Đọc “Mổ nhà văn”, giới cầm bút không khó nhận ra những nhân vật phiếm chỉ có nguyên mẫu đời thường của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà phê bình Vương Trí Nhàn… Vở kịch “Mổ nhà văn” gồm 9 hồi, cho thấy một thời văn đàn cũng sóng gió dữ dội.

 

 

Tiểu luận “Trò chuyện với hoa thủy tiên và sự nhầm lẫn của nhà văn” được Nguyễn Huy Thiệp công bố vào dịp xuân Giáp Thân 2004, và gây ra cuộc tranh luận sôi nổi. (Sau khi đưa lại bài này vào tập “Giăng lưới bắt chim”, Nguyễn Huy Thiệp đã cắt đi vài đoạn gay gắt nhất). Nhiều ý kiến phản ứng với Nguyễn Huy Thiệp, trong đó có bài “Ngẫu hứng qua mây gió” in trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội tháng 4/2004, với hình thức đối thoại giữa Trần Đăng Khoa và Nguyễn Văn Thọ.

“Ngẫu hứng qua mây gió” giống như giọt nước tràn ly của một nỗi ấm ức từ phía Nguyễn Huy Thiệp. Vở kịch “Mổ nhà văn” xuất hiện với bút danh Thích Thiện Ngân. Dĩ nhiên, ai cũng biết do Nguyễn Huy Thiệp viết, nhằm đối thoại bằng cách khác với những người công kích mình.

Đọc “Mổ nhà văn”, giới cầm bút không khó nhận ra những nhân vật phiếm chỉ có nguyên mẫu đời thường của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà phê bình Vương Trí Nhàn…

Vở kịch “Mổ nhà văn” gồm 9 hồi, cho thấy một thời văn đàn cũng sóng gió dữ dội. Và đó cũng là không khí sôi động mà bây giờ không còn nữa.

Vở kịch “Mổ nhà văn” chả có giá trị nghệ thuật gì, chỉ đủ để cười chua chát về sự kiện “hoa thủy tiên”. Thực sự, Nguyễn Huy Thiệp rất cay đắng vụ “hoa thủy tiên”. Sau này, trong truyện ngắn “Quan Âm chỉ lộ”, Nguyễn Huy Thiệp cũng nhắc đến “hoa thủy tiên” với không ít ngậm ngùi.

Xin giới thiệu lại “Mổ nhà văn”, để nhớ rằng Nguyễn Huy Thiệp đã rời xa văn đàn, rời xa những đua chen thế tục, rời xa trường văn trận bút gió tanh mưa máu.

 

 

 

Lời nói đầu

Tôi biết nhà văn Nguyễn Huy Thiệp 15 năm nay. Từ nhà tôi sang nhà anh không xa lắm. Những khi rỗi rãi, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn hay sang nhà nhau chơi.

Dịp Tết Nguyên đán năm nay (năm Giáp Thân, 2004), Nguyễn Huy Thiệp có vẻ bồn chồn khác thường. 29 Tết, Nguyễn Huy Thiệp sang nhà tôi, anh rủ tôi đi chợ hoa trên đê Yên Phụ. Anh có vẻ thích mấy chậu hoa mai vàng Ðà Lạt nhưng khi biết giá tiền, anh lại tần ngần bỏ đi. Một chậu hoa mai vàng “chơi được" giá cũng phải tới 100 đô la, số tiền này có vẻ xa xỉ với anh - một nhà văn quèn quen sống thanh đạm (đấy là căn cứ trên sự quan sát của tôi).

Tôi nài Nguyễn Huy Thiệp mua tặng tôi một cành đào Nhật Tân mà tôi lựa chọn. Anh đồng ý nhưng không tỏ ra thích cành đào “của tôi" (thị hiếu thẩm mỹ của hai chúng tôi khác nhau: anh thiên về vẻ đẹp thực dụng, còn tôi thì thích những vẻ đẹp tình cảm). Chia tay nhau chúng tôi chúc nhau những điều tốt lành và hẹn gặp lại vào “năm mới", vào ngày mồng 3 Tết. Người bán hoa tặng anh một giò hoa thủy tiên vì thấy anh mua cành đào cho tôi với giá “hớ" khác thường.

Sáng mồng 3 Tết, Nguyễn Huy Thiệp lại đến nhà tôi. Chúng tôi đi chơi xa, lên vùng núi Kim Bôi - Hòa Bình, bỏ lại sau lưng “cửa Ðông Hoa chốn Kinh thành toàn là bụi bặm". Trong chuyến đi, anh hầu như chỉ nói những suy nghĩ của anh về văn học. Ít lâu sau, tôi thấy những suy nghĩ đó được in trong bài “Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn".

Cả Nguyễn Huy Thiệp và tôi đều không ngờ “bài báo" (mà có người coi đó là những tiểu luận văn học đặc sắc) lại gây ra một cuộc tranh luận văn học sôi nổi như vậy, trong đó thấy có không ít những ý kiến phản bác lại anh. Trong mấy tháng trời, ở các công sở và ở các quán cà-phê sành điệu Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, sáng nào người ta cũng bàn tán về “sự kiện hoa thủy tiên". Các bài viết trên báo chí “chính thống" và trên mạng Internet được đưa ra phân tích, thảo luận. Có thể nói, rất lâu trên lĩnh vực sinh họat văn học ở Việt Nam mới lại có một cuộc “ẩu chiến" dữ dội đến thế. Nguyễn Huy Thiệp được đưa ra mổ xẻ. Bạn đọc chẳng khó khăn gì không nhận ra những “đường dao nhát kiếm" đầy ác ý chĩa vào anh. Một mặt khác, người ta cũng nhận ra những thiện ý và những lời trao đổi tích cực đối với văn học.

Nguyễn Huy Thiệp theo dõi tất cả những ý kiến quanh “sự kiện hoa thủy tiên". Tôi rất ngạc nhiên vì thấy anh luôn tỏ ra bình tĩnh, không hề tỏ ra khó chịu trước những ý kiến phản bác lại mình. Anh nói:

“Trường văn trận bút. Chuyện ấy là thường.»

Tôi không tán thành (có lẽ vì tôi còn trẻ và do đó, tôi khá nóng nảy), tôi chỉ ra những đoạn “tiểu khí" và vu khống, ác ý trong nhiều bài viết, tôi đề nghị Nguyễn Huy Thiệp trả lời nhưng anh chỉ cười, lắc đầu. Anh nói: «Thực ra, trong toàn bộ những ý kiến phản bác tôi, đa số đều tầm thường, không ngại. Chỉ riêng ở trường hợp Trần Ðăng Khoa thì có lẽ cần phải đối thoại.»

Tôi hỏi vì sao? Anh bảo:

«Anh hãy tự nghĩ lấy.»

Tôi về tôi nghĩ như sau:

Trần Ðăng Khoa là một thần đồng, anh là một nhà thơ có “thiên nhãn". Cũng như Nguyễn Huy Thiệp, có thể coi Trần Ðăng Khoa là một “người giời"... ảnh hưởng xã hội của Trần Ðăng Khoa rất lớn. Thái độ của Trần Ðăng Khoa với văn học có ảnh hưởng nhất định đối với nhiều thế hệ bạn đọc. Ðáng lẽ, anh ấy không nên trò chuyện với Nguyễn Văn Thọ về Nguyễn Huy Thiệp. Trần Ðăng Khoa cũng không nên “đứng trong đội ngũ" những người phản bác Nguyễn Huy Thiệp trong “sự kiện hoa thủy tiên" mới phải.

Nguyễn Huy Thiệp cũng ngại “đụng chạm" (ngay cả với Trần Ðăng Khoa) nên trước sau quanh “sự kiện hoa thủy tiên" anh nhất thiết không trả lời ai. Tôi rất bất bình, thậm chí đôi khi còn nặng lời với anh rằng anh hèn, rằng anh nhu nhược, “dĩ hòa vi quý" v.v... Nguyễn Huy Thiệp trước sau chỉ cười. Tôi nhận ra một nỗi buồn tê tái trong ánh mắt anh khi ấy. Quá bực mình, tôi về nhà ngồi viết vở kịch “Mổ nhà văn", lấy bối cảnh quanh “sự kiện hoa thủy tiên". Tôi biết, Nguyễn Huy Thiệp sẽ trách cứ tôi khi viết vở kịch này nhưng tôi mặc kệ - anh không phải là tôi, tôi không phải là anh. Nguyễn Huy Thiệp bây giờ là một nhà văn danh tiếng, có thể có những điều anh ấy phải giữ gìn, phải bảo trọng. Còn tôi, tôi chỉ là một “fan" của anh, một người bạn, chúng tôi đã có 15 năm gần gũi thân thiết, tôi phải đứng ra bảo vệ anh. Tôi nghĩ bảo vệ anh, cũng là bảo vệ những giá trị văn học chính đáng, bảo vệ sự liêm sỉ của người cầm bút chân thực.

“Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại" cũng là lẽ thường. “Ân oán phân minh" là một thái độ của người quân tử. “Trường văn trận bút, khắc làm khắc chịu"... đấy cũng là bản lĩnh sống giữa mọi người. Về mặt xã hội, vở kịch của tôi cũng chỉ là một cử chỉ “bất bình" hồn nhiên (giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha) nhưng vì gắn với tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp, biết đâu người ta cũng sẽ chẳng nhắc đến tên tôi sau này trong văn học sử?

