Khi làm lãnh đạo ở Hà Bắc, Mai Thúc Lân hay ghé lại nhà Nguyên Hồng ở Nhã Nam cũng như sau này ghé nhà nhà văn Kim Lân, Đỗ Chu ở Bắc Ninh chơi, trò chuyện văn nghệ. Cái dáng thư sinh, ham đọc bất tận, cả đời sách vở không chỉ văn nghệ của Mai Thúc Lân đã làm Nguyên Hồng cảm mến. Nguyên Hồng nói: Nếu bầu một vị Chủ tịch văn nghệ thì tôi sẽ bầu cho ông Mai Thúc Lân




VỊ CHỦ TỊCH TỈNH VÀ NHÀ VĂN NỔI TIẾNG LÀM RUỘNG Ở YÊN THẾ

MAI QUỐC LIÊN

Như ta đã biết, vào những năm 58-59 thế kỷ trước, tình hình văn nghệ phức tạp vô cùng. Nguyên Hồng vốn dĩ là một nhà văn nổi tiếng, được kính trọng, được yêu mến vì từ 17 tuổi ông đã viết nên những tác phẩm đầu tay trở thành cổ điển như Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu rồi Bảy Hựu. Ông sống chân thành, yêu tha thiết những người cùng khổ ở đất cảng Hải Phòng và rất mau nước mắt. Tuy đã tham gia Văn hóa cứu quốc từ trước Cách mạng tháng Tám, Nguyên Hồng vẫn không thể giữ được một lập trường cứng rắn trong tình thế đấu tranh chính trị gay gắt lúc bấy giờ. Thế cho nên ông nói, “Thôi, tao đếch chơi với chúng mày nữa. Tao về quê đây”. Thế là ông khăn gói về ấp Cầu Đen, Nhã Nam, Bắc Giang ẩn cư, làm ruộng, làm vườn, viết văn, thực hiện “quy khứ lai từ” của Đào Uyên Minh theo kiểu Nguyên Hồng. Ông có dự tính viết về cụ Hoàng Hoa Thám - khởi nghĩa Yên Thế nên đây là địa điểm lý tưởng để ông sưu tầm tư liệu, để có không khí viết cuốn tiểu thuyết ấy (sau này đã ra mắt với tên Núi rừng Yên Thế). Sau đó, khi có sinh hoạt chính trị hay cuộc họp nào quan trọng thì Hội Nhà văn mới mời ông về dự, lần mời quan trọng là mời ông về làm Giám đốc trường Bồi dưỡng viết văn ở Quảng Bá cho anh chị em viết trẻ, đi B. Ông đã thực hiện việc này với tất cả tâm huyết của một nhà văn già lớp trước, cổ điển và với tất cả tâm huyết đối với miền Nam đang chiến đấu mà trước đó ông đã viết trong bài thơ Cửu Long Giang ta ơi!, một bài thơ dài với nhiều tứ thơ đặc sắc đầy lòng yêu mến trân trọng với mảnh đất phương Nam của Tổ quốc. Anh em gọi ông là “ông Đốc Hồng” - tức giám đốc, đốc học trường của Hội - một cách thân yêu, trìu mến.

Những năm đó, anh Mai Thúc Lân nhà tôi làm Giám đốc Ty Nông nghiệp, Phó chủ tịch rồi Chủ tịch tỉnh Hà Bắc, nơi có Yên Thế của Nguyên Hồng. Tôi nhớ là, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, anh em chúng tôi theo gia đình chạy giặc vào Tam Kỳ, Quảng Nam, là vùng đất kháng chiến - tự do khi ấy. Anh Lân mới 13, 14 tuổi, làm văn thư cho huyện ủy rồi được huyện ủy cho đi học trung học. Nhưng huyện ủy kháng chiến thì nghèo, làm gì có tiền nuôi anh ăn học. Thế là phải nhờ đến một bà mẹ kháng chiến yêu nước nhưng thành phần địa chủ ở Tam Thái, Tam Kỳ. Tôi nhớ tên là mẹ Sang. Anh Lân ở nhà mẹ đi học trường Tam Thái (tức trường phổ thông cấp 2 Tam Kỳ). Tiếng là ăn ở nhà một bà mẹ giàu (giàu đối với đất Quảng Nam) nhưng cơm ăn thì cũng phải độn khoai, độn sắn, mắm muối qua ngày vì bà mẹ này còn có mấy anh con đi học nữa. Nhưng bù lại anh Lân được khám phá một kho sách báo tuyệt vời gồm không thiếu một cuốn sách, một tờ báo nào xuất bản trước 1945. Bởi vì mẹ Sang có ông em tên là Hồ Đệ, có tiền mua sách báo và tích thành thư viện. Thế là anh Lân đọc tất cả các tác giả văn học thời đó. Trong đó anh rất thích Những ngày thơ ấu, Bỉ vỏ, Bảy Hựu của Nguyên Hồng. Vì thế khi làm lãnh đạo ở Hà Bắc, anh Lân hay ghé lại nhà Nguyên Hồng ở Nhã Nam cũng như sau này ghé nhà nhà văn Kim Lân, Đỗ Chu ở Bắc Ninh chơi, trò chuyện văn nghệ. Theo anh Lân và nhiều người khác cho biết thì Nguyên Hồng mến anh Lân lắm. Cái dáng thư sinh, ham đọc bất tận, cả đời sách vở không chỉ văn nghệ của anh Lân trong vị lãnh đạo cấp tỉnh này đã làm Nguyên Hồng cảm mến. Và ông nói: Nếu bầu một vị Chủ tịch văn nghệ thì tôi sẽ bầu cho ông Lân. 

Trong cương vị của mình, anh Lân cũng đã ra sức gỡ khó cho hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi đó của Nguyên Hồng; nhưng chắc cũng chẳng thấm vào đâu, chỉ là thể hiện lòng tri ân tri kỷ với văn chương mà thôi. Nhưng anh Lân không có duyên đi vào vườn văn mà anh yêu thích mà cứ tiếp nối con đường chính trị từ Hà Bắc về Quảng Nam rồi ra lại Trung ương. Những chức vụ hành chính rồi người ta sẽ quên đi, tuy cũng rất quan trọng. Nhưng ở anh Lân có cái đặc sắc mà ít người có là lòng yêu sâu đậm tác gia và tác phẩm văn nghệ của Việt Nam và thế giới. Thư viện mà anh để lại sau khi mất gồm hàng ngàn cuốn sách. Anh cũng thích làm thơ, viết truyện. Hồi 14, 15 tuổi học trung học anh đã được giải nhất một cuộc thi truyện ngắn với truyện ngắn Quả tim đỏ ở trường Tam Kỳ.

Bây giờ thì nhà văn mau nước mắt Nguyên Hồng, nhà văn của Những ngày thơ ấu ở Hải Phòng, của Sóng gầm, Núi rừng Yên Thế, nhà văn của những tháng năm miền Bắc dốc người và của cho miền Nam đã khuất núi. Và anh Mai Thúc Lân, một người đọc thân thương của Nguyên Hồng cũng đã đi xa. Không biết ở thế giới bên kia hai người có gặp lại nhau để cùng đàm đạo về văn chương, về thế sự nữa hay không?