Nhà thơ Nguyễn Đức Phú Thọ đã vén tấm màn vô thức lên để mọi người dễ dàng trông thấy và cảm nhận. Thơ của Nguyễn Đức Phú Thọ là những thành phẩm đẹp và là kết quả của trái tim nghệ sĩ tài hoa, thấu đáo với con đường tìm đến văn chương.


NGUYỄN ĐỨC PHÚ THỌ chảy băng băng qua đôi mắt cánh đồng

TRẦN QUANG KHANH

Như một nụ hương, một lá non xanh mượt mọc từ thuở nào? Trên mảnh đất sáng tạo già cỗi, khô khảm và những lên mầm, kết tụ luôn song hành, có vẻ như Nguyễn Đức Phú Thọ đã được nhiều người biết đến. Những năm 2007 - 2010, với rất nhiều giải thưởng, xuất hiện trên các trang báo uy tín. Từ một “hạt giống” tiềm năng qua giải thưởng của báo Mực Tím, Hoa Học Trò, Thơ Bút mới (Tuổi Trẻ)... Và trước đó là “cú nổ” gây tiếng vang trên báo chí, dư luận khi trở thành thủ khoa Văn toàn quốc kỳ thi tuyển sinh Đại học vào năm 2007. Bốn năm sau, Nguyễn Đức Phú Thọ lại trở thành 1 trong 3 gương mặt đại diện “Thi quán phương Nam” (Sân thơ Hiện đại, Văn Miếu – Hà Nội, 2011).

Để đi tìm căn cơ cho những thành quả trên đây, bản thân tôi cứ suy ngẫm, đúc rút tới lui. Có vẻ như tài năng ấy đến từ sự thừa hưởng trong huyết mạch cộng với tư duy, trí tuệ cao, luôn sống với niềm đam mê vô vụ lợi. Chẳng phải tự dưng mà người ta nhớ tới mình, tìm đến với mình... Để rồi tạo được tiếng vang!

Đã tìm đọc tập thơ “Nỗi buồn đập cánh” (2011), cũng như bắt gặp “diện mạo” tâm hồn của tập tản văn “Nỗi buồn trong suốt” (2016). Đây là vài trang cảm nhận thêm, từ  việc thưởng thức nhiều tác phẩm mới và chắt lọc, lắng nghe đánh giá từ các tên tuổi khác về anh.

Hình như Nguyễn Đức Phú Thọ luôn đi tìm nguồn cảm hứng trên nền thể loại văn vần và văn xuôi tự sự. Đó là một sự chắt chiu, cẩn trọng trong việc chọn lọc ngôn từ, hình ảnh và cảm xúc. Và nhất là sự ngăn nắp trong tâm thế “nhập cuộc”. Trên chặng đường sáng tác, cảm nhận đầu tiên về dòng thơ của anh là phong cách thâm trầm, tế nhị và sâu lắng của một mẫu người an nhiên, tĩnh lặng và tự tại một cách thấu đáo.

Tình cờ đọc được của anh trong một ấn phẩm niên san chuyên đề về Thơ, tôi như được khơi bừng nguồn cảm hứng.

Cái nhan đề nghe sao đau đáu một sắc thái âm u, cô tịch quá – “Vọng đêm”. Toát yếu lên nét triết lý, trải ngẫm u trầm từ dòng đời của tác giả. Thơ mà man mác sắc triết thì đã hướng tới dấu ấn trí tuệ và tư tưởng rồi!

“Từng chiếc lá nhẹ xoay trên mặt đường

Đêm – mang những vì sao

Rắc vào lòng phố”.

Chủ thể trữ tình “Chiếc lá” dễ gợi cảm xúc bồi hồi khi nghĩ về đời người, chạm đến niềm riêng vô vọng, trong nỗi quạnh vắng.

Mong manh...

