Ba truyện Kiếm sắc; Vàng lửa; Phẩm tiết thành một chùm. Anh viết chặt chẽ, chắc chắn, cứng cáp, tiết kiệm, như viết sử. Có lẽ anh học ông Tử Trường viết liệt truyện. Những nhân vật anh dựng lên đều sống động: Đặng Phú Lân, Ngô Thị Vinh Hoa, Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du. Đọc Nguyễn Huy Thiệp, mà cứ tưởng như đọc Sử Ký của Tư Mã Thiên
BÚT PHÁP NGUYỄN HUY THIỆP
TRƯƠNG CHÍNH
“Tướng về hưu”, truyện ngắn đầu tay của anh, vừa in trên báo đã được nhiều người chú ý. Ai cũng chờ anh viết tiếp. Thế rồi Muối của rừng, Kiếm sắc, Vàng lửa… xuất hiện. Đến Phẩm tiết thì vấp. Có người nói đến chữ “tâm” chữ “tài”. Hẵng khoan. Có hơn mười truyện của anh tập hợp lại đây (Những ngọn gió Hua Tát, Nxb. Văn hóa, 1989), thử nhìn xem sao.
***
Truyện của Nguyễn Huy Thiệp hấp dẫn thật. Đã không đọc thì thôi, đọc thì phải đọc hết, không muốn bỏ đoạn nào. Đọc một lần, đọc hai lần, vẫn còn sợ sót chi tiết nào đó, lơ đãng mà nhảy qua. Người ta nói: Văn hay là thứ văn chịu sự đọc lại. Thế thì văn Nguyễn Huy Thiệp đạt tiêu chuẩn ấy rồi!
Có một nhận xét chung. Anh bước vào làng văn mà hình như không muốn “làm văn chương”. Anh chỉ viết những điều anh muốn nói, chỉ ghi chép những điều anh suy nghĩ, những điều mắt thấy tai nghe một cách trung thực, hồn nhiên. Chúng ta đến với anh không sợ bị lừa. Người sống với văn chương thường sợ văn chương, sợ sự nhàm chán của văn chương, sự giả dối của văn chương. Verlaine từng hô hoán: “Văn chương, hãy vặn cổ nó đi!” (Littérature, tords lui le cou!). Văn chương Nguyễn Huy Thiệp không mắc cái tệ ấy.
Hẵng xem từng mảng một, bắt đầu từ mảng dân gian: Những ngọn gió Hua Tát. Cuộc đời dun dủi đưa anh đến một bản nhỏ người Thái đen. Dân ở đó kể cho anh nghe một số chuyện cổ; anh đem kể lại với chúng ta, như những người sưu tầm văn học dân gian kể chuyện cổ Chàm, Tây Nguyên, Tây Bắc. Có khác là anh không sa đà vào chi tiết, không để chi tiết che lấp ý nghĩa của chuyện. Anh tỉa bớt cành lá rườm rà, để lại cái lõi. Tưởng như thế thì khô khan, nhưng không! Hiệu quả ngược lại, chúng ta càng thấm thía lời anh nói lúc vào đề: “Những chuyện cổ ấy nói nhiều đến nỗi đau khổ con người, nhưng chính hiểu rõ những đau khổ ấy mà ở trong ta nảy nở ra sự sáng suốt, đạo đức, lòng cao thượng, tính người”. Thật ra, những chuyện anh kể cũng giống chuyện cổ các dân tộc ít người khác mà các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được bao lâu nay, nhưng hoặc vì họ ham chi tiết, hoặc vì họ muốn “làm văn chương”, thành ra dài dòng, lê thê, muốn tìm cho ra ý nghĩa, nhiều khi mất công quá. Đằng này, anh kể ngắn gọn, mỗi truyện một hai trang là cùng. Ý nghĩa dù ẩn sâu ở trong cũng dễ nhìn thấy. Chúng ta có cảm tưởng như nhặt được từng vụn vàng cốm, không phải đãi đất cát. Chúng ta cũng có thể kể chuyện cổ của người Kinh hay người Thượng như Nguyễn Huy Thiệp kể chuyện cổ người Thái đen ở Hua Tát. Viết lại, không thêm tình tiết mới, nhân vật mới, biến cố mới, chỉ lựa chọn, tước bỏ, tô đậm, làm mờ nhạt, nâng cao những cái có sẵn, làm nổi bật những tư tưởng phù hợp với thời nay, “vắt lấy ý nghĩa từ sự kiện” (Gorki) sẽ được như Nguyễn Huy Thiệp với Những ngọn gió Hua Tát. Rõ ràng, anh không “làm văn chương” mà đạt được hiệu quả của văn chương.
Mảng hồi ức, kỷ niệm, có cái “tôi” trữ tình, thì bút pháp của anh mềm mại, nhuần nhị. Những chuyện thời niên thiếu để dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn trẻ thơ của anh là những chuyện ly kỳ, quái đản, gần với huyền thoại. Chuyện “con trâu đen” nửa đêm từ dưới đáy sông lao lên mặt nước, toàn thân bóng nhẫy, đôi sừng vút cao, mõm thở phì phì, phi trên mặt nước như phi trên cạn, nước dãi tựa như trứng cá, ai may hớp được có sức lực phi thường, bơi lặn dưới nước giỏi như tôm cá (Chảy đi sông ơi!). Chuyện “mẹ cả”, một chuyện ma như hồi còn nhỏ ai cũng từng nghe kể (Con gái thủy thần). Rồi chuyện đánh cá mòi, chuyện những người đánh cá có lệ không cứu người chết đuối, chuyện vật nhau, đánh nhau, chuyện tìm ra sự thật về “mẹ cả”, v.v. Về nghệ thuật hai truyện này, Nguyễn Huy Thiệp không trội hơn các nhà văn khác. Anh đi vào một mảng đề tài mấy lâu không ai khai thác, nên thấy lạ. Anh kể thành thực, hồn nhiên, ngây thơ. Nói anh không “làm văn chương” với ý nghĩa đó. Điều đáng ghi nhận là anh có nhiều cách viết khác nhau, tùy đề tài. Không phải chỉ có một.
Truyện Muối của rừng không phải hồi ức, kỷ niệm nữa. Anh kể chuyện người khác, chuyện ông Diểu săn khỉ. Cũng thuộc loại chuyện lạ, chuyện đường rừng, có nhiều đoạn ly kỳ, lý thú, gây hồi hộp rồi lại gây cười. Cuối cùng người đi săn mất cả súng ống, mất cả áo quần, trở về trần truồng như người nguyên thủy! Chuyện đường rừng xưa nay vẫn là đề tài hấp dẫn. Trước cách mạng, Thế Lữ, Lan Khai thường hay khai thác, bây giờ Nguyễn Huy Thiệp lại đi vào nẻo này. Chuyện hấp dẫn nhưng không có ý nghĩa nhiều như người ta tưởng. “Muối của rừng”, cái đầu đề ấy không mang ý nghĩa biểu trưng gì, chỉ là tên một loài hoa rừng, hoa tử huyền, cứ ba chục năm mới nở một lần, hoa màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm. Nguyễn Huy Thiệp dạy học ở Sơn La nhiều năm, chắc anh còn có nhiều chuyện như thế mà kể.
Nhưng mảng truyện đời thường của anh mới thật sự làm mọi người ngơ ngác. Tướng về hưu, Huyền thoại phố phường, Không có vua, ba truyện cùng một bút pháp. Bút pháp ở đây là ghi chép, ghi chép thật khách quan. Truyện phản ánh tâm lý hai lớp người, hai thế hệ. Họ vẫn thương yêu nhau, kính trọng nhau, nhưng không hiểu nhau. Mâu thuẫn âm thầm nhưng gay gắt. Người này thì nghĩ đến lý tưởng, đến đạo đức, người kia thì điềm nhiên chạy theo cuộc sống; đạo đức, lý tưởng là chuyện xa xôi, viển vông; chỉ có cuộc sống thực tế trước mắt là thật, những đòi hỏi hàng ngày là hệ trọng.
Không có vua cũng bút pháp ấy. Cũng cảnh ngộ một gia đình ghi chép trong bảy mẩu: 1/ Gia cảnh; 2/ Buổi sáng; 3/ Ngày giỗ; 4/ Buổi chiều; 5/ Ngày Tết; 6/ Buổi tối; 7/ Ngày thường. Chọn bảy khoảnh khắc tiêu biểu của một cuộc sống trải dài.
Huyền thoại phố phường không ghi chép kiểu ấy nữa, nhưng trình bày dồn dập, chuyện xảy ra đột ngột, bất ngờ, chỉ trong nháy mắt, không theo logic bình thường, tưởng vô lý mà lại hợp lý.
Với ba truyện này, ngòi bút của anh lạnh lùng đến tàn nhẫn. Anh phản ánh cái tiêu cực, không đau xót, cũng không nhằm mua vui. Thấy thế nào, nghe thế nào, ghi lại thế ấy, một cách khách quan. Nói theo Stendhal định nghĩa về tiểu thuyết, đó là “một tấm gương đi dạo giữa phố phường” (un miroir qui se promène dans la rue) nó phản chiếu tất cả những gì nằm trong tầm của nó. Đã từ lâu, chúng ta quen đòi hỏi nhà văn phải tỏ thái độ khi phản ánh, tìm giải pháp cho những vấn đề đặt ra. Xem bệnh thì phải cho thuốc. Anh không làm như thế, có lẽ vì vậy mà người ta ngờ cái “tâm” anh chăng? Thật ra, anh không thể làm khác. Cũng như chúng ta, anh cảm thấy bất lực trước cảnh đạo đức xuống cấp nhanh chóng dường kia ở trong những gia đình khác nhau, từ thượng lưu (Huyền thoại phố phường), trí thức (Tướng về hưu), dân lao động (Không có vua). Dù anh có muốn làm một nhà “kỹ sư tâm hồn” thì cũng chỉ có thể chắp vào câu chuyện một cái đuôi giả mà thôi! Cho nên cuối Tướng về hưu, người con ghi chép hồn nhiên: “Vợ tôi tiếp tục công việc bình thường”, nghĩa là tiếp tục xay thai nhi nuôi chó béc-giê, “kinh doanh chó thu lợi lớn, khoản thu này trội nhất trong nhà”. “Tôi đã hoàn thành công trình nghiên cứu điện phân”. Anh ta chỉ quên không ghi chuyện anh ta phải chiều bà vợ đảm đang ấy, về mọi mặt. Cái câu vợ anh ta nói vẫn còn văng vẳng bên tai: “Anh thôi hút thuốc Ga-lăng đi! Năm nay nhà mình hụt thu hai mươi bảy nghìn, chi lạm mười lăm nghìn, cộng là bốn mươi lăm nghìn”, trong lúc đó, lương bác sĩ kỹ sư của vợ chồng anh ta cộng lại chỉ bằng phần tư số tiền ấy, đủ ăn mươi ngày là cùng! Việc nuôi chó béc-giê, anh ta làm ngơ đã đành, mà chuyện vợ anh ta ngoại tình với “cậu Khổng” nào đó, anh ta cũng làm ngơ nốt. Rồi anh ta lại “dắt xe máy ra đường lang thang khắp phố cho kỳ hết xăng”. Thế thôi. Đó là logic nghiệt ngã của cuộc sống.
Không có vua còn lạnh lùng, tàn nhẫn hơn nữa. Gia đình này vừa lao động trí óc, vừa lao động chân tay. Người không có đạo đức nhất lại là người có học hẳn hoi, “học đại học, làm việc ở Bộ Giáo dục”! “Không có vua” tức là không có tôn ty trên dưới, cha không ra cha, con không ra con, anh không ra anh, em không ra em. Cha con chửi nhau, anh em đánh lộn nhau. Bố chồng nhìn trộm con dâu tắm. Em trai đòi ngủ với chị dâu. Mất dạy nhất lại là cái anh “học đại học, làm việc ở Bộ Giáo dục” (!) Cha bị bệnh ung thư, nó mở miệng nói: “Ai đồng ý bố chết giơ tay! Tôi biểu quyết nhé!” Nhà này, khi mọi người đi làm vắng thì thôi, khi tụ họp lại là y như có chuyện. Họ ăn nói với nhau nghe rợn cả người! Nguyễn Huy Thiệp tô đen phải không? Không. Anh nói: “Xin đừng nghĩ tôi viết bịa như thật, bởi vì tôi viết rất thật” (“Gặp gỡ và trao đổi với Nguyễn Huy Thiệp”, Tạp chí Văn học, số 5-6/1988). Đó là chuyện đời thường, chuyện đầu đường góc phố. Chúng ta tránh, làm ngơ như không biết, không thấy, không nghe. Anh không tránh, không làm ngơ. Im lặng là có “tâm” hay nói lên là không có “tâm”?
Huyền thoại phố phường cũng ghê rợn không kém. Gia đình bà Thiệu là gia đình “thượng lưu”. Chồng làm việc ở nước ngoài, con trai du học, con gái học tiếng Anh cho qua thì giờ. Bà Thiệu từ “một bà bán ốc trở thành triệu phú buôn vàng”. Không biết họ làm ăn bất chính bất lương kiểu nào mà giàu có nhanh chóng đến thế? Ngày trước buôn bán, dù “nhất bản vạn lợi” cũng phải mươi, mười lăm năm mới nổi; ngày nay chỉ trong chốc lát. Họ coi đồng tiền như rác. Đi xích-lô cũng bạc nghìn, bằng tiền một công chức lương thiện nhận trong một tháng! Rất dễ biết tâm lý bọn người sống trên tiền bạc này. Hạnh, một tên lưu manh, nghèo mà nhiều tham vọng, muốn giàu nhanh, thành đạt nhanh (?) đã đoán trúng bệnh hai mẹ con bà Thiệu. “Hạnh thấy rõ ràng biểu hiện của thứ căn bệnh của người giàu: bệnh buồn chán. Tình trạng no đủ ngồi rồi đẻ ra bệnh ấy. Cả hai mẹ con đều thấy dấu hiệu của thứ tì vết hư hỏng đạo lý, thứ tì vết mơ hồ có thể cảm thấy mà khó diễn đạt bằng lời. Nó ở ánh mắt, nụ cười, ở ngay trong cách trang phục áo quần của họ”. Và hắn đã hành động, hành động một cách liều lĩnh, chớp nhoáng, đểu cáng, không ai đoán trước được. Hắn “nằm” với bà Thiệu ngay trên đi-văng, và bắt bà bảo cô con gái đưa cho hắn tấm vé xổ số mà bà đã dày công đi cầu thần phật phù hộ cho bà trúng độc đắc! Với tên lưu manh ấy, phạm tội như thế còn nhẹ. Hắn có thể nằm với bà Thiệu rồi nằm với cả cô con gái bà, hoặc có thể cầm dao đến dọa bà mà lấy của. Chuyện đời thường mà như “huyền thoại”! Nhưng là chuyện trong Nam ngoài Bắc, đăng nhan nhản trên báo Công an, An ninh. Nội dung các sách “vụ án” đều như thế đấy! Đạo đức xuống cấp, vàng bạc càng làm cho xuống cấp nhanh hơn, đưa đến những tấn bi hài kịch đau lòng. Đạo đức phong kiến hết vai trò, đạo đức xã hội chủ nghĩa chưa có nền tảng. Thế là “biến”! Phản ánh tiêu cực trực diện như thế hơn, hay là vuốt ve, che giấu hơn? Lỗ Tấn nói “Trương mắt mà nhìn” để tìm cách cứu chữa hơn là “vùi đầu vào cát như con đà điểu”.
Mảng lịch sử có năm truyện: Chút thoáng Xuân Hương; Giọt máu; Kiếm sắc; Vàng lửa; Phẩm tiết. Đây là lĩnh vực của anh. Anh học sử, dạy sử. Những vấn đề liên quan đến việc viết truyện lịch sử phải tôn trọng sự thực lịch sử mức nào, hư cấu mức nào, chắc anh không lạ. Năm truyện này cũng có ba cách viết khác nhau. Chút thoáng Xuân Hương hoàn toàn hư cấu. Anh không dùng tư liệu trực tiếp hay gián tiếp nào ngoài mấy câu thơ của nữ sĩ. Anh đưa ra ba mẩu phác thảo, không phải về nữ sĩ mà về ba nhân vật phụ: Tổng Cóc, tri phủ Vĩnh Tường, và Chiêu Hổ. Ba mẫu phác thảo này cũng vẽ ba cách, chứng tỏ anh hư cấu khá thành thạo. Trí tưởng của anh luôn luôn thay đổi, không chịu theo một khuôn. Có thể đoán anh định viết một cuốn tiểu thuyết chính nữ sĩ; trước khi bắt đầu, vui tay anh thử bút, vẽ vài mẫu như thế. Anh có nói anh “chưa bao giờ nghĩ mình là nhà tiểu thuyết” (bài dẫn trên), nhưng xem ba mẫu phác thảo này, thấy anh có dáng dấp một nhà viết tiểu thuyết chính cống.
Giọt máu là chuyện một dòng họ, dòng họ Phạm ở Kẻ Noi, huyện Từ Liêm, viết kiểu biên niên, trải qua năm đời, từ đời cụ cố Phạm Ngọc Liễn đến Tâm, giọt máu cuối cùng. Một trăm năm, từ năm Canh tý (1840) đến năm Bính dần (1986), dồn trong 14 chương ngắn choán 17 trang in. Ngắn gọn mà đầy đủ, chi tiết, có khi rất chi tiết. Anh lấy câu thơ Tú Xương “Đem chuyện trăm năm trở lại bàn” làm đề từ. Không rõ anh định rút ra điều gì? Cuộc đời là trò đùa chăng? Là tấn kịch kéo dài chăng? Số mệnh chăng? Hay anh muốn chứng minh rằng chúng ta mong mỏi về con cháu mai sau, chỉ là chuyện hão? Anh không triết lý. Anh cứ phản ánh đúng những sự việc xảy ra. Anh kể nhiều nhất về Phạm Ngọc Chiểu, đời thứ ba, tri huyện Tiên Du, sống vào nửa cuối thế kỷ XIX, và chuyện Phạm Ngọc Phong (đời thứ tư), sống khoảng những năm ba mươi trước cách mạng. Đó là những trang có thể sánh với những trang văn chương hiện thực phê phán của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan. Đáng chú ý là anh tạo được không khí lịch sử, không hề lầm lẫn thời đại khi dựng lại bối cảnh và nhắc lại lời ăn tiếng nói của nhân vật. Đức tính ấy, không phải ngòi bút nào cũng có.
Ba truyện Kiếm sắc; Vàng lửa; Phẩm tiết thành một chùm. Anh viết chặt chẽ, chắc chắn, cứng cáp, tiết kiệm, như viết sử. Có lẽ anh học ông Tử Trường viết liệt truyện. Những nhân vật anh dựng lên đều sống động: Đặng Phú Lân, Ngô Thị Vinh Hoa, Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du. Đọc Nguyễn Huy Thiệp, mà cứ tưởng như đọc Sử Ký của Tư Mã Thiên. Nhưng Tư Mã Thiên, tư liệu chất đầy “nhà đá rương vàng”, còn Nguyễn Huy Thiệp, chỉ có mỗi một “tư liệu cổ” ông Quách Ngọc Minh trao cho. Cứ cho là có ông Quách Ngọc Minh và tư liệu cổ đó. Cả ba truyện đều hay. Nhưng chính ba truyện này lại bị chê nhiều nhất. Nhất là về ba nhân vật lịch sử: Gia Long, Quang Trung, Nguyễn Du. Thật ra, anh xây dựng ba nhân vật này theo anh quan niệm. Tất nhiên, người khác có thể xây dựng cách khác theo một quan niệm khác. Đành rằng sử sách nói về họ khá nhiều, nhưng cũng chỉ phản ánh có một vài khía cạnh, chứ không trọn vẹn. Cho nên hình ảnh chúng ta có về họ cũng chỉ là những hình ảnh vẽ theo một công thức nào đó mà thôi. Không thể nói hình ảnh nào là “như họ đã từng sống”. Về những nhân vật đó, Nguyễn Huy Thiệp không phá những nét cơ bản. Gia Long vẫn là ông vua dựa vào thế lực nước ngoài, nhiều mưu lắm kế, tàn nhẫn đối với những người từng giúp mình. Quang Trung vẫn là ông vua đánh tan hai mươi vạn quân Thanh, một vị anh hùng dân tộc. Nguyễn Du vẫn là nhà thơ có tài, giàu lòng nhân đạo. Giữ được những nét cơ bản ấy rồi, anh muốn hư cấu như thế nào là tùy anh. Gia Long, Quang Trung mê gái, sử sách đều còn chép. Đoạn anh hư cấu về Nguyễn Du, qua bút ký người Pháp tên là Phăng, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, không bị “sốc”. Đoạn nói về ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc với văn hóa Việt Nam, tôi lại thấy hay:
“Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp…”.
Cứ kiểm tra lại mà xem, không có gì sai trái, lệch lạc. Vả chăng, đó là ý kiến của một người nước ngoài. Cách ví von ấy đúng là cách ví von của người Pháp. Viết tiểu thuyết lịch sử như thế mới hay. Không thể bắt nhân vật nói đúng ý nghĩ của chúng ta, với cách diễn đạt của chúng ta. Mà dù chính anh có nghĩ thế, diễn đạt thế, cũng chẳng làm sao. Văn chương mà bắt buộc phải có một cách suy nghĩ, một cách diễn đạt, thì thành văn chương công thức, văn chương giáo điều. Quý hồ tôn trọng cái cơ bản, còn để cho người ta hư cấu, sáng tạo. Tinh thần đổi mới trong văn nghệ phải như thế.
Riêng về Phẩm tiết, người ta quy cho Nguyễn Huy Thiệp hai tội: 1/ Bất kính với vị anh hùng dân tộc Quang Trung, dùng lời ám chỉ định “hạ bệ thần tượng”; 2/ Nói tục.
Về điểm 1, Nguyễn Huy Thiệp chưa bất kính bằng Tư Mã Thiên với Cao tổ hoàng đế (ông nội Hán Vũ đế, đương kim hoàng thượng). Tư Mã Thiên còn lôi ông nội đương kim hoàng thượng thời hàn vi ra mà nói là “lưu manh”, “vô lại”, “thích rượu”, “thích gái”, tiếp Chu Xương mà điềm nhiên ngồi ôm Thích Cơ trên đùi, trật mũ nhà nho đái vào để làm sỉ nhục họ! Tôi không tin Nguyễn Huy Thiệp định ám chỉ hạ bệ thần tượng nào. Chắc anh bị nghi oan.
Về điểm 2, thì quả trong văn chương, Nguyễn Huy Thiệp thường không tránh cái tục. Gặp cái tục, anh cứ gọi tên ra, một cách hồn nhiên. Các nhà văn hiện thực phê phán cũng hay nói tục như Nguyễn Huy Thiệp. Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, trong thơ ca, cũng từng văng tục. Còn Hồ Xuân Hương thì chẳng phải bàn nữa! Không có từ tục, từ quý tộc, từ bình dân, từ thanh, chỉ sợ không đúng chỗ mà thôi.
***
Nguyễn Huy Thiệp còn hai ba truyện nữa đăng rải rác đây đó, không có sẵn trong tầm tay, nhưng với bấy nhiêu truyện, cũng đủ để đưa ra một nhận định về anh. Anh có một óc quan sát tinh vi, một trí tưởng tượng dồi dào luôn luôn thay đổi, một vốn sống khá phong phú, một cách nhìn đời nhìn người không theo khuôn sáo, một bút pháp đa dạng, khi trữ tình, khi khách quan, khi huyền ảo, khi chân thực, hồn nhiên, không làm duyên làm dáng, không “làm văn chương”. Anh viết về quá khứ cũng được mà viết về hiện tại cũng được. Anh đủ khả năng soạn một cuốn tiểu thuyết dài bề thế. Hãy tìm hiểu anh rồi theo khả năng của anh mà bồi dưỡng thêm, làm cho anh yêu cuộc đời hơn, tin tưởng vào con người hơn. Như thế mới phải./.
1990
Nguồn: Facebook Lại Nguyên Ân