Một nhà văn khi viết phê bình thì luôn có sự mềm mại, phóng khoáng dễ chịu, không nặng về lí thuyết mà thiên về cảm nhận và thích “đọc vị” về tay dao, tay thước của bạn nghề. Có thêm những nhà văn viết phê bình, đời sống văn chương mềm mại và uyển chuyển hơn nhiều
VĂN CHINH - NHÀ VĂN VIẾT PHÊ BÌNH
UÔNG TRIỀU
Tôi gặp nhà văn Văn Chinh lần đầu tiên ở một trại sáng tác ở Hạ Long. Khi ấy Văn Chinh không biết tôi là ai và ngược lại. Ông già này vẫn luôn có một vẻ ngạo nghễ bề ngoài nhưng khi quen biết rồi thì thấy thú vị và đầy cá tính.
Sau cái buổi gặp gỡ ở Quảng Ninh ấy, tôi đã thổ lộ với ông một điều mà không biết dám nói với ai, nỗi ngượng ngùng của đa số các cây bút trẻ. Đó là tôi đã có vài truyện ngắn đăng một tờ báo nhưng không thấy họ hỏi han gì cả, không ai nhắc đến, không báo biếu và không nhuận bút. Văn Chinh liền bảo tôi xem có nhớ số báo nào không, tên truyện là gì và ông hứa sẽ đòi giúp. Ông cũng nói thêm rằng, tao cũng là thằng làm báo, viết văn nên rất ghét nhất cái trò quỵt nhuận! Tôi thì không nghĩ họ quỵt, hoặc họ quên hoặc nhiều người quá không nhớ hết thôi!
Câu chuyện vu vơ như thế, tôi nghĩ chẳng ai hơi đâu làm một việc vô công rồi nghề và nhạy cảm như vậy, rồi có ngày Văn Chinh gọi điện bảo tôi, tao đòi nhuận bút được cho mày rồi nhé. Văn Chinh có cái kiểu xưng hô khác biệt so với những văn sĩ Hà Nội. Đại loại theo quan sát của tôi, văn nhân Hà Nội có ba kiểu xưng hô. Kiểu thứ nhất là “ông, tôi” bất kể tuổi tác. Kiểu thứ hai là theo định vị tuổi tác như “bác, cháu”, “anh em.” Văn Chinh là một trong số ít người gọi “mày, tao” bỗ bã, cái kiểu thô mộc, mới đầu nghe hơi khó chịu nhưng ưu điểm của nó là đôi khi gạt được hẳn những khoảng cách mơ hồ, khách sáo. Đó là một phong cách rất Văn Chinh.
Về tuổi nghề và tuổi đời, Văn Chinh hơn tôi nhiều lắm nhưng điều tôi ngạc nhiên là ông vẫn còn đọc khoẻ. Con người ta đến một cái tuổi nào đấy thì ngại đọc, cứ nhìn thấy con chữ chi chít trên trang sách là váng hết cả đầu. Nhưng Văn Chinh thì không, ông vẫn đọc, đọc say sưa là đằng khác và điều lạ nhất là ông “tiêu hoá” được đội trẻ. Tôi nói điều này không để phân biệt gì nhưng hình như chỉ các nhà văn trẻ đọc nhà văn già, mà rất hiếm trường hợp ngược lại. Có những ông cao tuổi thì còn không ưa đội trẻ ra mặt, cứ thấy trẻ, cách xa thế hệ mình là gạt ra. Văn Chinh thì khác, ông đọc những cánh trẻ tầm tôi, Trần Nhã Thuỵ, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Đình Tú… và viết những bài rất công phu và tâm huyết. Đây là điều gây ngạc nhiên vì tôi thấy khoảng cách thế hệ chi phối khá lớn tâm lí, cảm xúc các nhà văn Việt, có những người chỉ viết về thế hệ mình, bạn bè quanh mình còn ngoài ra thì thờ ơ, không quan tâm. Văn Chinh không phải nhà phê bình từ máu nhưng những pha quan tâm thì làm rất kĩ. Tôi bất ngờ là vài lần ông đọc xong sách của tôi, bốc máy gọi ngay tức khắc, nói cái này mày viết được, cái kia không được với một tinh thần rất hào hứng và tâm huyết. Nói thật là tôi rất hiếm khi gặp được những độc giả nhiệt tình, say mê như thế. Những người đọc kĩ và tinh như Văn Chinh ngày càng khó thấy.
