Tính đến nay họa sĩ Văn Sáng hiện diện trong các kệ sách với biên độ khá rộng. Không những sách văn học, và anh còn vẽ bìa cho nhiều thể loại sách khác nhau như từ điển, khảo cứu, lịch sử, khoa học, thiếu nhi… Nhưng hạnh phúc lớn nhất của anh là những đóng góp cho ngành văn học.
Họa sĩ đắm chìm theo những bìa sách
VƯƠNG TÂM
Tôi quen họa sĩ Văn Sáng từ cách đây hơn 30 năm. Chúng tôi thường gặp nhau tại nhà in Báo Hà Nội mới (1988-1989). Cả hai cùng làm công việc sửa lỗi bản in “Morass”. Anh là phóng viên Thông tấn xã và kiêm công việc trình bày bản tin. Văn Sáng biết vẽ từ khi bảy tuổi do một thời gian dài học ở Nhà VHNT thành phố Hà Nội. Nhưng vài năm sau anh lặng lẽ biến mất khỏi nhà in. Nghe nói anh bỏ biên chế để được đi vẽ tự do.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 1985, Văn Sáng thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp với số điểm rất cao. Nhưng rồi anh lại không vào học mà xin đi làm báo (TTX). Làm việc tốt, Văn Sáng sớm được vào biên chế cán bộ công nhân viên nhà nước (1986). Ấy vậy mà anh đã dứt áo ra đi vì đam mê hội họa.
Thời đó năm 1989, khó ai tưởng tượng được khi có một họa sĩ đã bỏ biên chế như Văn Sáng. Bởi ngày đó cuộc sống bao cấp còn đầy rẫy khó khan, nên có được biên chế là coi như có một công việc ổn định để sống. Họa sĩ Văn Sáng đến với việc thiết kế bìa sách như một sự tình cờ.
Khi ấy có một nhà xuất bản thuê anh vẽ bìa cho một cuốn sách in khá gấp. Đó là một đêm đối thoại với chính mình. Có lẽ đây là tác phẩm đầu tiên mà Văn Sáng nhận được tiền công đủ để mua gạo và đính cái tên của mình vào cuối cuốn sách. Một thập niên mới khi các nhà làm sách tư nhân được cởi trói, Văn Sáng bắt đầu cuộc mưu sinh từ đây.
Văn Sáng rất say mê văn học. Anh đọc khá nhiều và tâm đắc với những tác phẩm nổi bật trong từng tuần trên báo Văn Nghệ. Anh đã từng dốc hết cả tiền lương tháng để mua cả chục tờ Văn Nghệ số Tết có in truyện ngắn: “Sự tích ngày đẹp trời” của cố văn sĩ Hòa Vang để phát cho bạn bè. Văn Sáng rung động với câu chuyện cùng giọng văn đắm say.
Một thời đói ăn đói mặc, mua chịu từng điếu thuốc lá vào ngày đông tháng giá. Nhưng bao giờ Văn Sáng cũng danh dụm tiền mua Báo Văn Nghệ vào thứ năm hàng tuần. Anh say mê với những áng văn đẹp. Chính tình yêu văn chương ấy đã tràn vào những trang bìa thiết kế của anh sau này. Đặc biệt cái duyên làm bìa sách văn học bám riết lấy anh cho đến tận bây giờ.
Anh khoe bìa sách mới vẽ của nữ sĩ Trần Kim Hoa. Sau đó anh tuyên bố hầu hết những tác giả được giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam đa số do anh vẽ bìa. Rồi anh kể một loạt những cái tên sừng sỏ trong giới văn chương mà anh đã vẽ bìa như Tô Hoài, Kim Lân, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Trần Ninh Hồ… Rồi đó còn là Phùng Cung, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Lê Đạt… Ấy là chưa kể những lớp văn sĩ sau này như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương… Hàng ngàn cuốn sách mà Văn Sáng không thể thống kê hết. Anh đã đoạt hơn 100 giải thưởng sách đẹp trong 30 năm qua.
Tính đến nay họa sĩ Văn Sáng hiện diện trong các kệ sách với biên độ khá rộng. Không những sách văn học, và anh còn vẽ bìa cho nhiều thể loại sách khác nhau như từ điển, khảo cứu, lịch sử, khoa học, thiếu nhi… Nhưng hạnh phúc lớn nhất của anh là những đóng góp cho ngành văn học.
Chả thế đến nay Văn Sáng đã gắn tên anh với Nhà Xuất bản Hội Nhà văn tới 7 đời giám đốc. Anh hồ hởi kể tên từng người. Nào là các nhà văn Vũ Tú Nam, Nguyễn Kiên, Ngô Văn Phú. Rồi mới đến Nguyễn Phan Hách, Trung Trung Đỉnh, quyền Giám đốc Trần Quang Quý. Và giờ đây là Giám đốc Nguyễn Quang Thiều. Họa sĩ Văn Sáng xác lập kỷ lục với số lượng 10.000 bìa sách và là người vẽ bìa sách văn học nhiều nhất hiện nay.
Chúng tôi gặp nhau trong một buổi sáng xuân về tràn ánh nắng của năm 2021. Tôi đã từng được anh vẽ mấy bìa sách hồi giữa thập niên 90. Đến nay mới nhất là tập thơ chọn in vào quý IV năm 2020. Biết bao câu chuyện cùng những ký ức tràn về. Với mỗi tác giả Văn Sáng đều có những gắn bó và kỷ niệm khó quên.
Anh thường có thói quen mỗi khi vẽ bìa đều đọc kỹ bản thảo và tìm đến tác giả tâm sự để biết thêm những ý tưởng tác phẩm. Đó có khi chỉ là những câu chuyện vui về đời sống, hay thói quen của mỗi nhà văn, nhưng đều đem lại cho họa sĩ Văn Sáng những cảm xúc trào dâng mỗi khi ngồi vào bàn vẽ.
Anh chợt nhớ có lần thiết kế một bìa sách rất khó. Đó là cuốn sách “Người công giáo cộng sản”. Đây là cuốn sách viết về cuộc đời của tướng Trần Tử Bình. Một câu chuyện về một nhân vật lịch sử. Tên sách đã được duyệt và đã có kế hoạch xuất bản. Tất cả chỉ còn chờ họa sĩ vẽ bìa là triển khai in.
Như một bản năng hết sức nhạy cảm trong đầu họa sĩ đã hiện lên một vòm mái nhà thờ cong cao vút được mở ra và phía trước là một vầng dương chiếu sáng. Chẳng bao lâu hình hài bìa sách đã được hiện lên long lanh với sắc đỏ mặt trời cùng mái nhà thờ cổ kính.
Nhưng rồi sau đó Văn Sáng đọc thêm mấy chương sách nói về cuộc đời của tướng Trần Tử Bình. Đó là những chiến công và sự đóng góp của người chiến sĩ cách mạng xuất thân là một người công giáo. Đặc biệt những phần phân tích tâm lý nhân vật cùng với những nếp sống sinh hoạt cộng đồng của người công giáo đã gây ấn tượng cho tâm hồn họa sĩ.
Văn Sáng thao thức suốt đêm để tìm ra cái tứ mới với hình tượng nghệ thuật đầy biểu cảm. Anh muốn vẽ cái mới để thay bìa sách đã làm. Bất chợt trong đêm mơ một cây nến đỏ được thắp lên. Ngọn lửa cháy sáng trong sự ẩn hiện của tâm hồn người công giáo. Bởi mỗi khi làm lễ người công giáo thường dùng nến trắng. Vậy cây nến đỏ được cháy lên với ngọn lửa là ý chí của người chiến sĩ cộng sản công giáo một lòng thiết tha với sự nghiệp cách mạng. Hình tượng cây nến đỏ như một điểm nhấn tư tưởng cho cuốn sách và nhân vật lịch sử.
Cuốn sách thứ hai mà họa sĩ Văn Sáng vẫn còn nhớ mỗi khi nghĩ đến cố nhà văn Tô Hoài. Anh kể lần đó vẽ xong bìa sách “Chiều Chiều” vội mang đến cho nhà văn Tô Hoài xem ông có ưng không. Đây là cuốn hồi ký đậm chất văn học của nhà văn Tô Hoài. Khi nhận bản thảo về, Văn Sáng đọc liền một mạch và rất say sưa với nhiều chương đoạn văn tinh tế. Vừa đọc vừa cảm nhận tác phẩm và sẽ hình dung nó ra sao.
Đột nhiên một hồ sen tàn hiện lên với những ngó sen lúp xúp dưới tán lá sen khô vàng. Họa sĩ Văn Sáng vội cầm lấy bút vẽ. Một cảm giác buồn mênh mang cho dù đây là sự giao thoa của thời gian chuẩn bị cho một vụ sen mới. Vẽ xong hứng khởi lắm. Văn Sáng mong muốn cho sự chia sẻ và đồng cảm với tác giả. Sau khi xem nhà văn Tô Hoài mủm mỉm cười tán thưởng.
Thì ra nhà văn Tô Hoài có tên cúng khai sinh là Nguyễn Sen. Sau đó ông chỉ góp ý nên cho một hình bát sen vào tranh tô đậm cho một sự chuyển mùa đầy chất thơ. Họa sĩ Văn Sáng nghe xong liền vỗ đùi khoái chí. Anh nói bìa sách này được giải thưởng còn có công của nhà văn Tô Hoài nữa đó.
Sau đó họa sĩ Văn Sáng còn kể cho tôi cả một kho chuyện những bìa sách đã bị loại bỏ và thay thế chỉ vì không chiều theo ý người khác. Bởi theo anh bìa sách có thể coi đó là gương mặt của tác phẩm. Nó gắn bó với tư tưởng thẩm mỹ của tác phẩm văn học. Nó đồng hành với tác phẩm như một thực thể thống nhất.
Bìa được coi là biểu tượng nhằm tôn vinh tác phẩm. Có người ví von bìa sách như chiếc áo khoác cho một cơ thể, nếu đẹp nó sẽ tôn vinh dáng vóc. Lại có người khẳng định bìa sách là một tác phẩm nghệ thuật tổng hợp giữa hội họa với thư pháp.
Vậy nếu bìa sách đẹp và ưa con mắt thì nội dung tác phẩm như được tôn lên và lôi cuốn người đọc. Nói đến đây họa sĩ Văn Sáng chợt nhớ đến hình tượng mà anh vẽ tranh bìa cho tuyển tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Anh lấy hồn vía của truyện ngắn “Sang Sông” để vẽ cho cuốn sách.
Đó là một chiệc bình trôi trên sông. Một chiếc bình cổ nửa chìm nửa nổi bập bềnh giữa bến nước sông mênh mang và nhiều ẩn ức. Đó là một trong những bìa sách mà họa sĩ tâm đắc và luôn nhớ đến nó như ánh sáng của cây nến đỏ rạo rực sự sống lan tỏa ngày nào.