Là con trai của nữ điền chủ Varvara Lutovinova, nhà văn Ivan Turgenev đã có công tôn nước Nga làm thủ lĩnh văn học ở châu Âu và thế giới, góp phần làm cho đất nước mình được xếp vào hàng ngũ những cường quốc vĩ đại.
NGƯỜI ĐƯA VĂN HỌC NGA SANG ÂU- MỸ
Ivan Turgenev sinh ngày 9-12- 1818. Bà mẹ của nhà văn đã ghi lại giờ phút xuất hiện của con trai bà trên thế gian này như sau: “ Ivan sinh vào thứ hai, có chiều dài 12 vecsoc (đơn vị đo lường cũ của Nga áng chừng hơn nửa mét), tại Orle, sinh tại nhà. Cha đỡ đầu là Fedor Semionovst Uvarov, cùng với cô em gái là Fedosia Nikolaievna Teplova”.
Thời con gái nữ diền chủ này mang họ Lutovinova . Đấy là một người phụ nữ nghiệt ngã và gia trưởng đến độ chỉ sự nghiêm ngặt của luật pháp đế chế Nga mới buộc người đàn bà này bỏ họ của mình trong tên đức ông chồng và tên những đứa con. Nhưng luật lệ là luật lệ , nếp sống gia đình lại là một việc khác. Và chính vì vậy, nhà kinh điển văn học Nga sau này vẫn luôn luôn phải nghe lời răn dạy của bà mẹ: “Nhớ đấy nhé! Con là Lutovinov!”.
Hãy mong sao những luật lệ thời Nga Hoàng giảm nhẹ đi một chút, chắc bây giờ trong nhà trường các em học sinh sẽ viết luận văn theo chủ đề Bazarov (nhân vật trong tiểu thuyết “Một ổ quý tộc”) và những dị bản khác trong việc miêu tả của Ivan Lutovinov, và hẳn người nước ngoài sẽ phát điên để khảo sát những quy định của “các cô gái mang họ Lutovinova”
CÁI LỚN LAO BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?
Cũng nói ngay cái họ Turgenev và công thức “những cô gái của Turgenev” đối với lỗ tai người châu Âu xem ra hơi khó lọt. Nhưng những người châu Âu hiền lành, lịch sự cũng buộc phải chấp nhận điều này, điều kia. Bởi lẽ chính Ivan Turgenev đã biết cách làm cho xứ sở mình thành thủ lĩnh tuyệt đối của châu Âu và thế giới.
Có thể có ai đó cảm thấy bực bội, thậm chí bị xúc phạm , nhưng khoảng nửa trước thế kỷ 19, xét về nhiều phương diện nước Nga quả đã đạt được mức là một trong số các quốc gia vĩ đại.Thuộc nước Nga đã có một đạo quân mạnh, vào thời điểm ấy đã xua đuổi được bọn xâm lược Ba Lan, kịp thời liên kết với đế chế Osman và đập tan được sự hùng hậu của Napoleon. Đúng, nước Nga khi đó không đơn giản chỉ xứng với vai trò của của một trọng tài chính trị mà còn như một “quan tòa của châu Âu”. Nhưng tất cả chỉ là chứng cớ của một sức mạnh. Trong sức mạnh này còn phải tính tới vai trò của trí tuệ và văn hóa đã bị nước Pháp thâu tóm. Và nước Nga thậm chí không phải ở hàng thứ hai. Đâu đó như tít ở sân sau. Nói gọn lại, trong thụ cảm của người châu Âu, một xứ sở không sáng tạo ra nền văn hóa riêng, không biết kết hợp những truyền thống văn hóa của mình với các nền văn hóa khác, xứ sở ấy không thể nào được coi là người bạn hàng và người đối thoại ngang đồng cân đồng lạng được.
Cứ xem là cơ sự ấy không mấy quan trọng đi. Đúng, nước Nga đã có Puskin và Lermontov, Griboedov và Crưlov, Gogol và Karamzin. Nhưng hàng loạt tên tuổi như vậy trong con mắt người châu Âu cũng chỉ là những phiên bản nhợt nhạt nếu so với những tầm cỡ của họ như Bairon và Goeth. Phần lớn những tác phẩm được dịch từ tiếng Nga bằng các ngôn ngữ chủ yếu ở châu Âu đều được lọc qua lăng kính của những gì kỳ quặc, lạ lẫm, ví như những điều ghê sợ tại xứ Tartari hoang dã trong đế chế Nga.
Ivan Turgenev đã bắt đầu khai phá con đường đến châu Âu của văn học Nga chính trong bối cảnh ấy. Bản dịch “Nhật ký người đi săn” của ông qua tiếng Pháp vào năm 1854 được đặt tên không hơn gì một tập phóng sự: “Hồi tưởng của một điền chủ Nga hay vị thế hiện nay của giới quý tộc và người nông dân ở một tỉnh tại nước Nga”. Chính Turgenev đã lên tiếng một cách cay đắng về ấn phẩm Nga đầu tiên chuyển ngữ qua tiếng Pháp như sau: “Đương nhiên là tôi đã nhận được bản dịch “Nhật ký” của tôi rồi. Nhưng tốt hơn cả lẽ ra tôi không nhận được. Có trời mà biết được dịch giả này hiểu đến đâu những gì tôi viết ra mà đã tự tiện thêm thắt vào tác phẩm của tôi cả những trang dài, bịa đặt thêm, vứt bỏ khúc này, khúc nọ đến mức không còn tin nổi… Một người Pháp thiếu lương tâm đến vậy, dù có nhẹ tay tôi vẫn phải coi anh ta là một tên hề!”
Lời nhận xét này đã chứng minh một cách tuyệt vời sự tôn trọng văn học Nga và mở rộng hơn là tôn trọng văn hóa Nga ở thời điểm ấy được ao lào bởi những sản phẩm vô giá trị như thế nào.
Phải mất mươi, mười lăm năm sau giọng điệu ấy mới được thay đổi.
“Rõ ràng phải có những sự kiện lớn – nước Nga bằng nỗ lực của một con người duy nhất đã gia nhập câu lạc bộ của những cường quốc lớn”. “Phải có những xứ sở có khả năng xuất khẩu và gắn kết nền văn hóa của mình với các nền văn hóa khác”. Đấy là những trích đoạn từ các đồng nghiệp văn học- “ những người quan sát sắc sảo và tinh tế”như nhà kinh điển Pháp Prosper Merimee; “Nhà tiểu thuyết thiên tài, người xê dịch khắp thế giới” Guy de Maupassant. “Từ lâu rồi, tôi sủng ái ngài. Tài năng của ngài làm tôi say mê” – Tác giả của “Bà Bovary” Gustave Flauber viết như vậy. “Nếu tiểu thuyết Anh đạt tới một tầm cỡ và độ duyên dáng nào đấy thì họ phải cám ơn Turgenev”- John Golosi, nhà văn Anh đã viết như thế.
“CHÍNH BẠN PHẢI TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI NGA”
Mọi điều không chỉ hạn chế trong lục địa châu Âu. Tài năng của Turgenev lớn đến nỗi nếu ông không tạo nên sự ra đời thì trên thực tế Turgenev cũng đã góp phần tạo nên nền văn học ở Mỹ. Ở nước này, có thể chứng kiến điều gì đó tựa như giao thoa văn học: những cuốn tiểu thuyết của Turgenev ngay lập tức trở thành những cuốn sách ăn khách, còn những nhà văn trẻ khi đã say sưa đọc nhà kinh điển người Nga, họ không thể viết theo lối cũ. Wilyam Dean Howells đã nói như sau khi ông đọc hết trang cuối cùng tiểu thuyết “Một ổ quý tộc”: “Đọc sách bạn sẽ có cơ sở để làm quen với cuộc sống Nga, tuy trước mắt bạn không phải là một cuốn sách khảo dị hay một cuốn giáo khoa. Chính bạn đã trở thành một người Nga và bạn muốn được làm quen ngay với những nhân vật trong tác phẩm, tường tận cả tên lẫn họ…Turgenev đã mở ra cho chúng ta thấy một thế giới mới-một thế giới có thật không hề lặp lại”. Một nhà kinh điển khác, nhà thơ Mỹ Walt Whitan, khi hay tin Turgenev từ trần đã thốt lên: “Ôi, nếu trước khi nhắm mắt xuôi tay Turgenev-con người nhân hậu và buồn bã này, có thể sang Mỹ và sống tại đây lâu lâu một chút thì hay biết bao”.
Nhà văn chuyên viết hồi ký Frank Hariis đã đặt Turgenev cao hơn những người đương thời khi so sánh ông với những tài năng văn học đã được thừa nhận –những “ thủ lĩnh ngôn từ “ của mọi thời đại, mọi dân tộc khi ông viết: “Đối với văn học thế giới hình tượng người theo chủ nghĩa hư vô Nga Evgenhi Bazarov xuất sắc không thua kém hình tương Hamlet và Don Kihote”. Một nhà văn người Mỹ nữa Sinclair Lewis đã viết: “Câu chuyện của Bazarov ngay vào năm 1943 này cũng như vào năm 1862 khi tác phẩm được công bố lần đầu đều đã chiếu rọi ánh sáng vào câu hỏi về sự tồn tại của con người. Bazarov hiển hiện như một người hư vô. Cứ coi ông là một người cộng sản hay một nhà vật lý sinh học đi, hãy trao cho ông ta thuốc lá thay điếu xì gà và chiếc xe hơi thay cho cỗ xa ngựa đưa thư để ông ta lướt phóng đến gặp người tình kiều diễm, âu sầu của mình-nàng Anna Sergeevna, bạn sẽ không phát hiện ra điều gì già cũ đi hay ấu trĩ đâu, trong nỗi đau gậm nhấm trái tim Bazarov và sự nổi loạn trong ước muốn của anh ta. Cái tên Bazarov là một trong số không nhiều nhân vật văn học có thể sống mãi thậm chí trở nên bất tử như Don Kihote, Sherlock Holmes”.
Vâng, một người Mỹ nữa, tác giả của “Giã từ vũ khí”, “Chuông nguyện hồn ai”, “Ông già biển cả”…khi trả lời câu hỏi của các nhà văn mới bước vào nghề rằng tác giả nào là người cần đọc, Ernest Hemingway đáp ngắn gọn, xúc tích: “Trước tiên đó phải là Ivan Turgenev!”
TÔ HOÀNG
( theo báo Nga )