Văn Chinh từng kể rằng có lần ông đọc sách say mê quá đến sụt cả mấy kg. Đó là khi ông đọc hai cuốn “Tội ác và hình phạt” của Dostoivsky và “Cái trống thiếc” của Gunter Grass. Tôi khâm phục và chia sẻ với ông điều này. “Tội ác và hình phạt” thì quá căng thẳng, cân não; “Cái trống thiếc” thì vạm vỡ và khác thường. Nhưng tôi không chia sẻ quan điểm với ông về “Tô tem sói” của Khương Nhung, Văn Chinh cho rằng cuốn sách cổ xuý tinh thần bá quyền và chủ nghĩa nước lớn, tất nhiên “Tô tem sói” không phải là cuốn sách hiền lành nhưng cũng không nên gắn cho nó quá nhiều ý nghĩa ngoài văn chương.
Nói một chút về việc đọc như vậy để thấy rằng Văn Chinh là người đọc nhiệt thành và có chủ kiến. Tôi thích những người đọc sách như vậy, háo hức, say mê một cuốn sách và thậm chí mất ăn, mất ngủ về nó. Những người đọc như thế ngày càng ít, người cao tuổi thì càng hiếm.
Nguyên gốc của Văn Chinh là dân văn xuôi. Tôi chưa đọc tiểu thuyết của ông nhưng nhiều truyện ngắn của ông thì tôi thấy khoái. Những truyện tôi thích có kể đến “Ghi chép của ngài Appin về con ngựa hãn huyết”, “Thị”, “Ngôi chùa cổ dưới chân núi Lĩnh Nam”… Văn Chinh mạnh về những truyện có bối cảnh cổ xưa vì ông rất hứng thú với văn hoá phương Đông và lịch sử. Truyện của Văn Chinh thường công phu về chữ nghĩa, đôi khi hơi quá một chút khi ông sẵn sàng chua một hàng chữ Hán đóng mở ngoặc bên cạnh. Truyện lịch sử nhưng lại có cái tưng tửng, ngạo khí của một người hiện đại, vì thế đọc không thấy cũ kĩ, vẫn cảm giác một “tinh thần hậu hiện đại” xuyên suốt. Người viết đi song song và bình phẩm câu chuyện lịch sử mà không cần phải e thẹn, giữ ý, đó cũng là một phong cách rất Văn Chinh.
Văn Chinh là người hổ lửa và không kiêng dè. Tôi vài lần thấy ông tranh luận tay đôi một số vấn đề rất máu lửa. Một nhà văn, cũng là một nghệ sĩ thường có cá tính và bản lĩnh của mình, không dễ thoả hiệp hoặc khuất phục trước đám đông và những ý kiến khác biệt. Tôi rất nể một vụ Văn Chinh kiên quyết đứng ra bảo vệ một truyện ngắn lịch sử mà ông cho rằng nó không có gì sai hoặc không đáng phải chịu những đòn roi quá đáng. Trong cuộc tranh luận ấy, Văn Chinh là người thiểu số nhưng ông không hề e ngại, một lời tường thuật tôi đọc được đã khiến tôi nể phục bản lĩnh và chính kiến của ông. “Văn Chinh đứng lên nói và đi khỏi nhanh như một hơi rượu.” Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, đôi khi người nghệ sĩ rất cô độc trước những giông bão của dư luận, có rất ít người dám đứng ra bảo vệ đồng nghiệp của mình một cách quyết liệt và công khai. Khi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện với những truyện ngắn lịch sử khác biệt và Bảo Ninh với một cái nhìn mới về chiến tranh thì có bao nhiêu đồng nghiệp công khai lên tiếng ủng hộ hai người ấy?
Một thái độ, một bản lĩnh của người nghệ sĩ là rất cần thiết. Đôi khi đứng gần Văn Chinh, chính tôi cũng thấy e ngại. Một người đàn ông cao lớn, khuôn mặt không có một chút gì mềm yếu, giọng nói đanh sảng, quyết liệt, thế mà ông đã từng dạy học nhiều năm rồi mới đi làm báo, viết văn. Hồi Văn Chinh làm ở trang web của Hội nhà văn, tôi thấy ông chịu mò mẫm lắm. Những hôm sắp công bố Giải Nobel văn học, ông háo hức, bồn chồn mấy ngày liền, chốc chốc lại gọi điện cho tôi đề nghị tìm những trang thông chính thống để cập nhật và đưa tin. Văn Chinh cũng không ngại hỏi đội trẻ những thứ ông không biết, ông đã nhiều lần nhắn tin hỏi tôi xem từ này, chữ kia, tiếng Anh viết thế nào, đọc ra sao.
Rồi Văn Chinh làm biên tập ở Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, tôi nhìn thấy nỗ lực của ông và cộng sự để làm cho tờ báo có những khác biệt và mới mẻ. Và tôi thấy tờ báo có những nỗ lực và thành công nhất định, ít nhất nó đã không lặp lại hoặc giống như tờ báo đi trước hoặc hiện hành. Người ta đã nhìn thấy ít nhiều sự khác biệt và cá tính của nó. Trong những nỗ lực ấy, tôi nghĩ Văn Chinh là người có đóng góp, tâm huyết. Và tôi lại đọc vài dòng ông viết trên Facebook, đại khái, chỉ thời gian ngắn ông không còn làm báo nữa, ông muốn tất cả nợ nần nhuận bút được thanh toán sòng phẳng để khi về nghỉ được bình yên, thanh thản. Đó là một thái độ và sự lựa chọn đúng với con người Văn Chinh, tôi lại nhớ lời ông nói với tôi ngày nào, tao cũng là thằng làm báo, viết văn…
Một điểm nhấn nữa tôi muốn nói về Văn Chinh là những bài viết phê bình của ông. Ông nhận mình chỉ là người tay ngang viết phê bình nhưng có khi phê bình lại là những thứ đáng kể nhất trong hành trang văn chương của ông. Trong một thời gian không dài, Văn Chinh đã có ba tập tiểu luận phê bình, trong đó có nhiều bài rất đáng đọc. Một nhà văn khi viết phê bình thì luôn có sự mềm mại, phóng khoáng dễ chịu, không nặng về lí thuyết mà thiên về cảm nhận và thích “đọc vị” về tay dao, tay thước của bạn nghề. Có thêm những nhà văn viết phê bình, đời sống văn chương mềm mại và uyển chuyển hơn nhiều. Nếu được phép góp ý với ông thì tôi muốn nói rằng, giá kể ông lựa chọn kĩ càng và có “chiến lược phê bình” hơn nữa thì những cuốn sách của ông sẽ có sức nặng hơn nhiều.
Gần đây tôi đến gặp ông ở 65 Nguyễn Du và giật mình, Văn Chinh để râu, tóc bạc trắng ra, trông ông rất giống với Ngô Phan Lưu trong Phú Yên. Hay là đến độ tuổi nào đó, người ta luôn luôn giống nhau? Không phải, Văn Chinh vẫn là Văn Chinh, vẫn là một kiểu vừa hổ lửa vừa có chút lạnh băng do tuổi tác. Ông từng dẫn một câu nói của người xưa rằng đã ngoài bảy mươi thì người ta có thể nói thoả thích mà không còn sợ ai nữa. Tôi chưa đến tuổi ấy nhưng cũng mạnh dạn nói với ông rằng, tôi thích ông là nhà phê bình hơn là nhà văn. Những truyện ngắn ông viết đã đủ neo một dấu ấn đáng kể trong lòng bạn đọc rồi. Tôi muốn thấy những bài phê bình của ông được tuyển lại và in thành một cuốn thật đẹp, nặng kí và ông tiếp tục viết.
Mong muốn những điều ấy liệu có xa vời không? Tôi tin Văn Chinh không là người dễ bị khuất phục dù ông đã đến cái tuổi thất thập cổ lai hy...