Sáng 13/6 tại Thư viện Hà Nội, buổi tọa đàm “Về miền xanh thẳm” được tổ chức nhằm kỷ niệm 20 năm ra đời tác phẩm “Miền xanh thẳm” của nhà văn Trần Hoài Dương. Gần 20 tham luận đã được trình bày, góp phần làm sáng tỏ giá trị "Miền xanh thẳm".




“Miền xanh thẳm” là truyện dài nổi tiếng nhất của nhà văn Trần Hoài Dương (1943-2011). Năm 2000, “Miền xanh thẳm” được ấn hành lần đầu tiên, và được trao giải cao nhất trong cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng năm 2001. Suốt hai thập niên qua, “Miền xanh thẳm” đã được in 9 lần, với hàng vạn bản sách đến với bạn đọc tuổi nhỏ khắp ba miền.

Nhà văn Trần Hoài Dương tên thật là Trần Bắc Quỳ, quê quán ở Hải Dương. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông từng nhiều năm công tác tại Tạp chí Học Tập (tiền thân của Tạp chí Cộng Sản) rồi quay sang làm Trưởng ban Văn xuôi của Báo Văn Nghệ. Chuyển vào TPHCM sinh sống, nhà văn Trần Hoài Dương cũng là người có công xây dựng Nhà xuất bản Măng Non (tiền thân của Nhà xuất bản Trẻ).

Từ tác phẩm đầu tay “Em bé và bông hồng” xuất bản năm 1963 đến lúc rời khỏi dương gian, nhà văn Trần Hoài Dương chỉ chuyên tâm viết cho thiếu nhi. Ngoài “Miền xanh thẳm”, ông còn có những cuốn sách khác rất được yêu thích như “Cuộc phiêu lưu của những con chữ”, “Nàng công chúa biển”, “Bên ngoài mái trường”…

Nửa thế kỷ cầm bút, tác phẩm của Trần Hoài Dương đã làm đẹp tâm hồn cho nhiều thế hệ. Vì vậy, trong khuôn khổ một tọa đàm khiêm tốn, vẫn có gần 20 tham luận của các nhà văn, nhà phê bình, nhà nghiên cứu uy tín.

Với tọa đàm “Về miền xanh thẳm”, đồng nghiệp và công chúng không chỉ khẳng định sức sống của truyện dài “Miền xanh thẳm”, mà còn cùng nhau lắng lại những vẻ đẹp làng quê mà nhà văn Trần Hoài Dương đã gửi gắm qua tác phẩm.

Nông thôn bình yên và lặng lẽ đã hiện ra trong “Miền xanh thẳm” thật quyến rũ: “Tôi yêu biết bao cảnh miền trung du vào những ngày cuối thu. Trời đầy mây xám nhạt. Mây phẳng lỳ, không gian thoáng đãng trong suốt, một cảnh vật ở xa tít tắp cũng hiện lên rõ mồn một. Trời se lạnh. Những ngọn đồi thoai thoải, ngọn nọ gối lên phần cuối của ngọn kia ưng ửng màu vàng chanh của lá, của cỏ đang dần cạn nhựa, se sắt lại. Cỏ lơ phơ càng hiện rõ những lối mòn lạo xạo son đỏ quanh co ẩn hiện trên triền đồi.
Lối mòn giống người bạn nhỏ nghịch ngợm vui tính rủ rê bọn trẻ chúng tôi len lỏi vào giữa những bụi sim mua, những đám bòng bong, ràng ràng rậm rì, những cây khế rừng lúc lỉu những chùm quả chát chát chua chua, những cây mâm xôi chi chít quả đỏ chót ngọt lịm, những cây chua me dại quả tròn xoe, xanh trong như ngọc, mới ăn thì chát nhưng sau vị ngọt cứ đậm dần, thấm mãi nơi cổ họng. Trời đất hào phóng bày ra cơ man nào là hoa quả mời mọc, chiêu đãi chúng tôi, những đứa trẻ lăn lóc suốt ngày trên các bờ bãi…”

T.H