Chính Nguyễn Huy Thiệp đã chủ động gọi điện cho Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội lúc ấy là bà Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ủng hộ và ông đã được sự giúp đỡ của bạn bè, thủ trưởng cũ mới và được hưởng một số tiền lương khiêm tốn hàng tháng để dưỡng già.

  

Quãng trầm Nguyễn Huy Thiệp

 

UÔNG TRIỀU

 

Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tập đi sau cơn đột quỵ lần đầu. Hai mắt ông trợn trừng, hàm răng nghiến lại, tay gồng lên giữ chặt vào ghế tập đi. Hình ảnh có vẻ ngoan cường đó dường như cũng không chống nổi nỗi đau số phận của ông.

Ngày vợ ông mất, cô Trang, ông không có mặt. Nguyễn Huy Thiệp khi đó đang nằm ở nhà, liệt giường hôn mê trong lần đột quỵ thứ ba. Có nỗi đau buồn nào lớn hơn thế không. Vợ mất, chồng không biết! Mới ngày nào người vợ hiền còn chăm sóc cho ông, chịu đựng những tính nết thất thường của người bạn đời viết văn rồi bất ngờ ra đi trước. Nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh và họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng hai người bạn thân nhất của ông từng nói chuyện với nhau lúc ấy. Vợ chết, liệu Thiệp có biết không nhỉ? Có lẽ trong một vùng thức xa xôi nào đó của giao tình vợ chồng, một sợi tơ vương mỏng manh thần giao cách cảm, có thể ông biết được chăng? Ông biết thì đau buồn mà không biết thì càng thương hơn.

Thực tế ngày vợ mất, Nguyễn Huy Thiệp đang hôn mê bỗng thảng thốt mở mắt hỏi, nhà có chuyện gì mà đông người vậy. Không ai trả lời ông vì sợ một cú chấn động lớn khác sẽ làm nguy hại. Rồi như một thế lực siêu nhiên nào đấy tác động, sau ngày vợ mất, Nguyễn Huy Thiệp tỉnh dần và người con trai cả của ông đã lựa lời báo tin dữ cho ông. Thế mọi việc đã sắp xếp xong chưa? Ông cắn chặt môi khi nghe hung tin và cố hỏi câu quan trọng nhất… Người con trai thứ hai của ông tên Khoa đã kể cho tôi nghe câu chuyện mẹ mình mất ở ngoài sân, anh sợ người cha nghe thấy và thêm đau buồn. Mệt mỏi và trong trạng thái chưa hoàn toàn tỉnh táo nhưng có thể nhà văn rất nhạy cảm với những chuyện đau lòng. Những đứa con của ông rất hiểu cha mình, họ nghĩ dù trong lúc mê man nhưng với linh cảm của một người chồng và sự tinh nhạy của người nghệ sĩ, có lẽ ông đã dự cảm được nỗi đau trong nhà...

Nguyễn Huy Thiệp là người rất yêu gia đình, lần nào nói chuyện với chúng tôi về người thân giọng ông cũng chùng xuống. Ông từng bỏ rượu, bỏ thuốc lá để làm gương cho con, ông nói về những đứa con với niềm xót xa, tận tâm. Ông đã viết những bài báo kí tên khác để ủng hộ người con trai thứ nhất là họa sĩ, viết tiểu thuyết “Tuổi hai mươi yêu dấu” để tặng đứa con trai thứ hai.

Nguyễn Phan Bách là con cả của Nguyễn Huy Thiệp, anh là một họa sĩ có tiếng trong làng tranh Việt, tranh của Bách từng được bán với giá rất cao và được trưng bày ở các gallery quốc tế. Một lần khi dẫn chúng tôi lên tầng xem gia tài tranh gốm sứ của mình, Nguyễn Huy Thiệp đã nhắc nhở chúng tôi nhẹ nhàng rằng là đừng chạm vào những bức tranh của con trai ông. Ông có sự yêu quý và tôn trọng rất lớn những đứa con của mình.

