Là thủ trưởng nhưng Nguyễn Bình Phương là một trong những người rất lặng lẽ và kín tiếng. Nhà anh ở khu tập thể cũng số 4 ngay sau cơ quan, đường Lý Nam Đế. Anh đến, anh về ít ai hay





Nguyễn Bình Phương - Mình và họ…

UÔNG TRIỀU

Lúc tôi về Văn nghệ quân đội thì Nguyễn Bình Phương mới là trưởng ban thơ của Tạp chí. Không biết ngẫu nhiên thế nào mà tôi luôn ngồi cạnh anh, ngồi cố định rất lâu. Văn nghệ quân đội có một truyền thống là trong các cuộc họp giao ban, ai đã ngồi chỗ nào thì cứ nguyên chỗ ấy, rất ít khi thay đổi. Một chỗ ngồi có khi quen thuộc đến dăm năm thậm chí vài chục năm. Tôi ngồi cạnh Nguyễn Bình Phương nhưng chúng tôi rất ít khi nói chuyện với nhau. Nguyễn Bình Phương thường lơ đãng trong cuộc họp, nhìn khuôn mặt anh, người ta rất khó biết anh đang nghĩ gì. Một khuôn mặt điển hình cho mọi sự suy đoán sẽ trượt khỏi nhanh chóng, y như nhìn một bức tường đá trăm năm, rêu xám cổ điển nhưng ai biết tường đá có bao giờ đổ mồ hôi...
Cũng căn phòng họp đó, nơi chúng tôi treo rất nhiều bức ảnh những người quá cố từng là đồng nghiệp như Thanh Tịnh, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Chu Phác… Nguyễn Bình Phương một lần bảo tôi có một tiểu thuyết nước ngoài tên là “Mắt những người đã khuất” khiến anh liên tưởng đến căn phòng này. Những người đã mất im lặng ngự trên tường nhìn chúng ta, đừng tưởng không ai biết bọn ta đang làm gì trong căn phòng khép kín ấy.
Nguyễn Bình Phương đắm đuối với nghề, tôi ít thấy ai cẩn trọng và cầu toàn như anh. Những bản thảo tiểu thuyết của anh be bét những gạch xoá, sửa chữa. Nhưng anh tiết kiệm và cẩn thận, sửa bản thảo lần đầu anh dùng mực xanh, lần thứ hai anh sửa vẫn bản ấy, bằng bút đỏ. Cứ thế, mỗi bản in là hai lần sửa, mực xanh và mực đỏ, đến khi không sửa thêm chữ nào nữa anh mới chịu dừng lại. Nhưng thế vẫn chưa xong, Nguyễn Bình Phương để nguyên cái bản thảo ấy, không sờ đến trong nhiều tháng, cho nó chín nục ra, những chỗ sâu ruỗng, mối mọt cũng bật ra cả, khi ấy anh mới đọc lại một lần nữa, nếu thấy ổn mới cho in.
Vậy nên Nguyễn Bình Phương là người kĩ lưỡng và chơi kĩ thuật cao lắm. Những tập thơ đầu tay, tiểu thuyết đầu tay, anh ngần ngừ mãi mới cho in lại. Tôi bảo, đó là lịch sử phát triển của anh, từ khờ dại đến lão luyện, anh cứ in đi, anh được tiền tiêu và không ai phán xét những tác phẩm đầu tay ấy đâu. Nhưng Nguyễn Bình Phương bảo, nhưng tao thấy nó không hay. Tôi bảo, anh thấy không hay nhưng nhiều người thấy hay, người đọc họ có suy nghĩ riêng của họ, khi đó anh mới chịu.
Vì thế, Nguyễn Bình Phương rất “nắn nót” với cái tên của của mình, những bài viết mang tính sự vụ, kiếm tiền, anh không bao giờ chịu kí tên Nguyễn Bình Phương. Một lần, tôi “moi” ra được hai cuốn sách kí tên khác nhưng tôi biết chắc chắn là của anh, tôi bảo, hôm nay bắt quả tang rồi nhé, hai cuốn này là của ông Nguyễn Bình Phương. Anh lại cười ngường ngượng và hình như không muốn nhắc đến những vụ đó nữa…
Thực ra, tôi thấy Nguyễn Bình Phương đã lo lắng quá, có lúc anh viết báo kiếm tiền, viết chơi nhưng tôi nghĩ chẳng việc gì phải xấu hổ với những điều ấy, những bài viết ấy của anh, có thể chúng không xuất sắc nhưng đều ổn cả.
Và nữa, Nguyễn Bình Phương không phải có từng ấy cuốn tiểu thuyết như ta thấy, anh mất hai bản thảo khá ưng ý mà không cách nào tìm lại được. Sau khi viết xong “Bả giời”, “Vào cõi”, “Những đứa trẻ chết già”, anh gửi hai bản thảo mới đến một biên tập viên và không may, thời thế biến động, biên tập viên ấy đã làm mất cả hai bản thảo. Hồi ấy anh viết tay và có đúng một bản duy nhất nên không cách gì cứu lại được.
Tất nhiên những cuốn sách đã mất không làm anh long đong bằng cuốn vẫn còn. “Mình và họ” từ khi mới ra đời đã chịu bao truân chuyên. Cuốn sách có số phận long đong, bất trắc, nó khiến anh cay đắng nhưng cũng cho anh những ngọt ngào. “Mình và họ” được giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội và nhiều người cho rằng đó là cuốn hay nhất của anh, cuốn tiểu thuyết gần như đầu tiên viết về chiến tranh biên giới phía Bắc nhưng không hẳn là chiến tranh. Nhà văn Bảo Ninh đánh giá “Mình và họ” là một kiệt tác của văn học đương đại và tôi cho rằng nó xứng đáng được xếp ngang hàng với “Nỗi buồn chiến tranh”. Về giải thưởng, tôi bổ sung một chi tiết, Nguyễn Bình Phương là người được giải thưởng ở cả hai thể loại, tiểu thuyết và thơ ở Hội nhà văn Hà Nội, một kì tích rất hiếm có.
Nguyễn Bình Phương được nhiều người hâm mộ lắm, có cả một câu lạc bộ yêu thích thơ văn của anh, theo dõi từng hoạt động và tác phẩm của anh. Tôi cũng biết Nguyễn Bình Phương được rất nhiều người yêu quý, anh có yêu họ không thì tôi chịu nhưng mỗi lần cùng anh đi công tác đến một địa phương nào đấy thường có một vài fan hâm mộ đến thăm anh và đấy là những người rất yêu văn học.
Là thủ trưởng nhưng Nguyễn Bình Phương là một trong những người rất lặng lẽ và kín tiếng. Nhà anh ở khu tập thể cũng số 4 ngay sau cơ quan, đường Lý Nam Đế. Anh đến, anh về ít ai hay. Ngày xưa, khi anh có vị trí gần giống tôi, trong các cuộc họp tôi thấy anh hay lơ đãng, bây giờ ngồi ở ghế chủ tọa, tôi vẫn thấy gương mặt có vẻ lơ đãng ấy nhưng chi tiết nhỏ nào anh cũng biết hết, nhất là về chuyên môn. Tôi nhớ một câu chuyện kể về Lê Lựu rằng, khi được người khác đọc to bản thảo cho nghe, Lê Lựu gần như ngủ gật nhưng chỉ cần ngừng đọc hay đọc sai một từ, Lê Lựu bật dậy chất vấn ngay. Nguyễn Bình Phương cũng thế chăng, khuôn mặt anh rất khó đọc nhưng anh rất tinh và kĩ lưỡng, một sợi tóc mảnh, gió thả xuống sân nhà số 4 có khi cũng không qua được mắt anh!
Đọc thơ và tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương ta thường chìm trong một không khí tĩnh lặng và tinh tế. Đặc biệt là sự tinh tế, một kĩ thuật điêu luyện mà tôi đã có lần nói, thỉnh thoảng đạt đến mức “vô chiêu.” Nghĩa là lời viết ra dùng tuyệt kĩ nhưng lại cảm thấy không có gì cả, tự nhiên như nước chảy. Tất nhiên không phải tác phẩm nào của Nguyễn Bình Phương cũng thế, có những tiểu thuyết, dấu vết kĩ thuật rất rõ và đậm, càng về sau độ tinh quái của anh càng cao, chiêu thức của anh ẩn mờ sau hàng chữ hầu như không trông thấy nữa. Về thẩm mĩ cá nhân, trong các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương tôi thích nhất hai cuốn “Người đi vắng” và “Mình và họ”.
Nhưng Nguyễn Bình Phương còn là một nhà thơ danh tiếng, thậm chí người ta biết đến tên anh trước hết là ở thơ. Thơ Nguyễn Bình Phương kín đáo và gợi nhiều ngẫm nghĩ, anh từng viết thế này:
Ta sinh ra cô đơn
Giờ cô đơn đã cũ
Ta trưởng thành bởi sợ hãi
Sợ hãi đã cũ rồi
Này tôi
Một khuôn mặt công chức
Đứng nhìn
Những cuộc họp rạc dài
Tiêu ma bao ý tưởng
Xa xa trải một mùa bệnh hoạn
Bệnh hoạn cũng cũ rồi…
Cái từ “cũ” của anh thật ghê gớm và nó không chỉ đúng với một người, một thời. Khi thỉnh thoảng đi ăn trưa với anh, nói chuyện về thời cuộc, văn chương, đôi khi chúng tôi chỉ bản về một chữ nào đó. Nguyễn Bình Phương là một trong những người rất hiếm hoi tôi có thể nói chuyện về văn chương, sách vở. Nguyễn Bình phương đọc rất nhiều và có trí nhớ tốt, giờ anh họp hành nhiều, lắm sự vụ nhưng chúng tôi thỉnh thoảng vẫn nói chuyện với nhau về những quyển sách hay, sách “hiểm”. Thỉnh thoảng có nhà xuất bản nào tặng phiếu mua sách, chúng tôi lại lọ mọ đi xe máy đến tận chỗ đó, tìm chọn những quyển sách ưng ý cho mình hoặc tặng bạn bè.
Ít người biết rằng Nguyễn Bình Phương là một người đánh bóng bàn rất cừ. Anh là một trong những cao thủ đáng nể ở nhà số 4 trong môn bóng bàn với phong cách đánh đẹp mắt. Mỗi khi anh đánh bóng với nhà phê bình Hồng Diệu là có một cuộc đấu rất ầm ĩ vui vẻ. Nhà phê bình Hồng Diệu có trình độ ngang ngửa với anh về kĩ, chiến thuật nhưng mỗi khi mấy đứa cháu nội của Hồng Diệu đến chơi cùng, nhà phê bình lại nói nhỏ với Nguyễn Bình Phương rằng, hôm nay mày nhường để tao thắng nhé, tao muốn oai với mấy đứa cháu một tí!
Thỉnh thoảng tôi quan sát Nguyễn Bình Phương và Hồng Diệu đấu bóng với nhau. Hồng Diệu thì hăng hái và ầm ĩ, Bình Phương thì bình thản nhưng gay cấn. Một lần anh nói với tôi rằng, cậu thấy không, bóng bàn là một trò chơi đế vương, hai người chơi ở hai đầu bàn như hai ông thần cùng nhau chuyền trái bóng qua lại...
Rất tiếc bây giờ tôi thấy anh bận quá, ít thì giờ để chơi bóng, lúc nào cũng thấy anh tất bật đi họp và đăm chiêu với đống giấy tờ. Một lần tôi nói đùa anh, dạo này em thấy anh đọc diễn văn hay quá, dấu hiệu cho thấy anh còn tiến xa hơn nữa! Nguyễn Bình Phương giật mình bảo, thế hả, có khi hỏng mất mẹ nó thằng nhà văn mà lại được ông đọc diễn văn hay. Cậu nhớ đừng bao giờ làm anh cán bộ nhé, làm thằng nhà văn sướng hơn nhiều…
Tôi biết Nguyễn Bình Phương phải hi sinh nhiều vì công việc, anh kiên nhẫn và nhường nhịn vì cái chung. Có những việc, có những người trước đây anh không bao giờ quan tâm thì giờ anh chịu khó lắng nghe, để ý. Trước đây là biên tập viên thì anh chẳng bao giờ sang phòng tôi, từ ngày làm thủ trưởng thì anh lại hay sang phòng tôi và mấy anh em khác. Càng ở chỗ quan trọng, anh càng nhẫn và hài hòa hơn.
Nhưng nhiều lúc tôi cứ hỏi anh dạo này anh có viết thêm gì không để ngầm giục anh viết. Tôi sợ anh ở chỗ ấy rồi khó viết được nữa, lại thành ông chuyên đi đọc diễn văn thì phí mất một nhà văn.
Nhưng mà có khi tôi lo xa quá, nhìn khuôn mặt Nguyễn Bình Phương tôi đâu biết anh đang nghĩ gì. Nguyễn Bình Phương không hề là một nhân vật đơn giản và dễ đoán. Tôi biết anh cẩn trọng và sâu sắc về mọi sự nhưng dù thế nào tôi cũng chỉ nghĩ anh là một nhà văn mà thôi.
Nguyễn Bình Phương, anh là mình hay họ?