Bác có khuyên, gạch một số câu chữ mà người viết đã dùng thừa, đã dùng sai, đã dùng không đúng chỗ để anh em rút kinh nghiệm. Những địa danh, những con số đã thật đúng chưa? Những kết luận, những phán đoán đã thật chính xác chưa? Có chỗ nào lộ bí mật không? Tôi vừa mừng lại vừa sợ, lật vội bản thông cáo đọc lại.
Bạn bè của tôi thuở còn cắp sách tới trường, sau này biết tôi làm nghề văn đều tỏ vẻ ngạc nhiên: “Mày mà là nhà văn!” Là vì cái chí hướng đấy không hề được bộc lộ một cách đặc biệt, một cách khác thường ở nơi tôi ngày còn nhỏ
Cũng ham thích văn chương, như mọi người cùng lứa tuổi. Có lúc cũng mong ước lờ mờ rằng sẽ có ngày trở thành một nhà văn như Vũ Trọng Phụng như Nguyễn Tuân như Thạch Lam, vì họ là những người nổi tiếng. Trong những mộng mơ của tuổi trẻ, nghề viết văn, nghề dạy học, có sức hấp dẫn đến lạ lùng. Vì nó cho mình một mục đích cao quý, một cách sống vị tha, lại đòi hỏi nhiều hy sinh thầm lặng. Và nghèo nữa thật là tuyệt! Cái nghèo đã là một thứ ánh sáng thiêng liêng bao trùm lên nhiều sự nghiệp lẫy lừng.
Đọc truyện các danh nhân không mấy khi có đoạn: Ông ấy hay bà ấy đã kiếm được rất nhiều tiền bằng cái nghề của mình! Mà tuổi trẻ thời ấy, có thể nói là đa số, đều muốn làm danh nhân. Một danh nhân được sống trong cái nghèo, được cái chết trong cái nghèo, chứ không muốn làm anh trọc phú. Vẫn biết cũng có trường hợp vừa là danh nhân vừa là tỷ phú như trong lĩnh vực thương trường chẳng hạn, nhưng chúng tôi vẫn không muốn tin.
Có thể là danh nhân loại ba, loại tư gì đó chứ không thể là loại một. Một danh nhân mà lại sống trong dư dật, trong thỏa mãn nghe nó kỳ, như là một quái tượng do tạo hóa bày đặt ra để trêu trọc thế gian chứ không thể là chuyện tự nhiên, chuyện bình thường được.
Lứa tuổi chúng tôi đã đến với cách mạng bằng những mộng mơ như vậy để từ nay chỉ có một mộng mơ duy nhất là làm một chiến sĩ. Một chiến sĩ vô danh chiến đấu cho độc lập và tự do. Một chiến sĩ không cầm súng mà cầm mã tấu, vì không thể đủ súng cho cả một đại đội. Một thanh mã tấu rỉ lại buộc một sợi dây gai quàng qua người.
Ít lâu sau lại vác thêm một quả mìn rùa nữa. Người thì cao và gầy và ghẻ lở, mặc một cái quần Nhật thắt giải ngắn cũn cỡn lại đeo mã tấu, lại vác mìn rùa, đi sau rốt một đại đội trong các cuộc hành quân, cái hình ảnh ấy chẳng giống một tý nào với các danh nhân trong tưởng tượng. Nhưng vẫn rất vui, vì đã là một chiến sĩ.
Một chiến sĩ mỗi lần giáp trận lại vác mã tấu… chạy! Với con mã tấu, với quả mìn rùa còn làm được gì hơn mà không chạy. Chỉ huy không trách, đồng đội cũng chả cười, vũ khí tôi mang chỉ có ý nghĩa tượng trưng, còn việc chính là phụ giúp chị em nấu cơm, chạy công văn, canh gác, khi cần thì làm “tổng biên tập” cho tờ báo tường của trung đội.
Tôi vào làm báo từ ngày ấy. Tôi còn nhớ bài báo đầu tiên trong đời không phải viết cho mình mà viết cho đồng đội không do một cảm hứng ngẫu nhiên hoặc riêng tư, mà vì một yêu cầu cao hơn, bao trùm hơn. Tựa đề của bài báo thứ nhất là Hai Mùa Thu, viết nhân dịp kỷ niệm lần thứ hai Cách mạng tháng Tám và ngày 2/9.
Năm 1946 và 1947 là hai năm lay trời chuyển đất, mỗi ngày trôi qua đều có ý nghĩa trọng đại của nó và bao nhiêu lời nói, việc làm, gương mặt, sự kiện hết sức khác thường. Mà nào có thấy! Lại nghĩ rằng nó quá giản dị, quá tầm thường, không xứng đáng để mình phải chú ý, phải gom nhặt, phải ghi chép. Và hoàn toàn không thể viết ra văn chỉ với những cái đó.
Văn chương là phải khác kia! Nên mới viết nào là gió mùa thu, nào là nắng mùa thu, nào là người mùa thu, với bao nhiêu chữ nghĩa choáng lộn chẳng có dính líu gì đến cái anh chiến sĩ cầm mã tấu và cái trung đội gồm đủ mọi loại người, làm đủ mọi loại nghề, ngay đến cách ăn mặc, cách nói năng cũng mỗi người một vẻ như quân ô hợp, nhưng tất cả đều đã lập thệ nghiêm trang trước bàn thờ tổ quốc, nguyện quyết tử cho tổ quốc được hồi sinh.
Rất lạ, là cái bài báo sáo rỗng ấy lập tức được truyền tụng khắp đại đội và một vài đồng chí làm việc trên tỉnh đội cũng được biết. Là vì, ở vào cái thời ấy, chẳng cứ gì tôi mà cả mọi người đều thích nào những câu thật to lớn, thật hùng hồn, để được bộc lộ một cách triệt để cái tư cách là người tự do của mình, cái tư cách là một chiến sĩ của mình. Ngay đến một ông vua lúc làm lễ thoái vị cũng còn biết nói một câu cảm động và hùng hồn, dầu là chỉ có một lần ấy vào có một lúc ấy, dẫu sao…dẫu sao cũng vẫn là một lời nói đẹp đẽ lịch sử sang trang được nhẹ nhàng.
Cái thứ viết văn và cả văn nói khoa trương và bóng bẩy, hùng hồn và tối nghĩa còn kéo dài mãi nhiều năm về sau, với riêng tôi là cả chục năm về sau dẫu cái thời dễ sinh ra nó đã qua rồi, đã qua lâu rồi. Bây giờ nước Việt Nam đã là nước độc lập và tự do từ non nửa thế kỷ.
Người Việt Nam đã là cựu công dân tự do, cựu chiến sĩ tự do, đã mất hẳn cái mặc cảm thua kém người không bằng người. Bạn đọc thời nay đã không còn đòi hỏi người viết phải miêu tả mình theo cái hình ảnh mình muốn có. Hãy cứ viết đúng như tôi đang có, như tôi vốn có vì tự nó cũng đã đẹp lắm, chẳng cần gì phải giấu diếm, phải cất bỏ hoặc tô vẽ.
Người hôm nay là người mạnh khỏe và tự tin nên thích xử sự khiêm nhường, thích nói năng thật thà, lại còn thích tự giễu mình đôi chút như là một phép tống độc để thêm gân guốc thực hiện những chí hướng cao xa. Mỗi thời có một cách nghĩ, một cách nói là như thế. Mỗi thời có những nhà thơ, nhà văn, nhà tư tưởng của mình là như thế.
Năm 1951, tôi bỏ nghề y tá về làm tờ báo của quân khu. Năm 1952, tôi được bổ nhiệm làm thư ký tòa soạn. Thoạt đầu tờ báo có dăm bảy phóng viên, về sau còn lại vài người rồi, chỉ còn một người mà lại còn phải làm nhiều việc trong đó có việc ra báo.
Một mình tôi viết đủ mọi thể văn, văn xã luận, văn tin tức, văn phóng sự, văn truyện ngắn, chỉ còn chưa dám làm thơ thôi. Rồi viết thông cáo chiến sự, viết thành tích chiến sĩ thi đua, viết diễn văn, viết báo cáo.. Năm 1952, truyện vừa Xây dựng được giải thưởng Lê Thanh Nghị, là một giải thưởng văn học của Liên khu. Giải ba, không có giải nhất và giải nhì. Rồi cũng vẫn cái tuyện vừa đó lại được Hội Văn Nghệ Việt Nam trao giải khuyến khích cùng với hai nhà văn danh tiếng khác là Bùi Hiền và Nguyễn Khắc Mẫn. Được đứng cùng hai nhà văn kỳ cựu trong một giải, dễ thường mình cũng đã là… một nhà văn rồi chăng?
Mùa đông 1953, Phòng Chính trị Liên khu gọi tôi lên để cho tôi xem một công văn của Văn phòng Chủ tịch nước vừa gửi xuống, có kèm theo một bản thông cáo chiến sự của Liên khu trong tháng trước. Nội dung của công văn viết đại ý như sau: Hồ Chủ tịch đã đọc bản thông cáo chiến sự của Liên khu.
Bác có khuyên, gạch một số câu chữ mà người viết đã dùng thừa, đã dùng sai, đã dùng không đúng chỗ để anh em rút kinh nghiệm. Những địa danh, những con số đã thật đúng chưa? Những kết luận, những phán đoán đã thật chính xác chưa? Có chỗ nào lộ bí mật không?
Tôi vừa mừng lại vừa sợ, lật vội bản thông cáo đọc lại. Trời đất ơi! Bản thông cáo có hai trang đánh máy, mà từ dòng đầu tiên đến dòng cuối, không dòng nào không có nét chỉ đỏ của Bác gạch dưới, hoặc chữ này hoặc chữ kia, có đoạn gạch mấy dòng liền. Rồi các vòng khuyên. Rồi các dấu hỏi. Bác không ghi bên lề một chữ nào, chỉ có gạch và khuyên và hỏi mà thấm thía quá.
Càng đọc càng xấu hổ, càng nghĩ càng xấu hổ. Thông cáo quân sự cần nhất cái gọn gàng, cái sáng sủa, cái chính xác mà lại viết bằng giọng văn tuyên truyền, chữ dùng thì huyênh hoang, nghĩa thì hàm hồ, số liệu đưa vào chưa được thẩm tra kỹ lưỡng, các kết luận, các phán đoán chưa phải đã được thảo luận., được tính toán, được đánh giá một cách nghiêm túc và khách quan.
Rất tiếc là tôi không được giữ bản công văn và thông cáo chiến sự đã được Bác đọc, đã được bác khuyên, hỏi để làm một kỷ vật thiêng liêng của đời mình. Nhưng mãi mãi những nét chỉ đỏ ấy còn nhắc nhở tôi mỗi lần cầm bút. Anh em trong nghề thường khen tôi cẩn thận, đôi khi còn quá cẩn thận là do đã nhận được những lời chỉ bảo thầm lặng từ cái ngày ấy.
(Trích trong “Cái thuở ban đầu” của Nguyễn Khải)
Nguồn: Thời báo Văn Học Nghệ Thuật