Tôi không mong điều ấy nhưng nếu được thế thì đây sẽ là một chuyện “mua vui cũng được một vài trống canh" hi hữu.

Kìa tiếng trống! Kìa tiếng chiêng! Vở kịch đã bắt đầu rồi. Xin mời bạn đọc xem bảng phân vai nhân vật, biết đâu lại chẳng thấy mình trong đó?

Thích Thiện Ngân

 

 

Nhân vật

1. Nhà văn vô danh: Người ta có thể nhận ra thấp thoáng hình ảnh của vài nhà văn Việt Nam hiện đại. Tác giả vở kịch nghĩ rằng ở ngoài đời nhân vật “nhà văn vô danh" hẳn sẽ sinh động và hóm hỉnh hơn ở trên sân khấu.

2. Giám đốc “Bệnh viện tình thương" một “sếp" khá điển hình trong các tổ chức: nóng nảy, luôn tránh các trách nhiệm, thích các chuyện hiếu hỉ. Không phải là người ham mê văn hóa nói chung, làm điều ác “hồn nhiên" nhưng lại cứ tưởng mình làm việc thiện.

3. “Những ông phu chữ và những bác thợ đấu lực lưỡng": Trong khi thiên tài thường đi hoặc nhảy những bước nhẹ nhàng (hoặc ra vẻ nhẹ nhàng) thì có rất nhiều tác giả văn học lại coi mình là những người lao động hèn hạ của bộ môn nghệ thuật này. Họ gọi nhau là “những ông phu chữ và những bác thợ đấu lực lưỡng". Tôi cũng không muốn gọi họ là những nhà văn nhà thơ. Lúc đầu, tôi định gọi họ là “những người mơ mộng thực tế". Số này khá đông, họ luôn có một “cuộc sống gương mẫu" hoặc luôn có ý thức để có một “cuộc sống gương mẫu" thế nào đấy. Bảng màu trong tính cách của họ khá phức tạp, nhiều khi đồi bại và gian dối nhưng họ lại luôn tỏ ra thực thà tựa như trong tính cách ở họ chỉ có mỗi hai màu chủ đạo đơn giản là đen trắng hoặc xấu tốt mà thôi. Bất chấp mọi thủ đoạn, phương pháp, họ tiến thân kiên trì như những con rắn trườn trên mặt đất. Tôi luôn luôn bị bất ngờ vì họ, hoàn toàn không thể lý giải về những hành động, việc làm của họ. Trong vở kịch này thì Trần Mạnh Khảo nổi bật lên như một ngôi sao bởi sự hung hãn hiếm có. Cùng với ông ta còn có rất đông những người như các vị Nguyễn Hàng Lươn, Lê Văn Ngọng, Võ Khắc Ðiên v.v... Cũng có thể xếp cả các cụ Hoàng vô danh hoặc hữu danh, thêm cô Hài Nhi, cụ Tú Vũ v.v... ở trong bảng phân loại này. Sở dĩ gọi họ là “những ông phu chữ và những bác thợ đấu lực lưỡng" vì họ luôn luôn làm việc với một tài năng trung bình, tầm tầm rất đáng sợ, họ luôn dọn được ổ cho cuộc sống của mình dù cho cuộc sống ấy có khó khăn thổ tả thế nào đi nữa. Không thể không khâm phục họ về đầu óc thực tế và khá lạnh lùng. Chúng ta luôn phải hoang mang khi đặt vấn đề là họ sống đúng hay chúng ta sống đúng? Sự trung bình trong nghệ thuật đông đúc và mẫn cán đến mức đôi khi giết chết nghệ thuật.

4. Vương trưởng giả: Nhà nghiên cứu phê bình văn học, một gương mặt đáng kể về sự minh triết vừa phải trong khi công việc của ông ta lại luôn đòi hỏi phải thái quá. Một người tốt vừa phải. Chỉ tiếc với một con người như thế ông ta đáng lẽ phải làm được nhiều việc hơn nữa để có được sự tôn trọng hơn nữa và sống lý thú hơn nữa. Vừa rồi, ông ta đã chọn một diễn đàn không thích hợp và đấy là lý do mà tôi lôi ông ta ra khỏi tổ ấm trưởng giả của mình để lên sân khấu làm hề.

5. K-Oa: Bẩm sinh là một nhà thơ, một người đáng được tôn trọng và yêu mến. Môi trường sống của anh ta không tốt, anh ta đã bị nhiễm bẩn dần dần, từ từ, từng ngày, từng tí một. Một thiên thần cũng có thể bị biến thành một con lợn bẩn thỉu nhưng thực tình, không ai muốn thế. Tôi cũng không muốn thế.

