Đã trôi qua hơn nửa thế kỷ, bạn vẫn có thể tìm xem bộ phim “8.1/2” trên Google…Muốn hiểu lịch sử điện ảnh thế giới, không thể bỏ qua tác phẩm này. “8.1/2” là phim nước ngoài đầu tiên giành Giải thưởng Lớn tại LHP Quốc tế Moskva. “8.1/2” chấm dứt dòng phim tân hiện thực Ý của đạo diễn lừng danh Federico Fillini ngay từ những năm 1963-1964, và những báo động gì cho màn ảnh thế giới hôm nay?
Nhận được Giải thưởng có tính chất lịch sử Gran-pri tại Đại hội Liên hoan phim Quốc tế Moskva lần thứ 3, bộ phim “8.1/2” hoàn toàn không phải là một tác phẩm thành công nhất về mặt doanh thu của đạo diễn Italy lừng danh Federico Fillini (về phương diện này “8.1/2” khó so sánh được với phim “Cuộc sống ngọt ngào” của ông), nhưng đây lại là tác phẩm quan trọng nhất. Không chỉ đối với cá nhân đạo diễn mà còn là đối với toàn bộ nền điện ảnh thế giới. 55 năm sau khi “8.1/2” xuất hiện lần đầu trên màn ảnh, nhận định này càng rõ rệt, chính xác hơn. Chúng ta thử phân tích xem “8.1/2” ra đời như thế nào, nó đã đạt tới thành công vang dội ra sao và tác động của nó đến đâu…
Gần đây công nghiệp điện ảnh thay đổi hơn nhiều so với những năm cuối của thế kỷ trước. Một số vị đạo diễn được tôn sùng hàng chục năm trời, nay lần đầu hoặc lần thứ hai, bị rơi vào tâm chấn của thái độ lên án, không chỉ vì căn bệnh cưỡng bức tình dục mà còn vì việc miêu tả người phụ nữ trên màn ảnh như vật thí thân của thứ thú tính đó. Ví như Woody Allen.
Những cuộc đấu khẩu về gen không có hồi kết làm bùng lên các trận luận chiến về bản chất bạo dâm trong mối quan hệ giữa người sáng tạo với nàng thơ. Nửa thế kỷ trước không thể xuất hiện những cuộc cãi cọ như vậy, khi các nàng thơ vĩ đại như Juylietta Mazina, Monica Vitti, Claudia Cardinal, Liv Wiman, Brigiite Bado, Catherine Denuver, Janna Moro đang chiếm lĩnh vị trí của họ và họ rất tự hào vì những gì được sủng mộ. Hôm nay, trong thời đại chiến thắng của chủ nghĩa cá nhân, khái niệm auteur – đạo diễn với sự hiểu là cá nhân không ai bắt chước nổi, độc nhất vô nhị, trên thực tế là vị hoàng đế tối thượng mà tất cả mọi thành viên khác tại trường quay phải nhất nhất chịu khuất phục. Và đặc biết là các nữ diễn viên, những người đang thực hiện ý muốn, đang phát ngôn những lời nói của vị hoàng đế kia.
Tên gọi của bộ phim khi khởi quay ít trừu tượng hơn phiên bản phim khi phát hành và khắc họa cụ thể vị trí của kiệt tác này trong phim mục của tác giả: “Fillini N.8.1/2”.
Không một ai trong lịch sử ngành điện ảnh châu Âu đạt thành công với tư cách là một auteur hơn Federico Fillini, nhưng “8.1/2” của ông (7 phim dài, một phim tài liệu và một phim trung bình) đã trở thành bộ phim thể hiện đúng cái gọi là quyền tác giả, điều được nhấn mạnh trong điện ảnh, nơi để sản xuất ra tác phẩm có sự tham gia của cả mấy chục con người chuyên nghiệp. Thử hỏi vào ngày hôm nay, trong thời đại chuyển động của #MeToo liệu “8.1/2” có được trao giải Oscar ghi dấu đóng góp chung vào nghệ thuật điện ảnh như điều đó từng xẩy ra 25 năm trước đó, trước ngày đạo diễn từ trần nửa năm.
Nhân vật chính trong “8.1/2” là đạo diễn nổi tiếng Gvido Anselmi vật vã trong những dằn vặt sáng tạo và trong cơn khủng hoảng khi rơi vào chủ nghĩa duy tâm khách quan. Thoạt đầu Fillini định dành vai này cho Laurence Olivier, nhưng cuối cùng đạo diễn đã mời Marcello Mastroianni, người diễn viên luôn luôn trợ giúp cho những đạo diễn đồng hương của mình nếu trong phim họ phải làm việc với một ngôi sao nước ngoài. Vào thời điểm đó Mastroianni nói chung dường như không phải là diễn viên Italy duy nhất biết truyền cho những bộ phim bản xứ cái nhìn toàn nhân loại để người nước ngài xem có thể hiểu được. Nhưng chính Mastroianni lại là người đầu tiên trở thành lá bùa hộ mệnh, người chuyển tải ý tưởng của Fillini-một đạo diễn vừa biết nhấn mạnh những nét riêng của Italy đồng thời nét riêng ấy lại được người xem ở các nước khác nhau trên thế giới, từ Mỹ tới Liên Xô thừa nhận.
Xung quanh nhân vật chính của bộ phim có rất nhiều phụ nữ, nhưng kỳ lạ anh ta chỉ yêu chính anh ta. Thậm chí những món quà mà Gvido đã tặng chị em cũng chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của anh ta.
“8.1/2” bộ phim bị xem như phim tác giả của Fillini nhưng thực ra lại từ một câu chuyện có thật. Fellini luôn luôn làm phim với những kịch bản chưa hoàn chỉnh. Một lần thậm chí trong ngày quay đầu ông ta quên kế họach quay ngày hôm đó gồm những cảnh gì, bèn quay về hỏi nhà sản xuất Angelo Rizzoli và nói: “Tôi làm điện ảnh về một đạo diễn quên mất bộ phim đang quay kể về điều gì”. Gvido không hoàn toàn “quên”. Đơn giản là Gvido ở vào một lứa tuổi và một hoàn cảnh khi một lần nữa, ở một giai đoạn khác, anh ta sống lại với những hồi ức tuổi ấu thơ của mình và sử dụng hồi ức đó như sự tự mổ sẻ bản thân trong công việc.
Sự táo bạo này- làm phim bằng dòng ý thức cá nhân mà 6 năm trước Ingmar Bergman đã sử dụng trong bộ phim “Khoảng trống của đất” đã chứng tỏ việc thực nghiệm gắn giữa cốt chuyện và thụ cảm của người xem chỉ những đạo diễn bậc thày , già dặn tay nghề mới thực hiện nổi. Và muộn hơn, bây giờ phim “8.1/2” đã góp thêm một tấm gương đối với tất cả những đạo diễn muốn một cốt chuyện cụ thể, ràng rõ phải tuân thủ những ý tưởng, những hình tượng chủ quan và cả bộ phim chủ quan trở thành điểm hội lưu của thứ điện ảnh “thương mại” Mỹ với thứ “điện ảnh tác giả” châu Âu.
Ai là kẻ thù chính của đạo diễn-tác giả, nhà sản xuất hay nhà phê bình? Gvido (có nghĩa là bản thân Fillini) cho câu trả lời- nhà sản xuất, một hiện thân của cái ác cần thiết. Còn sự phê bình cũng có thể và cần phải lên án.
Để hiểu, tại sao “8.1/2” ra đời, hãy nhớ tới những mối quan hệ xảy ra xung quanh bộ phim này. Vào đầu năm 1960, Hollywood đã vươn tay tới Roma. Sau bộ phim “Kỳ nghỉ hè ở Roma”, “Những mùa xuân ở Roma của cô Stone” cùng một số bộ phim khác mà cốt truyện đều diễn ra ở Italy, và sau những thành công vang dội trên thế giới của các đạo diễn Roberto Rossellini, Vittorio De Sica và Fellini, người Mỹ với giá thấp làm phim tiếp tại hãng “Chinechita” và phim nối tiếp nhau xuất hiện những bức ảnh không được dàn dựng, bố cục của những Elizabeth Taylor và Audrey Hepburn..thậm chí những nhân vật của các ngôi sao này thủ vai lấy chồng là bác sỹ người Italy khi cả hai làm quen nhau trong một quán cà phê hay ở một khách sạn (còn Fillini thì thể hiện trong kiệt tác của mình những người già thèm khát tiếng tăm, bay tới Italy, sẵn sàng chấp nhận mọi điều, miễn để được làm phim ).
Vào năm “8.1/2” ra đời, cũng xuất hiện trên màn ảnh một trong những kiệt tác của hệ thống hãng phim già nua- phim “Cleopatr”. Phim này cũng quay tại Roma với kinh phí không lồ tính vào thời gian đó là 44 triệu dollar- một số tiền suýt làm cho Hãng FOX chìm tàu.
“8.1/2” của Fillini là phim đen trắng nhưng xét theo một số phương diện nào đó của công việc ghi hình, “8.1/2” dường như là phim màu.
