Nguyễn Xuân Sanh mới 14 tuổi đã viết bài “Xây mơ được Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc và sau đó vang danh với bài thơ “Buồn xưa, trong đó có câu thơ siêu thực được nhiều người yêu thơ biết đến “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà/ Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm”

 

Người trường thọ nhất làng thơ Việt trong hồn nhạc thơ riêng

 

VÕ GIA TRỊ

 

Ngày 16/11/2020, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tròn trăm tuổi và trở thành nhà thơ trường thọ nhất trong làng thơ Việt Nam. Ông khởi nguồn từ phong trào Thơ Mới với Xuân Thu Nhã Tập (1942) nổi tiếng một thời. Với thơ ông còn có Tiếng hát quê ta (1958), Chiếc bong bóng hồng (1957), Nghe bước xuân về (1961), Quê biển (1966), Sáng thơ (1971), Đảo dưa đỏ (1974), Đất nước và lời ca (1978), Đất thơm (thơ văn xuôi 1995).

Người thơ này mới 14 tuổi đã viết bài “Xây mơ được Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc và sau đó vang danh với bài thơ “Buồn xưa, trong đó có câu thơ siêu thực được nhiều người yêu thơ biết đến “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà/ Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm”. Ông còn là người thích thể nghiệm và thường thể nghiệm thành công nhiều trường phái thơ mới. Trong các nhà thơ của thời Thơ Mới, Nguyễn Xuân Sanh là người có ý thức nhất trong việc trân trọng mỗi con chữ mà mình viết ra. Việc không bao giờ phủ nhận những gì mình viết ra, hiểu rõ giá trị của chúng cũng là một phẩm chất đẹp cực kỳ đáng quý ở ông.

 Ngay từ khi xuất hiện trên thi đàn ông đã có giọng điệu riêng. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như chống xâm lược Mỹ, tiếng thơ của ông vẫn luôn mới trong cái nhạc thơ riêng rất đặc thù đó của hồn ông, và chính nhờ vậy thơ ông có được sức bền với thời gian…

Có thể nói chất thi sĩ của Nguyễn Xuân Sanh ngoài cái siêu thực mộng mơ còn có cái gì đó như mối tình ngây ngất say say “Đại già còn trắng sương đêm/ Chờ ai hò hẹn bên thềm mùa xuân” và “Chân ta bước mắt ta say/ Hoa mơ dặm thắm hương bay bạt ngàn”.  Xem ra làng Thơ Mới đã tặng cho thơ ca thời kháng chiến chống Mỹ những nhà thơ sáng giá nhất của mình, trong đó có Nguyễn Xuân Sanh. Họ đã dâng hiến cho thơ ca của giai đoạn hùng vĩ này những bài thơ tinh khôi mới, những món quà thơ đó thật đằm thắm xiết bao.

Nguyễn Xuân Sanh từng tham gia phong trào yêu nước từ những năm 1940, là Ủy viên thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Văn nghệ Việt Nam, Phó Tổng thư ký, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam ba khóa (1,2,3). Trong làng thơ ông là nhà thơ sớm đổi mới và trong kháng chiến chống Pháp, ông đã đem đến cho thơ ca kháng chiến một giọng thơ rất riêng, mà bài thơ Nhạc rừng Việt Bắc là một ví dụ điển hình. Thơ ông tinh tế mà tài hoa, đem lại cho bạn đọc những ấn tượng thú vị “Chim xuân khép cửa trầm tư lại/ Đẩy gió về đây mấy dặm ngàn...”. Câu thơ mang màu sắc biểu tượng. Nó trở nên lạ và mới hơn trong không gian thơ kháng chiến vốn giàu chất hiện thực và có phần mộc mạc.

Thực ra ngay cái tên bài thơ cũng ít nhiều đưa bạn đọc như lạc vào không gian âm nhạc. Nó hướng bạn đọc đến một kiểu thưởng thức thơ khác mới lạ hơn đó là thưởng thức cái chất nhạc rất sâu và tinh tế của thơ ca “Nhạc rừng nhớ buổi đi theo nắng/ Lên ngát mây chiều hoa phượng reo/ Bốn bề núi dựng tương tư ngọc/ Lá đổ còn lay bạt mái chèo.”

Những câu thơ rất gần với chủ nghĩa hiện đại giúp ta cảm được cái nhịp thật lạ của núi rừng Việt Bắc qua tâm hồn của người thơ Nguyễn Xuân Sanh. Ta cảm thấy được cái nhạc rừng trong sắc nắng, nắng như cũng có nhịp và điệu của nó khi thì nó gắt, lúc thì nó dịu và cái nắng đó thật đẹp khi lọc qua những tán cây... Mây trong bài thơ cũng là một làn mây thật đẹp như đang hát, đang reo, đang bừng lên một sắc đỏ của hoa phượng, đồng nhịp với màu nắng. Còn núi cũng như đang chuyển động “Bốn bề núi dựng” và cũng như đang trong nhịp của nhạc thiền “tương tư” và nét nhạc đó cũng trong  như “ngọc”. Cái gió của núi rừng Việt Bắc cũng không chỉ làm “Lá đổ” mà còn làm cho “bạt mái chèo” làm cho ta cảm giác được đây là làn gió thổi trên dòng sông Đà hoặc sông Lô ở Việt Bắc.

Nhạc rừng Việt Bắc hiện ra trong một bản hợp xướng với giọng ca của nắng, của mây, của núi và của gió. Sự sống của núi rừng như cũng đang lên hương “Thử hỏi xuân cười hay đất sống/ Xanh xanh trăm nẻo một hương rừng/ Khi bụi nở vàng lên bước chậm/ Nhớ chào con bướm đậu nghiêng lưng...”. Đó là những câu thơ thật thú vị.

Bản nhạc Việt Bắc của người thơ chính là cái nhịp sống dâng trào của núi rừng kháng chiến. Cái sự sống ấy đẹp và quyến rũ mê hồn gợi nhớ đến một cuộc hành quân với “bụi nở vàng” theo bước chân chiến sĩ cộng với lời nhắc “Nhớ chào con bướm đậu nghiêng lưng”. Hình tượng con bướm đậu nghiêng lưng cũng thật lạ. Những câu thơ với hình tượng và âm điệu đẹp như bài ca thật hay của mối tình Việt Bắc. Những câu thơ ở khổ tiếp theo cũng thật độc đáo “Sắc hồng tuy nhớ đôi thành quạnh/ Rửa sạch buồn đèo trên suối xuân/ Song song đá ngủ bên người lạ/ Thao thức cùng trăng đã mấy tuần…” Nó gợi cho bạn đọc nghĩ đến một buổi chiều sau một ngày hành quân nắng đã tắt trên đèo không còn bóng người nữa. Các chàng lính trẻ sau một ngày hành quân qua đèo “buồn” vì không được nói do phải hành quân giữ bí mật đã được tắm rửa trong làn nước suối mùa xuân. Sau đó họ ngả lưng trên những phiến đá rừng, nằm ngắm trăng lúc đó đã qua rằm…

Ở đây cái nhịp sống vừa hối hả cùng với tâm hồn trong sáng và bình thản của những người lính thời kháng chiến; và những người chiến sĩ “Gặp gỡ trời xanh trên núi cũ/ Hoa cười Hà Nội sáng duyên mây/ Hoàng hôn ngựa cuốn cầu vồng lụa/ Cũng hẹn về đây những phố đầy...”. Họ, nhân vật chính trong những câu thơ này, là những chiến sĩ người Hà Nội, những tâm hồn bay bổng, hào hoa, mơ mộng, giàu tưởng tượng... Họ gặp nhau nơi non cao núi biếc rực rỡ mây chiều lộng lẫy này. Họ ra đi tham gia kháng chiến mang theo cả phố phường Hà Nội và mỗi người họ là một con phố và qua họ phố phường cũng gặp nhau nơi thủ đô Việt Bắc gió ngàn này.

Cuối bài thơ ghi “Thái Nguyên tháng 6-1947” càng minh chứng rằng bài thơ được làm vào thời Chín năm. Ở thời điểm này, các nhà thơ cũng lứa với ông ra đời từ phong trào Thơ Mới vẫn còn đang trăn trở tìm đường trong sáng tạo nghệ thuật. Vậy nên Nhạc rừng Việt Bắc có thể xem là bài thơ lạ và thật hay của Nguyễn Xuân Sanh. Sau này khi bước vào cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ, cũng như sau đó nữa, ông vẫn giữ được cái nhịp thơ rất riêng này. Nó gần như là nhịp điệu tâm hồn ông…

Người thơ này đến với thơ cũng như đến với Cách mạng không bao giờ phủ nhận hay sám hối về những gì mình đã lựa chọn, đã viết ra. Điều này cho thấy ông là hồn thơ thật lớn và trung thực.