6. Nghé ọ: Nếu gọi anh ta là một kẻ cơ hội thì quá tầm thường với “bản lĩnh" của anh ta. Rõ ràng đây là một nghệ sĩ: anh ấy không yên ổn từ trong nội tâm ra ngoài cuộc sống. Ðã từng bị lỡ trớn, bị thất bại, cuộc đời anh ấy không “ngon trớn" và anh ấy căm ghét mọi sự thành công ở người khác. Anh ấy không biết rằng những người thành công cũng đã thất bại nhiều lần, giá của sự thành công thường đắt hơn sự thất bại. Tôi tiếc anh ấy đã không gặp gỡ tôn giáo, vì chỉ tôn giáo mới cứu rỗi anh ấy. Anh ấy không còn nhiều cơ hội cho mình.

7. Những nhân vật khác:

*Trương tuần 1 và trương tuần 2: Họ là những người mẫn cán hoặc “vẫn còn đang mẫn cán".

* Các vũ nữ, vũ công: Họ là những vẻ đẹp của đời sống tự nhiên, họ không thích đọc một số sách báo nào đấy. Từ câu chuyện cuộc đời của họ có thể viết ra những cuốn sách đầy ắp nụ cười và sự thông cảm. Nhiều khi tôi cũng hình dung họ giống như một số tác giả trên mạng Internet, họ tham gia các cuộc tranh luận một cách vui vẻ và không kém phần sâu sắc, hóm hỉnh, kiểu “hôm nay trời mưa lưa thưa, Mèo con đi học chẳng ưa thứ gì...".

* Người đội mũ phớt, đeo kính, mặc áo bành tô: Thực ra tên của ông ta là “Trật tự". Ông ta cần ở mọi sân khấu và ở mọi nơi. Rất đa nghi. Ông ta không phải nhà văn. Ông ta lên sân khấu diễn kịch nhưng cứ như thể một người đang đi làm nhiệm vụ.

 

Bối cảnh

Bối cảnh ở Việt Nam, những năm chúng ta đang sống.

Cuộc sống là tươi đẹp, dù cho thế nào đi nữa.

Hãy yêu cuộc sống.

Văn học đang tiến về phía trước và nền dân chủ ở Việt Nam cũng đang tiến về phía trước.

 

 

Hồi thứ nhất

"Bệnh viện tình thương" là biển hiệu treo giữa một ngôi nhà trắng sạch sẽ, khang trang. Giám đốc bệnh viện là một nhà thơ, vì vậy (theo kinh nghiệm của tôi) ông ta hẳn là một tay oái oăm, tính nết thất thường. Những người dưới quyền giám đốc không ai hơn được ông ta, bởi thế trật tự thiết lập ở sân khấu này kiểu gì thì kiểu, hiển nhiên là một trật tự chỉ định.

Giám đốc (mặc áo blu đi ra, vẻ bứt rứt, khó chịu): Cần phải mổ! Cần phải mổ một người nào đấy! Khổ lắm! Bệnh viện sinh ra là để mổ người. Giáo sư để làm gì? Tiến sĩ để làm gì? Cần phải mổ! Người chết cũng được, người sống cũng được! Cần phải mổ! Cần phải mổ một ai đấy. Bác sĩ Nghé ọ! Gọi cho tôi bác sĩ Nghé ọ vào đây.

Nghé ọ vào. Ðầu hói, gày gò, quyết liệt và đắc thắng.

Nghé ọ: Dạ thưa sếp! Nghé ọ đây! Nghé ọ đây!

Giám đốc: Cần phải mổ! Chú hiểu chưa? Cần phải mổ!

Nghé ọ: Vâng! Cần phải mổ. Em biết thừa! Em đã sắm bộ dao mổ ở Ðức. Sáng loáng! Cứ gọi là sáng loáng! Cứ gọi là chết tươi!

Giám đốc: Cần phải mổ, chú ạ! Không mổ tôi ức lắm! Dao gì cũng được, chẳng cứ dao Ðức. Bác sĩ K-Oa, chú có biết bác sĩ K-Oa không? Thần đồng đấy! Ông ấy có thể mổ người bằng dao mổ lợn thông thường, thậm chí bằng dao thái khoai cho lợn. Ðể chú với ông K-Oa làm thành một cặp, một ê-kíp. Cứ thế mà mổ! Cứ mổ bừa đi!

Nghé ọ: Nhưng mổ ai? Ai cho mổ?

