Mỗi khi có điều kiện tôi đều gửi tiền về cho mẹ tôi, song tôi luôn luôn dằn vặt mình vì tôi có quá ít tiền và cũng vì vậy những món quà nhỏ đến tay mẹ tôi không đều đặn. Nhưng mẹ tôi chẳng hề than thở, trách móc. Bà là một người biết nhẫn nhục, chịu đựng.



Kỷ niệm 115 năm sinh nhật của nhà văn Nga-Xô Viết Konstantin Pautovsky (31/5/1905-2020 )

LẦN GẶP CUỐI CÙNG  

KONSTANTIN PAUTOVSKY

TÔ HOÀNG dịch

Phải mất nhiều ngày tôi mới đi được từ Tbilisi về đến Kiev. Tàu đến Kiev vào buổi chiều. Đang giữa mùa xuân. Dẻ hương nở hoa. Trên những mái vòm của nhà thờ Vladimir vẫn còn lấp loáng ánh nắng. Đại lộ Cresatic ồn ào, náo nhiệt. Có thể chính vì thế tôi cảm thấy gian phòng của mẹ tôi và em Galia trở nên trống trải, sầm tối.                 
Đã hai năm trôi qua kể từ ngày tôi rời Kiev đến Odessa và sau đó là Tbilisi. Trong khoảng thời gian ấy mẹ tôi và em Galia đã già đi và cũng trở nên điềm tĩnh hơn.  
Mỗi khi có điều kiện tôi đều gửi tiền về cho mẹ tôi, song tôi luôn luôn dằn vặt mình vì tôi có quá ít tiền và cũng vì vậy những món quà nhỏ đến tay mẹ tôi không đều đặn. Nhưng mẹ tôi chẳng hề than thở, trách móc. Bà là một người biết nhẫn nhục, chịu đựng.  
- Costic - mẹ tôi cất tiếng, sau những giọt lệ và những câu hỏi không đầu không cuối. Mẹ và em Galia đã tìm ra một cách sống mà không phải tốn kém nhiều và cũng không cảm thấy buồn phiền, thất vọng.
- Mẹ và em sống bằng cách nào? - Tôi hỏi.
- Con cứ nhìn kỹ căn phòng rồi con khắc hiểu!               
Tôi đưa mắt ngắm nhìn căn phòng. Những bức tường đã ngả màu vàng hệt như trong bệnh viện. Đồ đạc nghèo nàn: hai cái giường sắt cũ gỉ, một cái tủ đứng già nua, ọp ẹp; cái bàn ăn, ba cái ghế long mộng; một tấm gương treo. Mọi vật đều ngả màu xám tựa như đã phủ bụi. Nhưng không phải là bụi đâu. Màu xám ấy là do các đồ vật đã quá già nua, cũ kỹ, thêm vào đó lại thường bị lau chùi quá nhiều.          
     
Galia hướng về phía cửa sổ, nơi ánh nắng chiếu vào, mỉm cười:
- Anh biết không, em và mẹ còn chữa được nhiều thứ nữa kia…               
Tôi còn chưa kịp hỏi riêng mẹ tôi xem đôi mắt Galia dạo này ra sao, nhưng nhìn em tôi hiểu ngay rằng em đã bị mù hẳn. Mẹ tôi ra hiệu cho tôi bằng ánh mắt hướng về phía Galia rồi vội lấy từ ống tay áo chiếc áo len cũ ra vuông khăn chấm lên mắt.  
- Mẹ ơi! Galia hỏi, giọng sợ hãi - Mẹ làm sao thế? Mẹ khóc đấy à?
- Ừ, mẹ khóc vì vui thôi - mẹ tôi đáp, giọng nghèn nghẹn - Costic đã về, một lần nữa ba mẹ con ta lại được đoàn tụ. Hai mẹ con ta chẳng phải lủi thủi với nhau.

- Anh Costic đã về - Galia nhắc chậm rãi - Anh ấy đã về… Anh tôi đấy! Galia nói, giọng không chắc chắn lắm, dường như em đang giới thiệu tôi với một người nào đó - Đúng, anh tôi đấy mà!  
Rồi em bỗng lặng ngắt. 
- Costic, anh biết không, em và mẹ tranh cãi với nhau rất lâu xem mấy bức tường trong phòng nhà mình quét vôi màu gì? Màu da cam. Đúng là màu ấy rất đẹp phải không anh?
- Rất đẹp! Tôi đáp, mắt ngước nhìn mấy bức tường: chúng được quét bằng thứ vôi vàng rẻ tiền.
- Mẹ nói rằng ngay vào những hôm trời u ám, trong gian phòng của hai mẹ con vẫn có ánh nắng chiếu vào, đúng thế không anh?
- Đúng thế đấy! - Tôi đáp - Tường quét vôi màu sáng nom rất vui mắt. Mẹ và em đã tìm đâu ra màu vôi này?
- Em không nhìn thấy gì cả - Galia nói rồi mỉm cười, không phải cười với tôi mà như cười với ai đó - nhưng em cảm thấy từ bức tường toát ra một cái gì đấy rất ấm áp, dễ chịu.  
              
Em chậm rãi bước về phía tôi, tay vịn vào cái bàn ăn thô kệch.Tôi đứng lên đón em, Galia nắm lấy những ngón tay tôi, lần theo cánh tay lên vai, lên má tôi.

- Ôi, anh để râu lởm chởm như thế này à? - Galia nói và cất tiếng cười - Tay em rất thính nhé! Lúc này em không còn làm hoa vải nữa. Em không nhìn thấy gì mà. Bây giờ bà đan len bên hàng xóm thuê em cuốn len thành cuộn. Cứ mỗi cuộn bà ấy trả em hai rúp.

- Khi em Galia cuốn len, mẹ đọc sách cho em con nghe. Costic, bây giờ thì con đã hiểu mẹ và em Galia sống như thế nào rồi?
- Vâng, con hiểu - tôi đáp, cố nén sự xúc động - Con hiểu tất cả!
- Mẹ còn cho bán đi những đồ vật thừa không cần thiết…
- Bán ở chợ ấy - Galia nói thêm.
- Ví như cái ấm xamova thì có ích gì nào. Hoặc những cuốn album bìa bọc nhung với những bức ảnh của bà con họ hàng. Nhà ta có bốn cuốn cả thảy. Chúng nằm mục ra trong kho chứa đồ của bà Cozlovskaia.       
        
Mệnh phụ Cozlovskaia là một bà già lụ khụ, ít nói, bạn cũ của mẹ tôi. 
- Tất nhiên là mẹ giữ lại những tấm ảnh – Mẹ tôi nói thêm như tự biện hộ.
- Mẹ may đấy. Mẹ đã nghĩ rằng bây giờ chẳng ai thèm mua những cuốn album ấy nữa - Galia nói.
- Con thử đoán xem ai mua nào? - Mẹ tôi chen vào, giọng nói trở nên sôi nổi, thậm chí bà còn cất tiếng cười - Người mua là một vị linh mục nào đó ở tu viện Bratski. Ông ta mua tất cả bốn cuốn. Ông ta cần mà! Con thử đoán xem Costic, tại sao ông linh mục cần tới những cuốn album ấy?

Lẽ dĩ nhiên tôi không tài nào đoán ra nổi.
 - Những tấm bìa bọc nhung ấy còn rất chắc - Mẹ tôi giải thích- Từ những tấm bìa ấy có thể chuyển thành những tấm bìa khác khá tốt của những cuốn Kinh thánh. Vị linh mục ấy đã bán lại cho các nhà thờ ở thôn quê. Còn mẹ và em con được giải thoát khỏi đám đồ cũ. Như thế sống yên ả hơn. Cả đời mẹ, mẹ đã nói rằng đồ đạc hút hết hơi sức của con người ta, hành hạ, làm khổ họ. Chúng buộc ta phải làm việc vì chúng, hệt như những người đầy tớ. Nói chung là - Mẹ tôi nói dường như muốn chấm dứt cuộc tranh cãi đã kéo dài - Như thế dễ thở hơn. Mẹ và em con bằng lòng với những nhu cầu tối thiểu nhất.     
         
Mẹ tôi nói câu cuối cùng pha ít chút tự hào. 
- Còn bà lão vẫn mua hoa vải của em con để mang tới nghĩa trang Baikov thì sao rồi ạ? - Tôi hỏi.
- Bà cụ đã mất. Em tết một vòng hoa, toàn là hoa cúc để đặt lên một bà – Galia nói.
- Một vòng hoa tuyệt đẹp - Mẹ tôi thở dài - Vòng hoa cuối cùng mà bà lão nhận được. Bây giờ mẹ sẽ đi hâm lại bữa ăn trưa. Sau đó con sẽ kể cho mẹ và em Galia nghe tất cả những gì đã xẩy ra với con. Được không? 

Hai anh em ngồi đợi mẹ ở phòng Amalia hoặc ra ban công mà thở khí trời.    
           