Nếu ai thân với Nguyễn Huy Thiệp thì biết ông rất thích vẽ tranh trên gốm. Vì sao lại trên gốm, có lẽ trên gốm, tranh của ông sẽ được cộng hưởng thêm chất liệu từ gốm và giá trị sử dụng của chúng rất lâu bền. Ông thường mua những đồ gốm mộc từ làng Bát Tràng, vẽ tranh, đề thơ trên đó, thường là để tặng bạn bè, rồi lại kì công thuê nung ở các lò Bát Tràng và nhờ chở về. Nếu là tranh đề chữ thì ông thích nhất là thơ Bùi Giáng. Nguyễn Huy Thiệp chép khá nhiều thơ Bùi Giáng trên các tranh gốm của mình. Có lẽ nỗi đau cuộc đời và sự cô đơn của người nghệ sĩ khiến ông cảm thông và yêu mến Bùi Giáng hơn. Ngoài tranh chân dung bạn bè thì Nguyễn Huy Thiệp thích vẽ các tranh về đề tài Phật giáo, Đạo giáo.

 Khi Tạp chí Văn nghệ quân đội mời ông làm giám khảo cuộc thi truyện ngắn “Lửa mới”, ông xúc động lắm. Ông bảo tôi, sẽ làm một thứ gì đó để kỉ niệm. Ông đã vẽ mười một cái bát gốm để tặng cho những người được giải, vẽ tặng Tạp chí và tặng riêng Tổng biên tập Nguyễn Bình Phương một cái đĩa to với màu mực xanh.

Tôi hiểu phần nào sự trân trọng của ông với những tác phẩm nghệ thuật của con trai mình và niềm đam mê hội hoạ của chính ông. Nguyễn Huy Thiệp đã từng có ước mơ làm hoạ sĩ ngang bằng với giấc mơ văn chương nhưng khi từ vùng núi Sơn La trở về Hà Nội, ông đã hiểu rằng làm nhà văn thì phù hợp và đúng với sở trường của mình hơn. Nguyễn Huy Thiệp cũng giao lưu rộng rãi với giới hoạ sĩ và có lẽ niềm vui từ gia đình là đứa con trai của ông đã hoàn thành được giấc mơ hoạ sĩ thay cha.

Nguyễn Huy Thiệp điềm đạm trong cuộc sống nhưng trong văn chương thì dữ dội. Đến bây giờ tôi biết một số người vẫn còn giận Nguyễn Huy Thiệp vì ông viết bài “Trò chuyện với hoa thủy tiên” gây chấn động ngày nào. Tôi nghĩ với bài viết ấy, ông chỉ muốn khuấy động lên một chút, không ác ý hay hằn học. Một bài viết thể hiện một cách nhìn của người nghệ sĩ với một bầu không khí văn chương u buồn thiếu những đám lửa thực sự. Một người dũng cảm và có phần kiêu bạc đôi khi sẽ nhận được những phản ứng trái chiều từ đồng nghiệp cũng là điều bình thường.

Nguyễn Huy Thiệp sau khi thôi dạy học, làm vài nơi rồi xin nghỉ việc nhưng rất lâu sau ông mới được hưởng chế độ lao động. Chính Nguyễn Huy Thiệp đã chủ động gọi điện cho Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội lúc ấy là bà Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ủng hộ và ông đã được sự giúp đỡ của bạn bè, thủ trưởng cũ mới và được hưởng một số tiền lương khiêm tốn hàng tháng để dưỡng già. Nhà văn bị nhiều bệnh, trong đó có bệnh tim và cao huyết áp, ông phải uống thuốc thường xuyên và mặc dù đã đề phòng nhưng vẫn không tránh khỏi cơn bạo bệnh.

