Tọa đàm “Phụ nữ và văn chương” do Viện Pháp tại TPHCM tổ chức có sự tham gia của 3 nữ nhà văn thuộc các thế hệ khác nhau như Nguyễn Thị Hoàng, Trầm Hương, Trường An và TS Quách Thu Nguyệt (người được biết đến với vai trò là “bà đỡ” của nhiều tác giả trẻ).
ĐI TÌM CÁ TÍNH VĂN CHƯƠNG
HỒ SƠN
Cái tôi của tác giả
Ông Vincent Floreani, Tổng lãnh sự Pháp tại TPHCM, bày tỏ sự ngạc nhiên khi biết rằng, 25% hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là nữ. Theo ông, những nhà văn nữ ngày càng khẳng định vị thế của mình thông qua những tác phẩm chất lượng. Chính từ những tác phẩm này, ông và những độc giả nước ngoài có dịp hiểu hơn về văn hóa cũng như con người Việt Nam.
Trong khi 2 nhà văn Nguyễn Thị Hoàng và Trầm Hương đã khẳng định được tên tuổi của mình thì Trường An là một trường hợp khá đặc biệt. Chị là tác giả tiêu biểu của dòng văn chương underground (phi chính thống), nổi tiếng ở trên mạng trước khi tác phẩm được xuất bản bằng sách giấy. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều tác phẩm của Trường An đã được một số đơn vị in và giới thiệu đến độc giả trong nước. Có thể kể đến Thiên nhạc, Vũ tịch, Hồ Dương (2 tập), Thiên hạ chi vương, Ngoài bờ đông là mặt trời. Điều dễ nhận thấy trong những tác phẩm trên là chị đã sử dụng ngôn tình để chuyên chở các sử liệu, giúp những câu chuyện viết về lịch sử không khô khan mà luôn sinh động, gần gũi và không xa rời lịch sử.
Tại chương trình, nhiều độc giả quan tâm đến cá tính văn chương, hay chính là cái tôi của tác giả được thể hiện qua các tác phẩm. TS Quách Thu Nguyệt cho biết, bà thích những tác phẩm văn chương mà trong đó tác giả thể hiện được cá tính riêng, đặc thù của họ. “Tôi thích một nhà văn mà họ là chính họ, họ thể hiện tất cả những cá tính, tính cách, thậm chí có thể là bạo liệt cũng được. Nhà văn nữ khi viết tác phẩm của mình mà không thể hiện được điều đó thì chán lắm”, TS Quách Thu Nguyệt nói thêm.
Ở vai trò của người sáng tác, nhà văn Trầm Hương cho rằng, khi cầm bút, nếu không có cái tôi thì không có tác phẩm, nhưng nếu chỉ có cái tôi thì các tác phẩm sẽ không có tiếng nói thấu cảm với độc giả, với mọi người. Nhà văn Trầm Hương dẫn lời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Có hiểu mới có thương”, từ đó, bà đúc kết: “Từ cái tôi của mình, khi viết văn, tôi luôn mong muốn được thấu hiểu, được chia sẻ, từ đó có yêu thương. Để cái tôi của mình đi đến với mọi người, chúng ta cũng cần phải có điều kiện, phải có một thời gian tích lũy, có một lý tưởng, hoài bão mà chúng ta phải nuôi nấng nó”.
Sáng tạo không liên quan đến giới tính
Có một thực tế là xã hội Việt Nam đang tồn tại sự bất bình đẳng giới. Điều này gây ra không ít khó khăn và áp lực lên phụ nữ nói chung và phụ nữ viết văn nói riêng. Tuy nhiên, theo nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, trong sáng tạo, không có phân định giới tính. “Khi sáng tạo mình chỉ cầu mong được là con người, gồm có tất cả mọi tính cách, mọi cung bậc của một con người. Bởi vì khi viết, muốn thấu đáo, muốn thâm sâu thì mình phải hóa trang thành những nhân vật của mình. Thậm chí không phải hóa trang nữa mà mình trở thành từng nhân vật đó”, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng bày tỏ.
TS Bùi Trân Phượng (người dẫn dắt chương trình) cho rằng, một nhà văn lớn hay không lớn, nói được nhiều điều hay không là do cảm xúc và tài năng của họ, không phụ thuộc vào việc già hay trẻ, nam hay nữ. “Biết đâu đó là định kiến giới từ phía phụ nữ, khi chúng ta cho rằng người nữ luôn luôn nhạy cảm, tinh tế mà đàn ông không thể nào có được. Chúng ta không nên coi cuộc đấu tranh bình đẳng giới là một cuộc chiến mà nó là một sự vươn tới điều mà chúng ta đang mong muốn. Bởi vì hiện tại, không chỉ có bất bình đẳng giới mà còn có giàu nghèo, địa vị, quyền lực”, TS Bùi Trân Phượng cho biết.
Liên quan đến câu chuyện văn chương của các nhà văn nữ hiện nay, trong cái nhìn của bạn đọc Nguyễn Hà (quận 10, TPHCM), không chỉ trong các tác phẩm của các nhà văn nữ mà trong các tác phẩm văn học đương đại của Việt Nam nói chung, đang thiếu một nền tảng triết lý nào đó. “Khi đọc văn học Nhật, cụ thể là các tác phẩm của Banana Yoshimoto hay Murakami Haruki, tôi thấy họ đều có một nền tảng triết lý rất rõ ràng. Còn ở Việt Nam, không hẳn là thiếu mà dường như nó đang không rõ. Có thể do kết hợp quá nhiều nên nó không rõ như những tác phẩm của nước ngoài”, bạn đọc này cho biết.
Thuộc thế hệ 9X, là người đã đọc Trường An từ lúc 18 tuổi cho đến bây giờ, Nguyễn Hà chia sẻ: “Qua các tác phẩm của Trường An, tôi nhận ra sự hoài nghi lịch sử của tác giả cũng là sự hoài nghi của chính mình; đồng thời khát khao thể hiện cá tính của mình thông qua các nhân vật lịch sử của Trường An cũng là khát khao của tôi. Có điều, tôi không biết 20 năm nữa người ta có còn thích đọc Trường An nữa không, khi mà những tác phẩm của chị không quá vắng bóng nhưng cũng không quá rõ ràng về một nền tảng triết lý nào đó”.
Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng