Nhà văn Trần Thùy Mai với tác phẩm ‘Từ Dụ thái hậu’ đã dành được giải nhất cuộc thi tiểu thuyết 2016-2019 của Hội Nhà văn Việt Nam.

 

Nhà văn Trần Thùy Mai năm nay 66 tuổi. Sinh ra và lớn lên ở Huế, nhà văn Trần Thùy Mai đã khai thác sự hiểu biết về lịch sử của vùng đất cố đô một cách sống động qua tiểu thuyết “Từ Dụ thái hậu”.

Với hai tập, hơn 900 trang sách, tiểu thuyết “Từ Dụ thái hậu” của nhà văn Trần Thùy Mai từ khi xuất hiện đã lập tức gây sự chú ý trên văn đàn. Sau buổi ra mắt vào tháng 9/2019, tiểu thuyết “Từ Dụ thái hậu” nhanh chóng được Nhà xuất bản Phụ Nữ cho tái bản để phục vụ bạn đọc.

Giá trị văn chương của tiểu thuyết “Từ Dụ thái hậu” chiếm được cảm tình đông đảo bạn đọc. Và mới đây, Hội Nhà văn Việt Nam đã công bố kết quả cuộc thi tiểu thuyết 2016-2019 không nằm ngoài dự đoán của giới cầm bút: Tiểu thuyết “Từ Dụ thái hậu” đã vượt qua nhiều ứng viên khác để giành được giải nhất.    

Ngoài giải nhất dành cho “Từ Dụ thái hậu”, cuộc thi tiểu thuyết kéo dài qua nhiều năm này của Hội Nhà văn Việt Nam cũng trao tặng 5 giải nhì, 7 giải ba, 7 giải tư và nhiều tặng thưởng khác.

Tiểu thuyết “Từ Dụ thái hậu” viết về nhân vật Phạm Thị Hằng- một người đẹp gốc Gò Công - Tiền Giang đã bước vào triều đình nhà Nguyễn để làm vợ của vua Thiệu Trị và làm mẹ của vua Tự Đức. Thế nhưng, phía sau hậu cung có không ít ngậm ngùi và cay đắng mà Từ Dụ thái hậu phải đối mặt và trải qua.

Nhà văn Trần Thùy Mai nói về “Từ Dụ thái hậu” theo góc độ một người sẻ chia: “Tiểu thuyết lịch sử là một thể loại đặc biệt, trong đó tác giả phải dung hòa được tính hư cấu nghệ thuật (không có hư cấu thì chỉ còn là “diễn sử”) và tính xác thực lịch sử. Trong đó, những phần cần phải xác thực là những sự kiện lớn, những tập tục và quy chế đương thời. Vì vậy khi câu chuyện lướt qua những chỗ như đám cưới công chúa, lễ nạp phi, lễ truyền lô… tôi đều phải tham khảo để có khi chỉ cần miêu tả một câu thôi thì câu đó cũng không mâu thuẫn với tư liệu. Hầu hết các thể lệ của triều Nguyễn được ghi chép khá kỹ càng trong bộ “Đại Nam Hội Điển Sự Lệ”, bao gồm những quy định về y phục, quan chế, lễ nghi, thậm chí cả việc ăn uống tiệc tùng…Và nếu ai có đọc cuốn cẩm nang “Thực phổ bách thiên” thì sẽ nhận ra nhiều món ăn mà nàng Hạnh Thảo chế biến cũng có tên trong đó”.

Nhà văn Trần Thùy Mai từng tốt nghiệp khoa Văn của Trường Đại học Sư phạm Huế, sau đó được giữ lại làm giảng viên môn Văn học dân gian. Năm 1987, nhà văn Trần Thùy Mai chuyển sang công tác tại Nhà xuất bản Thuận Hóa cho đến khi nghỉ hưu. Hiện nay, nhà văn Trần Thùy Mai đang định cư tại California - Mỹ.

Nhà văn Trần Thùy Mai có những tác phẩm tiêu biểu như “Bài thơ về biển khơi” (1983) “Thị trấn hoa quỳ vàng” (1994) “Trò chơi cấm” (1998) “Quỷ trong trăng” (2002) “Thập tự hoa” (2003) “Đêm tái sinh” (2004)

Nhà văn Trần Thùy Mai quan niệm: “Tôi thích viết để được tồn tại trong nhiều cảnh đời khác nhau, được sống những gì tôi mơ ước, được nói những điều không thể nói giữa đời thường. Viết, như vậy là một cách để vượt thoát ra ngoài những giới hạn của một đời người bé nhỏ”.