Trong phê bình văn học, có người nói “Nhà nghiên cứu XXX là một người độc đáo vì ông không giống ai”. “Không giống ai” chính là “độc đáo” chứ không phải là “nguyên nhân của độc đáo”. Bệnh lặp thừa dẫn đến sáo rỗng và không đem lại thông tin.




BỆNH THỮA CHỮ VÀ BỆNH THIẾU CHỮ

NGUYỄN VĂN DÂN

Trong làng viết VN, có 2 căn bệnh người viết hay mắc phải nhất:

BỆNH THỪA CHỮ:

Diễn đạt lặp thừa là một trong những căn bệnh mà lôgic học luôn cảnh báo. Nó là biểu hiện của tình trạng không nắm vững quy luật biện chứng của lôgic. Trong xã hội, quan niệm cho rằng “Nghèo là vì không có tiền” chính là một quan niệm điển hình của bệnh lặp thừa. “Không có tiền” chính là “nghèo” chứ không phải là “nguyên nhân của nghèo”.

Hay câu nói của Lão Tử: “Hành trình ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân” lại được mấy người biến thành “Hành trình ngàn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên”. Hành trình không “bắt đầu” từ bước chân “đầu tiên” thì chả lẽ “bắt đầu” từ bước chân thứ hai?!

Trong phê bình văn học, có người nói “Nhà nghiên cứu XXX là một người độc đáo vì ông không giống ai”. “Không giống ai” chính là “độc đáo” chứ không phải là “nguyên nhân của độc đáo”. Bệnh lặp thừa dẫn đến sáo rỗng và không đem lại thông tin.

BỆNH THIẾU CHỮ:

Đây là căn bệnh rất phổ biến ngày nay. Phổ biến nhất là bệnh lược bỏ vị ngữ khi có nhiều tân ngữ. Nhưng nếu như trong các tân ngữ lại có vị ngữ thì việc lược bỏ đó vị ngữ thứ nhất sẽ làm sai ý câu văn. Có rất nhiều ví dụ:

- “Tôi dậy muộn, không kịp ăn sáng và đi làm đúng giờ”. Ý câu này là: “Tôi dậy muộn, không kịp ăn sáng và không kịp đi làm đúng giờ”. Viết như trên có thể khiến người ta hiểu là “Tôi ... không kịp ăn sáng và vẫn đi làm đúng giờ”.

- “Tên ăn cắp bị bắt và đánh như trong phim hành động.” Viết thế này có thể gây hiểu lầm là “Tên ăn cắp bị bắt và nó đánh lại như trong phim hành động”. Vậy phải viết: “Tên ăn cắp bị bắt và bị đánh như trong phim hành động.”

- “Tuy nhiên, do nhiều lý do: (...), tình trạng ít thông tin và sự hiểu biết cặn kẽ (...), nên mặc dù XHDS vẫn đang tồn tại (...), nhưng không mấy khi được công luận sử dụng...” Đáng lẽ phải viết: “tình trạng ít thông tin và thiếu hiểu biết cặn kẽ“.

- “Tình trạng tranh giành sủng ái nếu có cũng ít phức tạp và bi đát hơn so với hậu cung nhà Đường”. Đáng ra phải viết: ““ít phức tạp hơn và ít bi đát hơn”.

- “Ngày 9-4-2018, ông T nộp lại luận án đã chỉnh sửa theo yêu cầu (...). Một số uỷ viên không đồng ý chấm lại và thông qua luận án.” Thực tế là “không thông qua luận án”, nhưng viết thế người ta có thể hiểu là “không chấm lại và đã cho phép thông qua luận án”.
V.v...
Có người nói viết như thế cho tiết kiệm và rằng ai mà chả hiểu được! Nhưng thực tế cách viết thiếu chữ đó nhiều khi đã gây hiểu lầm rất tai hại, dẫn đến những cuộc tranh luận giả tạo, vô bổ.

Ví dụ có người viết: “Thể hiện khát vọng về sự đồng điệu, Hàn Mặc Tử đã tạo ra một công trình nghệ thuật đạt tới sự hài hòa lý tưởng: ‘Đây thôn Vĩ Dạ’, là tốc ký tâm trạng, nhưng nhạc thơ chưa vượt trước lời thơ, phá vỡ logic ngữ nghĩa thông thường, khiến tiếng nói trữ tình thành chuỗi phát ngôn thác loạn. Vì thế lời thơ trong sáng, tao nhã mà vẫn giản dị. Lấy tình làm điểm tựa để vẽ cảnh, nhưng tình chưa tràn ra ngoài cảnh, biến cảnh thành những hình hài méo mó, dị dạng, giống như bóng dáng của yêu ma. Được tắm đẫm trong cảm hứng lãng mạn, cuộc sống trần thế trong “Đây thôn Vĩ Dạ” hiện lên lung linh, kỳ diệu mà không kỳ bí. Kinh nghiệm của cái tôi cá nhân Hàn Mặc Tử chưa vượt vòng kiểm soát của kinh nghiệm cá nhân ta. Với “Đây thôn Vĩ Dạ”, Hàn Mặc Tử vẫn đứng vững giữa mảnh đất của thi ca lãng mạn, chưa bước qua địa hạt của chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực.” Đoạn văn này đã bị một nhà phê bình phê phán thậm tệ và cho rằng “Dù có lặn sâu xuống chín tầng câu chữ bài thơ, cũng tuyệt nhiên không tìm ra “tiếng nói trữ tình” này một chút gì cái gọi là “chuỗi phát ngôn thác loạn”. Tìm trong bài thơ đến mòn con mắt cũng chẳng thấy một chút cảnh nào là “những hình hài méo mó, dị dạng giống như bóng dáng của yêu ma”...
Đoạn văn trên đáng ra phải được viết: “...nhưng nhạc thơ CHƯA vượt trước lời thơ, CHƯA phá vỡ logic ngữ nghĩa thông thường ĐẾN MỨC khiến tiếng nói trữ tình thành chuỗi phát ngôn thác loạn”. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ cả đoạn văn thì người bình thường cũng có thể hiểu rõ ý kiến của người viết chứ không ai hiểu như nhà phê bình kia. Ở đây, việc người phê bình trích ra cả một đoạn dài như thế lại cho thấy một vấn đề về khả năng đọc hiểu văn bản của nhà phê bình. Trích ra cả một đoạn dài mà vẫn không hiểu ý tác giả thì cái này có thể gọi là “đọc chưa vỡ chữ”. Hiện tượng này khá phổ biến hiện nay. Nhưng dù sao, cách viết thiếu chữ như trên lại là một lỗi diễn đạt ngọng nghịu cần phải chấn chỉnh.