Thơ Đặng Huy Giang và những người thuộc thế hệ ông đã nhận một trách nhiệm khác của lịch sử vang lên trên mọi nẻo đường quê hương những khát vọng sống của thân phận con người, những ước mơ và thử thách làm người trong một thế giới đang chuyển đổi

 

Một buổi sáng mùa hạ sau giãn cách xã hội Covid-19, 2020 chừng vào được tháng 6 mấy hôm. Có tiếng hối hả của máy điện thoại. Phía bên kia vang lên giọng nói đầy quyền uy và thân ái.

-A lô, mày là Nguyên phải không?

-Dạ …

-Lâu nay mày khỏe không? Năm nay bao nhiêu nhỉ?

-Dạ, bảy mươi …

-Thế thì được. Còn tốt. Mày có người nói chuyện …

Tôi biết cụ chánh tổng này là ai rồi. Hẳn là người có đôi mắt phù sa mấy năm nay lúc nào cũng ngân ngấn nước. Nói vậy thôi nhưng tính bản thiện và hay thương người lắm. Trong giới văn chương với nhau mày tao được như thế phải là thân thiết lắm rồi. Có cái tiếng yêu ở trong ấy. Lại một giọng nói như chính ủy  đoàn - cái giọng điềm tĩnh mà tôi thường được cấp trên gần gũi lúc dặn dò. Thời tôi còn đi làm quan.

- A lô, anh Nguyên à, anh có khỏe không? Anh quen viết về thơ, viết cho Đặng Huy Giang một bài nhé.

-Dạ …

Thế là một giao kết hợp đồng dân sự đã được ký kết trôi chảy ở thời buổi @ 4.0.

Thực ra tôi biết Đặng Huy Giang từ cách đây đã 10 năm. Khi ấy vào một buổi tối năm 2010 ở Nhà hát Ca muá nhạc Việt Nam đường Huỳnh Thúc Kháng. Dưới ánh đèn sáng rực, ông ấy bước lên sân khấu nhận giải nhì thi thơ về Hà Nội nghìn năm của Báo Văn nghệ và Đài PTTH Hà Nội. Trông ông có vẻ giống một Héc-quyn nhiều hơn là một thi sỹ. Mái tóc ôm lấy phía trước trán cuốn xoăn mờ thành những búp nhỏ mà ta thường thấy giống với khuôn mặt các bức tượng đá trắng theo phong cách cổ điển ở Châu Âu. Dáng đi lao về phía trước. Đặng Huy Giang là một trong số 80 thi sỹ sinh ra từ năm 1950 đến 1959 - những thi nhân thoát thai từ giữa lòng thế kỷ 20 – thế hệ mà một số người đã kịp dự vào cuộc ra trận của phong trào thi ca chống Mỹ cứu nước và trở thành một lực lượng đông đảo trước cơ hội và thách thức từ những năm đổi mới đến nay. Đặng Huy Giang bước vào nghiệp thơ và sớm có thành tựu. Ông đã có 6 tập thơ. Qua cửa. Năm 2000. Trên mặt đất. Năm 2000. Đời sống. Năm 2002. Trật tự không trật tự. Năm 2008. Những mảnh vỡ hoàn nguyên. Năm 2015. Nhìn lên. Năm 2018. Đời đã kịp đền đáp cho Giang. Giải A cuộc thi thơ nối hai đầu thế kỷ 1998-2000 của báo Văn nghệ với Họ nhà rùa và Theo con. Giải nhì cuộc thi thơ 2009-2010 của Báo Văn nghệ và Đài PTTH Hà Nội với Hà Nội những năm 2000 và Những sân ga chiến tranh. Năm 2002, Hội Nhà văn Việt Nam tặng thưởng cho tập thơ Trên mặt đất.

Thơ Đặng Huy Giang khi xuất hiện trên thi đàn đã mang một tâm thế khác với lớp các nhà thơ thành danh trong phong trào thơ chống Mỹ cứu nước. Thơ của họ khoác áo chiến bào nhuộm nồng khói lửa chiến tranh và bom đạn. Cảm hứng anh hùng ca bi tráng là nét chủ đạo và là khúc tâm tình tha thiết của người Việt Nam trước thử thách sống và chết, tình yêu Tổ quốc thiêng liêng và nỗi buồn xa cách của lứa đôi. Những hy vọng và chờ mongcháybỏng của anh bộ đội, chị thanh niên xung phong, của anh du kích và những o dân quân bé nhỏ, của những bà mẹ tiễn chồng tiễn con ra trận chẳng đợi đến ngày về, của cả dân tộc rậm rịch trên đường ra trận. Đọc thơ của họ tôi ước ao giá như thời Lý Trần Lê cũng để lại những vần thơ rất riêng như thế … Thơ Đặng Huy Giang và những người thuộc thế hệ ông đã nhận một trách nhiệm khác của lịch sử vang lên trên mọi nẻo đường quê hương những khát vọng sống của thân phận con người, những ước mơ và thử thách làm người trong một thế giới đang chuyển đổi với những tiếng gào thét của thiện và ác lay động lương tâm của nhiều số phận, nhũng cuộc đời thường mà ẩn chứa những triết lý nhân sinh đầy trắc ẩn trong cuộc sống hòa bình. Con người được khao khát tự do và sáng tạo giữa thời buổi những chân lý tưởng như vĩnh hằng bỗng dưng sụp đổ, người Việt Nam nhận thức lại mình. Nhân vật trữ tình trong thơ là những người hàng ngày ta vẫn gặp. Họ ăn. Họ ở và nghĩ suy điều gì dù là nhỏ bé cũng trở nên trân trọng và nâng niu biết chừng nào. Bởi vì con người với tư cách là con người thật rất dễ tổn thương. Cái đáng quý của thơ Đặng Huy Giang đã không ngần ngại đề cập đến những vấn đề xã hội nhạy cảm, tinh tế và đầy phức tạp, những góc khuất của cuộc đời thường bằng những suy tư có bản sắc riêng, không bằng mục đích lập ngôn thuần túy mà bằng cả tinh thần trách nhiệm của thi nhân cho đời sống cộng sinh với một bút pháp riêng có của ông. Thơ Đặng Huy Giang không dụng công vào việc xây dựng hình tượng dựa trên đà đẩy của thăng hoa cảm xúc để vun đắp ý tưởng vốn là con đường quen thuộc mà nhiều nhà thơ khác đã làm thành công. Đng Huy Giang đi con đường khác để tới được chân lý nghệ thuật và triết lý đời sống. Dường như sự dẫn dắt cho thơ trước hết bằng tư duy tư biện sắc sảo phát hiện ra ý nghĩ nhân sinh trong vô vàn hiện tượng của đời sống dựa trên nền tảng của việc lập ý, cấu tứ để làm nên vẻ đẹp thẩm mỹ của trí tuệ. Ông lôi kéo người đọc thường bằng cái hay của tứ thơ độc đáo hơn là sự dạt dào của cảm xúc và hình tượng. Lắm khi ông không ngần ngại đi vào những vấn đề phức tạp của cuộc sống, của tư tưởng, của nhân cách để từ đó chạm vào cái tận cùng đầy thô ráp của triết lý hiện sinh.

Đó là cách hiểu về di sản của một cuộc chiến tranh mà nỗi mất mát hy sinh nào phải của riêng ai và nào phải một sớm một chiều đã nguôi ngoai được. Đó là nỗi đau khôn cùng không dễ gì vơi cạn. Hàng vạn người lính trẻ hy sinh ở độ tuổi 20 và những người đàn bà chờ chồng, chờ con cho đến khi quên cả tuổi trẻ chỉ giữ lấy tuổi già tóc bạc. Một cổ tích của xứ sở này phải đối lấy hàng triệu số phận của con người.

Những người đàn ông trẻ mãi không già

Những người đàn bà già mãi không trẻ

… Đã làm nên thời cổ tích huy hoàng

Đó là cái giá của chiến tranh, cái giá của hòa bình và sự hy sinh không gì tính được của người Việt Nam ở thế kỷ 20.

Liên bang Đức thng nhất: Không tốn một đồng

Việt Nam thống nhất: Tốn một trăm năm máu.

Đó là việc thừa nhận sự khác biệt giữa đục và trong, đôi khi không phân biệt được cái giá trị của hai phạm trù ấy. Bởi vì.

Dạt trôi, trôi dạt nguồn cơn

Niềm vui thì đục, nỗi buồn thì trong

Vui thì đục, buồn thì trong, sao lại vô lý như thế nhỉ? Nhưng bởi vì cuộc đời đôi khi lại khuất nẻo ngay ở trong ta, ngay ở ngoài đời.

Ta ngồi gạn đục khơi trong

Thấy yêu cơn gió đi vòng chiều nay.

Cũng như những hạt bụi còn tồn tại trong cuộc sống này như một tự nhiên không khác được bởi đó là sự thật không chối bỏ của cuộc sống, giống như thiên chúa đã sinh ra con người từ cát bụi lại trở về cát bụi trong sự giật mình của quá khứ với hiện tại và tương lại.

Chúng ta nghẹt thở vì bụi đường

Nghẹt thở vì chờ đợi

Mặc dầu vậy cũng chẳng hề hấn gì

Bởi quá khứ vẫn thường giật mình theo bước chạy contrẻ.

Ở bài thơ Quên mất cách chết, Đặng Huy Giang không còn lạnh lùng được nữa trước hiện tượng những sự xấu xa như những hạt bụi bẩn không biết đến bao giờ, những nhơ nhuốc mà Đặng Huy Giang chỉ tên theo cách của Harold Pinter gọi lại hiện tượng quên mất cách chết để nguyền rủa nó mà vẫn phải thừa nhận nó.

"Những sự xấu xa

Quên mất cách chết

Xấu xa còn đầy.

Những hạt bụi bẩn

Hãy mở mắt ra

Nơi nào chẳng bụi".

Diễn giải những vấn đề phức tạp của đời sống thường trực trong thơ Đặng Huy Giang, hầu như trong bài nào của 6 tập thơ ta cũng thấy đâu đó điều này. Thơ ông đau đáu thân phận con người. Cả đến lúc về già ở bên kia cái dốc của cuộc đời, chẳng thể nào nguôi. Nhưng với Đặng Huy Giang không phải là một sự buông xuôi; Có lẽ cũng không phải là sự bằng lòng cam chịu. Mà có lẽ nó là một sự nhắc nhở, một sự cảnh báo hay thức tỉnh trước thực tế để người ta yên lòng sống tốt hơn, tìm ra lý do cho người ta tồn tại, bằng lòng với những điều mà cuộc sống đã ban tặng cho ta.

"Đã ở bên kia cuộc đời

Được, cũng thế thôi

Mất, cũng thế thôi

Cao thấp

Thấp cao

Nặng trĩu kiếp người".

            * 

  Không thể không thừa nhận tầm ảnh hưởng to lớn của phong trào Thơ Mới (1930-1945) của thơ ca chống Pháp (1946-1954). Và cao trào thơ chống Mỹ cứu nước 1955-1975… đối với các nhà thơ nửa sau thế kỷ hai mươi. Bóng mát của thi ca 3 thời đại ấy tỏa rộng trên mọi nẻo đường văn chương. Những ai tiếp thu họ, hoàn thiện phong cách thơ của mình làm nên sự khác biệt đã là một sự thành công không thể không ghi nhận. Nó không khác gì một cuộc chạy tiếp sức. Nhưng đáng chú ý hơn và cũng là khó khăn hơn những thi sỹ đi sau đã mạnh dạn đi tìm con đường khác, dù có thể chưa phải đã được đồng thuận. Nhưng đó là hướng đi của lịch sử tiến hóa thi ca. Đặng Huy Giang là người đi tìm con đường khác như thế. Một trong những ví dụ cho xu hướng này là bài thơ Họ nhà rùa. Không phải sự bay lượn của cảm xúc và hình tượng. Không phải câu thơ gọi câu thơ theo nhịp đập trái tim. Đây là sự dẫn dắt của tư biện, đi từ sự khác thường của một hiện tượng bình thường. Họ nhà rùa suốt đời chỉ phơi lưng nằm sấp, úp mặt vào đất vào nước theo nghĩa đen của 2 từ ấy và cứ bình thản giấu mình như thế ở khắp mọi nơi. Cần mẫn và luôn biết mình là ai. Tự tu mình ở chốn trần gian không sợ lấm bùn. Không sợ cuốn trôi. Không sợ khô héo. Ấy vậy mà họ nhà rùa mang trên mình những giá trị thiêng liêng. Con hạc bay ở ngoài tự nhiên về đậu trên lưng rùa rồi lại từ đó bay lên trong bao ước vọng linh thiêng ở những đền đài nghìn năm không cũ, nhờ thế mà người áo vải cờ đào rạng rỡ đến vàng son. Chính kẻ thấp hèn kia đã lắp cái lẫy để nỏ trở thành nỏ thần và đại diện cho hồn thiêng sông núi cất đi gươm thần cho đất nước được bình yên. Tôi muốn hình dung Đặng Huy Giang giống như người trong bài thơ ấy bận áo nâu sồng, chân đi đất tự mình lý giải chân thành và thuyết phục rằng vì sao rùa lại nằm trong 4 tứ linh Long Ly Quy Phượng của lịch sử văn hóa phương đông.

Điều dễ nhận thấy trong bút pháp thơ Đặng Huy Giang thường trở đi trở lại một đề tài, một đối tượng phản ánh trong cả một đời thơ. Sự trở đi trở lại như thế không hề lặp lại mà mỗi lần như vậy, ta lại thấy phát sáng một ý nghĩa thẩm mỹ, một vẻ đẹp của đời sống trong sự giao hòa của liên tưởng thơ. Hãy xem Đặng Huy Giang viết về sông Hồng và về những khoảnh khắc.

Ít nhất ông có 5 tứ thơ về sông Hồng, trong đó có hẳn hai bài thơ về nó. Bài Tháng ba sông Hồng và bài Sông Hồng. Tháng ba sông Hồng khắc họa cành hoa gạo nở với tậm trạng của người đi tòng quân.

"Giêng hai cháy, tháng ba còn tàn lửa

Rụng rơi hoa gạo mé sông Hồng

Như máu chảy không cầm được nữa".

Hoa gạo là màu môi em đỏ. Màu quân hàm người lính. Màu những cánh buồm mà người ta đã đặt cược tuổi thơ vào đấy cứ xa dần không trở lại trên dòng sông chảy mãi không thôi. Bài Sông Hồng ví dòng sông như một dòng day dứt của các thế hệ người sống với dòng sông từ đời ông đời cháu, sóng nước của dòng sông bao giờ cũng trẻ tên sông thì đã lại già. Hai bài thơ Cố hương và Vũ Bằng đều dựa trên nền tảng những kỷ niệm của con người gắn bó với dòng sông; Cố hương nói rằng sông Hồng chẳng thể mắc nợ với ai. Những người đàn bà ở bến sông này đợi chồng, đợi con bao nhiêu nước chảy mà họ không về. Bởi thế người đàn bà sống qua cái chết đến hai lần rồi vẫn còn sụt sùi ở bến sông kia. Họ dựa vào dòng sông để sống. Cát và mây đã trắng tự ngàn xưa vẫn còn trắng mãi đến bây giờ. Quả đúng người ta là cát bụi không sai. Với nhà văn Vũ Bằng, cuộc đời đã trải qua bao nhiêu uẩn khúc. Thương nhớ mười hai cũng chưa đủ đong đầy. Bốn mươi năm nói láo mà ngang trái cuộc đời đã hết được đâu. Nhưng dòng sông Hồng quê hương như trang trải giúp cuộc đời Vũ Bằng nên Đặng Huy Giang mới viết: Bao khúc quanh đắm đuối Hồng Hà. Bài thơ Hà Nội những năm 2000 xứng đáng nhận giải nhì cuộc thi thơ 2010 vì nó đã kết lại một chân lý thơ rằng cuộc đời bao nhiêu việc đã cũ đi, bao nhiêu sự đã rồi thì sông Hồng của chúng ta vẫn chảy qua ngàn năm ấy, sắc phù sa chưa nguôi đỏ bao giờ bởi đó tượng trưng cho tấm lòng nhân hậu mà bao dung của con người, mảnh đất chúng ta đang sống.

Ít ai trong chúng ta chú ý đến khoảnh khắc của thời gian và của muôn nẻo đường trần đời sống cộng sinh đề từ đó ghi lại những phút chốc chớp sáng của thi ca như Đặng Huy Giang.

Những khi bỗng chốc tràn ngập những hoa là hoa. Nhưng đó là hoa đã ngắt khỏi cành. Ngắt khỏi mùa. Cho một nhu cầu thiết yếu nào đó - những bông hoa chẳng thể nào có qu làm rộn lên nỗi nhớ bạn bè xưa không còn được ở trên trần thế nữa.

Những khoảnh khắc tràn hoa

Chẳng bao giờ kết quả

… Bạn bè ta thưở ấy

Biết còn được mấy người.

Cảm nhận về sự mong manh của khoảnh khắc án ngữ thơ Đặng Huy Giang như thể dự báo sự xoay vần không giới hạn của bốn mùa lịch thiên nhiên. Người thơ cảm thấy lo lắng bất an như những con sóng muôn đời nín thở dọc triền sông. Gió cũng bớt bông đùa trước khoảnh khắc ấy.

Mấy bước nữa tới đầu xuân

Mong manh khoảnh khắc xoay vần cuối đông.

Để rồi sen tàn cúc nụ, mùa đông già đi bên vạt áo mùa xuân tươi trẻ, người cứ đi mãi giữa vô biên của bên thì tìmbến, bên thì cách xa bờ để thời gian trở nên một làn lụa mỏng dễ tổn thương.

Ngày nọ kế ngày kia

Mỏng manh như khoảnh khắc.

Vâng, mong manh và mỏng manh không chỉ là đại lượng của khoảnh khắc. Suy đến cùng nó là đại lượng chung của thế giới hiện sinh và của thân phận con người đứng trước sự siêu hình bất tận của không gian và thời gian. Luận về bông hoa trong chuỗi lý thuyết về khoảnh khắc, Đặng Huy Giang cho rằng bông hoa có lý hơn ta bởi chúng cứ nở dù đời tính từng khoảnh khắc. Sự sóng đôi giữa bừng nở và tàn lụi của hoa chẳng khác gì sự sóng đôi của sáng tạo và hủy diệt như Nietrsche đã nói. Nói đến khoảnh khắc của đời sống hiện sinh một cách thường trực như thế, Đặng Huy Giang muốn cảnh báo một điều gì? Cái điều bất trắc của chim sa cá nhảy trong tự nhiên? Và đôi khi chẳng có gì quan trọng cả. Nó chỉ là những khoảnh khắc hòa bình tạm bợ như tấm chăn bao bọc giấc ngủ, màn đêm che phủ giấc mơ để ta vô tình nhặt lên những mảnh vỡ của khoảnh khắc mà không biết dùng nó vào việc gì cho cuộc đời ta. Hay nói như Đặng Huy Giang lúc đó ta miên man trong cái tất nhiên và gãy khúc trong cái ngẫu nhiên để ta tự nối dài những khoảnh khắc không ta ở cuộc đời này. Nối cái hữu hạn nhỏ bé với khoảng trng không bờ bến của không gian và thời gian.

Thơ Đặng Huy Giang phần nhiều là thơ tự do không vần. Nhưng những bài thơ ngắn hay nhất của ông lại là những bài lục bát 6/8 biến thể với lối ngắt mạch linh hoạt và sáng tạo làm nên diện mạo cho một loại thơ tự do có vần. Thành công hơn cả là những khúc tâm tình nhuần nhị. Bước vào thơ hiện đại, biến tấu của 6/8 được nhiều người dùng. Nhưng ít ai thường xuyên và đa dạng kiểu ngắt nhịp như Đặng Huy Giang.

Đó là:

Gió tinh ranh

Nắng dại khờ

Cánh buồm trắng tự ngàn xưa

Trắng về.

Hoặc là:

Ngoài kia

Ngọn gió vu hồi

bao nhiêu vàng lá

Tơi bời

biệt ly.

Hay là:

Một mình lạc lõng

bơ vơ

Vin thân lau trắng

Phất cờ

hỏi thăm.

Thậm chí là:

Một tôi

từng

đi

tìm tôi.

Một tôi

từ bỏ

tôi rồi

đã lâu.

Nhớ tôi

xin chớ qua cầu,

tôi - con nước

đã từ lâu

không bờ”.

Hay như là:

Mình anh

Một quán trần gian

Miên man là đón

Ngút ngàn là đưa.

Đặng Huy Giang muốn là một mình một quán trần gian. Cả đời thơ ông đã làm theo cách riêng của mình. Ông là tán lá cây muốn người đời nghe thấy tiếng vàng thu rơi của rừng đại ngàn.

Có lúc Đặng Huy Giang tâm sự phải biết chán thơ mình. Đó là một cách nói khác đi của khẩu hiệu: phải đổi mới thơ. Sau ba tập thơ để lại nhiều dấu ấn Qua cửa, Trên mặt đất, Đời sống in liên tiếp trong 2 năm 2000 và 2002. Đến tập Trật tự không trật tự năm 2008, tôi tự hỏi ông đã chán mình ri chăng? Ở tập thơ này, Đặng Huy Giang mở rộng và sử dụng liên tiếp nhiều bài thơ với lối diễn tả bằng cách lặp đi lặp lại một mệnh đề hay là một câu thơ có cấu trúc giống nhau trong một bài thơ là cách ông đã làm đôi lần ở ba tập thơ trước. Như các bài: Trên cây thời gian.Tất yếu. Giải trình. Những ngày qua. Toàn phần một trò chơi. Nước Mỹ. Made in. Hà Nội - Cô em. Em. Trong cõi vô danh. Một, hai, ba, bốn v.v.. Tạo ra một hiện tượng thơ lạ trong nền thơ hiện đại. Phải nói rằng đó là kiểu thơ khó, được dẫn dắt bởi tư duy tư biện đi tìm cái khả biến trong cái bất biến, tìm ánh sáng của cái dị biến trong vô số điệp khúc của cái đồng điệu… đặt ra nhiều thử thách với thi nhân và đương nhiên cũng là một thử thách cho sự lôi kéo và hấp dẫn với người đọc truyền thống vốn bị chi phối bởi lối thơ “du dương”. Tuy nhiên ở loại này, cũng giống như thơ văn xuôi của một số tác giả, tôi thấy chưa có bài nào thật hay.

                                                *

   Đêm 30 tháng 4 năm 1975, đơn vị của Giang đánh vào chi khu Long Hồ tỉnh Vĩnh Long. Việt Nam Cộng hòa bắn lên trời đồng loạt 15 phút rồi tự giải tán. Chàng Đặng Huy Giang 20 tuổi, người Hà Nội, quê gốc ở Thường Tín, Hà Tây đã vào tận đây từ năm 1973 để kết thúc chiến tranh như vậy đó. Rạng sáng ngày 1/5/1975, quân ta vào tiếp quản tòa thị chính Vĩnh Long. Ở vị trí xuất kích lính đặc công nước nhiều người còn mặc quần đùi. Có lệnh ở trên ban ra. Ai mặc quần dài thì lên GMC vào tiếp quản. Ai quần đùi thì ở lại giữ vững vị trí. Giang may mắn mặc quần dài nên được lên xe. Thuở ấy Giang đã ngỏ lời yêu thương với nàng thơ bằng những vần quần áo nâu vải của tuổi học trò như là: Cỏ lác nằm nghiêng chỉ lối cửa rừng. Hay là Đóng cọc vội vàng nhóm lửa nấu cơm treo. Nàng thơ muốn thử thách chàng trên mặt trận khác không có tiếng súng mà dữ dội và khó khăn trong thời bình như chúng ta thấy ở trên. Năm 1978, Giang vào Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội. Rồi 40 năm sau đấy, cuộc đời kéo ông tất tưởi vừa chạy vừa làm báo để mưu sinh. Có lẽ nhờ cái nghề lúc nào cũng động chạm đến chữ nghĩa, sơ sẩy một cái là chết liền cộng với mọi ngõ ngách của cuộc sống đều được trải nghiệm trong cuộc chơi văn đã giúp ông có được những vần thơ sắc sảo và không hề dễ dãi cũng như dũng khí dám một mình một quán trần gian.

Người ta thường nói rẻ như bèo. Khi còn tại chức tôi phụ trách Nam Bộ 7 năm, dọc ngang vùng đất không ở đâu là không có lục bình. Điều kỳ lạ đã là bèo, lại là bèo tây rễ dài đến rốn mà ở Cao Lãnh và nhiều vùng khác đồng bào vớt thân bèo lên phơi khô dệt thảm mỹ nghệ xuất khẩu đi nhiều nước. Được lắm. Vậy là bèo cũng giá trị bởi lòng yêu thương và sáng tạo của bà con ta. Nhưng thi ca thì dứt khoát không thể là bèo và không bao giờ có thể là bèo, dù bây giờ người đọc thơ ngày một ít đi trong khi nhiều người in thơ chất lượng kém làm phương hại không nhỏ đến uy tín của thi ca trên trường đời và xã hội. Đặng Huy Giang chẳng những trân trọng và yêu thơ chân thành hơn bao giờ hết, ông chưa bao gi nao núng trước thế cục của thi ca và chẳng bao giờ rời bỏ con đường sống chết với nó. Ông coi đó là một vinh dự của cuộc đời mình. Ông tự mình khai phá đường vào thơ để mình anh một quán trần gian. Không chỉ có thế. Tình yêu thi ca của Đặng Huy Giang còn lan tỏa đến hai người con của ông và dường như họ đã không ngần ngại bước vào quán trần gian ấy.

Trở lại cuộc gọi khơi mào cho giao ước dân sự hôm trước. Sau đấy mấy hôm, vị chánh tổng thân mến kia giữa khuya gọi điện cho tôi rằng ông muốn tôi dùng bữa cơm trưa nhạt cho đậm tình văn chương. Tôi đề nghị ra quán bình dân nào đó để đậu phụ luộc với dưa chua xào. Ông không nghe. Ông muốn tôi đến nhà. Nhà của ông ở tầng 5 của một chung cư độhơn chục tầng. Có điều trước khi đi vào được thì ngay ở đầu phố là một cửa bệnh viện lớn của Hà Nội. Đitiếp một đoạn chừng 300m  lại là cửa một nhà tang lễ ở đằng sau một bệnh viện lớn nữa của quân đội. Căn hộ của vị bề trên ấy may thay khuất nẻo ở phía bên trong. Không có phòng khách riêng. Khách liền với bếp. Xào nấu ra sao đã được thưởng thức rồi. Tôi không thấy có bàn biết văn. Một vài lần đến đây, nước mắt tôi chảy vào trong. Thì ra đây là quán trần gian của một trong những nhà văn nổi tiếng nhất thời chống Mỹ cứu nước. Chính ở cái phòng tôi tối này, nhiều nhà văn của chúng ta với đầy đủ ý thức công dân của mình, viết hằng đêm những trang văn thôi thúc lương tâm của thời đại, tình yêu Tổ quốc và đức hy sinh của mỗi con người. Văn của họ dạy chúng ta cách yêu sống và niềm hy vọng. Tôi hiểu vì sao vị chánh tổng này lại khơi mào cho tôi đến với thơ Đặng Huy Giang.

                                               Sắp đến thu 2020

                                      KHUẤT BÌNH NGUYÊN