Một số người cho rằng, nếu nhà văn Nguyễn Đình Thi không quá bận việc đời, có thêm thời gian cho việc đạo thì với tài năng bẩm sinh đặc biệt của mình, ông đã trở thành một tên tuổi khổng lồ của văn học và nghệ đương đại. Nhưng chỉ những gì ông đã làm và chưa kịp làm cũng đã để lại bài học đáng suy nghĩ cho người cầm bút nói riêng và người làm nghệ thuật nói chung.





BÁC NGUYỄN ĐÌNH THI

HỮU VIỆT

Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, thời còn đang du học ở Liên Xô (đã tan rã), tôi thường có cơ hội gặp các nhà văn, nhà thơ thế hệ cha chú từ trong nước sang Matxcơva. Cũng vì thế mà quen và chơi thân với chị Irina Đavưđôva (Ирина Давыдова), cán bộ đối ngoại Hội nhà văn Liên Xô, bấy giờ chuyên phụ trách đón tiếp các nhà văn Việt Nam.
Lần đầu tiên chị mời tôi đến Hội nhà văn Liên Xô chơi, dắt đi ngắm nghía lòng vòng khu nhà cổ nằm ở trung tâm thủ đô. Đó là toà biệt thự của gia đình bá tước Rôtxtốp (ai đã đọc Chiến tranh và Hòa bình biết liền). Bước qua cánh cổng sắt sẽ thấy ngay một khu vườn rộng, rải sỏi. Giữa vườn có một bức tượng lớn, nhà văn L. Tônxtôi đang ngồi với gương mặt rầu rĩ, lá phủ đầy người.
Irina đãi tôi cà phê trong phòng khách của bá tước Rôtxtốp, nay là căng-tin dành cho các nhà văn. Cảnh trí được giữ lại gần như nguyên so với hai trăm năm trước. Irina chỉ tay lên căn gác lửng, nói: “Chỗ kia được coi là nơi tiểu thư Natasa khi nhỏ vẫn thường nô đùa và tò mò ngắm những vị khách của gia đình đến dự tiệc.” Sinh viên thuộc thế hệ chúng tôi, ai yêu văn chương mà không “thuộc” Chiến tranh và Hoà bình, nên nghe những chi tiết ấy thấy thật ấn tượng. Irina cười hóm hỉnh: “Còn bây giờ, mời anh đến nơi làm việc của Ban đối ngoại. Chỗ này trước kia vốn là chuồng ngựa của gia đình bá tước Rôtxtốp đấy!”.

Một bức ảnh chân dung đen trắng phóng to, cỡ cánh như cửa tủ, đập ngay vào mắt người bước vào. Nhà văn Nguyễn Đình Thi. Ông mặc áo cộc tay, nụ cười cởi mở nhưng duyên dáng và quyến rũ, vui vẻ nhìn thẳng vào mắt bạn. Không rõ ảnh chụp từ khi nào nhưng nom ông trẻ, đẹp, sang trọng, tràn đầy sức sống. Người châu Âu sẽ không tìm thấy trong ảnh nét minh triết như cái cách họ thường hình dung về các nhà văn, học giả phương Đông. Bức chân dung mang vẻ đẹp của một thế hệ thanh niên mới, ra đời cùng với nước Việt Nam mới.

Irina giải thích, chị treo bức ảnh này không chỉ vì Nguyễn Đình Thi đang là Tổng thư ký đương nhiệm Hội nhà văn Việt Nam mà còn vì đề tài luận văn tốt nghiệp của chị là một tác phẩm của ông...
Không lâu sau đó tôi được gặp nhà văn Nguyễn Đình Thi bằng xương bằng thịt khi ông dừng chân ở Matxcơva, hình như là để đi tiếp Taskent dự Hội nghị các nhà văn Á – Phi. 

Cha tôi gửi thư và một chút quà nhờ ông mang sang cho tôi, khi ấy đang nghỉ hè, lên Matxcơva nhởi. Ông ở khách sạn Ucraina, nằm ngay bên bờ sông Matxcơva. Không hiểu sao các nhà văn Việt Nam thường được bạn bố trí nghỉ tại khách sạn này. Nó thuộc loại cổ kính và khá sang, là một trong số sáu, bảy ngôi nhà hình tháp nến độc đáo ở thủ đô, như Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông...

Ở trong phòng khách sạn nhưng ông vẫn mặc chiếc áo len cổ lọ. Vóc người ông cao lớn, ngồi trên chiếc ghế nỉ khiến nó có vẻ bị nhỏ lại. Thỉnh thoảng ông so vai, xoa hai bàn tay vào nhau như đang bị lạnh. Ông lấy trong túi ra một gói trà, tự tay pha mời khách. Mấy đứa sinh viên chúng tôi háo hức hóng chuyện trong nước nhưng ông lại rất ít nói, có vẻ như đang bận tâm suy nghĩ điều gì. Hơi thất vọng, nhưng chúng tôi miễn cưỡng nháy nhau chuồn. Biểu hiện vụng về này không qua được mắt ông. Đột nhiên ông mỉm cười :
- Các cậu có bận gì không? Ta ra phố đi dạo một lát cho thoáng.

Ông khoác chiếc áo bludông màu sẫm, quàng khăn phu-la, đội mũ dạ xám, tóc dài lấn qua tai, nom vừa cao lớn, đường bệ vừa giản dị. Chúng tôi thả bộ dọc bờ sông. Bấy giờ ông mới hỏi thăm tình hình học tập, cuộc sống của sinh viên bên này. Ông chợt hỏi, nếu muốn mua một vài thứ đồ chơi cho trẻ con, ở đâu? Chúng tôi đưa ông đi tàu điện ngầm vào trung tâm thành phố. Giờ tan tầm, tàu chặt như nêm, đứng một lúc thì chúng tôi bị dồn sát vào góc toa. Một thanh niên Nga hình như trước khi rời nhiệm sở đã làm vài ly, có vẻ chếnh choáng nhưng vẫn nhận ra thần thái khác thường của ông. Anh ta hỏi: “Xin lỗi, tôi đã hân hạnh gặp ngài ở đâu rồi nhỉ?” Biết ông giỏi nhiều ngoại ngữ, nhưng chưa chắc đã biết tiếng Nga, tôi toan dịch. Thế nhưng ông đáp ngay, giọng khá thoải mái và tự tin : “Thế ư ? Anh có chắc vậy không ?” – “Chắc chắn mà. Nhưng xin lỗi, tôi vẫn chưa nhớ ra ngài. Ngài là người nước nào? Nhật? Ấn Độ ?”. Ông cười, lắc đầu. “Vậy chắc ngài là người Việt Nam?”. Bấy giờ nhà văn mới gật đầu : “Đúng. Thế là anh đã nhớ ra ?” – “Không, tôi vẫn chưa nhớ ra được...” 
Chúng tôi toan kéo anh chàng ra chỗ khác, nhưng ông ra hiệu cứ kệ anh ta và kiên nhẫn trả lời những câu hỏi không đầu không cuối của một người quá chén. Chẳng biết chuyện còn kéo dài bao lâu nếu trên loa không thông báo: “Đetxky Mirơ” - Детский Мир (Thế giới trẻ thơ) - Ga của chúng tôi. Trước khi “thoát” khỏi anh chàng này ông vẫn lịch sự chào “Đaxviđanhia” - До свидания, tạm biệt cháu nhé! Lên khỏi metro, tôi thán phục hỏi: “Bác học tiếng Nga từ bao giờ mà nói giỏi thế ạ?”. Ông mỉm cười, vẻ bí ẩn: “Tôi nói được ít thôi. Do thường xuyên đi công tác sang bên này nên phải biết”.
Rất nhiều người chung nhận xét Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài. Nhiều lĩnh vực nghệ thuật có người bỏ cả đời ra vẫn chưa đâu vào đâu thì ông chỉ ghé qua một chút thôi đã để lại những tác phẩm hoặc ý tưởng xuất sắc. Người Hà Nội ra đời từ cây đàn piano thiếu phím để hoang trong vườn một gia đình đã tản cư những ngày toàn quốc kháng chiến. Ngẫu nhiên chiếc lá xăng lẻ rơi vào cuốn sổ, thế là có bài thơ Lá đỏ với quê hương vai áo bạc khoác súng trường...

Gần tối chúng tôi mới quay về khách sạn. Bạn tôi, Long con, sinh viên trường Quan hệ quốc tế MGIMO như chợt nhớ ra: “Bác Thi ơi, có một bạn sinh viên Đức học khoa tiếng Việt cùng trường với cháu, hỏi tại sao người Việt mình lại nói “đói vàng cả mắt”. Cháu chẳng biết giải thích thế nào cả?”. Hình như nhà văn lúng túng mất vài giây : “Ờ, có thể vì khi đói quá, hoa mắt, nhìn xung quanh chỗ nào cũng nhòe nhòe mờ mờ, mà thành mầu vàng chăng?”. Thấy chúng tôi có vẻ chưa thoả mãn, ông nói đùa: “Vậy các cậu thử để đến khi nào thật đói xem sao nhé!”

Long con tôi chợt reo lên: “Ôi, hôm nay hên quá. Người ta đang bán bánh ga-tô Kiev - Киевский торт, kìa!”. Đó là tên một loại bánh ngọt nổi tiếng của Kiev, thủ đô nước cộng hoà Ucraina. Khắp Matxcơva chỉ có khách sạn này vào những dịp đặc biệt người ta mới đem ra bán. Chúng tôi mua lên phòng, hào hứng mời ông thưởng thức. Nhưng hình như nhà văn không ưa đồ ngọt nên chỉ ăn một miếng nhỏ chiều lòng chúng tôi, khen “Ngon” và giục chúng tôi đem về ký túc xá cho các bạn.

Chuyện xảy ra đã lâu lắm. Nếu như tôi không lựa chọn nghề viết và nếu như hôm ấy không cùng mọi người phải chậm bước theo sau xe tang đưa ông về nơi nghỉ cuối cùng thì có lẽ nó cũng sẽ khuất lẫn trong vô số gặp gỡ và chia tay. Thế nhưng, những tên tuổi lớn tự nó luôn có cách riêng để lại dấu ấn của mình ở đâu đó và một lúc nào đó khiến mọi người phải hồi nhớ, bất kể nhạt nhoà hay sâu sắc. Một số người cho rằng, nếu nhà văn Nguyễn Đình Thi không quá bận việc đời, có thêm thời gian cho việc đạo thì với tài năng bẩm sinh đặc biệt của mình, ông đã trở thành một tên tuổi khổng lồ của văn học và nghệ đương đại.
Nhưng chỉ những gì ông đã làm và chưa kịp làm cũng đã để lại bài học đáng suy nghĩ cho người cầm bút nói riêng và người làm nghệ thuật nói chung.

Khi một cây lớn nằm xuống, người ta dễ nhận ra khoảng trống mênh mông không dễ bù đắp. Nhưng phía sau khoảng trống đó có thể là một khoảng trời đang vẫy gọi...