Giám đốc: Còn mổ ai nữa? Tốt nhất là mổ nhà văn! Tư tưởng! Chú hiểu chưa! Mổ đầu nó ra! Giống như Hoa Ðà mổ đầu Tào Tháo.

Nghé ọ: Hoa Ðà mới định mổ đầu Tào Tháo chứ chưa kịp mổ...

Giám đốc: Mặc kệ họ! Mặc kệ lịch sử! Vấn đề bây giờ là tôi muốn mổ một ca! Hoặc là sống hoặc là chết! Tùy các chú! Tôi muốn xem các chú mổ xẻ thế nào. Ai cũng được! Nhưng thích nhất là mổ nhà văn. Chú hiểu không? Phải mổ một tay nhà văn cỡ bự. ở đấy sẽ có bao nhiêu vấn đề... Và phải có máu. Tất nhiên rồi! Sẽ phải có máu!

K-Oa ra. Chỉnh tề và lo lắng, bởi vậy chậm chạp.

K-Oa: Máu! Sếp ơi! Thế là sếp lạc hậu mất rồi. Thời nay khác rồi! Thời đại @. Mổ thì cứ mổ nhưng không có máu. Không có máu me gì hết! Tất cả hiện hữu là một ca mổ văn minh. Công khai! Dân chủ! Cho cả bàn dân thiên hạ tỏ tường.

Nghé ọ: Ðúng rồi! Hay quá! Có lẽ cũng cần phải văn minh thật. Chúng ta sẽ mổ một tay nhà văn cơ mà.

K-Oa: Về phương pháp, thực sự cũng chỉ là cổ điển mà thôi, nghĩa là chọc, xiên, đâm, chặt, phanh thây... Mổ xẻ cơ mà! Có thể phải dùng cả búa...

Nghé ọ: Ðúng rồi! Búa tạ!

K-Oa: Búa gì thì búa... nhưng không đổ máu. Ðổ máu thì còn ra thể thống gì...

Nghé ọ: Chết là cái chắc! Chết đến ba lần... A ha! Khoái tỉ quá! Chết đến ba lần!

Giám đốc: Ba lần thì nói làm gì! Chết trăm lần! Chết bất đắc kỳ tử! Chết mà không nói năng được gì... Mổ xẻ phải ra mổ xẻ: đầu ra đầu, nội hàm ra nội hàm, ngoại diên ra ngoại diên... Mang ra ngoài chợ cho bề hội đồng. Quạ bay hàng đàn... rợp trời.

K-Oa: Ðược rồi! Sếp chẳng phải lo. Nếu tôi với Nghé ọ một kíp thì không phải lo ngại gì... Tôi đã mổ xẻ vài lần. Tất tật... Nhà gì tôi cũng mổ được. Tôi đã thử rồi...

Giám đốc: Thôi thế nhé! Tôi tin các chú. Tôi đi đây! Tôi giao công việc cho hai chú đấy... Giao cho các chú là tôi yên tâm...

Nghé ọ: Chẳng giao thì chúng tôi cũng cứ làm! Thật sự là thế! Ðấy là do nhu cầu nội tâm của chúng tôi. Dao kéo để làm gì? Tất cả là vì tình yêu đối với văn học, có phải không ông bạn K-Oa?

K-Oa: Ðúng rồi! Tất cả là vì tình yêu đối với văn học.

Cả ba đi vào. Giám đốc đi trước. K-Oa và Nghé ọ đi sau, vừa đi vừa gật gù.

Một vài cô gái mặc áo tắm hai mảnh đi qua sân khấu như vô tình. Màn hạ.

 

 

Hồi thứ hai

Vẫn là "Bệnh viện tình thương" ở giữa có kê bàn mổ. Các dụng cụ mổ bày la liệt, có vẻ hơi giống dụng cụ tra tấn. K-Oa và Nghé ọ mặc áo blu đang ngồi chờ bệnh nhân. Trong khi chờ đợi, họ nói chuyện vãn. Nghé ọ thỉnh thoảng đứng lên đi đi lại lại.

Nghé ọ: Tại sao lại lâu thế nhỉ? Chẳng lẽ bọn trương tuần không bắt được một tay nhà văn sống nào à?

K-Oa: Bọn nhà văn sống là rất khó bắt. Nói thật với ông nhé! Ở bệnh viện này các bác sĩ từ xưa đến nay chỉ toàn mổ bọn nhà văn chết... Có nhiều tay chết đến mấy chục năm vẫn bị đào xác lên mổ... Xác chết thì chẳng thể phân biệt được, chẳng ai biết đâu mà lần, chẳng ai biết đâu là xương, đâu là da... bởi vậy khi mổ xác chết, rất khó mà định ra được tay nghề, trình độ của các bác sĩ. Ðánh bùn sang ao, như nhau hết. Ông bảo, hai chữ “song viết" với “song kiết" thì nói là xương đùi cũng được, xương sườn cũng được, có đúng không nào?

