Cách đây nhiều năm, khi nhà thơ Nguyễn Đình Thi qua đời, tôi có một bài viết nhỏ in trên báo Tiền Phong, nhớ lại những kỷ niệm với nhà thơ ở Matxcơva những năm 80 của thế kỷ trước, thời chúng tôi mới chỉ là những sinh viên vô danh tiểu tốt. Mấy ngày sau tòa soạn nhận được thư của một bạn đọc giấu tên từ thành phố Hồ Chí Minh gửi ra, chất vấn tôi là cái thá gì mà lại dám có kỷ niệm với một nhà thơ lớn của dân tộc, mắng tôi “thấy người sang bắt quàng làm họ” v.v… Chuyện này làm tôi buồn mất một thời gian, âu cũng là người hay nghĩ ngợi, và khi ấy đã tự hứa với mình nếu còn viết lách sẽ tránh xa những người nổi tiếng.
Bây giờ ông Chu được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, nhẩn nha ghi lại những kỷ niệm về ông không lẽ vẫn còn có kẻ sẽ dèm mình thấy người sang lại đi bắt quàng lấy chăng?
Biết ông Chu lâu ngày, tôi để ý thấy ông có thú vui… thích lĩnh nhuận bút. Câu chuyện mà nhà thơ Đặng Huy Giang thắc mắc tôi thường xuyên gặp mỗi khi đặt bài ông. Thực ra, ông ít chi tiêu cho bản thân, ăn uống thì toàn những thứ bình dân, dễ chiều. Món khoái khẩu thời trẻ là tiết canh, còn bây giờ hay ăn quà vặt như xôi, bún, phở. Không cà phê thuốc lá, chỉ thích trà chén, thuốc lào. Cái thú đòi nhuận bút liên quan đến một thú vui nữa của ông là thích… cho người khác tiền, bất kể người ấy giàu hay nghèo, túng hay dư. Không nhiều, nhưng cách cho của ông rất dễ chịu, khó mà từ chối được. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, khi đang còn làm cục phó Cục Điện ảnh, có hôm gặp tôi cười bẽn lẽn: “Ông Chu vừa phát cho hai trăm (nghìn), ngại quá! Nhưng bảo là lộc nên phải nhận.” Tôi từng chứng kiến ông lĩnh nhuận bút xong, đến cơ quan cho từ ngoài cổng cho vào. Khi ra về, sờ túi không còn đồng nào lại hỏi xin “vài chục đi taxi”...
Có lần đi ngang qua Hội nhà văn Việt Nam, tôi thấy ông Chu đang ngồi cắt tóc sát bên hàng rào. Mái tóc húi cua có vẻ đã xong, đang ở vào công đoạn cuối, chú thợ quét bọt trắng xóa cằm nhà văn, tay lăm lăm con dao trông như dao mổ. Nhìn thấy tôi, ông gọi với: “Đi đâu đấy! Họp à, họp hành đếch gì, chờ tí rồi hai thằng mình đi ăn phở, tao đãi, hôm nay đang có tiền.”
Tôi đã nghe nhiều người bảo trong túi đang có tiền. Ví dụ như nhà văn Văn Chinh muốn rủ đi ăn cũng hay nói câu “ta đang có tiền”, nhưng quả thật chưa thấy ai nói câu này sảng khoái như ông Chu, cho dù đôi khi trong túi ông chỉ có một, hai trăm nghìn, đủ cho hai bát phở và thêm một chầu chè hạt sen hoặc tào phớ.
Hôm ấy, cái “chờ tí” hóa ra kéo dài gần tiếng đồng hồ. Ông Chu đang cao hứng, nói hết chuyện này sang chuyện khác. Chú thợ cắt tóc hẳn đã quen với vị khách này nên cứ khi nào ông Chu quay ra nói thì chú lại mủm mỉm cười kiên nhẫn đứng sang bên, tay cầm dao buông thõng. Thi thoảng tôi cố chen vào: “Để chú ấy cạo xong râu rồi ta còn đi, ông!” thì ông Chu cũng chỉ ngồi yên được một phút rồi lại ngọ nguậy… nói tiếp.
Cuối cùng ông cũng đứng dậy, hào phóng đưa tờ một trăm nghìn, theo đơn giá hồi ấy là gấp mấy lần thị trường.
Ông thuộc những người đã muốn cái gì phải làm tới cùng, cho đến thật ưng ý mới thôi. Chọn quán có cái điếu cày mà cũng cố chấp như vậy. Nhưng theo tôi, đó là cũng một phẩm chất sáng tạo mà tôi cho rằng đa số những người làm nghệ thuật hiện nay đang thiếu. Cố - chấp - sáng - tạo, nó ngược lại với sự hào nhoáng, dễ dãi, những ngợi khen phù phiếm và sự tung hô của đám đông vốn là thứ bả ngọt - ngào - cay - đắng tên là danh lợi nhưng phần nhiều chỉ mang đến danh hại .
