Chuyên gia thủy lợi Phan Khánh ở tuổi 87 ra mắt tiểu thuyết “Khu tập thể bờ sông” do Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành, gồm 2 tập với hơn 600 trang in, viết về Hà Nội từ sau ngày giải phóng thủ đô đến thời đổi mới
Chuyên gia thủy lợi Phan Khánh sinh năm 1934 tại Hương Sơn - Hà Tĩnh. Chuyên gia thủy lợi Phan Khánh không chỉ là một kỹ sư cao cấp, mà còn là một cây bút uy tín trong ngành nông nghiệp. Về nghề nghiệp được đào tạo, ông có những cuốn sách gối đầu giường cho những ai muốn tìm hiểu về ngành thủy lợi, như “Bác Hồ với thủy lợi”, “Chinh phục những dòng sông”, “Doanh nhân thủy lợi” hoặc “Hồ Dầu Tiếng - Lịch sử một công trình”.
Chuyên gia thủy lợi Phan Khánh rất hứng thú với văn chương. Từ năm 1962, ông đã có tiểu thuyết “Làng ven đê” được công chúng đón nhận. Dù cuộc đời trải qua những thăng trầm khác nhau, ông vẫn lặng lẽ viết, ông vẫn miệt mài viết. Đó là một thái độ vừa nghiêm túc vừa ân cần với chữ nghĩa.
Nhìn ở góc độ sáng tạo, tác giả Phan Khánh có hai mảng đề tài nổi bật. Thứ nhất, ông khai thác kiến thức thủy lợi của mình để chuyển hóa thành tác phẩm, ví dụ tiểu thuyết “Người đào kênh Vĩnh Tế” hoặc tiểu thuyết “Tráng sĩ Ngàn Trươi”. Thứ hai, ông chưng cất đam mê nghiên cứu lịch sử của mình để đưa vào trang văn, ví dụ tiểu thuyết “Thanh gươm kẻ sĩ” hoặc tiểu thuyết “Đỗ Thích kỳ án”.
Tuy nhiên, chuyên gia thủy lợi Phan Khánh còn có một thế mạnh nữa là trí nhớ siêu phàm. Những vùng đất ông từng đi qua, những con người ông từng gặp, những sự vật ông từng thấy… đều được sắp xếp ngăn nắp và trật tự trong từng ngăn kéo ký ức của ông. Vì vậy, mỗi lần Phan Khánh mở ngăn kéo ký ức thì từng câu chuyện nối nhau bước vào văn chương. Sau “Hoàn chỉnh sai” và “Làng quê buồn vui thương nhớ” thì chuyện đời ngọt đắng lại tiếp tục được ông đưa vào bộ tiểu thuyết hai tập “Khu tập thể bờ sông” do NXB Tổng hợp TPHCM vừa ấn hành.
Thật khó tìm thấy một người ở tuổi 87 mà vẫn hoạt bát và minh mẫn như chuyên gia thủy lợi Phan Khánh. Ông xài điện thoại thông minh một cách sành điệu, và ông mỗi ngày vẫn ngồi trước máy tính để gõ vài giờ đồng hồ. Hơn 600 trang sách của tiểu thuyết “Khu tập thể bờ sông” chỉ viết trong vòng một năm. Từng chi tiết, từng hình ảnh, từng quan hệ… cứ lần lượt hiện ra, vừa cồn cào réo gọi, vừa bồi hồi nhắc nhở.
Tác giả Phan Khánh
Tiểu thuyết “Khu tập thể bờ sông” có cả thảy 7 chương, miêu tả cuộc sống Hà Nội từ sau ngày giải phóng Thủ đô đến giai đoạn đổi mới đất nước. Nhân vật chính Hân là một trí thức quê choa đã dự phần vào bối cảnh ấy, háo hức dự phần, ngỡ ngàng đón nhận và lắm phen bẽ bàng chịu đựng những sự đổi thay của thế sự, những sự trái ngang của lòng người.
“Khu tập thể bờ sông” là một không gian sinh động bởi những con người bình thường, không cao sang và cũng không thấp hèn. “Khu tập thể bờ sông” nằm giữa hai thái cực “trong đê” và “ngoài đê”. Tác giả Phan Khánh miêu tả “trong đê là phố xá xây cất khang trang đẹp đẽ, đường đi lối lại rải nhựa phẳng lỳ, tuy còn lưu lại nhiều kiến trúc cổ nhưng cũng rõ nét văn minh” và “ngoài đê là thế giới của những kẻ dưới đáy xã hội, làm thuê, phu phen, con đòi con ở hạng dưới không được ăn ngủ trong nhà của chủ”.
Tuy nhiên, cái sự êm ả của “Khu tập thể bờ sông” cũng bao phen sóng gió khi sự tham lam của một vài viên chức thúc thủ trước cám dỗ vật chất và quyền lực. Cuống cuồng với danh lợi, người tốt và người xấu chỉ còn lằn ranh mong manh, cái cao thượng im lặng trước cái đê hèn, cái trung thực sợ hãi trước cái tinh quái, cái trong trắng ngã quỵ trước cái suy đồi. Cũng may, nhân vật chính Hân và nhiều người tử tế khác, vẫn chọn ngõ hẹp bình yên của riêng họ. Gắng gượng tồn tại, bền bỉ lao động và khao khát vươn lên.
Chuyên gia thủy lợi Phan Khánh không hề có tham vọng trở thành nhà văn, hay được xưng tụng bởi tác phẩm kiểu nọ kiểu kia. Ông viết với mục đích rất đơn giản là chia sẻ những câu chuyện của đời mình, để giới trẻ hôm nay hiểu thêm những ngày cha ông đã nếm trải, đã thành công và đã va vấp ra sao. “Khu tập thể bờ sông” không thua kém gì một bộ phim tài liệu đặc sắc về một thời gian khó mà kiêu hãnh, về một thời xót xa mà hồn nhiên.
Mỗi chương của tiểu thuyết “Khu tập thể bờ sông” được đặt một cái tên riêng. Mở đầu là “Hà Nội năm nao” rồi tiếp đến “Trường cao đẳng giao thông công chính”, “Chào 61, đỉnh cao muôn trượng”, “Rất anh hùng giữa thế kỷ 20” và khép lại “Bốn ngàn năm ta vẫn là ta”. Mỗi chương có thể đứng riêng thành một tác phẩm, nhưng cộng lại với nhau thì phác thảo được một giai đoạn khó quên của dân tộc.
TUY HÒA