Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn từ Canada đã không ngần ngại Covid-19 trở về Việt Nam để tổ chức giới thiệu cuốn sách kết hợp thơ - họa “Một bến lạ” của bố mình- nhà thơ Đặng Đình Hưng
Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn là một tài danh piano người Việt nổi tiếng thế giới. Năm nay 63 tuổi, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn đã vượt qua chặng đường dài có cả nỗi lo ngại Covid-19 từ Canada về Việt Nam để được có mặt trong buổi ra mắt tác phẩm “Một bến lạ” của bố mình - Đặng Đình Hưng tại Viện trao đổi văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội vào chiều 20/1.
Bắt đầu bằng âm nhạc, với ca khúc “Mừng chiến thắng Tây Bắc” vang dội trong thời kháng chiến chống Pháp, nhưng sự nghiệp Đặng Đình Hưng (1924-1990) lại tồn tại như một nhà thơ nhiều bí ẩn. Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn là kết quả cuộc hôn nhân giữa nhà thơ Đặng Đình Hưng và Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên.
Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn cùng với người anh Đặng Hồng Quang (con riêng của nhà thơ Đặng Đình Hưng) và người chị Trần Thu Hà (con riêng của Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên) đều được học nhạc từ thuở nhỏ. Năm 1980, tên tuổi Đặng Thái Sơn bật sáng với giải nhất tại cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên Chopin diễn ra tại Ba Lan.
Suốt 40 năm qua, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn đã mang tiếng đàn piano lưu diễn khắp nơi. Thế nhưng, ông luôn có cảm giác vẫn mắc nợ người cha hào hoa và lận đận đã ảnh hưởng rất lớn đến phong cách và tình cảm của mình. Vì vậy, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn cùng với nhà thơ Hoàng Hưng, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc và họa sĩ Lê Thiết Cương quyết định hợp lại với nhau thành nhóm “tứ tấu Đặng Đình Hưng” để thực hiện chương trình nghệ thuật “Một bến lạ”.
Tác phẩm “Một bến lạ” có cả thơ và họa của Đặng Đình Hưng. Thơ của Đặng Đình Hưng vốn không dễ hiểu “Thuyền cười nghe xé lụa - ngỡ vàng ghen/ lá quyến liệng vườn ngỡ thuyền quyên” mà họa của Đặng Đình Hưng cũng cá tính không kém. Vì vậy, ấn hành và triển lãm “Một bến lạ” đáng được xem là một nỗ lực của Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn dành cho thân phụ.
Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn thổ lộ niềm vui về “Một bến lạ” của bố mình: “Mong chờ hàng thập niên, ngày này đã tới: tuyển tập thơ họa của bố Đặng Đình Hưng lần đầu được xuất bản. Cái nghiệp của bố là thơ ca và những năm cuối đời bố thích vẽ. Lối viết là lạ, tối giản với những biểu tượng, bí ẩn như đô rê mi, tới thời này còn khó nuốt, huống hồ là những thập niên 50, 60 thế kỷ trước ở miền Bắc. Bố tôi đi đứng đàng hoàng oai vệ như một ông quan võ, nhưng bên trong rất nhiều cái sợ. Cái sợ ám ảnh cả đời bố”.
NNVN