Trước năm 2019, tại Việt Nam có 8 kênh chuyên review sách. Sau năm 2019, con số này đã tăng lên khoảng 30 kênh. Là công việc không dễ dàng nên hiện tại, nhiều kênh đã chững lại, chỉ có một số kênh vẫn bền bỉ theo đuổi công việc này với số lượng người đăng ký theo dõi tương đối lớn, như Vui Lên (hơn 10.000 người theo dõi), Hà Khuất (gần 24.000 người theo dõi), Sunhuyn (254.000 người theo dõi), Dan HNN (415.000 người theo dõi)…
Theo bà Trần Phương Thảo, Tổng Giám đốc Thái Hà Books, việc review sách hầu như chỉ giới hạn trong các cộng đồng đọc sách của giới trẻ (manga, light novel, tiểu thuyết, sách tô màu cho người lớn). Từ năm 2019, các YouTuber quan tâm hơn tới việc review sách, đồng thời cũng giới thiệu rất đa dạng các thể loại sách khác nhau, nên quan tâm tới xu hướng này. “Tôi đánh giá việc review sách thông qua các kênh YouTube là một xu hướng tất yếu nếu chúng ta muốn tiếp cận với giới trẻ, theo một phương thức hợp với sở thích của các bạn. Về mặt cơ bản, thời nay độc giả dễ tiếp cận hơn với những thông tin bằng hình ảnh và được giới thiệu ngắn gọn, cô đọng”, bà Thảo cho biết.
Tính đến nay, YouTube có 2 tỷ người dùng hàng tháng, 5 tỷ video được xem mỗi ngày, phổ biến trên 80 ngôn ngữ và 91 quốc gia. Mỗi tháng, có 1,5 tỷ người vào YouTube để khám phá thư viện video lớn nhất thế giới vào bất kỳ thời điểm nào, bất cứ nơi đâu trên bất kỳ thiết bị nào họ muốn. Đây rõ ràng là những con số đầy tiềm năng cho các lĩnh vực liên quan đến giải trí, truyền thông; trong đó có xuất bản.
Lê Phương Anh Vũ, chủ nhân của Vui Lên phân tích: Ở Việt Nam hiện nay, trung bình người ta sử dụng 2 tiếng/ngày cho YouTube. Đây là một lợi thế, cho thấy hành vi của người dùng lớn hơn cả Facebook. Ngoài ra, tỷ lệ người dân dùng smartphone ở Việt Nam cao nên tiếp xúc với những công cụ đó rất dễ. Anh nói thêm: “Với một kênh có số lượng 10.000 - 20.000 người theo dõi nhưng một cuốn sách xuất bản có khoảng 2.000 cuốn/đầu, một video có 5.000 lượt xem mà mức độ tin tưởng cao thì các bạn sẽ tìm mua và đọc. Đây là số lượng khá lý tưởng cho các đơn vị xuất bản”.
Bà Trần Phương Thảo cho rằng, đây là một kênh rất tiềm năng để giới thiệu sách cho bạn đọc. Việc sách được tăng cường giới thiệu trên YouTube cũng là một cách truyền bá thúc đẩy văn hóa đọc rất tốt. “Trước khi review sách, các YouTuber đọc cuốn sách đó rất kỹ. Khi giới thiệu những điểm hay và có thể là những điểm chưa được, nội dung cuốn sách được tóm gọn trong vài phút giới thiệu... Như vậy, độc giả sẽ biết mình hợp với cuốn sách nào, có thể mua cuốn sách đó ở đâu. YouTuber càng uy tín và nổi tiếng thì cuốn sách được giới thiệu sẽ càng được quan tâm hơn”.
Thách thức không ít
Dù tiềm năng là vậy nhưng theo Lê Phương Anh Vũ, làm YouTuber ở mảng nào cũng khó; với những người review sách thì khó hơn rất nhiều, vì đây là chủ đề vốn đã ít người quan tâm. Ngoài ra, đa phần dân mọt sách thường không giỏi về khâu kỹ thuật, mà việc dựng video đòi hỏi phải có tay nghề cơ bản thì video mới sinh động; chưa kể cũng cần phải có giọng nói, cách nói chuyện trước camera thu hút mới giữ chân được người xem. Vậy nên, chỉ những ai thực sự đam mê và mong muốn đi lâu dài mới có thể duy trì kênh một cách đều đặn.
Đề cập đến vấn đề thu nhập từ công việc của BookTuber, Lê Phương Anh Vũ tiết lộ, tháng rồi anh nhận được 6 triệu đồng từ các đơn vị xuất bản và những độc giả ủng hộ từ xa. Đây là số tiền không phải lớn, nếu so với thu nhập của những YouTuber ở các lĩnh vực khác. Ngoài ra, không phải BookTuber nào cũng nhận được. Vì vậy, theo Anh Vũ, rất khó để gọi BookTuber là một nghề. “Tuy nhiên, tôi tin rằng, không dưới 3 năm nữa, khi những người đi trước như chúng tôi với mỗi kênh sở hữu 50.000 - 100.000 người theo dõi, khi các đơn vị xuất bản để ý nhiều hơn về giá trị của những BookTuber và khi chúng tôi bắt đầu tìm những phương pháp sống được bằng nghề này thông qua các hoạt động hợp đồng review, Influencer Marketing thì những người như chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội hơn để duy trì. Trong tương lai, hoàn toàn có thể biến thành một nghề tương tự các nghề khác trên YouTube”, chủ nhân của kênh Vui Lên lạc quan.
Còn bà Trần Phương Thảo nhận định: “Tôi cho rằng, các YouTuber chuyên review sách là một định hướng rất tốt, thỏa mãn đam mê của một người yêu sách và muốn chia sẻ những lợi ích trong cuốn sách với cộng đồng. Chính trong quá trình review sách, họ sẽ tự học hỏi và nâng cấp bản thân lên rất nhiều. Tuy nhiên, rất thành thực, tôi nghĩ các YouTuber này nên kết hợp 80% là review sách, 20% là review các vấn đề thực tiễn trong cuốn sách thì mới có sức hấp dẫn và thuyết phục được người xem”.