Nhà văn Sương Nguyệt Minh qua “Miền Hoang” muốn truyền đạt ý tưởng, khi niềm tin và khát vọng được sống trong hòa bình, yên lành, văn minh sẽ trở thành nguồn sức mạnh giúp con người vươn tới một tương lai tươi sáng. Vậy mà dư luận lại nổ bùng với nhiều sự soi sét khác nhau trên văn đàn. Đặc biệt cuốn sách còn được mổ xẻ kỹ đến mức Hội đồng chấm giải phải luận bàn đến mấy buổi. Cuối cùng Miền Hoang không được vào giải



Nhà văn Sương Nguyệt Minh: DẤN THÂN VÀ BÙNG NỔ

VƯƠNG TÂM

Đọc tác phẩm của nhà văn Sương Nguyệt Minh tôi luôn có cảm giác hồi hộp chờ đợi một cơn lốc tâm hồn chợt đến. Đó là trường cảm xúc dồi dào, lay động, cuốn hút người đọc chăm chú đến nút kết cuối cùng của câu chuyện. Ngỡ như anh là người trầm tĩnh suy tư, nhưng khi gặp mặt tôi mới hay, anh đôn hậu và chân tình. Anh bộc bạch đủ mọi chuyện, kể cả những ví von hài hước, châm biếm ngay chính mình. Tôi lại bị thu hút đúng như khi đọc truyện của anh. Lúc ngạc nhiên, lúc lại bật cười...

Long đong trước khi “bán chữ”
Sự nghiệp văn chương chưa đâu vào đâu, Nguyễn Ngọc Sơn (tên thật của nhà văn Sương Nguyệt Minh) đã lấy vợ năm 1986 và quyết dấn thân vào con đường buôn bán kiếm tiền. Thời bao cấp, đời sống cán bộ công nhân viên như anh chàng Sơn 28 tuổi còn nhiều khó khăn.
Cho dù đã mang cấp hàm thượng úy làm tuyên huấn tại Học viện Quân y, nhưng đâu có đủ tiền nuôi vợ, khi ấy còn là sinh viên năm thứ nhất. Đến khi có con trai đầu lòng, chẳng còn cách nào khác phải lén ngầm đi buôn bán kiếm tiền mua sữa cho con.
Đầu tiên là nuôi gà giống tại nhà, nhưng không biết cách nuôi nên gà chết cả đống, mất cả chì lẫn chài. Sau về tận quê Ninh Bình buôn trứng vịt lộn, cũng sôi hỏng bỏng không, vì đâu có biết gì. Hàng trăm quả trứng, bọc giấy nhét cả vào thùng sắt thế là đi tong. Xe nó xóc cho đến người cũng nôn ọe nữa là trứng. Hai vợ chồng cùng khóc trong đêm tối không dám cho bà con tập thể biết.
Tờ mờ sáng đem cả thúng trứng vỡ đổ xuống ao. Toi mất hết số vốn để dành cả năm trời. Ngẫm thấy kiếm tiền nuôi vợ con sao mà khó. Nhưng không nản, chàng Thượng úy Sơn lại dấn thân một chuyến buôn nữa, vào tận “Sè Gòn” chơi một quả toàn tập: quần, áo lót đàn bà. Một cây vàng làm vốn chứ có ít. Đóng liền hai thùng chật ních hàng.
Sơn ta nghĩ phen này quyết làm giàu, không một vốn bốn lời, thì cũng phải một bung thành hai. Đúng là trời không có mắt chẳng ủng hộ người nghèo. Hai vợ chồng khênh hàng đi đâu cũng chẳng ai mua. Vì sao không biết. Mẫu mã ư? Không, rất đẹp mà. Chất liệu ư? Đâu có, toàn vải xịn bóng mượt. Hay là giá cả? Hạ lấy vốn cũng chẳng ai thèm.

Thế mới chết. Sau cùng mới vỡ nhẽ vì kích cỡ bé quá. Mua nhầm hàng. Thế là muốn khóc không còn nước mắt. Vì ức quá! Chẳng lẽ đấm ngực mà chết!? Vỡ mộng làm giàu lại quay về làm anh thượng úy đủ tiền mua tem phiếu như ngày nào. Sơn ta chỉ biết thở dài ngậm bồ hòn làm ngọt.

Nhưng vẫn chưa hết nhé. Dù sao trời cũng không phụ lòng người. Có gan làm giàu. Thua keo này bày keo khác. Phút lóe sáng trong một thời cơ mà chỉ có Thượng úy Sơn mới nghĩ ra. Đó là việc đào giếng khoan nước bán cho các hộ dân ở khu tập thể của Học viện Quân y.

Bởi ngày ấy cả khu hỏng nguồn nước máy. Nghe chừng không biết bao giờ có nước trở lại. Sớm tối, đêm hôm mọi người thay nhau đi hứng nước và đi xin nước ở tận xa. Trong cơn cồn cào khát nước ấy, Sơn ta có ý tưởng mới lạ, khoan giếng bán nước. Giếng sâu cả trăm mét mới có nước sạch.
Hai trăm rưỡi hộ dân trong khu tập thể của Học viện kìn kìn đến mua. Thế là ông chủ máy nước Nguyễn Ngọc Sơn nổi lên như một hiện tượng tài ba. Nhưng rồi cuối cùng lộc đến cũng chẳng được là bao khi nguồn nước chính được khôi phục. Thôi thì cứ gọi là một chuyến làm ăn thành công duy nhất cũng an ủi phần nào cho anh chàng chuyên trách tuyên huấn nghèo rớt mùng tơi.

Nhưng sau những vụ làm ăn đổ bể, lại quá vất vả, chàng Thượng úy Nguyễn Ngọc Sơn bỗng nhận ra mình phải quẳng mọi bon chen, xô đẩy, quay về với ước mơ từ thời trai trẻ. Đó là mộng văn chương. Thế là anh rũ hết mọi chuyện mưu sinh chạy chợ cò con.

Quả không ngờ Nguyễn Ngọc Sơn đã trở về với chính mình. Những con chữ cuồn cuộn tuôn chảy. Ngay những đêm đầu tiên cầm bút, mọi chuyện trùng điệp trở về, với những hình ảnh làng quê, hay ký ức của một thời cầm súng chiến đấu ở mặt trận Tây Nam và chiến trường Campuchia. Nóng bỏng và quyết liệt. Đó là những đêm thức trắng không còn biết mệt mỏi. Cuộc dấn thân mới bắt đầu từ đây.

Sự bùng nổ bất ngờ
Ngay tác phẩm đầu tiên Nguyễn Ngọc Sơn đã gặp sự cố kỳ lạ với cái bút danh bị biến hóa. Đó là truyện ngắn Nỗi đau dòng họ, ban đầu với cái tên tác giả là Sơn Nguyệt Minh, trong bản thảo. Bút danh được ghép bởi ba cái tên Sơn (tác giả) với tên vợ là Nguyệt và con là Minh. Nhưng không hiểu sao khi in ra lại thành Sương Nguyệt Minh.

Ngay ở một số bài báo in ở Báo Quân đội nhân dân, hay vài nơi khác cũng bị người đánh máy sửa thành Sương Nguyệt Minh. Thậm chí có nơi còn in sai hẳn thành Sương Nguyệt Ánh. Nói mãi không được, cái tên Sương Nguyệt Minh được in đi in lại thành danh xưng, thôi đành chịu. Thế là nhà văn trẻ quân đội lúc đó mang tên Sương Nguyệt Minh ngay từ truyện ngắn đầu tiên. Cho đến tận bây giờ vẫn không hay cái tên ấy bị thay đổi từ đâu và do ai gây ra.

Nhưng cái bút danh đầy trắc trở ấy cũng gắn với những sự cố ngay sau khi truyện Nỗi đau dòng họ in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội (tháng 5-1992). Dân quê anh ở Yên Mỹ xôn xao về truyện ngắn này kể về sự mâu thuẫn giữa hai dòng họ trong làng. Một dòng họ đối địch còn cử người đại diện lên tận Hà Nội kiện tác giả vì cho là đã bêu xấu họ trên báo chí. Họ còn lùng tìm và điều tra ai là tác giả.
Khi biết chính cái tên Nguyễn Ngọc Sơn, người làng Yên Mỹ là tác giả Sương Nguyệt Minh, họ còn đe dọa nếu anh về làng sẽ ăn no đòn, không tha. Đúng là phải ba năm sau đó, nhà văn trẻ Sương Nguyệt Minh mới dám về làng, dưới sự bảo vệ của những thanh niên trai tráng thuộc dòng họ Nguyễn nhà anh. Nhưng vẫn chưa hết vận hạn.
Cũng bởi sự kiện tụng đó mà truyện ngắn Nỗi đau dòng họ, tuy được đánh giá là hay, nhưng không được đưa vào diện xét giải cuộc thi của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm ấy. Có thể nói truyện ngắn Nỗi đau dòng họ mở đầu cho sự nghiệp văn học của Sương Nguyệt Minh.

Cho dù trước đó từ những năm từ 1975 đến 1978, anh đã từng không ít lần viết báo, nhưng đúng là khi dấn thân vào lĩnh vực văn chương anh đã nổi lên như một hiện tượng, với sự cố bất ngờ. Đồng thời truyện ngắn này là sự khích lệ sau đó cho một loạt truyện ngắn và những tập sách ra đời của Sương Nguyệt Minh.

Năm 1998, anh được chuyển sang tạp chí Văn nghệ Quân đội, làm biên tập viên. Sau đó, nhà văn Sương Nguyệt Minh làm Trưởng ban Văn xuôi, với quân hàm đại tá. Đến năm 2010, anh xin thôi chức và chuyển sang Ban Sáng tác của Tạp chí cho đến nay.

Nói về những hệ lụy văn chương, Sương Nguyệt Minh còn kể đến cuộc tấn công ghê gớm khác vào tác phẩm của anh. Đó là dư luận dồn dập tranh luận về tập truyện ngắn Dị Hương, khi được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2010.
Có những bài viết khảo luận về tập truyện ngắn Dị Hương, với những thẩm định chủ quan và có phần suy luận sai lệch, được một tờ báo mạng in đúng ngày mùng một tết 2011. Cả nhà anh sửng sốt với dư luận ồn ào nói về Dị Hương đã bôi nhọ lịch sử, sai lệch về tư tưởng, không đáng được giải thưởng...
Không khí đượm buồn trong ngày xuân làm cả nhà không vui. Bạn bè đồng nghiệp có người còn nghi kị, hay lo sợ nhà văn Sương Nguyệt Minh sụp đổ tinh thần. Nhưng anh vẫn tỏ ra bình tĩnh với một bản lĩnh kiên cường của người lính.
Bởi anh biết họ, những người gây sóng gió cho anh, không hề khách quan mà còn có sai lệch trong những quy kết chụp mũ. Thậm chí có người còn đọc không kỹ lưỡng đã phát ngôn thiếu trách nhiệm nên anh cùng những người thân trong gia đình giữ vững tinh thần và im lặng không nóng vội cãi vã hay đăng đàn tranh luận. Mọi chuyện dần tắt sau hai tháng ồn ào, nhưng dù sao cũng để lại dư âm, vang vọng nỗi sầu nhân thế.

Không ngờ hai năm sau sóng gió lại nổi lên, khi Sương Nguyệt Minh đưa tiểu thuyết đầu tay của mình dự Giải thưởng Tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2014. Đó là cuốn Miền Hoang nói về cuộc sống chiến tranh của những người lính về cả hai phía địch - ta.

Tác giả đã có nhiều tìm tòi nghệ thuật biểu hiện tâm lý nhân vật, với con mắt tinh tế, khi soi sáng số phận và tính cách đối kháng của những nhân vật đầy phức tạp. Họ sống trong một hoàn cảnh trớ trêu, phải dựa vào nhau, khi bị lạc trong một miền rừng núi, hoang vu. Mỗi người là một câu chuyện, với những số phận đưa đẩy họ vào cuộc chiến.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh qua tác phẩm muốn truyền đạt ý tưởng, khi niềm tin và khát vọng được sống trong hòa bình, yên lành, văn minh sẽ trở thành nguồn sức mạnh giúp con người vươn tới một tương lai tươi sáng. Vậy mà dư luận lại nổ bùng với nhiều sự soi sét khác nhau trên văn đàn. Đặc biệt cuốn sách còn được mổ xẻ kỹ đến mức Hội đồng chấm giải phải luận bàn đến mấy buổi. Cuối cùng Miền Hoang không được vào giải. Quả là một sự kiện văn học còn phải khám phá nếu cần thiết.

Khắc khoải những dư chấn
Nhưng thật bất ngờ sau đó tiểu thuyết Miền Hoang lại được nhận Giải sách hay năm 2015 (do Viện Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục trao tặng). Đúng là đường đời muôn nỗi. Những hệ lụy của tác phẩm văn học khá khách quan, khi thuận, khi nghịch không thể ngăn cản. Sự dấn thân là một quá trình lao động khổ sai. Mọi ý tưởng đôi khi trượt khỏi những biến hóa của đời sống nhân vật, nếu bản lĩnh nghệ thuật của tác giả không vững vàng.
Hơn nữa, giữa muôn vàn lớp sóng của đại dương dư luận, nếu con tàu văn học không bị chòng chành mới là chuyện lạ. Nhưng con tàu vẫn hướng tới chân trời. Đó mới chính là đời sống văn học. Và, những tác phẩm của Sương Nguyệt Minh chính vì thế mà trở thành hiện tượng đáng được bạn đọc quan tâm.