Những hoài nghi về ích lợi của thơ, về vai trò, sứ mệnh, trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ cũng bắt đầu từ quá trình phô bày bản ngã ấy. Rõ ràng, người ta thấy thiếu vắng trong thơ những vang động của đời sống đang bề bộn, ngổn ngang.
ĐỂ THƠ KHÔNG BỊ THỜ Ơ
NGUYỄN THANH TÂM
Là một biên tập viên ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, thường xuyên theo dõi và có hứng thú đặc biệt với thơ, tôi tìm đọc thơ của nhiều tác giả trên các diễn đàn văn nghệ và các trang mạng xã hội, blog cá nhân. Cùng với đó, việc giữ mục thơ trên một báo điện tử càng tạo điều kiện để tôi tiếp cận với nhiều tác giả - tác phẩm. Có một thực tế mà tôi nắm bắt được qua số liệu thống kê, đó là rất ít người đọc thơ. Mỗi bài thơ, chùm thơ hay tác giả được giới thiệu, thường số lượng người đọc, tương tác rất ít. Điều gì đang diễn ra ở đó?
Trong những ngày vừa qua, khi cả nước hướng về khúc ruột miền Trung, đây đó có tiếng nói phê phán sự thờ ơ, vô cảm của thơ đối với hiện thực đời sống. Trên một số trang cá nhân, có những nhà thơ bày tỏ cảm xúc không tha thiết gì với thơ phú nữa. Điều gì đã xảy ra? Thơ xa lạ với nhân quần và đời sống đến thế ư?
Mỗi khi nghe tin thiên tai, thảm họa, nỗi đau xót, tiếc thương, đồng cảm với nỗi đau của nhân dân là có thật. Nhu cầu được bày tỏ, chia sẻ trở thành động lực, thúc đẩy các hoạt động cứu hộ, cứu trợ của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước. Nhưng kỳ lạ, nhắc đến thơ, người ta luôn mang một mặc cảm không phù hợp. Chẳng phải thơ là tiếng lòng, là nhịp điệu của cảm xúc, suy tư tràn ra khi trong tim cuộc sống đã thật đầy sao? Chẳng phải đã có thời, thơ cùng cả nước ra trận, thơ trên tuyến đầu đánh giặc, xây dựng đất nước, cổ vũ khích lệ tinh thần nhân dân đoàn kết thực hiện các nhiệm vụ cao cả của toàn dân tộc sao? Thơ đã làm gì để rơi vào tình thế như hiện nay?
Trước hết, phải thật sòng phẳng để nói rằng, thơ hay nghệ thuật nói chung mang bản sắc, cá tính chủ thể cao độ. Vì thế, sáng tạo nghệ thuật là hành trình của cá nhân, vượt thoát các khuôn khổ giá trị đã ổn định, tiệm cận với cái mới, cái khác, đóng góp vào lịch sử mỹ học. Không thể đòi hỏi ở nghệ thuật các thuộc tính, sứ mệnh vốn dĩ không phải là bản chất, đặc trưng của nó. Mà bản chất, đặc trưng của nghệ thuật là gì nếu không phải là các biểu đạt thẩm mỹ. Bởi thế, việc thơ ca hay nghệ thuật nói chung xuống đường, xông lên tuyến đầu, mang chở các nhiệm vụ bên ngoài nghệ thuật, là đáp ứng các tiếng gọi khác từ cộng đồng. Ta hiểu rằng, một khi câu chuyện của đời sống, của cộng đồng, đoàn thể, quốc gia, dân tộc hay nhân loại trở thành câu chuyện của cá nhân, trở thành nguồn mỹ cảm nội tại, nghệ thuật sẽ chạm đến các giá trị rộng lớn mà xã hội đang đối mặt. Thế nên, thơ ca cách mạng mới trở thành một đội quân, thành vũ khí, tự nguyện “Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến” (Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải). Khi ấy, “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy/ Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng - Chế Lan Viên). Cái tôi cá nhân của người nghệ sĩ đã rung động cùng một tần số, cùng một nhịp điệu với đất nước, nhân dân, thời đại.
Chiến tranh kết thúc, hòa bình, ổn định, đổi mới và xây dựng đất nước cũng đồng nghĩa với việc con người trở về với thế giới của riêng mình, với những câu chuyện cốt tủy bên trong. Thơ ca, nghệ thuật cũng lặng lẽ rồi thành xu thế quay về với những thuộc tính, đặc trưng của nó. Nhưng, dường như cũng chính quá trình ấy đã làm cho văn chương rời xa biến động xã hội. Thơ ca, nghệ thuật cứ đào sâu mãi vào cái tôi cá nhân bản thể như một hành trình khẳng định bản ngã, bày tỏ, chứng minh sự hiện hữu cá nhân.
Những hoài nghi về ích lợi của thơ, về vai trò, sứ mệnh, trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ cũng bắt đầu từ quá trình phô bày bản ngã ấy. Rõ ràng, người ta thấy thiếu vắng trong thơ những vang động của đời sống đang bề bộn, ngổn ngang. Người ta đã đặt ra những câu hỏi như: Những thành tựu to lớn của đất nước tại sao ít được thể hiện một cách hào hứng, kiêu hãnh trong văn chương? Tại sao, trong bộn bề thiên tai, địch họa, thảm họa, di cư, nghèo đói, bệnh tật... thì thơ ca lại cứ say sưa với tiếng lòng yêu đương, với những rên rỉ âm u, với những khắc khoải dằn vặt cá nhân?...
Thơ không thể bị phán xét. Cái có thể phán xét là thái độ, trách nhiệm, đạo đức và hành động của người làm thơ - nghệ sĩ. Thơ hay, có giá trị, nó luôn được ghi nhớ, lưu giữ trong lịch sử mỹ học. Thơ dở sẽ bị đào thải, lãng quên. Đó là quy luật chung của nghệ thuật. Điều cần nói đến ở đây là, trước những biến cố trọng đại của cộng đồng, nếu chỉ biết đến riêng mình, chỉ vuốt ve, chiều chuộng cảm xúc cá nhân, chỉ chăm chăm biểu đạt con người mình, quả thực đó là sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của người nghệ sĩ. Một lần nữa, chúng ta phải nhắc lại rằng, giá trị nghệ thuật nào muốn được lưu giữ trong ký ức tinh thần nhân loại đều phải chạm đến các giá trị phổ quát. Không biết đau nỗi đau của đồng loại, không biết lắng nghe những thanh âm bộn bề của đời sống, không cảm nhận được nhịp điệu của sự tồn sinh ở quanh mình..., điều đó đồng nghĩa với việc thơ đang đi vào cõi chết.
Bởi thế, dù cá nhân hay tập thể, dù là tự thuật của con người bản ngã hay những biến cố lớn của cộng đồng, thời đại, thơ nói riêng và nghệ thuật nói chung vẫn phải vươn tới giá trị thẩm mỹ như là đức hạnh, là phẩm tính đặc thù của nó. Không gì tuyệt vời hơn là những bài thơ, câu thơ hay mang được nỗi niềm thời đại. Ở đó vừa có tài năng, trí tuệ của người nghệ sĩ và một trái tim ấm nóng đang đập giữa cuộc đời yêu thương và gắn bó.