Đạo diễn Trần Vũ Thủy cho biết ban đầu anh và đoàn làm phim cũng quyết tâm chọn các giống chó thuần Việt để huấn luyện vào vai “Cậu Vàng” cho phù hợp với phim. Tuy nhiên, sau quá trình huấn luyện, tất cả các con chó ấy đều không đáp ứng được nhiều đòi hỏi diễn xuất khó của vai nên đành tìm theo hướng khác.
“CẬU VÀNG" - MÓN QUÀ XUÂN TUYỆT VỜI CỦA ĐIỆN ẢNH VN
NGUYỄN THẾ KHOA
Thế là Dự án điện ảnh tâm huyết của NSND Bùi Cường, tưởng đành bỏ dở sau khi ông bất ngờ mất hơn 2 năm trước đây, đã được hoàn thành ngay trong năm covid 2020. Và "Cậu Vàng" bộ phim của dự án ấy đã có lịch chính thức ra mắt khán giả màn ảnh rộng cả nước vào ngày 8/1/2021. Có thể nói, đây là món quà xuân tuyệt vời, thú vị chưa từng có của Điện ảnh VN dành cho người hâm mộ của mình ngay giữa đại dịch covid.
NSND Bùi Cường từng tâm sự với bè bạn rằng từ khi thành công vang dội với bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" (Biên kịch: Đoàn Lê, Đạo diễn: Phạm Văn Khoa) đưa tên tuổi Bùi Cường trong vai Chí Phèo đến với đông đảo công chúng, mở đầu cho một sự nghiệp điện ảnh rất thành công của ông trong cả vai trò diễn viên và đạo diễn, ông đã cảm thấy cần phải trở lại với những nhân vật của Nam Cao vĩ đại nhiều lần nữa. Rõ ràng còn nhiều điều đáng nói mà bộ phim chưa nói được.
Nhưng rồi công việc cứ cuốn hút ông, hết "diễn" lại "đạo" suốt hơn 35 năm trời. Mãi những năm gần đây, ông mới có thời gian bắt tay vào dự án thực hiện bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" thứ hai. Đạo diễn lão thành Phạm Văn Khoa mất đã lâu, biên kịch tài năng Đoàn Lê cũng vừa mất năm 2017. Bùi Cường quyết định ông sẽ tự mình viết kịch bản và đạo diễn phim này cho Buicuong film của gia đình thực hiện với sự trợ giúp của con rể Trần Vũ Thủy, vốn là một đạo diễn trẻ giàu khát vọng đã làm trợ lý cho ông nhiều phim.
Kịch bản của bộ phim thứ hai về làng Vũ Đại của Nam Cao đã hoàn thành với cái tên đầy thương cảm "Bữa cơm cuối cùng của lão Hạc". Cũng với khung cảnh cái làng Đại Hoàng nổi tiếng quê hương Nam Cao làm nên những kiệt tác "Cái lò gạch bỏ không", "Lão Hạc", "Đời thừa", "Sống mòn", "Trăng sáng"... với những Bá Kiến và ba bà vợ, Lý Cường, Binh Tư, Giáo Thứ...nhưng lần này hình tượng trung tâm là hai nhân vật: Lão Hạc và “Cậu Vàng”. “Cậu Vàng” là tên gọi của lão Hạc đặt cho con chó mà thằng Cò, đứa con trai duy nhất mua rồi để lại cho ông nuôi sau khi thất tình vì nghèo đã tìm vào lập nghiệp ở đồn điền cao su miền Nam. “Cậu Vàng” được lão nông nghèo khó, cô đơn và hiền lành thường trò chuyện ôm ấp như một đứa con thơ. Điều mới mẻ của kịch bản về làng Vũ Đại lần thứ hai này tập trung ở nhân vật “Cậu Vàng”. Nó không chỉ thấp thoáng như trong truyện ngắn “Lão Hạc” chỉ nhằm làm rõ thêm lòng trắc ẩn và tính thật thà của nhân vật Lão Hạc cùng cái chết bi thảm để giữ đất vườn cho con của nhân vật này.
Trong kịch bản của Bùi Cường, đây mới là nhân vật chính, xuyên suốt, không chỉ là người đồng cảm chia sẻ, cũng không chỉ là nạn nhân như lão Hạc hay là những kẻ phản kháng trong tuyệt vọng để được sống như một con người như Chí Phèo, Binh Tư mà còn là người phán quyết, người ra tay trừng phạt đích đáng lũ cường hào ác bá Bá Kiến, Lý Cường đòi lại công bằng cho những người nông dân thấp cổ, bé họng như lão Hạc.
Không như các tác phẩm văn học của Ngô Tất Tố, Nam Cao hay các bộ phim "Chị Dậu", "Làng Vũ Đại ngày ấy" năm xưa chỉ bóng tối và đau thương trùm phủ, vai trò của “Cậu Vàng” đã đem đến cho kịch bản "Bữa cơm cuối cùng của lão Hạc" những giai điệu tươi sáng và âm hưởng lạc quan rất cần thiết. Thông điệp của nó rất sáng rõ, mạnh mẽ: lũ gian ác trước sau gì cũng bị trừng phạt, con người chưa làm được thì muôn vật thiên nhiên sẽ làm!
Kịch bản hoàn thành, nhà đầu tư đã vào cuộc, kế hoạch làm phim đã vạch ra. Nhưng bất ngờ NSND Bùi Cường mất, nhà đầu tư dừng đầu tư, gia đình lo lắng vì dự án làm phim buộc phải dừng.
