“Cô đơn chính là sự vinh quang của tác phẩm. Mỗi tác phẩm thể hiện một cuộc hành trình liên tục mà mỗi một người đọc sẽ làm công việc đẩy nó đến gần hơn chút nữa niềm cô đơn tuyệt đối kia…”- Huỳnh Phan Anh.

 

Huỳnh Phan Anh: Những định đề định mệnh

TỪ NGUYÊN THẠCH

 

1.

Nhận định, phê bình của Huỳnh Phan Anh không phải để vuốt ve mà để tranh luận. Có tranh luận mới đi đến tận cùng, rốt ráo của vấn đề.

Trong tiểu luận- phê bình Hành trình của tác phẩm (NXB Đồng Tháp, 1972), ông mở đầu: “Có lẽ không ai phủ nhận rằng người ta viết ra để được đọc”. Ông đưa ra một nhận định như một định đề hiển nhiên, không bàn cãi để dẫn dụ người đọc. Nhưng vào không gian ngôn ngữ của ông rồi, bạn khó bề thối lui. Bởi ông tiếp tục đặt ra nhiều định đề buộc bạn phải suy nghĩ hoặc tranh luận. Ông viết: “Viết trước tiên là một hành vi phủ nhận”. Một đình đề rất Huỳnh Phan Anh. Tất nhiên ông cất công giải thích để thuyết phục bạn định đề của ông là có lý. Bạn phản pháo đây không phải định đề, mà là vấn đề, do đó phải có tranh luận. Thì đó, bạn đã sập bẫy. Ông muốn bạn tranh luận để đẩy vấn đề đến tận cùng. Ai thắng ai thua, chưa biết nhưng biết chắc là ông đã thành công.

Trong Hành trình của tác phẩm, ông đưa ra nhiều định đề như vậy. Chẳng hạn, “Tác phẩm là một định mệnh”; “Tác phẩm là nơi gặp gỡ giữa người viết và người đọc. Đó chỉ là cách nói thông thường, thô thiển. Đúng ra là không có sự gặp gỡ. Cũng không có sự cảm thông… Tác phẩm không là nơi gặp gỡ, chỗ hẹn hò”. Ông nêu vấn đề: “Đâu là chỗ đứng của văn chương? Nó ở trong hay ngoài đời sống. Nó thuộc phần ánh sáng hay bóng tối, đêm hay ngày, tiếng động hay im lặng, hữu thể hay vô thể, không hay có, thừa nhận hay phủ nhận, thiên nhiên hay lịch sử, bề trái hay bề mặt, thực tại hay phi thực tại,…”. Rồi ông dẫn đến định đề: “Bởi tự nó văn chương nếu có phải chăng là ở giữa những thực hữu đối nghịch trên kia, ánh sáng và bóng tối, đêm và ngày, có và không,…. Nghĩa là nó không ở một nơi nào. Nghĩa là nó ở tất cả mọi nơi. Nó đứng trên biên thùy gặp gỡ giữa đời sống và cái chết...”.

Có lúc ông viết theo mạch cảm xúc tuôn trào: “Cô đơn chính là sự vinh quang của tác phẩm. Mỗi tác phẩm thể hiện một cuộc hành trình liên tục mà mỗi một người đọc sẽ làm công việc đẩy nó đến gần hơn chút nữa niềm cô đơn tuyệt đối kia, ở đó không còn tác giả cũng không còn người đọc, chỉ còn lại sự khẳng định tự nó không khẳng định gì, không có gì để khẳng định. Ghê gớm thay cho không có gì của văn chương, chữ nghĩa. Dường như một vũ trụ đang bắt đầu với nó.”

Cũng như vậy, trong tác phẩm Văn chương và kinh nghiệm hư vô (NXB Hoàng Đông Phương, 1968), bạn sẽ gặp vô số định đề rất Huỳnh Phan Anh. Những định đề luôn tạo không khí tranh luận. Những tác phẩm của Huỳnh Phan Anh luôn làm cho bề mặt của đời sống phê bình nổi sóng và điều đó đã làm nên tên tuổi ông.

 

2.

Nhưng Huỳnh Phan Anh còn được biết đến là một dịch giả lớn. Những tác phẩm văn xuôi ông chọn dịch đều tiêu biểu cho mỗi tác giả đươc dịch, chứng tỏ ông có con mắt tinh tường. Nhưng được đánh giá cao hơn là bản dịch của ông luôn trung thành với cốt truyện mà vẫn giữ được vẻ đẹp văn chương và sự sâu lắng của mạch chữ.

Trích đoạn tiểu thuyết Bãi hoang (La Côte Sauvage) của Jean-René Huguenin (NXB Đồng Nai, Dtbook tái bản) do ông dịch: “... Đêm rình rập họ với những tiếng động của nó - hơi thở xa xôi mơ hồ của biển, tiếng gãy của một cành cây, tiếng một loài chim vụt vỗ cánh bay về phía đồng hoang dưới kia, và nhất là tiếng gáy ngột ngạt chập chờn của những con dế mèn…”

Một trích đoạn khác trong tác phẩm Chuông gọi hồn ai của Ernest Hemingway (NXB Văn Học): “… Chàng quỳ xuống bên dòng nước, đẩy khẩu súng lục tự động chạy dài theo thắt lưng đến bên hông để khỏi ướt, nghiêng xuống giữa hai kẽ đá, hai tay chống lên đó và uống nước ngay ở dòng suối. Nước lạnh đến tê miệng...”

Nhưng qua bản dịch những tác phẩm thơ mới thấy ông mang một tình yêu bao la với văn học. Một trái tim đập nhịp cùng cảm xúc thơ ca. Điều đó lý giải vì sao ông dịch và chú giải hết thơ Arthur Rimbaud trong cuốn Rimbaud toàn tập (NXB Văn nghệ, 2006) dày ngót gần 650 trang trong điều kiện làm việc vô cùng thiếu thốn. Ông bộc bạch: “Rimbaud toàn tập là ước mơ từ lâu, dầu biết công trình không đơn giản khi mà lẽ ra nó phải là công trình tập thể, càng không đơn giản khi bịnh ập đến giữa ngổn ngang những trang bản thảo, tưởng chừng là một kết thúc sớm, không riêng gì cho số phận cuốn sách…”

Đọc bài Con tàu say trong Rimbaud toàn tập, ta bắt gặp những câu thơ ám ảnh:

… Bước lãng du đôi khi phải mệt lả

Trôi tròng trành trong tiếng khóc biển cả

Dâng lên tôi những bông hoa âm u

Tôi ở lại, như một người nữ đang quỳ…

Và run lên vì vẻ đẹp của chữ:

… Buổi chiều ngát hương một chú bé buồn

Thả con tàu như cánh bướm tháng năm…

Vâng, chỉ có một tình yêu lớn mới giúp ông có thể dịch những câu chữ thăng hoa như thế!

 

3.

Nhưng đừng quên Huỳnh Phan Anh còn là một người sáng tác, cả văn xuôi và thơ. Những tác phẩm Người đồng hành (tập truyện, Đêm Trắng xuất bản 1969), Những ngày mưa (truyện vừa, Đêm Trắng xuất bản), Phía ngoài (tập truyện, viết chung với Nguyễn Đình Toàn, NXB Hồng Đức) và Ngọn lửa đìu hiu (truyện) lần lượt ra đời trong một khoảng thời gian không dài cho thấy sức sáng tạo của ông thật đáng nể.

Với những người yêu thơ, họ còn thích thú nhận ra ông là một nhà thơ cách tân với thể thơ tư do. Vâng, lối tư duy thơ và câu chữ của ông đem lại sự mới mẻ đáng kinh ngạc, chỉ tiếc là ông viết không nhiều. Dưới đây là một trong những bài thơ hiếm hoi của ông: Ánh sáng cong. Hãy chú ý tư duy thơ, hình tượng thơ.

Ngày cong xuống trên lối đi

Qua đồ vật đóng băng

Lời nói như đá cuội

Rơi tỏm vào đáy sâu

Và ai khóc cô đơn

Trong đông đảo hồn mình

Thời gian rụng trên xác lá

Trơ lại tôi và cây

Nơi ngưỡng mùa đông

Một vòm lá khác

Theo con nước ngọc ngà của ánh bạc

Xác lá cùng cỏ khô

Ôm bước chân tôi

Và tôi ngủ

Giấc ngủ cuộn tròn ẩm ướt

Rơi vào khoảng trống

Rơi vào sự rơi rụng

Và khởi đầu, khởi đầu.

Những câu thơ dồi dào xúc cảm của ông đã mách bảo về một hồn thơ đích thực. Không thể không trích dẫn thêm bài Câu thơ và con đường:

Bước chân không còn đường trở lại

Nhưng về đâu khi

Con đường chỉ là lối đi

...

Tôi già cỗi tôi ngu ngơ tôi biết gì

Khi bến bờ thoáng hiện

Đã lùi xa

Và ngưỡng cửa

Đã là một chân trời khác.

Phải chăng khi ta chạm tới

Cái đẹp đã thành tro than.

Trong căn phòng đổ nát giờ đây

Tôi thắp lên ngọn lửa

Giọt lệ thăng thiên

Với hình tôi cười rũ

Trong lá khô

Cây thời gian màu trắng.

Ngọn lửa hay mảnh vụn linh hồn tôi

Đang tàn lụi,

Đang hồi sinh.

Đường đi câu thơ

Qua bao niềm đau xé

Qua bao đống tro tàn

Tìm tới vương quốc

Là nắm đất hoang vu

Hứa hẹn một kỳ sinh nở mới.

Không nghi ngờ gì nữa, vẻ đẹp mê hoặc của thơ ca nói riêng và văn học nói chung đã quyến dụ ông. Từ cầm phấn ông cầm thêm cây bút. Từ bục giảng yên lành ông rấn bước lên chiếc cầu văn chương mặc sóng vỗ rập rình. Ông đến với văn chương và ở lại. Nhưng có những chiều ngồi bên dòng đời, vẫn gặp ở ông trong giọng nói, trong cách sống một nhà giáo điềm đạm. Ông thường nói hãy sống đàng hoàng trước đã trước khi muốn làm một nhà văn. Có lẽ vì vậy mà tôi càng kính trọng ông!