Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới - WHO chính thức tuyên bố dịch Covid-19 đã bùng phát với quy mô toàn cầu. Vậy bạn nghĩ gì về 365 ngày đã trôi qua với không ít hoang mang và ái ngại?
Theo tính toán của mạng “Worldometers.info” trong khoảng một năm qua trên khắp hành tinh đã có hơn 118 triệu người “giáp mặt trực tiếp” với virus corona. Hơn 2 triệu 600 ngàn người đã tử vong. Đồng thời cũng đã có gần 100 triệu người được chữa khỏi bệnh.
Chúng ta cũng đã biết được nhiều điều về căn bệnh truyền nhiễm này. Nhưng lại cũng còn rất nhiều điều chúng ta chưa tỏ tường. Theo xác nhận của các chuyên gia WHO hiện chí ít còn tới 5 “điều bí ẩn” của virus corona mà chúng ta còn chưa khám phá ra. Ví dụ, khi diễn ra đợt lây nhiễm đầu tiên, Bel Embarek- người dẫn đầu chuyến đi vào tháng 2/2021 đến Trung Quốc, trên tạp chí “Nature” đã đau đầu với câu hỏi: Trường hợp Covid- 19 chính thức được ghi nhận đầu tiên vào ngày 8/11/ 2019 tại thành phố Vũ Hán, trong hoàn cảnh không người dân nào đi đâu ra ngoài thành phố cả. Nói chính xác hơn, ngày ấy có một người biểu hiện triệu chứng của căn bệnh sau này làm rung chuyển cả thế giới.
Thế nhưng, Ben Emberek và các đồng nghiệp của ông ghi nhận thêm trong tháng 11/2019 tại Vũ Hán đã có chí ít ra là cả ngàn người mắc bệnh, lớn hơn rất nhiều con số được công bố vào thời điểm đó. Có nghĩa là virus corona đã xuất hiện sớm hơn. Vậy con số thực sự người lây bệnh vào tháng 11/ 2019 là bao nhiêu? Tại sao vào thời điểm ấy không hề có lời khẳng định nào? Dù cho có mọi nỗ lực của các nhà khoa học, vẫn không thể tìm ra nổi chứng cớ ngay cả của các giả thuyết.
Cho đến tận hôm nay, vẫn chưa tìm ra một loại thuốc nào bảo đảm chữa trị có hiệu quả tính truyền nhiễm của virus này. Trong khi đó thì vaccine phòng ngừa Covid-19 đã được chế biến, đăng ký và tiêm chủng cho trên hàng triệu người
SARS-CoV-2 có thể không chỉ lây lan giữa người với người, mà còn có thể sống và lây truyền trực tiếp với những gia súc mà con người nuôi (thậm chí cả với cá nuôi trong các bể cá cản ). Những người đang làm việc ở các sở thú cũng có thể bị lây nhiễm.
Nhiều thông tin loan truyền chu kỳ của bệnh dịch có thuyên giảm: trong tuần này số người mắc bệnh chỉ tăng khoảng 2%. Nhưng trong tuần lễ trước tỷ lệ đó còn thấp hơn, khoảng 1%. “Có khoảng phân nửa nước trên thế giới có số ca lây nhiễm mới giảm thiểu, nhưng ở nửa phần còn lại con số ca lây nhiễm lại tăng lên”- WHO ghi nhận tình hình như vậy. Việc lây nhiễm Covid-19 hiện nay vẫn đang tăng trưởng ở châu Phi, Trung Cận Đông và châu Âu.
Đối với chúng tôi và các bạn- những người dân bình thường, thì tình hình một năm vừa qua được ghi nhận, tuyệt nhiên không phải ở những con số lươn lướt chạy qua trên những bảng thống kê. Đối với chúng ta, một năm vừa qua thực sự là năm của vô vàn kinh nghiệm đã được gom tích. Nhiều người đang trên con đường thăng tiến công danh bỗng dưng nếm trải mùi vị của việc bị thải hồi. Nhiều người khác ở độ chín của tài năng, đang chinh phục có hiệu quả những quy trình kỹ thuật mới mẻ, bỗng nhiên bị giam hãm trong vòng cách ly, trở thành bảo mẫu, u già cho con, cho cháu. Lần đầu tiên hàng triệu gia đình lâm vào hoàn cảnh mặt đối mặt tại một căn hộ trong vài tuần cách ly. Có cảm giác như chúng ta chỉ sống với những nhu cầu ít ỏi nhất của con người! Nói cho đúng thì đôi khi những nhu cầu ấy cũng nhỉnh hơn đôi chút !
Trong hoàn cảnh cách ly, lẽ đương nhiên, chúng ta được ngủ đẫy giấc. Ai trong số chúng ta được “dạo mòn gót giày” trong các cuộc du lịch không thể nào quên qua các gian phòng của các viện bảo tàng lớn nhất trên thế giới- đó là câu chuyện trên thực tế đã xẩy ra ở nửa phần đời về trước. Trong cuộc chiến đấu với nỗi chán chường, sự mệt mỏi của bản thân, khi tự nguyện tham gia vào cuộc thi đua đi bộ trong phòng, những ai đây đang thực sự mài mòn gót giày trên sàn nhà trong chính căn hộ của mình? Những vận động viên đầy hăng hái trên những đường đua vài chục cây số nay đang cuồng cẳng trong các khoảng cách vài mét. Ai đó đã tăng trọng trong những cuộc “dạo chơi” từ di-văng tới chiếc tủ lạnh? Có hai người bạn của tôi, cuối cùng cũng tìm ra thời gian và khả năng gầy đi vài chục ký. Và bước ra khỏi “nhà tù của lũ corona” trong những tấm vải sạch, trắng tinh quấn chặt. Nhiều bạn tôi còn ghi nhớ mãi hình ảnh những toa tàu điện ngầm Moskva trống huê trống hoắc trong những ngày đại dịch hoành hành, khi trong toa tàu bạn có thể đi lại trong nỗi cô đơn hoàn toàn. Còn tôi thì nhớ tới bức ảnh của một đám cưới diễn ra bất đắc dĩ vào thời kỳ cách ly: cô dâu và chú rể khẩu trang bịt gần kín mặt giữa tiếng hò reo: “Hôn nhau đi! Hôn nhau đi!”.
Bạn còn ghi nhớ được điều gì nữa trong cái năm Covid này? Hãy viết ra đây, tham gia cùng chúng tôi trong bài viết tôi đã khơi mào. Chúng ta đợi những câu chuyện muôn hình muôn vẻ nhất- về những chiến công và những nỗi thất vọng của bạn, về những kỷ lục và những thất bại, về những thói quen và những cách ứng xử mới xuất hiện ở gia đình bạn trong thời kỳ đại dịch covid.
Hãy ghi lại tất cả và chúng ta chắc cũng sẽ dễ gặp nhau với nhận định chung này: Đại dịch Covid-19 diễn ra 365 ngày nhưng đã làm chúng ta sẽ thay đổi mãi mãi!
(Theo báo “Sự thật Thanh niên Nga” ra ngày 11 tháng Ba /2021)
TÔ HOÀNG chuyển ngữ