Mảng sáng, ánh hào quang cuộc sống ai cũng thấy, còn mảng tối, những thất bại, những nỗi đau chỉ có người trong cuộc mới thấy. Người viết trẻ phải xông vào, phải học cách thất bại để lấy đúng cảm xúc của những góc khuất, những góc mà người bình thường không tài nào diễn đạt được. Kệ nó-những sản phẩm mình làm ra rồi bán được mấy đồng.

 

Phóng viên (PV): Thưa nhà văn Võ Diệu Thanh, chị từng kể rằng chị thích văn chương và cũng bắt đầu viết từ nhỏ nhưng lại bỏ dở để chọn làm cô giáo dạy Mỹ thuật. Chị đã trở lại với văn chương như thế nào?

Nhà văn Võ Diệu Thanh: Tất cả chúng tôi đều nghĩ văn chương quá xa xỉ trong đời sống nghèo khó xứ mình. Tôi dạy tiểu học rồi dạy Mỹ thuật như một kiểu kiếm sống bình thường nhất. Nhưng tôi đã bất lực với những bi kịch trong cảm xúc. Chỉ có tìm hiểu tận tường kiểu văn chương mới giải mã được những góc khuất đầy ẩn ức của từng phận người, mới giúp tôi nhìn những mảng đen cuộc sống không còn định kiến nữa. Tôi viết trở lại khi tôi 28 tuổi. Tôi nghĩ, liệu mình có viết được nữa không?! Bao năm, những buồn phiền của bản thân, của những người xung quanh lấp đầy trong đầu làm cho tôi chưa tìm thấy niềm vui nào, cho đến khi viết tôi mới biết niềm vui của mình là gì!

Khi viết lại, tôi cảm thấy văn mình rất tệ so với những người từng tệ hơn tôi. Tôi nghĩ mình phải miệt mài nhiều hơn và không chùn bước khi hoàn cảnh không hề thuận với văn chương để tránh quay lại từ đầu.

Tính tôi ham chơi, thích khám phá, ngồi la cà nghe người khác nói chuyện. Đi nhiều, được nghe nhiều câu chuyện của những người dân, được thấy những thân phận, hoàn cảnh, tâm sự của họ giống như là mình đi vào ngôi nhà của họ và thấy những quyển kinh khó đọc trong đó. Và chất liệu cứ tràn đến một cách tự nhiên trong các câu chuyện của tôi.

Có người nói văn của tôi giống như lá sầu đâu (loại rau phổ biến ở Nam Bộ có vị đắng, hậu ngọt). Tôi nghĩ nhận xét đó giống như một phần thưởng và khá chính xác về tính cách và văn chương của tôi. Rau sầu đâu gắn với vùng đất An Giang quê tôi, có rất nhiều người biết đến nhưng không phải ai cũng nếm được, nhưng đã nếm được đúng hương vị thì sẽ nghiền.

 

PV: Chị viết khá nhiều cho thiếu nhi. Vì sao chị lại chọn một lĩnh vực được đánh giá không “hot”?

Nhà văn Võ Diệu Thanh: Tôi không bận tâm sách cho thiếu nhi “hot” hay không mà chỉ thấy học trò mình cần sách nhưng lại thiếu sách hấp dẫn đúng tuổi các em. Phải mất 5 năm, sau khi đã bỏ đôi ba bản thảo dang dở tôi mới nắm bắt được quy luật tâm lý của các em. Khi nhận ra trẻ con có những quy tắc vượt ra khỏi quy luật của vũ trụ thì tôi viết thật dễ dàng cuốn “Siêu nhân Cua”. Tác phẩm kỳ công nhất của tôi dành cho thiếu nhi là “Tiền của thần cây”. Tôi viết trong hai tháng, tìm người vẽ minh họa một năm nhưng không họa sĩ nào cảm thấy mình đủ hồn nhiên nên cuối cùng tôi tự vẽ. Nhưng còn có tác phẩm kỳ công hơn nữa đang chờ họa sĩ là hai bộ sách tôi đang làm “Những giấc mơ độc quyền” và “Cá tính Supin”. Đúng là dạy học, tiếp xúc nhiều với học sinh mới gợi tôi có cảm hứng viết cho các em. Nhưng nhân vật thiếu nhi của tôi thì ngố hơn, táo tợn hơn nguyên mẫu nhiều.

Tôi thấy văn học thiếu nhi nước ta hiện nay rất phong phú, kể cả tác phẩm dịch và tác phẩm trong nước. Nhưng với cách giáo dục làm cho trẻ em sợ đọc như ở phần đông các trường học hiện nay thì cho dù thị trường có nhiều sách hơn, phong phú hơn cũng bằng thừa.

 

PV: Theo chị, văn học cho thiếu nhi cần chú trọng gì để phù hợp và đạt hiệu quả xã hội cao nhất trong khi hiện nay, các em có vẻ ham mê điện thoại, máy tính hơn là đọc sách?

Nhà văn Võ Diệu Thanh: Nếu tôi ngồi nói chuyện với một người bạn thú vị, ngồi nghe một người thầy thú vị giảng bài, cái điện thoại chẳng nghĩa lý gì với tôi. Nếu tôi bị ép ngồi nghe những nội dung giáo điều nhàm chán, tôi thà nghịch điện thoại. Trẻ con cũng vậy. Các em thường bị ám ảnh cách học chữ chán ngắt ở trường nên khi bạn giao cho các em một cuốn sách đầy chữ thì tụi nhỏ thà chơi với điện thoại. Chữ là một phát hiện vĩ đại của loài người, trẻ con cũng giống như loài người thời sơ khai, cũng rất ham mê kết nối với quá khứ và tương lai bằng ngôn ngữ viết. Tôi nghĩ, văn học thiếu nhi đừng chú trọng rao giảng quá nhiều đạo lý. Trước tiên, hãy là những gì hấp dẫn, kích thích tư duy, dẫu nó phi lý cũng được. Trẻ thích đọc chữ sẽ dần dần thích đọc những kiểu văn có chiều sâu.

 

Chúng ta có nợ với những nạn nhân chiến tranh

 

PV: Võ Diệu Thanh được đánh giá là một nhà văn viết “khỏe” và mới đây, chị có ra mắt tập ký sự “Về từ hành tinh ký ức” gián tiếp nói về chiến tranh-một mảng mà các nhà văn trẻ ít viết và khó viết. Chị có nghĩ mình sẽ viết nhiều hơn về mảng đề tài này?

Nhà văn Võ Diệu Thanh: Đó là tập ký sự về hồi ức của các nạn nhân, nhân chứng chiến tranh tại An Giang, đặc biệt là vụ thảm sát kinh hoàng ở Ba Chúc do tập đoàn Pol Pot gây ra. Trước đó, tôi không nghĩ mình sẽ viết về nó nhưng một người bạn đã nói: Chị hãy viết đi! Viết về những con người trở về từ nơi kinh hãi, những con người chết đi sống lại… Tôi sợ phải phỏng vấn những nạn nhân. Tôi sợ gợi lại những nỗi hãi hùng họ từng chứng kiến, từng trải qua. Một nhà văn khác lại nói: Chúng ta có nợ với những nạn nhân của cuộc chiến. Tôi nghĩ, những người gây nên cuộc chiến mới có nợ, tôi thì không.

Rồi tôi đi lấy chất liệu cho một cuốn sách khác. Tôi gặp một nạn nhân sống lại khi bị giết rồi, từng nằm chung với những xác chết khác không phải một mà những ba lần. Người đó hỏi tôi một câu: “Sao không ai viết về tôi?”. Câu hỏi đó khiến tôi thấy mình nợ thật. Vậy là tôi mải miết với nó. Những ngày chăm má bệnh, tôi ôm máy tính vào giường bệnh, đợi lúc cụ ngủ, ngồi hành lang bệnh viện tranh thủ gõ về những kiểu trở về từ ngày tận thế...

Chiến tranh ở Việt Nam là một nỗi đau kéo dài. Quá nhiều thảm cảnh rúng động thế giới mà bên ngoài khó nhìn thấy tường tận, chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận rõ nhất. Những nạn nhân chiến tranh ôm những vết thương đau đớn đã quá lâu rồi, quá nặng rồi, cần một người thay họ kể lại chính xác lịch sử. Đó là những cuốn sách, tôi nghĩ vậy! Mấy hôm trước, khi tiếp cận một câu chuyện khốc liệt khác từ chiến tranh ở biên giới Khánh An, tôi nói còn nhiều lắm những thân phận đau không tả hết, mình nên làm gì thêm. Nhưng tôi đang kiệt sức, để sau vậy.

 

Người viết trẻ phải học cách thất bại

 

PV: Có người đã nhận xét rằng: Thế hệ văn trẻ không ít người rơi vào giãi bày tâm trạng cá nhân, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp; đề tài khá phong phú nhưng không tập trung, ít gây được ấn tượng mạnh. Chị nghĩ thế nào về ý kiến này?

Nhà văn Võ Diệu Thanh: Cuộc sống đang rất bộn bề những giá trị tốt-xấu và nó cũng chưa bao giờ ổn định. Chất liệu cho văn học nhiều lắm nhưng người viết trẻ đang lặn ngụp trong đống chất liệu quá lớn. Sự ngột ngạt và muộn phiền trong kế sinh nhai, chật vật với con đường khởi nghiệp gần như mờ mịt, người trẻ không hào hứng tìm hiểu những gì quá sâu sắc, cao vời để sống nhân văn hay văn hóa mà chỉ muốn đọc những thứ mang lại lợi ích rõ ràng như sách dạy làm giàu, sách dạy chiêu thức đánh lừa người mua kẻ bán. Sống nghèo bên cạnh những người giàu sụ nhờ chiêu thức, nhờ luồn lách thì cuộc sống nhân văn trở thành trò đùa. Văn học nhân văn cũng vì lẽ đó lạc điệu. Người viết thấy mất niềm tin cho cuộc cống hiến dài hạn. Mà văn chương không lặng thầm nghiền ngẫm, không máu lửa thì trẻ hay già cũng dễ dàng làm ra những sản phẩm na ná văn chương, mang tính chủ quan, cạn kiệt, hẹp hòi và hẳn nhiên là chỉ có giá trị tạm thời trong giai đoạn hoặc trong nhóm người. Lối giáo dục miệt thị sự thất bại, hấp tấp trong số lượng cũng là cách đẩy giới trẻ sợ hãi thất bại nên không dám sống thật, không đủ cảm nhận về tất cả được-mất và rơi vào làm nô lệ cho những hình thức màu mè xán lạn. Đó là cách người trẻ góp phần làm cho nền văn học sớm dày lên bởi những cuốn sách nhẹ tênh chất giấy.

 

PV: Vậy để có nền văn học “chiếu sáng cuộc sống”, theo chị, trách nhiệm của các nhà văn trẻ hiện nay là gì?

Nhà văn Võ Diệu Thanh: Trải nghiệm và vượt lên cả trải nghiệm. Tiêu hóa được vốn sống để không còn nghiêm trọng hóa bất cứ vấn đề gì nhưng phải nhạy cảm để nhận ra những được-mất trong từng chi tiết mang tính bản chất. Có quá nhiều nhầm lẫn giữa những chi tiết bản chất và giông giống bản chất, nếu không chịu khó nhìn chậm sẽ lẫn lộn và rối rắm. Trước tiên, người viết phải bay ra khỏi cuộc sống mới mô tả đúng hình dáng của cuộc sống. Đồng thời phải mang vết thương cũng như nụ cười của cuộc sống mới có thể cảm và thể hiện được sinh động nỗi đau sâu tận tâm khảm người trong cuộc. Khi đó, nhà văn mới làm cho cuộc sống hiện rõ hơn với vô vàn những lối đi mà lối nào cũng có một giá trị riêng của nó. Nếu muốn cuộc sống được phô diễn với chiều sâu của hình thức lẫn cảm xúc, đòi hỏi người viết phải nắm bắt những mảng sáng-tối thật nhuần nhuyễn. Mảng sáng, ánh hào quang cuộc sống ai cũng thấy, còn mảng tối, những thất bại, những nỗi đau chỉ có người trong cuộc mới thấy. Người viết trẻ phải xông vào, phải học cách thất bại để lấy đúng cảm xúc của những góc khuất, những góc mà người bình thường không tài nào diễn đạt được. Kệ nó-những sản phẩm mình làm ra rồi bán được mấy đồng. Hãy tin rằng, miếng cơm cho người viết không nhất thiết là cao lương mỹ vị. Não bộ không cần lắm những thứ đó. Nếu không nghĩ theo hướng đó, ngòi viết khó có đủ tự do để tung hoành. Một nhà thơ đã khuất hỏi tôi rằng, em có thấy mình đủ sức đi con đường văn chương không? Con đường này dài lắm. Về sau khi viết nhiều, tôi nhận ra không phải đường văn chương dài mà là cái đích cao đẹp của nó mù xa đâu đó, mình khó nắm bắt được. Con đường văn thăm thẳm là vậy, thủng thẳng mà đón nhận những cái được và chưa được.

 

PV: Trân trọng cảm ơn chị và chúc chị ngày càng đến gần cái đích cao đẹp của văn chương!

 

DƯƠNG THU (thực hiện)

 

 

Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân