Tập truyện ngắn “Nghệ sĩ sáng tạo và nhà phê bình là một tác phẩm trinh thám thuộc mô – típ “Ông cò và tội phạm” thuần Việt được sáng tác từ một “người nhà nghề” Việt Nam - nhà văn công an Võ Chí Nhất 27 tuổi, đó là một điều đáng mừng cho dòng văn học trinh thám nước ta.


Tác giả Võ Chí Nhất năm nay 27 tuổi, công tác ở Công an huyện Củ Chi- TPHCM. Sau khi ra mắt bạn đọc bằng tập truyện ngắn Khiếu ăn mày (do Nhà Xuất bản Văn hoá – Văn nghệ ấn hành 2018), nhà văn trẻ Võ Chí Nhất lại tiếp tục “tự giới thiệu” mình qua tập truyện ngắn Nghệ sĩ sáng tạo và nhà phê bình vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành.  

“Nghệ sĩ sáng tạo và nhà phê bình” là một nỗ lực của tác giả Võ Chí Nhất, khi chọn lựa cho mình một lối đi riêng thật ấn tượng và khá độc đáo. Dùng hai từ “ấn tượng” với tập sách này không phải vì thể loại trinh thám theo mô –típ “Ông cò và tội phạm” mà Chánh Thanh tra Roger Borniche (Cục An ninh Cộng hoà Pháp) là tác giả điển hình, mà vì nhân vật chính xuyên suốt 13 truyện ngắn này là một nữ cảnh sát trẻ tên Hà – người vẫn được gọi là Hà “ớt”.

Công việc của nghề cảnh sát hình sự - ở vị trí đối đầu trực tiếp với tội phạm vốn được xã hội mặc nhiên xác nhận là loại công việc không dành cho phụ nữ. Chúng ta vẫn thấy bóng dáng phụ nữ trong công việc của ngành công an trong đời thường lẫn trong các tác phẩm văn học nghệ thuật của các tác giả trong lẫn ngoài ngành như một yếu tố làm nhẹ đi sự nặng nề, phức tạp của ngành nghề này hơn là để trực tiếp giới thiệu những nặng nề, phức tạp ấy. Và tác giả Võ Chí Nhất đã làm điều ngược lại là thông qua công việc thường xuyên của nhân vật Hà “ớt” để đưa từng “phần hành công việc” đặc sệt nhà nghề đến với bạn đọc, qua từng vụ việc. Từ quản lý địa bàn, nắm đối tượng, “khoanh vùng” và định hướng truy tìm cho đến những phiền phức thủ tục và buồn bực khi để sổng tội phạm. Với chất liệu từ những vụ án có thật tại vùng nông thôn đang trong quá trình đô thị hoá, tác giả Võ Chí Nhất kể chuyện để xây dựng cho người đọc một nhận thức thực tế:  Biện pháp tấn công tội ác hữu hiệu nhất chính là ý thức ngăn ngừa phòng chống của mỗi người dân.

Không đánh đố bằng những câu thoại kiểu “ăn nói nửa chừng”, cũng không gây sự hấp dẫn cho truyện của mình bằng những tình tiết ly kỳ với súng, dao, thuốc độc mà tác giả Võ Chí Nhất chọn cách thể hiện tự nhiên thành thực của một ông cò để dẫn dắt những sắc thái cảm xúc khác nhau đến cho người đọc: bật cười sảng khoái (Nghệ sĩ sáng tạo và nhà phê bình, Hẻm yêu), xót xa cay đắng (Một cuộc đổ vỡ), buồn rầu tự vấn (Một cú lừa, Một sự cứu vãn)… hoặc cười ra nước mắt (Con đường độc đạo, Gã săn cổ vật). Giọng kể chuyện nhẹ nhàng, hóm hỉnh, tự nhiên và thành thật đến mức… ảo chính là nét độc đáo mà tác giả Võ Chí Nhất sử dụng để thể hiện mình qua lần “tự giới thiệu” này.  

Tập truyện ngắn “Nghệ sĩ sáng tạo và nhà phê bình là một tác phẩm trinh thám thuộc mô – típ “Ông cò và tội phạm” thuần Việt được sáng tác từ một “người nhà nghề” Việt Nam, đó là một điều đáng mừng cho dòng văn học trinh thám nước ta. Dẫu rằng tác phẩm nào cũng có những hạn chế nhất định, nhưng khi nghe câu hỏi “Bạn thích đọc những truyện cảnh sát viết về cảnh sát hay thích đọc những truyện mà nhà văn chuyên nghiệp viết về cảnh sát hơn?”, tôi tin rằng chúng ta đều ngã về phía ủng hộ cảnh sát viết về mình. Trường hợp với tập truyện này cũng thế, tôi tin rằng với sự ủng hộ và đón nhận từ bạn đọc, nhà văn Võ Chí Nhất sẽ còn tiếp tục hành trình khám phá năng lực bản thân ở mô – típ “Ông cò và tội phạm” mà anh lựa chọn để đạt đến những thành quả mới.

                                            LÂM HÀ