Nhà phê bình Đinh Quang Tốn cho rằng: Hội nhập với thế giới là phải mang Nguyễn Du ra với thế giới. Phải xây dựng nền lý luận văn chương mang phong cách Việt Nam trên nền tảng truyền thống, phải “Việt hóa” nền lý luận văn chương Mỹ, văn chương phương Tây; chứ không phải là mang những tập thơ “Tây hóa” ra đọ với họ.

 

Nghĩ về bản sắc dân tộc trong văn chương

ĐINH QUANG TỐN

 

Nguyễn Du và thời đại

“Người thơ phong vận như thơ ấy” - câu thơ đó cứ ám ảnh tôi từ khi tôi biết yêu văn chương. Trong tôi, đã là văn chương thì phải sáng, phải đẹp; đã là nhà thơ nhà văn thì phải thanh cao, sang trọng. Trong dân gian đã có câu “rất nên thơ” là để chỉ những sự tích hay, những câu chuyện đẹp. Sự tích hay, câu chuyện đẹp tiêu biểu của nước ta, ấy là Truyện Kiều. Dẫu câu chuyện Kim Trọng - Thúy Kiều khởi thủy từ Trung Quốc, nhưng cụ Nguyễn Du chỉ dựa vào cái tích ấy thôi, chứ cụ đã tạo ra Kim Trọng và Thúy Kiều hoàn toàn Việt Nam rồi. Cả Kim Trọng và Thúy Kiều đều đẹp từ vẻ đẹp bề ngoài đến tâm hồn, đạo đức. Chàng Kim xuất hiện dưới buổi chiều xuân ấy thật lộng lẫy:“Một vùng như thể cây quỳnh cành giao”. Còn Thúy Kiều cùng Thúy Vân đã được cụ Nguyễn yêu quý tả bằng một câu thơ như tạc, như khắc để sống mãi với thời gian: “Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”...

Nói theo ngôn ngữ lý luận thì đại thi hào Nguyễn Du đã “Việt hóa” câu chuyện Kim Trọng - Thúy Kiều. Chỉ một thành công này thôi cũng đủ để cụ Nguyễn trở thành thiên tài, sống mãi cùng non sông đất nước. Vì sao vậy, bởi cụ Nguyễn khi ấy chỉ sáng tạo một mình, chưa có ai dẫn dắt tư tưởng, chưa có các viện văn học chỉ cho về mặt lý luận là làm sao hình tượng và ngôn ngữ văn chương, cũng như các phương diện khác đều phải đậm đà bản sắc dân tộc. Có thể nói, đại thi hào Nguyễn Du đã một mình một ngựa đi trước thời đại hàng mấy trăm năm khi “thổi” vào Kim Trọng - Thúy Kiều những tâm hồn Việt. Bởi vì cho đến tận ngày nay, khi đã có sự dẫn dắt về tư tưởng, khi đã có Viện nghiên cứu Văn học từ hơn nửa thế kỷ, mà còn rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, nhà nghiên cứu đã làm ngược lại, là “Tây hóa” tâm hồn Việt, phong cách Việt mà đáng nhẽ điều phải làm là “Việt hóa” những phương pháp lý luận, phong cách sáng tác từ phương Tây, từ Mỹ.

Nền văn chương hiện đại Việt Nam nói riêng, nền văn hóa Việt Nam nói chung đang vật lộn giữa hai xu hướng “Tây hóa”, “Mỹ hóa” và xu hướng giữ vững nền văn hóa Việt. Dẫu hội nhập kinh tế là xu hướng tất yếu không thể cưỡng lại, thì văn hóa văn chương nghệ thuật mỗi dân tộc vẫn phải riêng biệt. Bất kỳ ai đã làm văn chương nghệ thuật đều biết phong cách riêng của mỗi nhà văn, mỗi nghệ sĩ là điều quyết định sự thành công. Thế thì phong cách dân tộc cũng là điều quyết định của mỗi nền văn chương nghệ thuật. Việt hóa văn hóa nước ngoài hay là Mỹ hóa, Tây hóa văn hóa Việt không khó trả lời nhưng khó thực hiện. Một gương mặt lai không bao giờ là đại diện cho dân tộc Việt Nam. Không bao giờ hoa hậu Việt Nam lại là một thiếu nữ mắt xanh, tóc vàng cả, dẫu “mắt xanh, tóc vàng” cũng đẹp.

Tôi rất trân trọng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Nhưng về văn hóa, Việt Nam là một nền văn hóa riêng. Chúng ta không kỳ thị các nền văn hóa khác, nhưng họ là họ và ta là ta. Với niềm tin này, tôi chắc chắn rằng những sáng tác văn chương nghệ thuật “Tây hóa”, “Mỹ hóa” sẽ chết yểu, còn Truyện Kiều đã “Việt hóa” thì sẽ mãi mãi xanh tươi ngay cả trong thời kỳ hội nhập. Bằng chứng là Truyện Kiều đang được dựng phim, làm nhạc kịch, diễn cải lương... với những công nghệ hiện đại.

Với những suy nghĩ trên tôi càng thấy cụ Nguyễn Du lừng lững. Cụ là đại thi hào thì đã được thế giới công nhận rồi. Cụ còn là một anh hùng khi dám tố cáo, phê phán chế độ phong kiến, làm vua Tự Đức tức giận đòi đánh ba trăm roi. Cụ còn là nhà tư tưởng đi trước thời đại khi đã “Việt hóa” cả văn hóa nước ngoài... Tôi thấy chúng ta dựng tượng Nguyễn Du còn ít quá, mặc dù tôi vẫn hiểu tượng đại thi hào Nguyễn Du đã được dựng trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, từ đời này sang đời khác. Đó cũng là “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”...

Hội nhập với thế giới là phải mang Nguyễn Du ra với thế giới. Phải xây dựng nền lý luận văn chương mang phong cách Việt Nam trên nền tảng truyền thống, phải “Việt hóa” nền lý luận văn chương Mỹ, văn chương phương Tây; chứ không phải là mang những tập thơ “Tây hóa” ra đọ với họ. Ở điểm này tôi thấy chúng ta còn rất lúng túng. Xu thế “Tây hóa”, “Mỹ hóa” rất có thể sẽ tràn bờ nếu cứ để những nhà nghiên cứu lý luận cổ vũ cho nó, còn những nhà lý luận phê bình khác biết mà im lặng. Biết mà im lặng là có tội. Rồi lịch sử văn chương sẽ hỏi, nói như Béctôn Brếch: “Sao các nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình lúc ấy lại cứ lặng im?”.

 

Chìa khóa phê bình văn chương?

Hơn hai chục năm trước tôi có đọc một bài viết của nhà thơ Phạm Tiến Duật kể chuyện nhà thơ Xuân Diệu đưa cho anh tập tiểu thuyết Mái Tây (Tây sương ký của Vương Thực Phủ có lời bình của Kim Thánh Thán do Nhượng Tống dịch) và nói rằng: Chìa khóa của phê bình văn chương nằm cả ở trong đấy. Là một người mới viết phê bình ở tỉnh lẻ, tôi thực sự mong muốn được biết chiếc "chìa khóa" ấy, nhưng không làm sao tìm được. Vì vậy, tôi cứ làm phê bình văn chương theo ý mình. Rồi cũng có bạn đọc, cũng được khích lệ. Nhưng khao khát tìm chiếc chìa khóa thần của phê bình thì tôi không hề nguôi ngoai.

Chuyển về Hà Nội, khi có điều kiện gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật (năm 2007, trước khi anh mất một thời gian), tôi có hỏi cụ thể về tập sách ấy, sao không thấy tái bản? Anh liền đọc thuộc lòng ký hiệu của tập sách ở Thư viện Quốc gia. Gần đây, tôi đã có trong tay toàn bộ lời bình của Kim Thánh Thán về tập tiểu thuyết Mái Tây. Đọc lời dẫn và lời bình mấy chương đầu, tôi đã toan không đọc nữa, bởi chẳng thấy có gì đáng chú ý cả. Tôi nghĩ Xuân Diệu và Phạm Tiến Duật cũng chỉ tán vậy thôi. Nhưng rồi tôi lại nghĩ những vĩ nhân dù nói đùa cũng phải có một điều gì đấy. Và tôi lại đọc tiếp một cách kỹ lưỡng. Khi đọc xong, nghĩ kỹ tôi đã ngộ ra: Phải chăng Xuân Diệu và Phạm Tiến Duật đã tìm ra chìa khóa của phê bình văn chương, đó là phê bình văn chương không có chìa khóa nào cả? Ngẫm lại lời đại thi hào Nguyễn Du: "Mới hay không chữ chính là chân kinh" (Tài tri vô tự thị chân kinh) và danh nhân Trương Triều (sinh năm 1650, đời Thanh, Trung Quốc): "Có đọc được cuốn sách không chữ mới có những câu nói kinh nhân" (Năng độc vô tự chi thư phương khả đắc kinh nhân diệu cú).

Với phê bình văn chương thì không có chìa khóa cụ thể nào cả chính là chiếc chìa khóa vạn năng của phê bình. Đọc lại Kim Thánh Thán bình thơ Đường và bình các tập tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, thì thấy đúng như vậy. Bình mỗi tác phẩm, Thánh Thán lại có một chìa khóa riêng, một phương pháp riêng. Vì vậy tôi rất nghi ngờ những sách dạy về phương pháp phê bình và phương pháp sáng tác. Đúng rồi, phương pháp là cách thức tiến hành để làm ra kết quả. Vậy lại có một phương pháp để sản xuất ra tác phẩm văn chương và phê bình văn chương ư?

Kim Thánh Thán bình thơ Đường và tiểu thuyết cổ điển, tôi không thấy ông bám vào tác phẩm là mấy. Cứ thấy ông nói đẩu đâu. Nhưng dù nói đẩu đâu nó vẫn có một sợi dây liên hệ và giống như đứng ngắm tác phẩm từ xa, nên có thể thấy đầy đủ, toàn vẹn hơn. Khác với các nhà phê bình của ta lâu nay cứ chăm chắm vào tác phẩm, phân tích mổ xẻ một cách quá kỹ lưỡng làm nát cả tác phẩm mà không rút ra được điều gì thật hữu ích. Phân tích tác phẩm chỉ để phân tích tác phẩm thôi. Thánh Thán phân tích tác phẩm là trong tương quan với cõi đời, phân tích một tác phẩm là để thấy nhiều tác phẩm khác.

Đọc Tùy Viên thi thoại của Viên Mai, thì hơi khác một chút. Viên Mai có những nhận xét rất cụ thể về từng nhà thơ và thơ của họ. Những nhận xét xác đáng rất riêng, tức là làm hiện rõ khuôn mặt từng người, đặc điểm thơ của từng người. Nhưng Viên Mai cũng không phân tích, mổ xẻ cụ thể, mà nhận xét bình giá tác phẩm trong một chỉnh thể trọn vẹn.

Đọc những lời bình của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam, thấy hàm súc mang phong cách phương Đông, gần với những lời bình từ trong di sản của ông cha ta. Sau này Hoài Thanh bình thơ cũng không kiệm lời nữa, nên thường loãng hơn.

Không có chìa khóa của phê bình, thì đúng rồi. Nhưng phong cách phê bình thì vẫn có. Nhiều nhà phê bình văn chương của ta, tôi thấy phong cách không thật rõ. Và cả nền phê bình văn chương thì phong cách nghiêng về phương Tây hơn là giữ được cốt cách phương Đông. Có thể các phương pháp phê bình thì phù hợp với các nền văn chương phương Tây nhưng không phù hợp với các ngôi đền văn chương phương Đông. Phê bình còn lệ vào phương pháp thì không thể cất cánh lên được. Còn một tác phẩm phê bình hay tự nó đã chứa tất cả các phương pháp ở trong đó rồi. Có phải vậy chăng mà thế kỷ XX, sau Hoài Thanh với Thi nhân Việt Nam, chúng ta không có tác phẩm phê bình và nhà chuyên làm phê bình nào lớn nữa.