Nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc vừa ra mắt cuốn sách “Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt”, dày gần 700 trang. Đây là một công trình biên soạn khá công phu, gồm 5 chương, trong đó đáng chú ý nhất là chương 2 viết về “Các vị tổ ngành nghề Việt Nam”.





Thiên hạ có trăm nghề thì cũng có trăm vị tôn sư đã đặt nền móng hình thành và phát triển. Đi tìm những tổ nghề của người Việt là một công việc thú vị nhưng cũng đầy thử thách. Bởi lẽ, có những nghề đã mai một theo thời gian, có những nghề được tiếp thu thành tựu kỹ thuật và cải biến hoàn toàn, và cũng có những nghề không có thư tịch lẫn giai thoại để truyền tụng. Đi tìm những tổ nghề không đơn giản như cách “truy xuất nguồn gốc” sản phẩm thịnh hành.

Tác giả Lê Minh Quốc đã khảo sát được 20 vị tổ nghề tiêu biểu như tổ nghề thuốc Nam là Tuệ Tĩnh, tổ nghề gò đồng là Nguyễn Công Truyền, tổ nghề khắc bản in là Lương Nhữ Học, tổ nghề thêu là Lê Công Hành, tổ nghề hát xẩm là Trần Quốc Đĩnh…  

Bằng thiện chí tri ân tiền nhân, nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc nói về hành trình lặn ngụp với quá khứ: “Khi khảo sát, tôi nhận ra rằng thêm một điều rất đáng quý đã thuộc phẩm chất vẫn là "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "uống nước nhờ nguồn" - hễ những ai có công truyền bá, cải thiện nghề nghiệp nhằm nâng cao đời sống thì thế hệ sau bao giờ cũng tôn vinh, biết ơn từ máu thịt. Mà các cống hiến đó phải nhằm phục vụ lợi ích cho cộng đồng, cho tập thể bởi vì rằng, xin nêu trường hợp của Lê Trừng - một kỹ sư tài ba lỗi lạc đã chế ra súng thần cơ sang pháo nhưng khi bị bắt sang Trung Quốc lại truyền "bí kíp" cho quân đội nhà Minh sử dụng chống lại cuộc kháng chiến của anh hùng Lê Lợi thì nhân dân không tôn vinh tổ nghề. Có thêm một điều độc đáo nữa là các ngành nghề, trải qua năm tháng, chính người Việt đã bổ sung, ngày một hoàn thiện hơn.

Một trong những tiêu chí quan trọng để phục dựng chân dung những tổ nghề ở nước ta là phải phân định mạch lạc chính sử và huyền sử. Không thể lấy những giá trị tâm linh làm cơ sở xác lập nhân vật từng có thật trên dương gian. Ví dụ, nếu nói Bà Chúa Kho là tổ của ngành ngân khố quốc gia thì hơi khiên cưỡng.

Mặt khác, khi khảo sát những tổ nghề cần có sự so sánh và đối chiếu với thực tế tồn tại của nghề này. Bởi lẽ, chúng ta chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ nền văn minh Trung Hoa, có những nghề hoàn toàn do chúng ta học hỏi của nước bạn chứ không phải do chúng ta phát kiến. Không cẩn thận dựa trên văn bản cổ hoặc chứng tích xưa, thì dễ rơi vào câu chuyện “tự vẽ bùa để đeo”.

Chẳng hạn, nếu chưa có tài liệu có mốc thời gian sớm hơn, thì không nên khẳng định ông tổ nghề dệt chiếu của người Việt xuất hiện ở thế kỷ thứ 15 là Phạm Đôn Lễ. Vì sao? Vì thời Tam Quốc, Tào Tháo đã lên giọng mỉa mai Lưu Bị là “thằng dệt chiếu”. Không lẽ, suốt mấy triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh thì bên này biên giới người Việt vẫn chưa biết cách dệt chiếu ư? Không lẽ, sau khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thì ròng rã 14 thế kỷ người Việt phải nhập khẩu chiếu để sử dụng ư?

Xin nhắc lại, tác phẩm của Lê Minh Quốc là công trình biên soạn, do đó cũng có ý nghĩa gợi mở cho những nhà nghiên cứu tác nghiệp thêm. Đúng như tác giả Lê Minh Quốc thổ lộ: “Khi khảo cứu văn hóa Việt, hẳn chúng ta sung sướng nhận ra người Việt mình cực kỳ cầu tiến và luôn có suy nghĩ tích cực là một khi tiếp thu giá trị văn hóa mới bao giờ cũng chọn lọc, cải tiến, nâng cao những gì mình đã có; nếu chưa có thì làm theo nhưng vận dụng phù hợp với tâm lý, tính cách của dân tộc mình, tùy vào điều kiện thực tế. Việc làm của các tài danh như Cao Thắng, Trần Đại Nghĩa… chế tạo súng hiện đại; bác sĩ Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch… bào chế thuốc Tây là một trong những ví dụ hùng hồn. Rồi nhìn sang cải lương, kịch nói, xiếc, mỹ thuật…, ta thấy những gì? Đi tìm câu trả lời, tôi đã dành cả hàng chục năm hoặc nhiều hơn nữa nhưng không bao giờ dám nghĩ đã đạt đến sự hoàn chỉnh, đầy đủ. Tuy nhiên, có một điều thích thú khi nghĩ rằng công việc của mình dẫu còn thiếu sót thì người sau sẽ hoàn thiện bổ sung thêm miễn là trong quá trình đó ta luôn tự nhủ lòng bằng câu của Phan Bội Châu “chẳng phải công đâu, may khỏi tội/ Bao nhiêu chữ đó, bấy nhiêu tâm”… Trước đây, các danh nhân nước nhà đã khơi dòng văn hóa Việt bằng nội lực tự thân trong nhiều lĩnh vực và để lại dấu ấn rực rỡ lâu bền, thiết nghĩ điểm xuất phát căn bản vẫn là lòng yêu nước, thương dân - thể hiện qua việc đặt lợi ích của cộng đồng lên cao nhất. Nhờ thế, dòng chảy văn hóa mang tính tiên phong đó đã lan tỏa và cộng hưởng. Nay thế nào? Tôi nghĩ, bao giờ, người Việt thật tâm, thật lòng thay đổi, mong muốn khắc phục các hạn chế về thói hư tật xấu như một lẽ sinh tồn, ắt chúng ta có câu trả lời. Mà việc thay đổi phải là công việc bức thiết của một dân tộc, chứ không là một hai cá nhân riêng lẻ.

                        TUY HÒA