Nghé ọ: Ðúng rồi! Chỉ thấy nó đen đen, thui thui...

K-Oa: Trong bệnh viện này, không thể nào phân biệt được trình độ chuyên môn... Ai cũng là bác sĩ ráo, từ thằng đánh giày, thằng lính kèn cầu bơ cầu bất đến ông học giả đạo mạo. Tuốt tuồn tuột!

Nghé ọ: Thế mới gọi là dân chủ chứ... Ha ha, thế mới gọi là dân chủ thái bình.

K-Oa: Chỉ có các bậc bô lão họp lại thành một hội đồng, gọi là hội đồng tiên chỉ mang tính chất giới luật hương ước mà thôi!

Nghé ọ: Tiên chỉ... hay là chi tiền? Hôm nọ có một ông Mai tiên sinh nào đấy mặc cả: “Không có tiền là không có mổ xẻ gì đâu. Không có ngon trớn". Tất cả là vì nhân danh tình yêu đối với văn học! Nếu tôi không yêu văn học thì tôi sẽ chẳng vào đây làm gì, tôi đi buôn muối, tôi sướng chán!

K-Oa: Thì tôi cũng thế... Nếu không vì tình yêu đối với văn học thì tôi đã đi bắt cua.

Nghé ọ: Thế mới biết văn học là thứ ghê thật. Theo ông nó là cái gì? Nó là cái gì mà khiến cho cả tôi và ông đều vất vả, đều đầu tắt mặt tối, đều điên lên vì nó?

K-Oa: Câu hỏi ấy sao ông lại đi hỏi tôi? Câu hỏi ấy để tí nữa ta hỏi thằng nhà văn, cái thằng mà ta sẽ mổ xẻ nó ấy. Khi ta mổ nó thì ta sẽ hỏi. Tôi với ông bây giờ là bác sĩ mổ xẻ, chúng ta đứng cao hơn con bệnh của mình. Tôi là người trọng thực tiễn, ông ạ. Tôi không phù phiếm, nhất là về tư tưởng. Chúng ta là những người lính, chúng ta đang làm nhiệm vụ của mình. Ðấy là tôi nhắc ông thế.

Nghé ọ: Ông không nhắc thì tôi cũng quên béng mất nguồn gốc nguyên thủy của mình. Tôi cũng là một tên lính cựu. Có điều, tôi không phải là lính chuyên nghiệp như ông. Tôi tuột xích, không biết đấy là một sai lầm hay một cơ may cho số phận tôi... Tôi rất tự hào với lon trung úy. Hay thật, cả hai chúng ta đều có chung nguồn gốc nguyên thủy. Chúng ta đều là lính, tức là những người rất quyết đoán, rất nóng.

K-Oa: Cũng chẳng phải vinh dự gì. Chuyên môn của chúng ta nói trắng phớ ra là giết người, tức là đồ tể, đao phủ. Chúng ta sinh ra và sống trong một không khí sát nhân. Nhân tiện tôi cũng muốn nhắc ông rằng trong quân đội từ đại úy trở xuống thì chỉ biết gật chứ không biết lắc và như thế là ông tự hào nhầm về cái lon trung úy của mình. Nhưng thôi! Chuyển đề tài đi. Tôi muốn nói một cái gì đấy thuộc về văn học cho nó nhẹ nhàng, đại để như: “Những gì đã cháy thì thành tro rồi. Những gì còn lại thì thành thép tôi!"

Nghé ọ (mơ mộng): Ừ, văn học... “Những cái lá rớt xuống, cong lên, như có biết bao con thuyền nhỏ bồng bềnh trôi theo dòng nước mưa mùa hạ. Ta bỗng trong xanh như thời thơ ấu..." . (Trở lại thực tiễn). Thôi! Tôi đi chuẩn bị dao mổ đây... Hão huyền quá! Chúng ta phải làm việc, ông K-Oa ạ, những công việc có ý nghĩa thực sự cho cuộc đời chúng ta...

K-Oa: Cuộc đời gì? Cuộc đời là cái gì? (bỗng như sực tỉnh)... Ông vừa nói đến cái cuộc đời quái quỷ nào thế?

Nghé ọ (láu lỉnh, bí hiểm): Ngồi xuống đi! Ông bạn vàng! Ðừng giật mình! Chỉ là một chút muối thôi cho mặn cái cuộc đời vô thường nhạt nhẽo ấy mà.

Lại vẫn mấy cô gái mặc áo tắm hai mảnh đi qua sân khấu như vô tình. Màn hạ.

 

 

Hồi thứ ba

Cảnh trí vẫn giống như hồi thứ hai. Nghé ọ đã đi chuẩn bị dụng cụ cho ca mổ. Chỉ còn K-Oa ngồi lại.

K-Oa (xem đồng hồ): Sốt ruột quá! Thời gian trôi đi đáng sợ thật. Cái tay Nghé ọ này, lúc nãy hắn nói quái gì về cuộc đời vô thường nhỉ? Sao lại có muối với sự nhạt nhẽo ở đây? Hay là bởi trước kia hắn đi buôn muối? Muối ngấm vào hắn, chỗ nào cũng mặn (đứng dậy đi đi lại lại). Cuộc đời... “Những gì đã có thì đều ngu rồi. Những gì sẽ có cũng là ngu thôi". Mình còn phản tỉnh, chứ cái tay Nghé ọ ấy, chẳng hề thấy hắn phản tỉnh cái gì...

Tiếng của Nghé ọ (từ trong vọng ra): Thế thì ông nhầm! Phản tỉnh là đặc tính thứ nhất của lương tâm đấy, ông trẻ ạ. Thế ông định bảo tôi không có lương tâm hay sao?

K-Oa (giật mình): Quái! Hắn ở đâu mà nghe thấy tiếng mình? (trở lại bình thường). ồ, cái ấy thì còn phải đợi sau ca mổ tay nhà văn mới biết chắc được. Tôi chỉ muốn nói đến sự phản tỉnh như một yếu tố điềm đạm của tính cách mà thôi. Lạy giời! Ông cũng không phải là người điềm đạm cho lắm!

Tiếng của Nghé ọ: Ông K-Oa ạ, chúng ta đều là bác sĩ, lại là văn nhân... “Văn nhân tương khinh", trọng là trọng, khinh là khinh... Ðừng có coi thường tay lính cựu này. Cùng kíp với nhau, cái gì cũng phải ngang bằng sổ thẳng.

K-Oa: Không... Không! Không ai dám coi thường ông. Tôi với ông ở xa nhau. Ông ở đẩu ở đâu mà vẫn nghe thấy tiếng tôi nói... Ông cũng là một con ma xó chứ còn gì nữa. Chơi với ma, hỡi ơi, dại rồi còn biết khôn làm sao đây. Thực ra, chính mình cũng là một người có thiên bẩm, là một người có thiên nhãn nhưng không hiểu tại sao lại đến cơ sự nông nỗi này? Hay là vì miếng cơm manh áo?

Một người đàn ông đi vào, để ria mép, tay bưng một chậu hoa nhỏ, vừa đi vừa thổi phù phù. Ðấy là ông Trần Mạnh Khảo. Ði cùng ông Trần là Nguyễn Hàng Lươn, cũng để ria mép. Hai ông này đều có nét hao hao giống nhau, hệt như hai thám tử trong phim hoạt hình “Tin tin". Ông Nguyễn Hàng Lươn đẩy một xe cút kít rơm. Cả hai ăn mặc như những thanh niên tình nguyện.

Trần Mạnh Khảo: Nở đi! Nở đi! Hoa vừa đi vừa nở... Cứ thế mà khoe sắc khoe màu. Chèng đéc ơi! Nở đi! Chúa ơi! Nở đi! Lương tâm ơi!

Nguyễn Hàng Lươn: Chở rơm vào thành phố! Cứ thế mà đốt cho khói um lên... Ngọc Hoàng mới hỏi: thằng nào đốt rơm? Thưa rằng giá áo túi cơm. Ví dầu thơm thối, thối thơm có thừa... có thừa hay là cũng đành... chữ nào nên thơ hơn nhỉ? Nên thôi hay nên xao đây?

K-Oa: Nào nào... Hai ông A la hán. Ði đâu thế này? Ðây là Bệnh viện tình thương cơ mà?

Trần Mạnh Khảo: Còn đi đâu nữa? Ði mổ! Tôi được đặt hàng hẳn hoi. Mổ xẻ. Tan xác! Vừa đi vừa nở. Chúa ơi! Vừa đi vừa mổ. Chèng đéc ơi!

Nguyễn Hàng Lươn: Còn tôi, tôi đi phụ mổ cho ông Trần đây... Bọn trẻ nghe tôi. Cứ rơm mà đốt... Khói um lên... Như thui chó!

K-Oa: Thế hai ông cũng là bác sĩ, là người đi mổ xẻ à?

