Không chỉ là gương mặt hiếm hoi trong lĩnh vực ngâm thơ được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Vân Khanh còn là một nhà thơ có giọng điệu trữ tình
THẦM THÌ LỜI CỦA LÁ TỪ CÕI VÔ NGÔN
NGUYỄN VŨ TIỀM
Tôi mới được dự buổi lễ trao tặng danh hiệu Nghệ Nhân Ưu Tú của Chủ tịch Nước cho nghệ nhân - nhà thơ Vân Khanh. Một vinh dự đặc biệt ghi nhận những đóng góp về biểu diễn nghệ thuật ngâm thơ suốt mấy chục năm qua của anh. Vân Khanh có chất giọng Huế mượt mà, những câu thơ được bay lên lung linh ảo diệu làm say đắm lòng người. Hôm nay đọc tập tập thơ “Lời của lá”, lại thấy thêm phẩm chất nghệ sĩ của anh qua tâm hồn thơ phong phú, đa sắc diện. Anh viết về kỷ niệm vùng đất miền Trung giàu dấu tích lịch sử:
“Vua quan từ tháp bước ra
Chín trăm năm tuổi bao la cõi người
Ta nghe như có tiếng cười
Vọng từ cổ tích qua mười phương xa”
(Qua Mỹ Sơn)
Viết về quá khứ, nhà thơ Vân Khanh có cách thể hiện thực và ảo đan xen khá ấn tượng, ta ngỡ như gặp hồn người trong những ngôi tháp cổ. Nếu viết thực quá sẽ mất đi chất thơ. Viết về biển, anh cũng có nét riêng:
“Như em qua cõi mù khơi
Chiều nay trước biển tôi ngồi đếm xưa
Bao nhiêu con sóng âm thừa
Xôn xao ký ức như vừa hôm qua”.
(Vũng Tàu)
Chất siêu thực lồng trong hiện thực rất tự nhiên: “Chiều nay trước biển tôi ngồi đếm xưa”. Đếm điều khó đếm ấy mới thực là đếm. Đây là câu thơ hay. Nhiều khi thơ cần mơ hồ ảo diệu thể hiện được những cung bậc đời sống con người ngày càng phong phú. Thơ cần đa tầng đa nghĩa là vậy. Mở rộng ra, cảm thức về vũ trụ:
“Đất sẽ quay bao nhiêu năm tháng nữa
Dù ly tâm kết nối mộng ban đầu
Chiều biển lặng trời im mây đứng đợi
Và buông ta rơi xuống phía không em”
(Chiều biển lặng)
Nói về sự vận hành của Trái Đất trong vũ trụ mà vẫn gắn được với đời thường của tình người một cách bất ngờ: “Và buông ta rơi xuống phía không em”. Câu thơ lạ và hay. Nhiều nhà thơ đã nói về sự trống vắng, cô đơn, mỗi người một cách. Xưa như Trần Tử Ngang trong bài “Đăng U Châu đài ca”: “Tiền bất kiến cổ nhân/ Hậu bất kiến lai giả/ Niệm thiên địa chi du du/ Ðộc sảng nhiên nhi thế há” (Phía trước không thấy người xưa/ Phía sau không thấy ai đến/ Ta nghĩ rằng trời đất rộng lớn mênh mông/ Riêng ta đau lòng rơi lệ). Còn Xuân Diệu thì: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”
Nỗi buồn và cô đơn là nét đẹp của tâm hồn thi nhân, từ đó ra đời nhiều câu thơ tài hoa sống mãi với thời gian. Trong bài “Chiều trong mắt em”, Vân Khanh có những câu thơ đẹp:
“Cho ta rớt xuống đáy hồ sâu không gượng nổi
Rồi âm thầm tĩnh mịch cõi hồn ta
Cứ phiêu lưu cuộc mình bao mộng ảo
Hễ càng gần, khoảng cách lại càng xa”.
Vân Khanh thường làm ta đột ngột bất ngờ bởi những câu thơ xuất thần: “Hễ càng gần, khoảng cách lại càng xa”. Đây là nét nghịch lý trong đời sống, giữa nội tâm và ngoại cảnh có những xô lệch trái chiều. Khám phá lĩnh vực này có nhiều điều thú vị: “Cuộc đời thì ngắn mà đêm lại dài” (Vũ Quần Phương); “Khi gần thì mất, xa xôi lại còn” (Nguyễn Duy).
Vân Khanh có những bài thơ tình khá ấn tượng:
“Chỉ có mây mới biết được sông nhớ nguồn đến thế
Và chỉ có tôi mới biết hết lòng em nông sâu
Chắc sông đã chảy em vào tôi những mống mầm dâu bể
Nên tình đầu tay trắng tuổi ly hương”.
(Sông và em)
Trong tương quan “sông và em”, Vân Khanh có những khám phá khá tinh tế “sông đã chảy em vào tôi những mống mầm dâu bể”, motip diễn đạt này hiếm thấy bởi đòi hỏi tư duy chiều sâu và khả năng điều khiển ngôn từ linh hoạt, tinh xảo, tài hoa. Vân Khanh thử nghiệm motip khó khăn này và anh đã thành công với câu thơ hay.
Một thử nghiệm khác:
“Em hãy cùng tôi yên lặng nghe muôn vàn mỏng mảnh
Níu chặt nhau đi kẻo trọng lượng sắp bằng không
Người đông thế kia sao lặng lẽ phiêu bồng
Giọt cà phê đang chầm chậm hai ta vào vô tận”.
(Heo may)
Những rung động tế vi trong đời sống nhiều khi ta vô tình bỏ qua, nhưng thi nhân, với dàn ăng ten nhạy bén, họ nắm bắt được và ghi lại thành thơ. “Em hãy cùng tôi yên lặng nghe muôn vàn mỏng mảnh/ Níu chặt nhau đi kẻo trọng lượng sắp bằng không”, vừa nghệ thuật lại vừa khoa học, sự dao động mơ hồ trong logic thẩm mỹ khá tinh vi. Câu thơ rất hiện đại, một thành công mới của Vân Khanh.
Hai câu sau có bóng dáng siêu thực: “Người đông thế kia sao lặng lẽ phiêu bồng/ Giọt cà phê đang chầm chậm hai ta vào vô tận”. Có một thời ta thành kiến với siêu thực và hắt hủi nó. Thực ra siêu thực là bước phát triển mới của hiện thực, bổ sung cho hiện thực đời sống thêm phong phú. Từ xa xưa, cổ nhân đã nói: thơ có “khả tri và bất khả tri” (có thể biết và không thể biết”. Cuộc đời có cái nhìn thấy và nhiều thứ không nhìn thấy nhưng không phải nó không hiện hữu. Nghệ thuật nói chung hay thơ nói riêng không thể chỉ viết về những cái “nhìn thấy” mà người đọc yêu cầu nghệ sĩ, nhà thơ viết về những điều mà người khác không thấy. Đấy mới thực là thiên chức của nghệ sĩ, nhà thơ. Nhà thơ Vân Khanh rất ý thức về điều đó, anh kết hợp hiện thực và siêu thực trong thơ, có nhiều pha rất ngoạn mục.
Mấy năm trước trong cuộc thi thơ do một câu lạc bộ thuộc Trung Tâm Văn Hóa Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, nhà thơ Vân Khanh có bài thơ được Giải Nhì, đó là bài “Bà má Sài Gòn”. Trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân, anh chiến sĩ bị thương phải chạy trốn cuộc vây ráp, anh chạy vô nhà bà bán cháo vịt, máu anh chảy ròng ròng. Bà má đã mưu trí ngay lập tức bắt con vịt cắt tiết dở dang rồi thả ra, máu vịt và máu anh chiến sĩ hòa vào nhau, má la lối ông chồng vụng về. Việc đó đã che mắt được đám lính vây ráp. Vân Khanh đã vận dụng thủ pháp thơ tự do để diễn tả những giây phút gay cấn căng thẳng giữa cái sống cái chết. Đọc bài thơ thấy hồi hộp và thú vị. Trong trường hợp này thì sử dụng bút pháp tự sự là chủ yếu và chất hiện thực bao quát toàn bài.
Trong tập thơ “Lời của lá”, nhà thơ Vân khanh rất linh hoạt trong bút pháp, tuy nhiên tôi vẫn muốn anh “quý hồ tinh” hơn nữa để chất lượng các bài được đều hơn.
“Lời của lá” cũng là lời của vô ngôn, chắc nhà thơ Vân Khanh tâm đắc với câu của cổ nhân: “Thi tại ngôn ngoại”. Trong những đoạn thơ tôi trích và bình trên đây có nhiều khoảng trống “thơ ở ngoài lời”, anh đã thành công trong những trường hợp như thế!
Tập thơ “Lời của lá” chủ yếu là bút pháp truyền thống, tuy nhiên, điểm trong đó là nhiều khúc, nhiều câu thơ có cách tân, hiện đại. Có lẽ nhà thơ Vân Khanh đang trăn trở trong việc chuyển đổi bút pháp từ truyền thống sang đổi mới và cách tân chăng? Tôi nghĩ đây là hướng đi đúng của thơ trong thế kỷ mới, nếu tiếp cận hướng này, thơ Vân Khanh sẽ tiến xa hơn.