Trong hàm ý "hóa" này thì các công việc, đối tượng ban đầu là công lập, thuộc nhà nước; nay đem "xã hội hóa" tức là các cá nhân (tư nhân) can dự, từ mức độ thấp đến cao. Vậy nói trắng ra, "xã hội hóa" ở đây tức là "tư nhân hóa" (tư nhân từ 1 đến nhiều chủ thể), phi quốc doanh hóa.




"XÃ HỘI HÓA", MỘT THUẬT NGỮ BỊ LẠM DỤNG VÀ XUYÊN TẠC

LẠI NGUYÊN ÂN

Ai cũng biết, trên một mặt bằng thuật ngữ xã hội nhân văn có sự liên thông với giới nghiên cứu toàn thế giới, thuật ngữ tiếng Việt "xã hội hóa" tương đương với "socialization", "socialize".

Đây là thuật ngữ và khái niệm của xã hội học, nhân loại học, chỉ quá trình mỗi cá nhân người trở thành thành viên xã hội người, cá nhân tích hợp vào hệ thống xã hội, thông qua việc lĩnh hội các quy tắc, chuẩn mực, các giá trị, các hàm nghĩa, các thói quen vốn cho phép nó có thể hoạt động hiệu quả trong xã hội; đây cũng là một quá trình tương tác xã hội kéo dài suốt đời, qua đó cá nhân phát triển các năng lực con người và học hỏi các mẫu văn hóa của xã hội người, để có thể sống như một thành viên trong xã hội người.

Nội hàm đích thực, chân chính của "xã hội hóa" như trên, lại không phải cái mà trên truyền thông ở Việt Nam sử dụng từ vài chục năm trở lại đây, bắt đầu từ truyền thông chính thống, sau lan sang các giới báo chí, đôi khi cả giới học thuật, mà nét chủ yếu là trỏ sự tham dự của dân chúng bên ngoài lực lượng nhà nước vào các hoạt động y tế, giáo dục, văn hóa vốn trước đó đã bị nhà nước hóa, quốc doanh hóa triệt để trong thời gian dài. Từ đây người ta chứng kiến một phạm vi khác hẳn của "xã hội hóa" với các nội hàm diễn giải khác biệt của nó. Có thể nói đây là chỗ phạm trù "xã hội hóa" bị lạm dụng.

Ví dụ, "xã hội hóa" giáo dục là gì? Người ta diễn giải là việc người dân tham gia hoạt động giáo dục, từ việc góp vốn tôn tạo các ngôi trường công, đến đầu tư thành lập các ngôi trường tư. Trong hàm ý "hóa" này thì các công việc, đối tượng ban đầu là công lập, thuộc nhà nước; nay đem "xã hội hóa" tức là các cá nhân (tư nhân) can dự, từ mức độ thấp đến cao. Vậy nói trắng ra, "xã hội hóa" ở đây tức là "tư nhân hóa" (tư nhân từ 1 đến nhiều chủ thể), phi quốc doanh hóa.

Người ta diễn giải "xã hội hóa" văn hóa nghệ thuật là gì? Nói đơn giản là, ví dụ, chuyển những nhà hát, đoàn kịch, đoàn chèo, v.v., từ chỗ là các đơn vị nhà nước, quốc doanh, trở thành các đơn vị dân doanh, tự làm lấy mà ăn, tự kiếm lấy thu nhập, v.v.

Việc này, nếu nhìn hoạt động văn hóa nghệ thuật tại miền Nam trước 1975, tại miền Bắc từ trước 1954, sẽ không thấy có vấn đề ấy. Là vì các hoạt động ấy vốn hầu như là dân doanh, công chúng nuôi nghệ sĩ, nghệ sĩ sáng tác biểu diễn bán vé, lại được quyền nhận hỗ trợ tài trợ từ các nhà doanh nghiệp, v.v.

Chỉ sau các mốc thời gian kể trên, khi xã hội VN đặt dưới sự cai trị của đảng CS cầm quyền, hoạt động văn hóa nghệ thuật mới xảy ra quá trình "nhà nước hóa" hoặc "tập thể hóa". Những năm từ sau 1958 ở miền Bắc, các nhà xuất bản tư nhân bắt đầu bị cấm, các đoàn chèo, tuồng, nếu còn là tư nhân, đều bị "hơp tác hóa", trở thành đoàn diễn quốc doanh, đạo diễn, diễn viên trở thành cán bộ nhân viên trong biên chế nhà nước. Đây là một phần của quá trình nhà nước hóa nền kinh tế, văn hóa, từ 1958 ở Bắc, từ 1975 trong cả nước.

Chỉ sau Đổi mới, 1986, dần dà các chính sách kinh tế xã hội mới cho phép "phi quốc doanh hóa" từng phần; ban đầu là ở khu vực thuần kinh tế, sau lan dần sang các lĩnh vực văn hóa văn nghệ; trong văn hóa văn nghệ thì các ngành ca nhạc "phi quốc doanh hóa" trước, sân khấu tiếp sau, rồi có thể đến các ngành khác, và cho đến hiện giờ quá trình "phi quốc doanh hóa" nền văn hóa nghệ thuật ở xứ ta vẫn chưa xong.

Hồi xưa, khi "hợp tác hóa, quốc doanh hóa", các chủ gánh, các đạo diễn, diễn viên chưa hẳn đã "phấn khởi, vui vẻ", thì ở quá trình ngược, "phi quốc doanh hóa" ngày nay, những trưởng đoàn, đạo diễn, diễn viên, v.v. cũng vậy, nhất là những người thuộc thành phần quản trị, chỉ huy, là vì họ đã từng được "quan chức hóa", hưởng các đãi ngộ của quan chức, nay quay lại làm thợ, làm dân, họ không muốn, cho nên sẽ ra sức cản trở. Vả lại, từ lãnh đạo cấp cao, vấn đề là có đảm bảo cho giới văn nghệ sĩ quyền tự do sáng tác, quyền tự do biểu hiện hay không? Nếu cứ nhân danh một nền văn nghệ có định hướng để răn cấm đề tài này, xu hướng nọ, thì vẫn rất khó cho văn nghệ phát triển lành mạnh.
Điều khá kỳ quặc là cùng với quá trình "phi quốc doanh" hóa, "phi nhà nước hóa" một cách dè dặt, thì người ta lại khích lệ những thứ lập thuyết tung hỏa mù. Chả hạn, phổ cập cái gọi là "xã hội hóa" theo nghĩa riêng biệt kể trên vào diễn giải đời sống văn nghệ xa xưa; bảo rằng ngay từ ban đầu, các loại hình như: tuồng, chèo, cải lương, múa rối, hát xoan, hát ghẹo… đã sớm được xã hội hóa (!). Đây là chỗ mà phạm trù xã hội hóa bị xuyên tạc.

Xin thưa, ở xã hội ngày xưa, ngay thời quân chủ (phong kiến) thì tuồng, chèo, cải lương, múa rối, hát xoan, hát ghẹo… là thứ của dân hàng xã hàng tổng rủ nhau làm với tư cách các cá nhân nghệ nhân, dân chúng đi xem với tư cách công chúng thường dân, người tham gia làm là dân, người thưởng thức cũng là dân, trong xã hội nó đã vốn thế, có đâu sự "xã hội hóa" mà tưởng tượng ra thế?

Rốt lại, quá trình "phi quốc doanh hóa" các hoạt động văn hóa văn nghệ nên được đẩy mạnh; còn về hoạt động lý thuyết, cứ nên lặng lẽ để cho quá trình ấy diễn ra, chứ nếu khích lệ vài tay bút đứng ra diễn giảng về cái quá trình "làm xuôi một việc đi ngược" bằng những diễn ngôn ... phi thường, thì người hiểu biết vẫn sẽ nhận ra những nhà ngôn luận kia đang giúp giới lãnh đạo chữa thẹn trước quá trình lịch sử mà thôi.

Đương nhiên, có lời thuê sẽ có kẻ nhận làm thuê! Nhưng làm ra những diễn ngôn ... phi thường trái khoáy thế kia cũng hại não lắm lắm nha !



Nguồn: Facebook Lại Nguyên Ân