Ngày Nguyễn Huy Thiệp vào viện vì đột quỵ cũng trùng với đợt cả Hà Nội đang căng mình lo lắng cực độ với dịch Covid 19 với tâm chấn là bệnh viện Bạch Mai. Nguyễn Huy Thiệp nằm ở khoa thần kinh, nơi làn sóng dịch bùng phát. Trước đó mấy ngày tôi và nhà văn Nguyễn Bình Phương vào thăm ông trong bệnh viện, vì chỉ được một người vào thăm vì đề phòng lây nhiễm, tôi đã đứng chờ Nguyễn Bình Phương rất lâu mới thấy anh ra. Nguyễn Bình Phương bảo tôi, Nguyễn Huy Thiệp nói chuyện lâu quá, hết chuyện này đến chuyện khác và dường như ông rất muốn có người trò chuyện, muốn được nói, được nghe, được bày tỏ lòng mình.

Rồi những ngày điều trị ở nhà, ông cũng rất thèm có người nói chuyện, thỉnh thoảng ông lại gọi điện cho tôi, bảo đến chơi. Khi tôi đến thăm ông đúng lúc ông đang tập đi, ông khoe rằng sách của mình được công ty Đông A in rất đẹp. Đó là tập sách khổ lớn sang trọng, tập hợp gần như đầy đủ nhất những truyện ngắn của ông. Tôi chúc mừng và được biết riêng phiên bản ấy, tiền bản quyền sách đã được gần một trăm triệu đồng, một số tiền không quá lớn nhưng rõ ràng là kỉ lục với một tuyển tập truyện ngắn đã được in lại rất nhiều lần. Tôi cũng biết tuyển tập truyện bán rất chạy và có lúc công ty sách đã không kịp làm để bán. Những người hâm mộ Nguyễn Huy Thiệp rất đông và họ háo hức chờ đợi một bản sách sang trọng và đầy đủ nhất của một nhà văn cá tính bậc nhất của làng văn Việt.

Nhiều người chắc sẽ rất ngạc nhiên khi biết Nguyễn Huy Thiệp là người khá nhẫn nại, nể vì. Ông than phiền rằng người ta hay tiện tay vứt rác vào vườn nhà mình vì chỉ có một bức tường rào thấp ngăn cách mảnh vườn với con đường. Kể về những thứ không hài lòng, giọng ông cũng thường ở quãng trầm. Ông luôn nói với chúng tôi, làm người cha, người chồng thì phải lo cho gia đình chu đáo. Một lần rất hiếm hoi, ông nói về vợ mình, ông bảo bà ấy đã buồn nhiều rồi, lại sống cùng cô em tâm thần suốt bao nhiêu năm bà ấy dường như càng u uất hơn.

Tôi lại phóng xe vào chiếc cổng làng hiếm hoi ở làng Khương Hạ, xóm Cò, cạnh dòng Tô Lịch thăm ông. Nguyễn Huy Thiệp nằm thiêm thiếp trên giường, có một cậu y tá được thuê để giúp chăm sóc ông và thuốc thang. Tôi nói chuyện với ông và rất mừng khi ông vẫn nhận ra tôi. Tôi bảo rằng tác phẩm của ông vẫn bán chạy lắm và sắp tới nhà sách sẽ còn in những bản đẹp nữa. Trên khuôn mặt đầy khổ đau và cương nghị tôi thoáng thấy một chút giãn ra, ông nói rất khó nghe nhưng đủ hiểu: Đó là niềm vui nhất đấy!

Tôi tạm biệt ông trong một sáng mùa đông lạnh giá giữa tháng mười hai. Đã giữa trưa nhưng còn rét buốt, mặt trời đã lên cao và rực rỡ. Một hi vọng đang nhen nhóm khi tôi nhớ lại một nét vui thoáng qua rất nhanh của tác giả “Tướng về hưu”. Cuối đời Nguyễn Huy Thiệp toàn những nốt trầm buồn nhưng có thể chính bởi bè trầm buồn thương thiết ấy người ta càng quý mến và trân trọng những bùng cháy rực rỡ văn chương ông đã dâng tặng cho đời...