Tại sao giấc mơ hòa bình của nhân loại đến hôm nay vẫn chưa thành hiện thực? Nếu chưa thành hiện thực thì có tiếp tục giấc mơ và cuộc đấu tranh hay không? Hòa bình hay chiến tranh phụ thuộc vào nhiều yếu tố phức tạp của xã hội. Chiến tranh là tiếp tục của chính trị. Quan hệ chính trị là nguồn gốc đầu tiên, cơ bản của chiến tranh.





GIẤC MƠ GIÃ TỪ VŨ KHÍ

NGUYỄN THÀNH VINH

Nhà văn Bảo Ninh viết Nỗi buồn chiến tranh từ cảm hứng, ảnh hưởng trực tiếp của Remarque ở cuốn Phía Tây không có gì lạ mà ông lượm được trong ba lô của một binh sĩ Ngụy (James G. Jumwalt, tác giả Chân trần chí thép”- NXB Tổng hợp TP.HCM 2011). Hai mươi lăm năm sau chiến tranh, ông đã nhìn nhận ra cuộc chiến tranh phi nghĩa và tàn bạo mà người Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam (Theo tạp chí Hồn Việt số 145/3-2020, Bảo Ninh viết “Lần đầu tôi gặp Mỹ). Song, ảnh hưởng của nhãn quan Remarque vẫn còn khá đậm nét ở đoạn văn sau:
“Như tất cả những ai đã trải qua chiến tranh, tôi mơ rằng thế hệ tương lai sẽ sống trong hòa bình và giã từ vũ khí. Nhưng tôi biết giấc mơ của tôi không thể thành hiện thực. Là một nhà văn và đặc biệt là một cựu binh, tôi biết rằng sâu thẳm bên trong những cánh đồng xanh hòa bình vẫn chứa chất những bộ hài cốt và tro tàn từ các cuộc chiến quá khứ và, tệ hơn nữa, là mầm mống cho những trận đánh trong tương lai” (Hồn Việt. Bđd. Trg.20).

Sự lo lắng của ông là đúng nhưng cơ sở của sự lo lắng đó là chưa đúng. Những cánh đồng xanh hòa bình và tro tàn từ các cuộc chiến quá khứ… chỉ có thể ở đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng. Nó không thể ở bên Hoa Kỳ xa xôi.

Từ đầu Công nguyên trước (năm 45) đến nay, có biết bao nhiêu hài cốt và tro tàn từ các cuộc chiến quá khứ? Rất khó tưởng tượng được. Trên đồi A1 ở Điện Biên Phủ, xương cốt chiến sĩ lẫn vào đất đá trên từng mét chiến hào. Ở thị xã Đông Hà – Quảng Trị ngày nay, vào dịp lễ Tết, người dân thắp hương tưởng niệm người đã khuất khắp trong nhà, ngoài sân vườn, đường đi…
Trung tướng Phạm Hồng Sơn – phu quân của PGS. Đặng Anh Đào, con gái GS. Đặng Thai Mai – mãi sau 1975 mới có thời gian đi tìm lại hài cốt đồng đội trong trận Cầu Lồ (Bắc Giang) từ ngày 6 đến 13-7-1954. Hơn 300 chiến sĩ đã hi sinh. Sao khủng khiếp thế? Quân Pháp trong đồn Cầu Lồ bị bao vây không còn lối thoát, chúng xảo quyệt, cho một nhóm lính Pháp trá hàng, vẫy cờ trắng làm tín hiệu cho máy bay ném bom Napan vào trận địa của ta. “Hơn 300 ngôi mộ trắng xóa hầu hết đều vô danh vì bom Napan đã thiêu cháy họ thành than, chỉ còn những bộ xương…” (Hoài niệm và mộng mơ. Hồi ký. Đặng Anh Đào. NXB Phụ nữ. H.2019. Trg.164).
Những bộ hài cốt và tro tàn sau trận Điện Biên, sau trận Cầu Lồ, ở Thành cổ Quảng Trị… có là mầm mống cho các trận đánh trong tương lai?

Lịch sử Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XIX (từ 1858) cho đến chiến tranh Biên giới Tây Nam và phía Bắc (1989) là những trận đánh chống quân xâm lược. Mầm mống của nó là ở các giới thực dân tài phiệt Âu – Mỹ, quân phiệt bành trướng Á Đông. Người Pháp, người Nhật, người Mỹ, người Trung Quốc đem chiến tranh đến đất nước này. Đâu phải ở những bộ hài cốt trên những cánh đồng xanh nước Việt. Bản chất sâu xa của người Việt Nam là hòa hợp hòa hiếu hòa bình hữu nghị. Cuộc sống trên dải đất là ngã tư đường giao lưu quốc tế tạo nên cho người Việt bản chất đó. Không chịu khuất phục kẻ xâm lược cũng là bản chất, là tính cách, là văn hóa của người Việt. Từ truyền thuyết Thánh Gióng trước Công nguyên cho đến 1979 và 1989, người Việt quyết chống xâm lược. Nhưng vẫn đón nhận những người phương Bắc đến định cư. Từ thời Cổ đại và Trung đại mà tiêu biểu là các Thái thú Hồ Hưng Dật – Tổ họ Hồ; Thái thú Vũ Hồn – Tổ họ Vũ; và Sĩ Nhiếp được thờ ở Nam Giao học tổ cho đến người Minh Hương sau này mà tiêu biểu là họ Mạc ở Hà Tiên; Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Định ở Biên Hòa. Có thi sĩ Hồ Dzếnh là nhờ có tình thương che chở của cô gái Việt với chú khách trên bước đường tha phương. Nhiều người Hà Lan và Pháp đã lấy vợ Việt từ hồi thế kỷ XVI. Dù tổn thất to lớn trong chiến tranh giành độc lập nhưng người Việt không thù hận thù địch. Chỉ muốn hòa bình. Không bao giờ là mầm mống chiến tranh.
Tại sao giấc mơ hòa bình của nhân loại đến hôm nay vẫn chưa thành hiện thực? Nếu chưa thành hiện thực thì có tiếp tục giấc mơ và cuộc đấu tranh hay không? Hòa bình hay chiến tranh phụ thuộc vào nhiều yếu tố phức tạp của xã hội. Chiến tranh là tiếp tục của chính trị. Quan hệ chính trị là nguồn gốc đầu tiên, cơ bản của chiến tranh. Vậy thì phải xét bản chất của các quan hệ chính trị, của các nền chính trị. Chừng nào còn bất bình đẳng xã hội, còn có tham vọng chiếm hữu, cưỡng đoạt thì chừng đó còn chiến tranh. Từ chiếm hữu đến chiếm đoạt thời phong kiến trung cổ đến lợi nhuận và siêu lợi nhuận suy cho cùng, là nguồn gốc của mọi dạng thức chiến tranh. Hoặc nóng hoặc lạnh. Hoặc vũ lực hoặc kinh tế… Cuối cùng, chỉ có một xã hội theo mô hình, học thuyết của Mác mới có hòa bình vững chắc. Trước Mác, một người Việt Nam cũng đã nói đến: Làm sao cho nơi thôn cùng xóm vắng không còn tiếng oán hờn mới là cái gốc của âm nhạc, của thái bình (Nguyễn Trãi). Ngày nay, bên cạnh những đau khổ oán hờn của người nghèo khổ là các đại gia, tỉ phú và siêu tỉ phú. Mười ba người giàu nhất thế giới chiếm hữu khối tài sản bằng của 3,8 tỉ người nghèo trên toàn thế giới. Đẳng cấp siêu tỉ phú này sẽ tìm cách bảo vệ nhân lên. Đấy là nền chính trị đưa đến chiến tranh.

Nếu mỗi thập kỉ là một thế hệ thì từ ngày 30-4-1975, đã có gần 5 thế hệ tương lai cùng đồng hành với Bảo Ninh (1975 – 2020), vẫn không thể giã từ vũ khí. Vì sao vậy? Cũng rất giản đơn. Vẫn còn thế lực từng ngày từng giờ mưu toan xâm phạm lãnh thổ, xâm phạm chủ quyền của chúng ta. Họ tập trận bắn đạn thật, xây dựng các trạm quan sát trên các đảo thuộc chủ quyền của chúng ta. Rồi các nhóm chống Cộng ở hải ngoại vẫn thường tìm cách thâm nhập, kích động, gây rối… Trong bối cảnh như thế, làm sao có thể giã từ vũ khí!

Vì vậy, giấc mơ hòa bình – giã từ vũ khí của Bảo Ninh trong phạm vi dân tộc cũng như nhân loại là không thể thành hiện thực được. Chúng ta vẫn phải nắm chắc vũ khí để tự vệ, để bảo vệ nền hòa bình của đất nước đã giành được. Chiến tranh và tội ác vẫn đang ở trong tay những thế lực hiếu chiến. Đó là bạo lực ăn cướp, bạo lực kẻ cướp, bạo lực thực dân xâm lược… Nó chỉ biến thái trong thời đại mới, còn bản chất vẫn không thay đổi. Đối lại, là bạo lực tự vệ. Bạo lực vì Độc lập – Tự do, vì nhân phẩm làm người, thà hi sinh tất cả, quyết không chịu mất nước, quyết không chịu làm nô lệ. Như thế, giã từ vũ khí là một giấc mơ còn rất xa vời. Nhưng nếu cứ bạo lực đáp lại bạo lực thì làm sao có hòa bình. Đây là vấn đề của triết học, của chính trị, cũng là của văn học – nghệ thuật. Bạo lực theo quan điểm Mác-xít là để kìm chế, đẩy lùi bạo lực phản nhân văn. Và sâu xa hơn, bạo lực chính trị – chính quyền Nhà nước – phải tổ chức lại xã hội để mọi thành viên đều được sống bình đẳng. Khi con người được giải phóng khỏi sự tha hóa mới có thể giã từ vũ khí được. Một ví dụ gần gũi: Nghị định 100… Đấy là một bước đưa con người tiến tới tự do, thoát khỏi sự cầm tù, nô lệ của thói quen xấu. Đó là sự cưỡng bức để đi đến tự nguyện. Bạo lực, vũ khí trong thời đại này nên theo hướng đó. Giấc mơ hòa bình trong thời đại này cũng phải được nâng cao lên, nhân rộng ra. Con người ở đâu cũng cần bánh mì và muối, bánh mì và hoa hồng. Vì có kẻ dùng vũ khí đến cướp đoạt thì nhân dân bị cướp đoạt buộc phải chống lại. Đương nhiên không thể chống lại bằng tay không!

Người Việt Nam hôm nay mong khép lại quá khứ hướng tới tương lai. Song chưa phải là giấc mơ hòa bình giã từ vũ khí đã trở thành hiện thực. Luôn luôn cảnh giác với mọi thế lực thù địch đang mưu mô xâm phạm vào độc lập chủ quyền dân tộc. Nhưng không vì thế mà không mơ giấc mộng hòa bình giã từ vũ khí. Hơn thế nữa, cần phải thức tỉnh, động viên cả dân tộc, cả nhân loại hướng tới hòa bình, đấu tranh cho hòa bình. Phải vạch rõ, phơi bày, lên án mọi cuộc chiến tranh phi nghĩa và tàn bạo để nhân loại cần lao nhận diện nó, lên án nó, chống lại nó. Nhân loại ngày nay đã đủ nhân lực sản xuất đáp ứng nhu cầu sống bình thường cho mọi người. Vấn đề phải giải quyết là các quan hệ xã hội đang chia cắt nhân loại. Nhưng ai sẽ giải quyết? Lại là con người. Và chỉ có con người có văn hóa nhân văn chân chính, văn hóa vì con người, văn hóa khuyến thiện trừng ác, phò chính trừ tà mới giải quyết được. Tuyên truyền văn hóa nhân văn đến cư dân của mọi dân tộc trên thế giới, đó là thiên chức của nhà văn nghệ sĩ trong thời đại ngày nay và lâu dài về sau, để hiện thực giấc mơ giã từ vũ khí.


Nguồn: Văn Nghệ TPHCM