Khoản lợi nhuận đã mất của các tập đoàn làm phim Hollywood khiến nhu cầu của các ngôi sao không thỏa mãn. Ngay lập tức châu Âu tạo nên một thứ điện ảnh mới – không quá tốn kém ở khâu sản xuất, nhưng là thứ điện ảnh thời thượng, thông minh và hấp dụ. Các nhà phê bình phim Pháp ca ngợi người đạo diễn như một auteur, như người nghệ sỹ vĩ đại của thời đại. Và thế là Fillini, sau bộ phim “Cuộc sống ngọt ngào” chinh phục toàn thê giới bỗng lọt vào trung tâm của những thay đổi. Vậy điều gì còn lại với ông, khi ông sẽ không làm phim kể về điều ông đã làm phim như thế nào?
Khác với nhân vật của Marcello Mstroianni trong “Cuộc sống ngọt ngào” luôn muốn tìm lời giải ở những người xung quanh, Gvido no chán phóng cái nhìn vào thế giới nội tâm và nhớ lại thời ấu thơ, nhân vật này là biểu hiện của tính ích kỷ đàn ông. Việc tự đào bới vào bản thân của nhân vật này không chỉ gắn với sự khủng hoảng về phương diện nghề nghiệp của anh ta. (gặp những dằn vặt trong sáng tác, Gvido luôn hỏi: “Liệu nghệ thuật có thể đặt hàng được không?”), tuy nhiên Fellini rõ ràng luôn luôn bị hành hạ bởi nỗi hoài nghi làm cách nào có thể tương xứng với thành công đặc biệt như với bộ phim “Cuộc sống ngọt ngào” của ông trước đây.
Gvido (xin hãy coi là Fillini) bị rối bời giữa những người đàn bà. Những người phụ nữ của Fellini, với tất cả những ưu thế nổi trội theo kiểu Italy vẫn luôn luôn là công cụ thỏa mãn nhu cầu của người đàn ông, trong mọi trường hợp, kể cả với thước đo của ngày hôm nay. Đó là những người mẹ (và những người vợ, với tháng năm lại biến thành những người mẹ), những cô điếm hay những bóng ma phát phì mà nhân vật của họ (và cả đạo diễn nữa) vì ý muốn khẳng định cái riêng của bản thân đều trước sau rớt khỏi tượng đài, để mau chóng tự thất vọng và bước tiếp đi tìm nàng thơ mới.
“8.1/2” là một phim tự thuật. Chính vì thế Fellini khi thảo luận cảnh quay với Mastroianni đã không hạn chế bởi những cách lý giải đơn giản.
Trong “8.1/2” người vợ đầu Luiza do Anuk Ema thủ vai; người đàn bà thứ 2- người tình Carla dành vai cho Sandra Milo, người đàn bà thứ ba- là cả một loạt tên tuổi được mời thử vai, từ Claudia Cardinal đến Caterina Boratto- người đã than thở với Gvido-Fillini: “Anh nói rằng tôi đẹp, nhưng lời anh nói đã xúc phạm tôi” và Eddie Gein “con quỷ” Saraghina, người đàn bà của trí tưởng tượng con trẻ và đồng thời của những kẻ ác tâm. Thậm chí với các nhân vật nữ, đạo diễn Gvido cũng không để xuất hiện trong quan hệ sexy. Những người đàn bà bạn hữu, đồng nghiệp được xuất hiện trong phim có gì đó cao hơn vai trò của các trợ lý. Nếu bây giờ Fillini quay một bộ phim như thế dường như người ta sẽ dẫm nát ông vì đã thể hiện phụ nữ như những người thể hiện ước mong và trí tưởng tượng của đàn ông.
Phim “8.1/2” đặc biệt quan trọng đối với khán giả Nga. Buổi ra mắt với phạm vi toàn thế giới của nó đã xẩy ra tại Liên Bang Xô Viết thời kỳ “đã ấm lại” dưới sự trị vì của Khrutsov, tại Liên Hoan phim Quốc tế Moskva lần thứ 3. Ngày 21 tháng Bẩy năm 1963, bỏ qua những âm mưu phía sau cánh gà, bộ phim nhận được Giải thưởng Lớn. Có thể, đó là bộ phim xứng đáng nhất đã giành được chiến thắng tại Liên hoan Phim Quốc tế Moskva trong suốt chiều dài lịch sử của nó. Liên hoan phim này ghi lại dấu ấn của một sự kiện văn hóa khó quên đã lùi vào dĩ vãng.
Đương nhiên Ban Giám khảo phải chịu sức ép nặng nề của hệ thống tư tưởng chủ đạo vào thời điểm đó. Ban lãnh đạo Liên Hoan phim chịu sự chỉ đạo chặt chẽ của Mikhail Xuslop, người đứng đầu Cơ Quan tư tưởng của BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô.Xuslop yêu cầu phải trao Giải thưởng Lớn cho bộ phim Nga-Xô Viết “Chào Bulaev!” của đạo diễn Viktor Comissarjevsky. Nếu không tuân lệnh Xuslop sẽ giải tán Liên hoan phim. Sau buổi chiếu hẹp của phim “8.1/2”, nhà phê bình Rostislav Iurenev đã đứng lên và lớn giọng tuyên bố: “Tôi đã làm tất cả để bộ phim này không được tham dự liên hoan!”.
Báo chí Xô Viết xưa kia đều khen ngợi hết lời những bộ phim khác của Fillini và coi ông như một người bạn của Liên Xô, nay xúm vào phê bình “8.1/2” nào là “hình thức chủ nghĩa”, nào là “tuyên truyền cho bản sắc cá nhân, xa rời những nguyên tắc của điện ảnh Tân hiện thực”.
May sao, những đồng nghiệp có uy tín của đạo diễn Fillini- tức những đạo diễn điện ảnh Nga- Xô Viết có tên tuổi đã lên tiếng bảo vệ “8.1/2”, nhìn thấy ở phim này “lời thú nhận trung thực về tính phức tạp trong sáng tạo nghệ thuật”. Anh hùng lao động XHCN, 3 lần đoạt Giải thưởng Stalin - Sergei Gherasimov đã ủng hộ “8.1/2”. Chuyện kể lại, khi Fillini cùng bà vợ - nữ diễn viên Juyliette Masina tới Moskva, Sergei Ghersimov đã mời hai vợ chồng về nhà mình khoản đãi món bánh hấp nhân thịt đặc sản của vùng Uran. Quá xúc động, cuối bữa ăn Fillini đã nói: “Thưa ngài Gherasimov, thật lấy làm đáng tiếc tôi chưa xem một bộ phim nào của ngài, nhưng về món bánh hấp nhân thịt này quả ngài là bậc thầy!”.
Tại buổi họp báo của Liên Hoan phim Moskva lần này sau khi chiếu bộ phim “8.1/2” cũng diễn ra chuyện lạ. Điều khiển cuộc họp báo là Vassili Zakharchenco- Tổng biên tập tờ tạp chí “ Kỹ thuật và Tuổi trẻ”, một người ít am tường về điện ảnh. Ông này hướng về bà vợ của Fillini lên tiếng: “Thưa quý phu nhân Masina. Ông Fillini làm chồng hay làm đạo diễn tốt hơn?”. Nữ diễn viên Masina đáp: “Làm đạo diễn tốt hơn”. Fillini đưa tay che mặt thụt thấp xuống gầm bàn kêu lên: “Bà vợ tôi vừa nói gì thế nhỉ?”. Dẫu sao với việc Giải thưởng lớn đã được trao cho phim “8.1/2”. Fellini mang ơn vị Chủ tịch Ban Giám khảo- đạo diễn Xô Viết Grigori Chukhrai, người đã được trao giải thưởng Lenin vì phim “Bài ca người lính” vì đã không tuân thủ sự chỉ đạo của bộ phận cấp cao của Đảng , gạt đẩy mọi âm mưu, thủ đoạn ngăn cản “8.1/2” đoạt giải.
Giải thưởng Lớn của Liên Hoan phim Quốc tế Moskva đã được trao cho Federico Fellini tại Cung Đại hội Điện Kremli.
Có thể từ xuất phát điểm này phim “8.1/2” bắt đầu cuộc du ngoạn qua màn ảnh khắp thế giới. Phim đã 5 lần lọt vào danh sách ứng cử giải thưởng Oscar và 2 lần nhận tượng Vàng Oscar với tư cách “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” và “Phục trang xuất sắc nhất”. Nhưng ảnh hưởng của tấn hài kịch này (khi mới bắt đầu bấm máy Fillini thậm chí đã viết ra giấy và dán ở ghế ngồi chỉ huy: “Hãy đừng quên, đây là một tấn hài kịch!” với sự phát triển tiếp nối của điện ảnh không thể đo được bằng các huân chương, các giải thưởng.
Không có “8.1/2” sẽ không có những bộ phim không giống thế và được quay ở những thời kỳ khác nhau, tại các nước khác nhau như các bộ phim “Đêm ở Mỹ” của Francoise Truffau, “Chỉ có nhạc Jazz” của Bob Fosse, “Hồi ức của những vì sao” của Voody Allen, “Sống trong quên lãng” của Tom Di Chillo, “8 rưỡi của đàn bà” của Piter Grinuea, phim nhạc kịch “ Số 9” của Rob Marshall. Bởi lẽ không nhớ đến “8.1/2” không thể quay một thứ điện ảnh nói về bản chất của công việc sáng tạo, về sự cô độc của người làm công việc sáng tạo và sự cô độc của kiếp người nói chung.
TÔ HOÀNG
(theo bản tiếng Nga)