Nhưng đạo diễn Trần Vũ Thủy, học trò và đứa con rể chí hiếu thì không nản lòng, anh quyết tìm mọi cách hoàn thành bằng được tâm nguyện cuối cùng của thầy, của ba mình. Anh nghiên cứu phát triển kịch bản, đặc biệt là vai trò của nhân vật “Cậu Vàng”, đổi tên bộ phim từ "Bữa cơm cuối cùng của lão Hạc" thành "Cậu Vàng" để nhấn mạnh vai trò quyết định của nhân vật này, mở rộng không gian của phim, viết kịch bản phân cảnh và trình bày phương án làm phim mới đầy tính khả thi và dự báo thuyết phục về hiệu ứng khán giả, thuyết phục được nhà đầu tư trở lại đầu tư xứng đáng, giao toàn quyền thực hiện phim cho anh.
Việc đưa “Cậu Vàng” lên thành nhân vật xuyên suốt, nhân vật chủ đề và tạo nên sức hấp dẫn chính của bộ phim đã đặt Trần Vũ Thủy vào những thách thức khó khăn, mạo hiểm vì điện ảnh VN chưa có bộ phim truyện nào lấy thú vật làm nhân vật chính nên anh chưa thể học hỏi trực tiếp ai mà phải mày mò học qua sách vở, phim ảnh nước ngoài và trải qua quá trình tìm và huấn luyện “Cậu Vàng” biểu diễn rất công phu, kiên nhẫn.
Cuối cùng, tình yẻu, tài năng, khát vọng của đạo diễn trẻ Trần Vũ Thủy với sự ủng hộ tin tưởng hết mình của gia đình, nhà đầu tư, họa sĩ, nhạc sĩ và dàn nghệ sĩ xuất sắc nhiều thế hệ hai miền Nam Bắc của Đoàn làm phim như nghệ sĩ Viết Liên, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Chiều Xuân, Thanh Hoa, Chiến Thắng, Thanh Bình, Phương Nam, Trần Lê Nam, Khánh Huyền.cùng những gương mặt trẻ như Băng Di, Will, Bích Ngọc, Trần Doãn Hoàng…nhất là vai trò của chú chó Shiba, giống chó đặc trưng của Nhật Bản, trong vai Cậu Vàng đã cùng làm nên một bộ phim điện ảnh quen thuộc mà mới mẻ, xuất sắc.
Đạo diễn Trần Vũ Thủy cho biết ban đầu anh và đoàn làm phim cũng quyết tâm chọn các giống chó thuần Việt để huấn luyện vào vai “Cậu Vàng” cho phù hợp với phim. Tuy nhiên, sau quá trình huấn luyện, tất cả các con chó ấy đều không đáp ứng được nhiều đòi hỏi diễn xuất khó của vai nên đành tìm theo hướng khác. May mắn, đoàn tìm được chú chó vàng dòng Shiba của Nhật thỏa mãn các yêu cầu như: chó đực, thông minh, phản ứng nhanh nhẹn, thân thiện... đồng thời vượt qua nhiều bài kiểm tra khẳt khe cho thấy nó có khả năng đáp ứng rất tốt nhiệm vụ của vai diễn. Khi lên màn ảnh, con vật được tạo hình để giống chó Việt hơn, mang lại cảm giác gần gũi hơn với khán giả Việt.
Cách đây vài tháng khi trailer quảng cáo phim tung ra, không ít người đã phản ứng tiêu cực việc dùng chó Nhật đóng phim ta. Tuy vậy, khi xem phim, có thể nói với việc diễn xuất nhập vai kỳ tài của chú chó Shiba vào các cảnh diễn, tôi không hề biết “Cậu Vàng” thực ra là “cầu thủ” Việt hay “cầu thủ” Nhật. Tôi bị hoàn toàn thu hút vào câu chuyện phim mà “Cậu Vàng” dẫn dắt. "Cậu Vàng" diễn rất hay các cảnh âu yếm với nghệ sĩ Viết Liên trong vai lão Hạc khi có đôi mắt biết nói, biết khóc và tiếng ầm ừ, tiếng sủa, tiếng gào thét đầy cảm xúc.
Cũng cần nói thêm bên cạnh đầu tư rất công phu cho diễn viên Cậu Vàng như vừa nói, bộ phim cho thấy sự công phu, kỹ lưỡng ở tất cả các khâu, đặc biệt là ở việc tạo ra một không gian nông thôn Bắc bộ tuyệt đẹp mà ít phim có được. Việc chọn cảnh quay ở Ninh Bình đã tạo nên không gian kỳ thú ấy cho phim. Có người cho rằng khung cảnh cánh đồng bờ xôi bãi mật, nhộn nhịp trên vến dưới thuyền không hợp với câu chuyện phim chủ yếu về thân phận những người dân nghèo khổ. Tôi thì nghĩ khác. Thiên nhuên đất nước ta vốn giàu đẹp, người dân cực khổ không do sự nghèo khó của thiên nhiên mà do chính những kẻ cướp ngày xưa và nay, quen sống trên nhung lụa nhờ mồ hôi và xương máu của người khác.
Ngoài Cậu Vàng và nghệ sĩ Viết Liên trong vai lão Hạc, các nghệ sĩ Hữu Châu vai Bá Kiến, Bằng Di vai Bà Ba, Wili vai Lý Cường, Phương Nam vai Binh Tư diễn cũng rất tốt…
Xét về nhiều mặt, đây là một tác phẩm điện ảnh rất hay, gây xúc động lớn, lại là một bộ phim đầu tiên rất thành công khi đưa thú vật lên đóng vai chính. Vì vậy, sẽ không hề quá lời khi coi đây là món quà xuân tuyệt vời, thú vị chưa từng không chỉ của buicuonng Film, nhà đầu tư mà còn của cả điện ảnh VN mừng xuân 2021, ngay giữa mùa đại dịch covid 19 trên toàn cầu…