Giọng thơ của Thọ bao giờ cũng rót, khẽ khàng, lắng sâu. Nét điển hình ở đây là “ngoại diện” của phần thi ảnh - “Lá nhẹ xoay trên mặt đường”. Một kết thúc lặng thầm bên đường, “một mình mình biết, một mình mình hay”. Mở đầu mang đến cho độc giả một dấu chấm hết của biết bao kiếp đời. Khắc sâu hơn, đậm đà hơn, phải chăng là cảm xúc của thi pháp thời gian và không gian tĩnh lặng, êm đềm: “Đêm - phố - vì sao” đan cài vào đó là sự luân chuyển của các biểu tượng xa xăm, cô đơn, vắng lặng... Triết lý “lắng” để lại dư âm cho con người đón nhận, cảm thụ về những chiếc bóng, linh hồn của phố xá.

Nguồn thi tứ đầy đủ hơn khi ta cảm thấy được hiện tượng chuyển nghĩa “tiếng dế khua từng lớp cỏ”. Một cuộc hội tụ “hoàn mỹ” trong vườn thơ. Đó là hình ảnh giao hòa cảm xúc thật tinh tế, được bố trí các ý tưởng ngăn nắp, chặt chẽ về bố cục.

Thật nhẹ nhàng:

“Hơi thở im im

Mắt cỏ im im”

Một thủ pháp ẩn dụ thật mới. Biến tấu cặp thơ sánh đôi. Mỗi câu dùng bốn tiếng. Thanh âm (động) của tiếng dế khắc khoải giữa đêm đong đầy ánh sao (tĩnh) ý tứ thật khiêm cung. Đời của nhân vật “tôi” chẳng khác gì lá cỏ tĩnh tại, ung dung.

Từ láy gợi cảm, cầu toàn cũng là điệp từ giàu sức lắng đọng: “Im im... - im im”

Trong thơ của Phú Thọ, thấp thoáng một kết nối, giao thoa giữa động và tĩnh. Chúng ta dễ cảm nhận sự chuyển đổi cảm giác, biến hóa thi vị:

“Nghìn giai điệu nhảy múa

Trên nền nhạc rối bời

Của một mùa đã từng rất cũ”.

Một điệp khúc cớ sao lặp lại, chừng còn tì vết… Cuộc đời là những màn kịch, những thước phim có phụ họa những giai điệu “hòa âm phối khí” và vượt thoát phối cảnh đơn điệu ngày nào. Tác giả như có đôi mắt thấu hiểu được những nỗi buồn khổ vì “lấm bụi trần” của một kiếp người. Chẳng ai giống ai. Cho nên mới gợi ra hình ảnh thật sinh động: “Nền nhạc rối bời”...

“Nhìn về phía con đường lấm bụi

Trông ngóng điều chi

Sao chẳng nói thành lời?”

Với phương thức độc thoại nội tâm qua biện pháp câu hỏi tu từ, tác giả đã đặt vấn đề cần cho bạn đọc suy ngẫm. Có những ao ước, ham muốn thầm lặng của biết bao con người đau đáu, trăn trở mãi... Trước mắt ta là một lớp sương mờ, không biết thuộc về hiện tại, tương lai hay quá khứ?

Cho nên, việc kiến tạo “thần thái” cho một bài thơ hay thật chẳng phải chuyện “một sớm một chiều”. Mà đa chiều, nghiệt ngã mới có được.

Bài thơ “Vọng đêm” thật có chiều kích của nội tâm. Chúng ta hãy nghe và cảm tiếp cuộc hành trình của nhân vật phù du - “Chiếc lá”.

Chiếc lá con con… rơi vào vũ trụ của nhà thơ:

“Từng chiếc lá xoay vào đêm thao thức

Mơ hồ điểm rơi

...

Phím đồng hồ

Đã gõ nhịp cuối cùng

Tiếng vọng của yêu thương

Xin trả về tủi hờn lũ dế.”

Cách dùng điệp ngữ thật tinh giản: “Từng chiếc lá… từng chiếc lá”-  làm nổi bật sự liên tưởng cho những kiếp đời đã quá mệt mỏi thân xác lẫn nội tâm và nỗi niềm được phân bày - “Tiếng vọng”. Một nỗi thương cảm dâng cao. Khi nhân vật trữ tình lắng nghe được:

“Tiếng vọng của yêu thương”.

Tất cả được thu về một mối. Tác giả như đã trui rèn sức chịu đựng và kiên quyết với chính kiến: Một lần thôi. Một lần nhu nhã, khiêm nhượng – chẳng dấn thân bước vào cuộc hơn thua đắng, đuối! Một quyết đoán mạnh mẽ, hoán chuyển cục diện, trước những cám dỗ và chán chường, thỏa hiệp xuôi tay...

Khổ thơ áp cuối thâu tóm cách sống, như những giọt sương về khuya sầu cô lẻ, thật ảm đạm nhưng vẫn ngời sáng nét lung linh, huyền ảo:

“Khẽ cúi mình

Một lần

Soi vào chùm sương mỏng”

Kết bài thơ, gói gọn chỉ một câu (“Đêm gầy mắt trong”) - thật lửng lơ, sáng tạo. Tác giả tự cho mình chỉ là một giọt sương trong muôn vầng sương mỏng khác.

Khi chạm tuổi ngũ tuần, tôi thường cảm thích, tìm hiểu về tâm linh xem như đó là liệu pháp giải tỏa áp lực cuộc đời. Khi con người nằm chiêm bao mơ mộng, có người lại cho đó là “linh hồn” – cõi vô thức đi vào tiềm thức. Thế là giấc mơ đến… Ở cái tuổi trẻ như  Phú Thọ, lại có cảm hứng sáng tác gửi lại Đồi Cốc – Nghĩa trang thai nhi:

“Những đứa trẻ, túa ra từ đêm

Chúng chạy nhảy xuyên qua đám cỏ

Đôi mắt sâu như những ngọn gió”

Bước vào cõi mơ của không gian, va chạm đắng lòng khi đến viếng những đứa trẻ. Đã có những cuộc hành trình trần thế chạm vào cõi tâm linh với lòng tin sự nhiệm mầu, huyền vi đến từ cao xanh – “Vùng đất mở của văn chương”.

Tôi như cảm nhận thực ngoài đời, qua nhịp thơ được ngắt quãng:

“Chúng

nhìn tôi

 

Những đứa trẻ không được chào đời

trên bãi đất nhô lên lạnh lẽo

trên gương mặt héo

trên đoạn đường về đến nghĩa trang”

Và hình ảnh man mác lần cuối trong đêm tối, đầy day dứt:

“Chúng

hóa thành những đốm sáng

lang thang”

(Đốm sáng)

Những dòng thơ đẹp, giàu lòng yêu thương. Đậm nét nhân văn, trắc ẩn.

Không dừng lại ở sự cũ mòn, đơn điệu, nhà thơ cứ di chuyển không ngừng, bươn bả đi tìm phương thức sáng tác mới.

Trong tác phẩm “Trăng mùa hạ”, anh thể hiện suy nghĩ mời gọi, ẩn tình. Qua cách nói ẩn dụ, đa lớp nghĩa. Ở phần đầu bài thơ, điệp từ phối kết động từ “thắp” theo phương thức chuyển nghĩa:  “Thắp một cơn mưa nhỏ”, “Đom đóm về thắp lửa ven sông” hoặc “Hoa dâm bụt thắp đèn lồng trước cửa ngõ”... được tác giả thể hiện nhuần nhuyễn, dẫn dắt khéo léo miền cảm xúc.

Niềm đồng cảm với tâm tư, trạng thái khuyết hụt, như có chút gì lơ đãng trong những dòng thơ.

Ở đây, có một sự phản chiếu hình ảnh:

“Những gái quê tắm mùa hạ chưa chồng

Đuổi theo trăng

Trăng tan vào mênh mông…”

(Trăng mùa hạ)

Bút pháp tượng trưng “mùa hạ” được dùng thật đắt. “Mùa hạ” dễ gợi nỗi buồn khô khát, mùa của sự chuyển giao, mùa tượng trưng cho sự bừng thức, hoang vắng. Ghé vào thơ của chàng thi sĩ trong đêm “Trăng mùa hạ”, người thưởng lãm trôi bồng bềnh trong niềm ảo giác.

 Đến một sáng đẹp trời, vầng thái dương lại bừng tỏa những giọt nắng hạ. Theo phương thức sáng tác của “thi pháp thời gian”, tôi đến với “Ngày nắng”

“Ngày nắng vỡ, bên ngoài phía hiên nhà

căn phòng thở gam vàng

cây chết cạn

trên bàn làm việc”

Không gian thực và ảo đan cài vào nhau tạo cảnh huống dẫn nhập bài thơ. Kết cấu đối ngẫu thật dung dị - “nắng vỡ bên ngoài …” còn bên trong căn phòng “thở” (sinh) “cạn” (hoại) đối xứng nhau thật chỉnh về ngữ nghĩa.

Một trí liên tưởng của tác giả cho thấy đời sống nội tâm thật phong phú, thật giàu tình cảm đồng điệu, như vãn bối được rút dần khoảng cách với các bậc thầy văn chương cổ xưa mà như hiện hữu quanh đây:

“Sách vỡ hỗn mang,

chất chồng tư liệu

những vĩ nhân, những bậc minh triết cổ xưa

dường như họ vẫn còn đang sống

trong ý nghĩ người đời mỗi ngày

trong sự thở

của ta”

Cách ngắt nhịp, ngắt quãng dưới hình thức xuống dòng, tinh giản câu, chữ để tạo điểm nhấn thu hút suy ngẫm. Nhà thơ thực sự đã có vốn đọc rất nhiều để chắt lọc, tìm ra những “lời hay ý đẹp”, tinh hoa trong các vườn hoa nghệ thuật, các vùng đất cao lạ của những bậc hiền triết… Có khi những tư tưởng lớn sẽ gặp nhau qua các trang viết mà chúng ta chưa hình dung ra được. Bởi lẽ biển học tri thức thì mênh mông, vô hạn mà ta là chiếc xuồng nhỏ bé tẻo teo. Cho nên mới có các dòng thơ trên.

Lại thêm một phát hiện tinh tế:

“tất cả

thản nhiên

sau tiếng lặng dài

khi ta dừng lại ngắm nhìn

sự sống phía bên ngoài

trang sách”

(Ngày nắng)

Trang sách kinh điển kia lý tưởng lắm lắm! Thế nhưng khi lắng lòng lại, dường như nghe được “núi cao trời rộng” và nghe được từng tiếng thở đang hòa quyện, hiện diện trong lằn ranh nhỏ bé, mong manh. Để rồi chạm đến cái “thản nhiên”, u tịch.

Một bài thơ sâu ẩn khác của Nguyễn Đức Phú Thọ. Với “Đôi mắt cánh đồng” như nhìn vào, xuyên thấu hồn người.

“Những xao xác còn giữ trên tay

tôi thả xuống dòng sông

một niềm chờ đợi

chảy băng băng qua đôi mắt cánh đồng

...

mùa thu vắt ngang chiếc cầu nhỏ

mưa chìm bến sông”.

Phương thức tạo nghĩa từ sự mơ hồ, ẩn dụ. Nếu khéo – tinh sẽ làm sáng hồn thơ. Dường như dòng cảm xúc hòa tan trong thi ảnh, đã mơ hồ neo vào lòng độc giả. Chỉ là chi tiết nhỏ giản dị đặt đúng chỗ đã níu giữ con tim kỳ vọng trong khắc khoải, của một tâm hồn đa sầu, đa cảm - “…thả xuống dòng sông niềm chờ đợi/ chảy băng băng/ qua đôi mắt… cánh đồng...” .

Hình tượng “Đôi mắt cánh đồng” lung linh mơ hồ hòa quyện với sự trong trẻo, trải rộng một cánh đồng xanh màu cô quạnh, đậm đặc nỗi buồn của cơn mưa nhỏ gieo mùa thu mờ ảo.

Câu cuối khổ thơ có âm hưởng buồn:

“Mưa chìm bến sông”

Lòng người như cố chìm vào quên lãng

Kết cấu đầu cuối tương ứng đưa ta về: “Bên chiếc cầu nhỏ - những xao xác mơ hồ, không còn giữ trên tay”. Bố cục thật chặt chẽ, sắp xếp ý thơ mạch lạc, trôi chảy. Khắc đậm thêm vẫn với tứ thơ cũ, nhưng lần này có góc nhìn xanh tươi hơn, lạc quan hơn! Tác giả đã đứng lên ở vị thế hiên ngang nhìn xuống nỗi niềm chờ đợi ấy, mà nhãn tự ở đây là từ “ngắm”, trong lối độc thoại nội tâm:

“Tôi ngắm nhìn dòng sông

bằng nỗi niềm chờ đợi

chảy băng băng qua đôi mắt cánh đồng”

Giọng thơ thật trong trẻo, u trầm nhưng ẩn giấu sắc nét. Ba câu kết như lời giao cảm, về sự trôi chảy không ngừng về phía xa xăm...

Xét cho cùng, nhiều bài thơ của anh đưa tâm hồn người đọc vào cõi miên viễn. Ở đấy, với ánh nhìn xa xăm... Có đôi lúc ta quên đi những nhịp sống bận bịu, hối hả, lao xao, bi lụy bề bộn của đời thường, để ngồi nhìn lại thước phim quay chậm đời mình,  để rơi vào cõi lặng. Hãy hình dung về sự thường trực dấu chấm hết của sự sống sẽ thảnh thơi và thanh thản tâm hồn.

Sự sống thật ngắn ngủi, mới tuổi ngày xuân đã chớm bước tuổi đêm thu… Thôi đã qua rồi thời “sống ảo”. Bởi lẽ thế gian này có rất nhiều cõi ảo giác, mộng mị và hoang tưởng. Tôi luôn cảm phục hai câu tuyệt bút của Thi sĩ Bùi Giáng:

“Ta cứ ngỡ thế gian này có thật

Thế cho nên tất bật mãi đến giờ”

Đọc thơ Nguyễn Đức Phú Thọ, chúng ta thấy một “cảm thức” đã trở thành “chính kiến”: Tâm trí đã bình yên, chẳng còn lo được mất. Cho nên ngoài đời thường, lúc nào ta cũng như cảm thấy anh u trầm, thư thả và điềm tĩnh. Những gì đã mất đi chẳng còn nuối tiếc nữa. Chẳng cần miễn cưỡng cầu mong. Nếu như cầu mong thì tìm đến kỳ vọng về một ngày mai tươi sáng rực rỡ. Nhà thơ Nguyễn Đức Phú Thọ đã vén tấm màn vô thức lên để mọi người dễ dàng trông thấy và cảm nhận. Thơ của Nguyễn Đức Phú Thọ là những thành phẩm đẹp và là kết quả của trái tim nghệ sĩ tài hoa, thấu đáo với con đường tìm đến văn chương. Văn chương chữ nghĩa không phải là lời nói suông mà là kết tinh cho biết bao công phu trui rèn, tích lũy những từ nghiền ngẫm, đam mê. Trong tim óc không có hàng vạn pho sách hay, trong trí não không cảm thích những bức tranh sơn thủy đẹp “núi sông kỳ lạ của thiên hạ” thì không thể cho ra những câu thơ hay, lời văn đẹp, để đời được.

Ngày càng dần trôi, tôi đặt hết lòng tin về cuộc hành trình của Nguyễn Đức Phú Thọ. Quên mình, chắc hẳn ngòi bút trẻ này sẽ tìm đến thế giới nội tâm phong phú, thảnh thơi và tinh lọc nhất trong những trang viết của mình. Bên cạnh đó, anh còn xúc tiến và đặt tâm tư vào quản lý hoạt động Văn học tỉnh nhà. Tất cả sẽ càng thêm quý giá khi Phú Thọ thăng hoa, miệt mài với những nỗ lực tìm tòi, cách tân sáng tạo cho một ngày gần đây và mai sau.