Tôi khoác tay em Galia đưa em qua phòng Amalia ra ban công. Amalia không có nhà. Galia bước đi trên sàn nhà dường như đang bước qua một dòng suối nhỏ, thỉnh thoảng phải dừng lại để dò dẫm đáy suối.
                 
Tôi và Galia ngồi trên ban công. Từ nơi đây nhìn thẳng xuống phố. Thỉnh thoảng một chuyến tàu điện rung chuông leng keng trườn đi trên phố Bibikovsky. Trên vồng đất phía trước nhà thờ Vladimir cỏ đã mọc cao giữa những hòn đá cuội.               
Chiều xuống. Hoàng hôn lấp lánh trên những ô cửa kính đổ xuống đường phố. 
- Costic - Galia hỏi - Có đúng là anh đã được in một số truyện ngắn, phải không?
- Sao em biết?
- Có một lần Ginda, chị của Emma Xmuclero ghé qua nhà ta. Anh còn nhớ chị ấy chứ?
- Sao lại không? Cái cô dài thườn thượt, vụng về chứ gì…
- Đừng nói thế! Mọi người bảo bây giờ chị ấy rất đẹp. Anh không nhận ra được đâu. Chính chị ấy đã báo cho em biết anh được in truyện. Tại sao anh không gửi những truyện đã được in ấy cho mẹ và em?
- Anh có mang về đây!
- Nghe em nhé! - Galia nói đầy bí mật - Anh hãy đặt những truyện đó ở đầu giường của mẹ. Dưới gối ấy! Mà anh đừng nói gì trước với mẹ cả. Anh biết không, bây giờ mẹ chỉ còn một mong ước duy nhất là anh sẽ trở thành một nhà văn thực sự. Cách đây không lâu mẹ có nói về anh rằng nếu anh làm được một điều tốt gì đó, dù không lớn cho mọi người thì việc làm của anh sẽ chuộc lại, mẹ nói là chuộc lại tất cả mọi lỗi lầm của bố. Anh hãy nói cho em nghe, những gì anh viết có thể giúp cho con người ta bớt đau khổ được không? Anh nghĩ thế nào?   
             
Có tiếng động ở cửa.
- Trốn đi anh? - Galia nói nhanh - Amalia đấy! Chị ấy sẽ ngạc nhiên cho mà xem!                
Tôi nấp phía sau cái thùng gỗ có vẽ một quả trúc đào khá lớn. Amalia bước vào phòng, dừng lại phía trước tấm gương đứng đưa tay sửa tóc. Mái tóc của Amalia còn khá đẹp.
- Em ngồi ở buồng chị, vì mẹ em đang rán thịt băm. Bên phòng em khói khét lẹt!     
          
Amalia mỉm cười, cất tiếng hỏi:
- Thế anh ấy đâu?
- Ai cơ? - Galia luống cuống hỏi lại.
- Anh ấy đâu? Anh Costic ấy! Ở ngoài hành lang treo tấm áo khoác của anh ấy mà!               
Ngay lúc đó Amalia nhìn thấy tôi, nắm tay tôi kéo ra giữa phòng. Chị vòng tay ôm cổ tôi, hôn nhiều lần nồng nhiệt tựa như những người nông dân hôn nhau.   
            
Tôi làm theo lời khuyên của em Galia: buổi tối tôi đặt dưới chiếc gối của mẹ tôi ba truyện ngắn được cắt ra từ những tờ báo. Lúc ấy mẹ tôi vẫn đang còn bận bịu trong bếp.               
Như một cậu bé cả thẹn, tôi lặng lẽ bỏ xuống phố. Dạo gót lang thanh qua các đường phố quen thuộc, tôi luôn đoán xem mẹ tôi đã đọc những truyện ngắn kia chưa? Cuối cùng không chịu nổi tôi quay về nhà.   
            
Mẹ tôi ra mở cửa. Bà ôm đầu tôi trong vòng tay, hôn lên trán tôi. Cặp mắt của bà long lánh nước.
- Nếu con biết rằng mẹ vừa đọc những truyện ngắn của con như thế nào. Cám ơn con, Costic! Thay mặt cả nhà mẹ cám ơn con. Thay mặt cha con, các anh con và em Galia tội nghiệp của con…               
Mẹ tôi không nói thêm được nữa. Bà ngồi xuống chiếc ghế đẩu ở phòng ngoài.
- Mang nước cho mẹ - Mẹ tôi khẩn khoản.
Tôi mang từ trong bếp ra cho mẹ tôi một ly nước. 
- Con trai tôi đây! Mẹ tôi thì thào như nói thầm, tay ve vuốt tay tôi - Thằng Costic của tôi đây mà!
- Mẹ! mẹ! - Tôi cố an ủi mẹ - Con sẽ ở lại đây với mẹ, với em...
- Không được! - Mẹ tôi đáp cứng cỏi - Con hãy đi theo con đường của con. Chỉ có điều, liệu đấy, đừng có quên mẹ và em gái con… 

Đột nhiên mẹ tôi co rúm người lại, nức nở. Tôi ôm mẹ sát vào người mình.
- Nếu cha con còn sống… - mẹ tôi vừa nuốt nước mắt vừa nói - Nếu cha con còn sống… Ông ấy sẽ sung sướng biết chừng nào! Cha con là một người tuyệt vời, Costic ạ, một người tuyệt vời nhất trên đời này. Mẹ đã tha thứ cho cha con tất cả mọi lỗi lầm. Và con nữa, con cũng hãy tha thứ cho ông ấy. Mẹ biết con đã trải qua một thời trai trẻ thật nặng nề. Bây giờ nếu mẹ xuôi tay nhắm mắt, mẹ chỉ còn mỗi một ước mong: Con hãy mang em Galia tội nghiệp đi theo con… 

Tôi đã hứa với mẹ tôi điều đó. Nhưng rồi mọi chuyện đã xẩy ra không như ý mẹ tôi mong muốn. Mẹ tôi không kịp nhìn thấy cuốn sách đầu tiên của tôi. Cuộc sống đã thật bất công với mẹ tôi, với em Galia. 
Mùa hè năm ấy tôi tới Poti Konkhida chuẩn bị viết một cuốn sách về vùng ôn đới. Tại Ponti tôi mắc chứng phát ban "màu xanh" quỷ quái gì đó. 

Phải nằm viện và chống chọi khá lâu với thần chết. Đúng thời gian ấy mẹ tôi qua đời tại Kiev vì chứng sưng phổi. Một tuần sau em Galia cũng đi theo mẹ tôi. Thiếu mẹ tôi, em Galia không thể sống nổi, dù chỉ vài ngày. Vì sao em Galia chết? Không ai biết. Cũng chẳng cách nào tìm ra nguyên do được. 

Amila chôn mẹ tôi và em Galia cạnh nhau tại nghĩa trang Balcovo trong sự chật chội đến ghê người của những ngôi mộ cũ bị lãng quên. 

Thật hết sức khó khăn tôi mới tìm nổi ngôi mộ của mẹ tôi và em Galia giữa đám cây capriva đã ngả vàng. Hai ngôi mộ như hòa vào nhau thành một đống đất trên cắm một tấm biển bằng một mảnh sắt tây cong queo với hàng chữ đề: "Maria Grigorievna và Galia Gheorgievna Pautovsky. Nơi yên nghỉ ngàn năm". 

Tôi chẳng đọc được ngay hàng chữ đã mờ phai vì mưa gió này. Từ khe nứt của tấm biển sắt nhú ra một mầm cỏ nhợt nhạt, khẳng khiu. Thật là đáng sợ và cũng cay nghiệt biết bao khi nghĩ rằng đây là tất cả những gì còn lại. Rằng chồi cỏ kia là vật trang điểm duy nhất cho cuộc sống nặng nề của những người thân yêu của tôi. Rằng cái chồi cỏ kia như nụ cười của em Galia, như một giọt nước mắt nhỏ bé của emđến độ không một ai và không bao giờ nhận ra nó được.  

… Tôi còn lại trên cõi đời này một mình. Mọi người đã ra đi cả. Mẹ của tôi, người đã ban cho tôi một cuộc sống không đến nỗi vô bổ và tình cờ, mẹ tôi đã nằm xuống đây dưới mạch đất sét của thành Kiev, ở một khu nghĩa trang gần sát cạnh đường xe lửa. Ngồi bên mộ, tôi cảm thấy mặt đất như giật bắn lên khi những toa tầu nặng nề vùn vụt lao qua. Có thể, ở nơi kia, dưới nấm mộ, mẹ tôi vẫn đang lo lắng, bận tâm về tôi giống như suốt cuộc đời mẹ luôn luôn bận tâm, lo lắng. Mẹ tôi luôn luôn nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi:
- Con không giấu mẹ điều gì chứ Costic? Đừng giấu mẹ nhé! Con cũng biết đấy, mẹ sẵn sàng đi đến tận cùng trời cuối đất để giúp con mà…