Kể từ khi họa sỹ Bochellini vẽ Thần Vệ Nữ bơi trong chiếc vỏ sò lóng lánh màu xà cừ, hẳn chưa  một ai nhìn thấy Thần Vệ nữ của Tình yêu nhô lên từ lớp bọt sóng biển. Ấy vậy, nhưng vào lúc 12 giờ trưa 12/5/1953 hai ngàn thủy thủ trên tàu sân bay Enterprise của Mỹ đang thả neo trên vịnh Cannes lại trở thành chứng nhân cho phép màu huyền diệu đó.




Thoạt đầu họ nhìn thấy, như từ đáy biển sâu, bỗng xuất hiện một mớ tóc dài, sau đó là một gương mặt lấm tấm bọt nước lấp lánh sáng dưới ánh nắng mặt trời như những hạt kim cương. Rồi là cái miệng nhỏ ngây thơ, nhưng đầy biểu cảm, một cặp mắt đẹp như vẽ, cái mũi thanh tú, và đôi má như còn giữ nguyên cái phúng phính của tuổi ấu thơ- tất cả hầu như được trời sinh ra dành cho sự khoái lạc. Hai cánh tay nuột nà của thiên thần vươn ra bám vào bên thành chiếc xuồng chạy bằng động cơ. Và đến lúc này người con gái đã hiển hiện trước  những cặp mắt đang theo dõi với chiếc cần cổ thiên nga, đôi vai ướt nước, bộ ngực nhô cao và vòng eo của loài ong có thể ôm xiết trong bất cứ vòng tay nào, tấm lưng mịn màng, đôi bờ mông nở nang, cuối cùng là cặp chân săn mịn của một vũ nữ ba lê. Trên thân thể kiều diễm ấy không có gì hết, ngoài bộ đồ bơi không che lấp được một thân hình cân đối, đầy gợi cảm.

Không ai rõ, người con gái xuất hiện trước mặt là ai, những thủy thủ của chiếc tàu sân bay “Enterprise” chỉ còn biết đoán định trước mặt họ là một nữ thủy thần. Tiếng huýt sáo, tiếng vỗ tay reo hò của đám thủy thủ không nghi ngờ gì đã vọng tận tới những bức thềm của Cung Liên Hoan Cannes nằm trên bờ Croisette. Để ngắm cô gái rõ hơn, đám thủ thủy dồn hết sang phía boong bên trái con tầu.

Đứng dưới xuồng, Brigitte cười vui. “Này! Không cẩn thận các anh lật chìm tầu mất!- Nàng hét lên. Viên sỹ quan trực ban vội xuống cầu thang, ngỏ ý mời Brigitte lên tầu. Điều này như phá bỏ mọi luật lệ, nhưng viên sỹ quan tự cho phép mình để dẹp bớt cơn náo loạn trên boong tầu.

Với bản tính hồn nhiên, thực thà Brigitte nhận lời mời. Và khi đã lên tới trên boong, nàng bắt tay các thủy thủ, đáp lại lời thăm hỏi của đám thủy thủ Mỹ bằng cái vốn tiếng Anh chỉ biết không hơn bốn từ của mình, cho phép các chàng trai Mỹ thỏa sức chụp ảnh. Vị khách nữ này khác hẳn với các vị khách xưa nay hay tới thăm viếng “Enterprise kiểu như danh hài, kiêm ca sỹ Bob Hope hay cac cô gái điệu đàng mang tem mác “Được sản xuất từ Hollywood. Tạm biệt con tầu sân bay, Brigiite để lại nơi đây hai ngàn người bạn.

Trên đường tới khách sạn “Carlton”, nàng còn kịp sỏ chân vào chiếc quần jean. Và cũng còn đủ nửa giờ tốt lành nữa để đi một trăm mét từ bãi biển tới khách sạn và từng ấy thời gian nữa để nàng đi hết các dãy hành lang. Cuối cùng, dẫu sao nàng cũng kịp bước vào thang máy. Ngay trên lối ra từ thang máy tới gian buồng của chúng tôi trên tầng tư đám phóng viên ảnh đã chen chúc đợi nàng. Liên hoan phim Cannes đang ở giai đoạn cao trào. Đó là thời điểm ồn ĩ nhất và vui vẻ nhất. “Những ngôi sao hãy còn chưa tường phúc phận có rơi trên vai họ hay không. Quý bà, quý cô xinh đẹp hầu như đang vạch đường, chỉ lối cho mọi người. Còn giới phóng viên chưa bình xét xem tài năng được nâng lên cao kia có phụ thuộc vào vị trí xã hội hay các quan điểm chính trị không. Vào thời điểm ấy Brigitte Bardod cũng đã sắm vai trong một số phim, nhưng nàng còn chưa phải là “ngôi sao. Hơn vậy, nàng cũng chưa phải là khách mời của Liên Hoan Phim. Và hiện tại nàng chỉ đơn giản là người đi theo chồng, một phóng viên trẻ của tờ Paris Match có tên là Roger Vadim: “Chúng tôi cưới nhau đã được 4 tháng  và nàng không muốn ở lại Paris một mình. Brigitte rất dị ứng với những bữa tiệc tùng hay các cuộc họp báo đông đúc, long trọng, vì biết rằng các phim có vai diễn của mình không hề được lọt vào vòng phim tranh giải, nhưng nàng vẫn không thể hiểu nổi từ lúc nào trong mấy ngày chúng tôi ở Cannes xung quanh nàng lại diễn ra những điều lạ lùng như vậy.

Buông rơi những con mồi quen thuộc-  những “ngôi sao nổi tiếng thế giới thuộc phái đẹp, đám phóng viên ảnh săn đuổi từng dấu vết của Brigitte, lúc thì nàng đang ở khách sạn, khi đi đi mua sắm qua các cửa hàng; thậm chí rình rập nàng ngay tại căn phòng chúng tôi lưu trú tại trên tầng tư của khách sạn. Tôi còn nhớ một lần vào buổi chiều tôi bỗng trở thành phóng viên duy nhất tiến hành phỏng vấn những Lollobrizda, Kim Novak và Kerka Duglas trong phòng họp của giới báo chí. Tất cả những phóng viên khác đều chạy theo vợ tôi qua các sạp hàng trên phố Antib, tiếp tới con đại lộ rợp bóng cọ trên bờ biển Croisette.

“Hiện tượng Bardod- cái sức quyến rũ không thể hiểu nổi mà cô gái 19 tuổi này có được, tự thân nó không thể trở thành một tin tức. Nhưng khi đó tại Cannes “hiện tượng Bardod ấy bỗng có độ lan truyền khắp thế giới. Vào cái ngày, khi Bardod lên thăm con tầu “Enterrspaise chúng tôi ăn bữa tối với bạn hữu tại một quán ăn nhỏ trên đường La-Napuls. Hai chúng tôi khó làm cách nào lẩn tránh nổi cuộc săn lung của đám phóng viên và các tay nhiếp ảnh (thật là buồn cười, khi tôi buộc phải dấu mặt giữa mấy anh bạn đồng nghiệp) nhưng ngay lập tức có một người tiến đến bên bàn hai chúng tôi, tự giới thiệu anh ta là thư ký của ngày tỷ phú Onassis.
-Ông làm cách nào mà tìm được tôi? – Brigitte ngạc nhiên hỏi.
- Cho phép được dấu kín nguồn cung cấp tin cho tôi, thưa cô. Đó là một vấn đề thuộc về nguyên tắc.
- Ông chủ của ông có cơ quan mật vụ riêng à! Brigitte nhận xét.
- Cũng có thể nói như vậy được. Ông chủ yêu cầu tôi mời cô tơi buổi tiếp tân của ông trên boong con thuyền buồm “Cristina vào tối ngày mai.  Ở đấy sẽ có mặt tất cả các “ngôi sao của Liên Hoan Phim lần này. Ngài Onassis nhờ tôi nói lại với quý cô, nếu trong buổi họp mặt tối mai vắng mặt quý cô, xem như buổi tối ấy bất thành.
- Ông ấy nói đúng đấy! - Brigitte đáp lại- Đáng tiếc, ngày mai tôi bận mất rồi. Tôi đang ăn bữa tối với chồng tôi. Viên thư ký của ngài Onassi  liền đưa thêm tấm thiếp mời cho tôi, vẻ ngượng nghịu.

Bây giờ thì mọi người đều rõ Bardot đẹp và đầy nhục cảm như thế nào rồi. Nàng chính là sự hiện thân củađiều lạ lẫm và niềm vui sống của những năm tháng đã qua. Nhưng còn ít ai biết tới sự nồng nàn, những phút giây xúc cảm, cái năng lực tự gom tích trong mình những tai họa đẩy mấp mé tới bờ vực của thảm kịch ở nàng. Brigite sẵn sang ôm hôn say đắm bạn trong một cuộc dạo chơi đưới ánh trăng – điều đó cũng không nói được bao nhiêu về nàng. Mọi người chỉ hiểu được một mặt cắt trong cuộc đời của Bardot thôi. Mọi người chưa biết đâu những điều ẩn náu phía sau gương mặt lúc nào cũng như được bao phú của một lớp hào quang của người đàn bà được xem là biểu tượng tình dục của nước Pháp này.

TÔ HOÀNG

( Từ Hồi ký của Đạo diễn Pháp ROGER VADIM, người chồng đầu tiên của BRIGITTER BARDO )