Ông hay nửa đùa, nửa thật: “Mình phải cảm ơn trường Hàn Thuyên (Bắc Ninh, nơi ngày xưa ông đi học) đã cho mình đúp lớp thì bây giờ mới thành nhà văn!”
Ngay từ ngày ấy, ông đã không hợp với cách dạy, cách học văn kiểu trường ốc, mà dường như đến bây giờ lối dạy này vẫn chưa thay đổi bao nhiêu… Thay vì dạy học sinh cảm thụ một tác phẩm văn học thì người ta lại quá chú trọng đến tiểu sử tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm và thủ pháp nghệ thuật. Nói như một học giả người Pháp gốc Bungary, cách dạy này không cho học sinh cơ hội tìm hiểu vẻ đẹp kiến trúc, thẩm mỹ của ngôi nhà mà lại bắt chúng nghiên cứu hệ thống giàn giáo, quên mất rằng khi ngôi nhà đã xây xong thì những giàn giáo này cũng tự nhiên biến mất.
Trong lúc “chán đời” vì phải học lại, Đỗ Chu ngồi viết truyện ngắn “Hương cỏ mật” gửi Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bẵng đi một thời gian, ông nhận được thư của biên tập viên văn xuôi tạp chí, bấy giờ là nhà văn Nguyễn Minh Châu, hỏi tác giả trẻ còn truyện nào không thì gửi thêm 2-3 cái nữa.
“Hăng lên, tao viết liền một mạch Thung lũng cò và Mùa cá bột.” Ở tạp chí không ai nghĩ những truyện ngắn này được viết bởi một cậu học sinh phổ thông tỉnh lẻ mới mười tám tuổi vừa bị đúp lại lớp 10. Năm sau, 1963, ba truyện ngắn ấy giành giải Nhất cuộc thi của tạp chí văn chương vào hàng đầu bảng lúc bấy giờ. Nghe người ta kể lại thì nhà văn Nguyễn Khải đọc xong đã tấm tắc: “Ngay từ những truyện đầu tiên nó (Đỗ Chu) đã không ngô ngọng như chúng mình!”
Đỗ Chu thường nói: Có hai nơi mà ông phải mang ơn dìu dắt suốt đời, đó là Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Phòng Chính trị Quân chủng Phòng không Không quân. Tạp chí đã có công lôi một anh học sinh lưu ban ra khỏi ngôi trường phổ thông và đặt ngay ngắn vào lâu đài sang trọng của văn chương. Còn Phòng Chính trị đã nhận ra cái “tạng Đỗ Chu” nên tạo điều kiện tối đa để anh lính trơn được tự do tương đối, “lêu têu” đi, sống, và viết trong thời chiến tranh khắc nghiệt.
Trong khoảng 50 năm cầm bút, Đỗ Chu viết nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký… và giành vô số giải thưởng cả trong và ngoài nước. Mươi năm trở lại đây, ông chuyên tâm vào tùy bút và… làm thơ. Theo tôi, ông là nhà văn viết tùy bút đặc sắc nhất hiện nay với “Tản mạn trước đèn”, “Thăm thẳm bóng người”, “Chén rượu gạn đáy vò”…
“Có con sông Thương chảy vào đời tôi, lại có dòng sông Cầu chảy qua đời tôi, và có những trang sách nâng tôi bước đi theo năm tháng…”(Thăm thẳm bóng người)
Có thể có nhiều cách tiếp nhận nhưng tôi cho rằng lối viết tùy bút này ngày nay ít người làm, nghĩa là viết vô cùng kỹ. Cái chữ khi đặt bút xuống đã vần đi vò lại không biết bao nhiêu lần, để rồi mang đến cho người đọc cảm giác nó được viết ra như chơi. Văn của Đỗ Chu phải để ngòi bút sột soạt bò trên trang giấy tuôn dần ra chứ không thể gõ lách cách trên bàn phím. Phải chăng vì thế mà cho đến bây giờ ông vẫn nộp bản thảo viết tay? Thời gian gần đây ông miễn cưỡng vi tính hóa bản thảo (vì nhiều tòa soạn không còn nhân viên đánh máy). Nhưng ông không tự làm được mà thường phải nhờ chị Khánh, một cán bộ văn phòng của Hội nhà văn VN gõ lại rồi gửi giúp bằng email với dòng chú thích “bài của ông Chu”.
Nhà thơ Trần Dần quan niệm: “Nhân cách của nhà văn chính là văn cách của anh ta”. Tôi thấy thích hơn câu “văn là người”.
Văn cách được tìm thấy trên văn bản viết ra bằng tài năng của người cầm bút, trong khi nhân cách là tổng hòa tất cả các hành vi sống của một con người. Mà nghệ sĩ thì cũng là người bình thường như mọi người khác mà thôi...
Trước khá nhiều giai thoại cả đúng và không về bản thân, ông tự nói về mình ngắn gọn thế này: “Đỗ Chu là người thích làm việc và thích nói chuyện. Hết”.