Nhà văn, Hoa hậu, cái đẹp, sự tốt đẹp… chứa đựng những giá trị sống như một cuốn sách, một bông hoa, như ly cà phê sáng bừng tràn đầy năng lượng sống… tất cả vừa gần gũi, thân quen, vừa xa xôi, chới với trong tầm tay mỗi người, bởi trong mỗi chúng ta cũng có một con người của nghệ thuật, của cái đẹp.
NHÀ VĂN VÀ HOA HẬU
LÂM VIỆT
Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây luôn có những cặp tài tử giai nhân xứng đôi vừa lứa, vừa tôn nhau lên, vừa bổ trợ cho nhau tạo nên sự hoàn hảo. Chả thế mà biết bao câu chuyện hoàng tử và công chúa trong truyện cổ tích Andersen, Grim, rồi những Kim Đồng - Ngọc Nữ trong văn hóa Việt, là Romeo và Juliet, Kim - Kiều… và biết bao phiên bản khác.
Nhưng, cái đẹp và sự ám ảnh cũng đến cả từ những "đôi đũa lệch" như thằng gù Quasimodo và nàng Bohemian ("Nhà thờ Đức Bà Paris" của Victor Hugo), những mô típ người đẹp và quái thú trong điện ảnh hay Trương Chi và Mỵ Nương trong dân gian Việt Nam… lại mang đến cho chúng ta một thông điệp: Sự đăng đối không phải lúc nào cũng đến từ hình thức mà chính từ bản chất, từ những giá trị cốt lõi.
Bởi thế, khi nền kinh tế thị trường mở ra làm thay đổi khá nhiều về quan niệm thẩm mỹ, về đời sống giải trí, khi người ta bắt đầu háo hức heo dõi các cuộc thi Hoa hậu và thờ ơ với những cuốn sách bỗng gợi nên một câu hỏi. Câu hỏi ấy có thể là một sự so sánh khập khiễng: Chúng ta cần nhà văn hay Hoa hậu?
Quả thật là gần đây, cư dân mạng xôn xao về hai bức ảnh: Khi các nhà văn tiến hành bỏ phiếu bầu cử tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X (nhiệm kỳ 2020-2025) và khi Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà trở về quê.
Điều thật đáng tiếc và cũng khá bất ngờ, ở một kì đại hội mà tất cả đều suôn sẻ và thành công lại có một sự cố nhỏ, không đáng để một tờ báo nọ đưa ảnh và giật tít lên làm dư luận hội chứng đám đông này nọ hiểu sai khi Ban tổ chức hoàn toàn có thể làm tốt hơn ở khâu này.
Và, điều không hề bất ngờ khi Hoa hậu Việt Nam trở về quê hương trong vòng vây của người hâm mộ giống như các danh thủ hay ngôi sao giải trí… Hẳn sẽ có người lên tiếng: Bao giờ người Việt hết hội chứng đám đông? Bao giờ sẽ không còn chạy theo sự hào nhoáng, phù phiếm?
Từ xưa đến nay, các nhà văn cũng thường viết về người đẹp với sự ngưỡng mộ nhưng cũng đầy thương cảm, xót xa. Từ nàng Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, nàng Kiều Nguyệt Nga của cụ Đồ Chiểu đến những Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Lan và Điệp của Khái Hưng…
Thời chiến, vẻ đẹp tuy không được đề cao nhưng cũng thấp thoáng trong các nhân vật như Nguyệt trong "Mảnh trăng cuối rừng" (Nguyễn Minh Châu), Phương của "Nỗi buồn chiến tranh" (Bảo Ninh), Hương của "Thời xa vắng" (Lê Lựu)… cũng như trong nhiều tác phẩm của các nhà văn hôm nay. Báo chí từng đưa tin Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy viết văn khiến cho dư luận không khỏi bất ngờ.
Tuy nhiên, dù có những sự gặp gỡ, giao thoa ấy nhưng người đẹp và người sáng tạo vẫn trở thành một đối cực khó dung hòa trong suy nghĩ của nhiều người. Đã có những thời điểm, người ta xót xa cho sự mất giá của nhà văn, của người nghệ sĩ cũng như giới khoa học trong bảng giá trị mới. Nhưng rồi, đến khi xuất hiện những "con sâu" như Hoa hậu, Á hậu và đường dây bán dâm, khi nhà văn đạo văn thì lại càng đáng buồn hơn. Cứ thế, câu chuyện về hai nhân vật của vẻ đẹp trời cho và người bị "giời đày" suốt đời đi tìm cái đẹp cứ trôi nổi mãi…
Nhà văn và giai nhân đã có lúc trở nên phù phiếm trong suy nghĩ của nhiều người. Hình ảnh nhà thơ, kẻ làm thơ, mê thơ… hiện lên méo mó, nhếch nhác trong một số tiểu phẩm hài gần đây. Các cuộc thi Hoa hậu cũng chịu chung số phận khi được mỉa mai trong các phim hài dịp Tết Nguyên đán theo kiểu người đẹp gốc đa, gốc mít.
Tiếng cười thường trực dành cho hai nhân vật ấy không chỉ còn là sự đả kích, mà đã dần dần chuyển hóa thành sự phủ định vai trò của họ trong đời sống. Bạn hãy tưởng tượng nếu mai này, trong đời sống tinh thần của một nhóm người không cần đến văn chương và cái đẹp, không còn lòng tin ở nghệ thuật và cái đẹp. Tất cả không còn, chỉ là sự khủng hoảng về tình cảm thẩm mỹ mà biết đâu còn đặt chúng ta trước nguy cơ suy thoái trong đời sống văn hóa?
Ấy vậy mà, những ngày cuối năm 2020, sau những biến động của đại dịch COVID-19, của những trận lũ lụt miền Trung, dư luận cả nước lại quan tâm đến hai sự kiện: Đại hội của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X sẽ diễn ra thế nào? Ai sẽ là người kế tiếp chèo lái con thuyền văn chương Việt Nam? Và, người đẹp nào sẽ đăng quang trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2020.
Khi nhắc tới hai sự kiện này, hẳn nhiều người sẽ tặc lưỡi: vẫn chỉ là chuyện cũ, chỉ là chiêu trò thu hút sự quan tâm của công chúng từ giới truyền thông, là sự quan tâm của nhóm người nhàn rỗi trong cuộc sống chăng? Thế nhưng, đặt trong bối cảnh hôm nay, có thể giúp ta nhận ra những thay đổi mới trong suy nghĩ:
1. Cái đẹp dù dưới hình thức nào vẫn là hạt nhân của đời sống tinh thần. Sau vầng hào quang của vẻ đẹp bề ngoài, chúng ta cần ở những Hoa hậu, ở những ngôi sao những nghĩa cử cao đẹp.
Trong truyền thống văn hóa Việt, người đẹp phải như bông hoa vừa có sắc, vừa đưa hương. Hương thơm của sự tốt đẹp ấy chính là lúc họ thể hiện sự nhân ái khi chung tay cùng cả nước chống đại dịch COVID - 19, khi ủng hộ đồng bào miền Trung, khi thể hiện lập trường về biên giới lãnh thổ…
Những việc làm đầy ý nghĩa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) và nhóm Nhân sĩ Hà Đông khi sưu tầm sắc phong, hiện vật cổ và đưa trở lại các địa phương cũng tạo nên một ấn tượng đẹp với mọi người.
2.Cái đẹp đâu phải là phù phiếm, thoát ly, lạc lõng như một vật trang trí, mà luôn nhập thế, đồng hành cùng cuộc sống. Nhà văn ngày nay không còn bó hẹp trong hình ảnh bầu rượu, túi thơ, đơn độc, lạc thời trên đường đầy gió bụi.
Nếu trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, nhà văn mặc áo lính thì ngày nay họ cũng có thể là nhà báo dũng cảm, tài năng, có nhãn quan tinh tế, dùng ngòi bút phản ánh những biến chuyển của đời sống; là một doanh nhân có đóng góp vào sự phát triển kinh tế, để rồi từ đó rút ra những chiêm nghiệm sâu sắc.
Độc giả cần nhà văn thực tế hơn, thâm nhập sâu sắc hơn vào đời sống thường nhật để thấu hiểu và viết ra những trang văn mang màu sắc tươi tắn của cuộc sống, nói thay tiếng lòng của họ. Trong khi, người ta cũng cần ở những Hoa hậu, ca sĩ, diễn viên… sự chân thành, ứng xử có tình người, giữ được sự gắn kết với công chúng. Nếu mất đi hình ảnh đẹp cũng có nghĩa là họ bị truất ngôi.
Quan niệm này không hề mang nặng giáo lý đạo đức, mà là một đòi hỏi thiết thực: Cô gái đẹp phải có việc làm chân chính, lành mạnh, phải sống bằng năng lực của mình mới có thể khẳng định và giữ gìn được danh hiệu của mình.
3. Nhà văn và Hoa hậu, vẻ đẹp của nghệ thuật và cái đẹp tự nhiên mang tình cảm xã hội sẽ vẫn cần thiết và đồng hành cùng chúng ta. Có điều, ở vào từng giai đoạn, trong từng trường hợp cụ thể lại đem đến cảm xúc, ấn tượng khác nhau. Họ phải có tránh nhiệm để bảo vệ danh tiếng, hình ảnh của mình, nhưng chúng ta cũng có một phần trách nhiệm để giữ gìn những giá trị đó. Sự lên tiếng, vai trò hướng đạo của dư luận như một sự giám sát, như lời khuyên bảo thay vì chỉ săm soi, bêu xấu họ.
Với văn chương cũng vậy, chúng ta cần gieo những hạt mầm bằng sự quan tâm, bằng thị hiếu khắt khe hơn, có tầm hơn, trước khi phó mặc việc sáng tạo như trò mua vui cho nhà văn, bắt họ trở thành những chú khỉ, chú voi rạp xiếc bị nuôi nhốt trong chiếc lồng của quan niệm cũ kĩ.
Nhà văn, Hoa hậu, cái đẹp, sự tốt đẹp… chứa đựng những giá trị sống như một cuốn sách, một bông hoa, như ly cà phê sáng bừng tràn đầy năng lượng sống… tất cả vừa gần gũi, thân quen, vừa xa xôi, chới với trong tầm tay mỗi người, bởi trong mỗi chúng ta cũng có một con người của nghệ thuật, của cái đẹp.
Để bản thân trở nên đẹp hơn trong mắt những người xung quanh, để cuộc đời như một câu chuyện có hậu, tất cả đòi hỏi ở chúng ta nỗ lực hướng tới cái đẹp, mạnh mẽ buông bỏ những mưu toan, tham vọng để cùng tạo lập nên một cuộc sống tốt đẹp hơn…
Nguồn: Văn Nghệ Công An