Bây giờ người ta phải khai thác du lịch để mời gọi. Khai thác đến nỗi... du khách chán ngán vì du lịch Đà Lạt như con rắn tự ăn cái đuôi của mình, rồi chết. "Thắng cảnh" trước đây thành những nơi tệ hại... Thế là phải làm sao cho du lịch Đà Lạt mang tính khác biệt để mong kéo du khách.




ĐỪNG PHÁ NÁT ĐÀ LẠT

TỪ KẾ TƯỜNG

Đà Lạt là thành phố mang vẻ đẹp có sẵn từ thiên nhiên. Đà Lạt đẹp không chỉ ở thời tiết, không chỉ ở cảnh quan mà có cả tình người và sự tử tế. Tôi đã biết, gắn bó với thành phố tuyệt vời này từ những năm 1970, dạo ấy mỗi cuối tuần tôi đều tới đây bằng chuyến xe đò nhỏ của hãng Minh Trung. Đường QL 20 với cuộc hành trình dài 300 km trong chiến tranh rất khó khăn. Có khi ngồi trên xe lúc 8 giờ dự tính tới Đà Lạt khoảng 3-4 giờ chiều để kịp tới trường Bùi Thị Xuân đón cô bạn gái học lớp 11 rồi cùng đi bộ về đầu đường Võ Tánh, ở cuối hồ Xuân Hương. Nhưng lúc trưa tới khu vực đèo Chuối thì đường bị đắp mô xe phải dừng lại và đôi khi phải quay về lại Sài Gòn.
Nhưng khi đến được Đà Lạt, nhất là vào dịp Giáng Sinh thì như tới được "Cõi thiên đường". Những cô gái tóc dài xõa vai, má ửng hồng tự nhiên không son phấn, áo dài trắng khoác áo len đen, áo len xanh đậm, tay ôm cặp dọc qua những con phố sương mù, hoa anh đào tháng 12 rộ nở... Tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời và thành phố này, bối cảnh Đà Lạt, những câu chuyện tình có thật đã đi vào tác phẩm của tôi. Rõ nhất là truyện dài "Mối tình như sương khói".
Lúc đó Đà Lạt không tấp nập như bây giờ, kiến trúc Đà Lạt vẫn nhà phố ra nhà phố, biệt thự ra biệt thự. Nhà trên đồi cao với rừng thông và thảm hoa trước sân, dọc theo lối đi. Tôi ấn tượng với màu hoa mimosa vàng rực, máu lá bạc ánh kim, cửa sổ phải ngước mắt nhìn lên để thấy lòng ấm áp từ ngọn đèn bóng treo lung linh hắt qua sương mù và trời lạnh cóng. Lúc ấy rừng thông chưa bị phá, những trái thông khô vẫn bay vèo trong gió, mưa lẩn trong sương mù, hay nắng lẩn trong mưa, tay lạnh cần nằm trong tay để chuyền hơi ấm. Những thắng cảnh Đà Lạt nổi tiếng không chỉ vì đẹp, đậm sắc màu thiên nhiên mà còn vì rất trong lành, sạch. Và, người ta không khai thác du lịch vì những thắng cảnh như Thung lũng tình yêu, Thác Prenne, Thác Cam Ly, Hồ Than thở chính là những điểm du lịch để du khách tìm tới. Những thắng cảnh này chỉ cần gìn giữ cho tốt, chăm sóc với tấm lòng là đã thu được tiền.
Còn bây giờ người ta phải khai thác du lịch để mời gọi. Khai thác đến nỗi... du khách chán ngán vì du lịch Đà Lạt như con rắn tự ăn cái đuôi của mình, rồi chết. "Thắng cảnh" trước đây thành những nơi tệ hại... Thế là phải làm sao cho du lịch Đà Lạt mang tính khác biệt để mong kéo du khách. Nhưng khác biệt cũng có nhiều nghĩa, nhiều cách, nhiều tư duy, thẩm mỹ do cái đầu sáng suốt hay tối tăm. Buồn thay, Đà Lạt không có những cái đầu khai thác du lịch sáng suốt mà lại rất ư tối tăm.
Thế là có Khu du lịch... Núi Quỷ. Người ta mang những hình tượng ma quái vào khai thác du lịch, kiểu du lịch nhát ma này thì cũng là bắt chước nước ngoài, chẳng đâu xa, mấy nước láng giềng thôi, nhưng tư duy bắt chước lại rất thô thiển, hình tượng ma quỷ đến nỗi... ma quỷ cũng chê là xấu. Nhưng vấn đề ờ đây là những cái đầu tăm tối nên chỉ nghĩ được những gì tăm tối. Họ không thấy Đà Lạt chính là sự khác biệt từ thiên nhiên, từ cảnh quan được thiên nhiên ban tặng, mà thiên nhiên Đà Lạt vốn đã tuyệt vời. đã không biết tôn tạo, gìn giữ, chăm sóc những thắng cảnh không nơi nào có được như Đà Lạt, bản sắc của Đà Lạt, lại rước về hỉnh ảnh phản cảm, ghê sợ không phải vì nó là ma quỷ mà nó thật sự là cái xấu, cái đáng ghê sợ đã lên đỉnh điểm.
Hãy tình táo lại đi những cái đầu tăm tối, lệch chuẩn văn hóa. Và xin hãy dừng lại, đừng phá nát Đà Lạt mà tôi đã từng yêu, từng gắn bó...