Tổng biên tập của một trong những nhà xuất bản lớn nhất các nước Ả Rập, đã cố gắng hình dung ra diễn tiến tư tưởng của Tổng thống Nga- Putin, người hoạch định chiến lược đối ngoại của nước Nga. Kết quả sự đoán định thật độc đáo, với một chút cường điệu hóa mang tính nghệ thuật nhiều sắc màu. Bài viết sau dành quyền bình giá cho các nhà văn, hơn là các nhà báo.
NHỮNG ĐÊM PUTIN KHÔNG NGỦ
(Theo báo “Asharq AL –Awsat” - Ả Rập Xê Út)
Các viên cố vấn không làm phiền Putin về đêm, và họ đã để ông ta được một mình. Nhưng họ vẫn không thể nào yên tâm. Putin còn chưa già – vẫn còn có thể coi đó là một chàng trai của Điện Kremli. Ông ta đi câu, bơi lội và trượt băng. Ông ta ưa mạo hiểm, thích đi đây đó, rất tự hào về bản thân. Và những cố vấn không nói được rằng cơn gió mùa thu đang nhích tới gần…
Putin không sửng sốt, ngạc nhiên khi đại dịch Covid -19 tấn công xứ sở của ông. Ông ta tin vào tính không lay chuyển của người Nga, và Putin mìm cười trước những hí hửng ác độc. Ông ta tự nói với mình, với nước Nga thì vi-rut corona thấm thía gì so với những đòn đánh của Bonapart và Hitller. Lớp tuyết trắng phủ kín những khẩu đại bác chiến lợi phẩm thu được của Napoleon trong Điện Kremli ở Moskva, tăng thêm niềm tự tin của ông ta. Những cuộc duyệt binh tưởng niệm chiến thắng chủ nghĩa phát xít hầu như đã làm sống lại thời đại của “các đồng chí” Tổng Bí thư.
Theo ý kiến của nhiều chuyên viên, tình thế của Putin hiện tại không có gì đáng lo ngại. Giống như một võ sỹ có kinh nghiệm, ông ta vẫn giáng những cú đánh khá thành công theo tinh thần Bắc Đại Tây dương và châu Âu nhắm vào “Những cuộc cách mạng màu “ và “các cuộc khởi nghĩa Những người Anh em” (“Những người anh em Hồi giáo” - tổ chức bị cấm ở nước Nga). Các chuyên viên cũng biết rằng, sự can thiệp của Putin vào Siry 5 năm trước đã cứu được chính quyền bản xứ, giúp cho đất nước này tránh khỏi bi kịch trở thành một Apganhistan thứ 2. Nhưng Putin hiểu rõ hơn các chuyên viên, Nga đã thắng trong cuộc chiến tranh ở đó, nhưng không mang lại được hòa bình cho Siry và những đống rấm lửa đạn vẫn còn nguyên trên vùng đất này. Một ảo tưởng đã tan vỡ, một quy ước đã bị hạ thấp và nẩy sinh nguy cơ Siry sẽ quay về là một quốc gia trong khu vực sẽ bị chi phối bởi những quyết định này, quyết định khác mà không có khả năng hành xử theo một chiều hướng nhất định.
Nước Nga không phải là viễn cảnh để giải quyết vấn đề Siry. Và Siry cũng không phải là nơi giải quyết các vấn đề của Nga.
Nước Nga tạo ra ấn tượng là một đồng minh đáng tin cậy và có ảnh hưởng của Siry. Số phận chế độ Asad không còn bị treo trên sợi tóc, chí ít ra trong thời gian hiện tại. Nhưng sự sống còn của chế độ ấy – đó lại là một việc khác và việc quay trở lại với một cuộc sống bình thường –hoàn toàn là một việc khác nữa. Siry âu lo bởi chính quyền Donald Trump đang mưu toan phá hoại việc bình thường hóa tại Siry “trong tay người Nga”. Đích phá hoại yêu cầu bình thường hóa ấy ngầm chứa việc tăng trưởng những khó khăn về kinh tế và các vấn đề khác ở xứ sở này; phá vỡ sự tái cấu trúc và ngăn cản các nhà đầu tư quốc tế vào Siry. Người Iraq và người Libăng cũng đụng phải lưỡi kiếm trừng phạt của Mỹ.
Trở về với Putin…
Trước đại dịch Covid-19, ông ta khá mãn nguyện. Có thể nói Putin đã hài lòng với kết quả ứng sách của mình tại Crưm, Siry và Ucraina; cùng với việc sản xuất những tên lửa loại mới, hiện đại hóa Hồng quân. Nhưng trong thế giới, Covid-19 vẫn đang hoành hành thì cơn gió lạnh mùa thu cũng đang lướt chạm tới những trang hồ sơ chính quyền của các vùng miền xa xôi…
Trong những ngày gần đây những mối hoài nghi xâm chiếm người đứng đầu nước Nga, và Putin vội vã xua đuổi đi. Phải chăng ông đang tiến hành những trận đánh thất bại đã là điều hiển nhiên? Hay ông ta đã làm kiệt quệ tiềm năng của đất nước mình trong cuộc chạy đua giành vị trí thứ hai thế giới? Liệu ông ta có cần phải tiếp thu những di sản của Đặng Tiểu Bình, thay cho việc băng bó lại những vết thương của thời kỳ hậu Xô Viết? Liệu ông ta có nên nắm lấy tập đoàn Huawei hùng mạnh thay cho việc lớn tiếng khoe khoang các căn cứ quân sự đã xây dựng được tại Siry? Facebook, Huawei và Alinaba – thực sự trở thành những ông khổng lồ trên thế giới này, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vậy liệu có cần thiết phải hù dọa thế giới bằng những kho vũ khí của mình không đây?
Các bạn nên làm nhân loại lóa mắt bởi nền kinh tế của mình, và sử dụng những tiến bộ của cuộc cách mạnh khoa học kỹ thuật hiện đại để xua đuổi cái nghèo đói khỏi các ngôi nhà rách nát ở thôn quê và những khu ổ chuột ở thành thị.
Đêm đêm Putin lang thang dạo gót trên các nhánh đường mòn quen thuộc trong điện Kremli. Ông lo ngại vì đang tham gia vào những trận đánh dẫn ông theo một con đường không đúng. Ông sợ rằng sau này trong các cuốn sách giáo khoa lịch sử người ta sẽ viết rằng ông đã và không thể thoát ra khỏi bộ quân phục của một sỹ quan thời Xô Viết để bước đi theo nhịp bước của thời đại. Putin quay về với lịch sử nhưng lịch sử lại dọa nạt ông. Putin sợ người thầy của mình là Yuri Androopv sẽ trừng phạt ông, vì ông không có khả năng bảo vệ sự hùng mạnh Xô Viết trong thời đại thế giới phân làm hai chiến tuyến. Ông ta sợ nỗi tức giận của Stalin khi những đệ tử của Mao Trạch Đông đã dám qua mặt những đệ tử “Người cha đẻ của nhân dân”.
Sau hai chục năm ngự trị tại Điện Kremli, dạo này Putin thường hay nghĩ tới những người cộng sự đã mệt mỏi của mình khi họ được trở về nhà với vợ con và cất tiếng cười. Nhiệm vụ nào là phức tạp nhất đối với họ? Có thể phức tạp hơn cả là biết gắn bó số phận mình với số phận của những đồng nghiệp khác? Tiến về phía ánh sáng- tốt thôi, nhưng điều chủ yếu là đừng để cháy thành than. Có thể cho rằng những người cộng sự ấy không hiểu được ý nghĩa thực sự của việc đại dịch Covid-19 đang tấn công thế giới này? Có thể anh chị em cũng không hiểu được ý nghĩa những trận đánh khốc liệt đang diễn ra do những quyết định của ông? Thông minh hơn hay là hãy nghĩ rằng, anh chị em không có ý thức gì về ngọn gió mùa thu đang lướt trên mái nhà yên ả của các ông chủ hành tinh này, còn mối quan hệ Mỹ-Trung đang phân lại ngôi thứ của thế giới mới?
Nói cho đúng, những cộng sự hiểu tất cả mà đơn giản là không muốn nói ra. Putin mỉm cười. Thật khó mà nói với một vị Tổng Thống! Cũng như khó mà làm cho ông ta nao núng! Putin sẽ làm gì nếu nhân viên cố vấn nói với ông ta rằng toàn thế giới đang hướng lên võ đài mà virus corona đã đẩy hai võ sĩ Donald Trump và Tập Cận Bình lên tử thí? Đó là hiệp đấu quyết định giữa một kiêu tướng Mỹ và một hoàng đế Trung Hoa, còn vị Sa Hoàng được mời vào ghế khán giả, bởi Sa Hoàng đã đánh mất đi quyền đối mặt với võ sỹ thứ nhất hay võ sỹ thứ hai.
Có cảm giác rất nhiều nước đang chờ đợi kết quả các cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ trong mùa thu này. Bắc Kinh mơ ước được nhìn thấy Trump rời khỏi Nhà Trắng, bởi vì đương kim Tổng thống Mỹ luôn luôn nhìn thấy trước mắt mình “mối đe dọa Trung Quốc” mà những lời phát biểu, những dòng chữ trên mạng, những lời cảnh báo về chiến tranh và cả những biện pháp đang được thực thi trong việc bài trừ hàng hóa Trung Quốc, đều báo động về mối đe dọa đó. Những sự biến đã cần tới một thứ thước đo khác, khi đại dịch Covid-19 vứt bỏ đi chiếc lá nho che đậy ỡm ờ mối quan hệ Mỹ-Trung.
Virut corona đã vén lên bức màn vốn xưa nay khỏa lấp đi cuộc đấu tranh lâu dài và tốn kém để thay đổi thành phần các ông chủ thế giới- những kẻ rất nhạy cảm với hơi giá lạnh đến sớm của mùa thu. Các bên đối đầu sẽ hiện diện rất đặc biệt và tản quân trên nhiều mặt trận. Những quốc gia lâm trận sẽ cần tới máu của các tập đoàn. Trong nỗi trông đợi kết quả, ở hàng ghế đầu của khán giả sẽ nhận ra ông chủ của Điện Kremli, bà Thủ tướng Đức, chàng trai trẻ ở Điện Elysee và người chiến sỹ đã sống tại ngôi nhà số 10 phố Downing- Luân Đôn.
Độ nhìn gần cuộc đấu này sẽ chọc tức ngài Putin. Lịch sử gây mối lo cho ông ta. Nước Nga- một xứ sở lạnh giá, điều này thì tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết đã nhắc tới, nhưng các Sa Hoàng trong điện Kremli lại quên mất.
TÔ HOÀNG
( dịch theo bản tiếng Nga )