Trần Mạnh Khảo: Chưa hẳn đã là bác sĩ... Nhì nhằng... Nghiệp dư thôi. Nhưng lòng ham hố thì tôi có thừa... Tôi có nhiệt tình. Tôi yêu nước... Có người bảo tôi thực sự vô học. Ðúng là tôi thực sự vô học. Tôi là người bẩm sinh phản trắc. Nhưng, tôi yêu nước, yêu Tổ quốc thì cần quái gì có học. Tôi yêu văn học! Chúa ơi! Vừa đi vừa nở... Vừa đi vừa học vậy... Chèng đéc ơi!

Lại thêm mấy người lố nhố khác kéo ra: một cô gái (như thể phóng viên báo) dìu một ông lão già yếu vào. Có vài người nữa, ai cũng vận “com-lê" nghiêm chỉnh. Ðám đông hơi lộn xộn.

Một ông: Nào! Nào! Xê ra cho tôi đi.

K-Oa: Ông là ai?

Ông kia: Còn là ai nữa. Tôi là Lê Văn Ngọng. Tôi đi phụ mổ, giống như trong dàn đồng ca.

Một ông khác: Còn tôi, tôi là Võ Khắc Ðiên, tôi cũng phụ mổ!

K-Oa (hỏi cô phóng viên): Thế còn cô?

Phóng viên: Em là Hài Nhi, em đi theo cụ Hoàng Hữu Danh, giống như diễn viên tung hứng... Em đi theo cả cụ Chu đặc công, cụ Vương trưởng giả nữa. Ðâu có tiền là em cứ đi...

K-Oa: Phiền quá! (với cụ Hoàng) Này cụ, già cả đau yếu thế này sao không biết nằm khoèo, không biết tránh mặt, không biết trốn đi, ra đây làm gì?

Cụ Hoàng (Cười): Ham vui! Có biết gì đâu... Cứ ham đánh nhau từ bé. ở đâu hễ có đánh nhau là đến. Ham vui! Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi. (Lại cười như cụ cố Hồng trong truyện của Vũ Trọng Phụng). Ham vui cho đến hết đời... Hồn nhiên. Giống ông Tú Vũ... Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!

K-Oa: Tô Vũ chăn dê à?

Cụ Hoàng: Không... Tú Vũ... Ðại để như thế!

K-Oa (thở dài): Chết thật! Ô hợp quá... Quân hồi vô phèng...

Trần Mạnh Khảo: Phèng phèng cái gì? Cứ là tự sát! Cứ là chết tươi!

Lê Văn Ngọng: Ô hợp cái gì? Cứ là thục mạng... Cứ là cơm toi!

Nghé ọ ra, ngạc nhiên vì đám đông nhưng vốn lịch sự, một phần vì trải đời, một phần vì bản tính cũng phần nào lương thiện nên Nghé ọ không tỏ ra khó chịu, thậm chí còn tỏ ra vui vẻ nữa.

Nghé ọ: Sao lại đông vui thế này? Chào các cụ, chào các chiến... hữu, giai nhân, tài tử... Chào cả cộng đồng... Tất cả đều đến xem mổ đấy à?

Trần Mạnh Khảo: Không phải xem, mà đích thân chúng tôi sẽ mổ...

Nghé ọ (ngạc nhiên nói với K-Oa): Tưởng chỉ có tôi với ông mới biết mổ mà thôi. Họ đều biết mổ cả à?

K-Oa: Nghiệp dư! Thế mới chết! Mổ nhà văn đâu phải dễ dàng, có phải là ai cũng mổ được đâu!

Trần Mạnh Khảo: Có gì mà khó? Vừa đi vừa mổ... Có gì mà không mổ được... Tôi đã được đặt hàng hẳn hoi. Chính tôi sẽ mổ đầu tiên ca này.

Cụ Hoàng (vỗ tay): Sân chơi là của chung! Văn hóa quần chúng! Văn học quần chúng! Cứ mổ đi! Vui lắm!

Mọi người vỗ tay ồn ào.

K-Oa (lắc đầu nói với Nghé ọ): Chịu! Thế này thì khó mà mổ cho nó ra trò. Ðừng có tưởng dễ. Tôi thấy đâm ra khó xử...

Nghé ọ: Thôi! Tôi với ông sẽ mổ riêng ra, ta sẽ mổ sau... Ta nhường sân chơi cho họ... Chính tôi, tôi cũng thấy gờn gợn khó chịu khi hai chúng ta phải ngồi cùng chiếu với những phường hoặc những ổ nhóm này...

K-Oa: Victor Hugo nói rồi: “Cùng lý tưởng nhưng khác hạng!". Giời ạ, chúng ta đi đi, ta nhường sân chơi cho họ... Ðời còn dài. “Những gì đã thối thì thành phân rồi. Những gì sắp thối cũng thành phân thôi...". