa chiều như thác đổ ngoài trời.
 Suốt những năm sau đó, những lá thư tình đều đặn được ông viết từ B’Lao gửi về Dao Ánh. Sau bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu, đợi chờ, khổ đau, khi biết rằng cuộc tình mình không thắng nổi duyên phận, Trịnh Công Sơn khó khăn khi quyết định chia tay Dao Ánh trong lá thư đề ngày 25-3-1967. Đây cũng là năm Trịnh Công Sơn rời khỏi Bảo Lộc, chia tay miền đất lạnh, chia tay một cuộc tình! Ông viết: “...‘Chúng mình chấm dứt tình yêu đó ở đây’.... ... Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được...”. Những dòng thư tình của Trịnh Công Sơn như áng văn đầy chất thi ca, chứa chan nổi nhớ người yêu. Một mối tình nồng nàn mà quay quắt như những cơn mưa chiều xối xả, như những cơn lốc bụi đỏ của miền đất bazan, ngọt ngào mà xót xa như vị đậm chát của trà, vấn vương của tơ tằm và vị đắng đắm say của những giọt cà phê tí tách, nhung nhớ!…
Những ca khúc để đời
Trong cuộc đời mình, Trịnh Công Sơn sáng tác hơn 600 ca khúc. Nhạc Trịnh gần gủi với công chúng và mang đậm triết lý nhân sinh sâu sắc. Nghe nhạc Trịnh, người ta cảm nhận được trong âm nhạc của ông cách yêu, cách sống, tình yêu quê hương, giống nòi, yêu hòa bình, căm ghét chiến tranh...Giá trị văn hoá nhạc Trịnh là ở đó.
Những năm tháng sống ở Bảo Lộc, tình đất và người nơi đây đã mang lại cho ông cảm xúc sáng tác nhiều ca khúc để đời. Như một lẽ tất nhiên, chính Trịnh Công Sơn trở thành một phần văn hóa đáng tự hào của xứ trà, tơ lụa Bảo Lộc, của miền đất cao nguyên này. Một số ca khúc nổi tiếng ra đời trong giai đọan này như: Tuổi đá buồn, Còn tuổi nào cho em, Phúc âm buồn, Xin mặt trời ngủ yên, Cát bụi, Gọi tên bốn mùa, Chiều một mình qua phố, Vết lăn trầm, Lời buồn thánh, Tình nhớ, Lại gần với nhau, Ca Dao Mẹ…
Những năm 1966, 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn ác liệt, báo hiệu một cuộc tổng tiến công của Quân Giải phóng sẽ diễn ra trên khắp chiến trường miền Nam. Phong trào đấu tranh chính trị, đặc biệt là phong trào học sinh, sinh viên miền Nam yêu nước đấu tranh vì hoà bình ngày càng lan rộng. Mùa hè năm 1967, Trịnh Công Sơn tìm cách trốn lính, rời khỏi Bảo Lộc về Sài Gòn. Ông đã xuống đường với các cuộc bãi khoá, biểu tình của học sinh, sinh viên; tham gia phản đối chiến tranh, kêu gọi hoà bình, thổi bùng ngọn lửa tinh thần dân tộc.
Trong di sản ông để lại cho đời, không chỉ có âm nhạc mà còn có hình ảnh một nhà giáo trẻ dấn thân cho đời. Nhiều người xứ Trà B’Lao - Tơ lụa Bảo Lộc ước rằng, ở đây có một ngôi trường mang tên Trịnh Công Sơn, con đường mang tên Trịnh Công Sơn hay có một không gian tái hiện nơi ông từng sống và sáng tác những ca khúc bất hủ để lại cho đời, cũng như những tuyệt tác thư tình trong thiên tình sử của ông. Bởi vì, tất cả những thứ đó khắc dấu một thời người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh đóng góp làm nên những giá trị, bản sắc văn hoá B’Lao xưa và Bảo Lộc ngày nay.


Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng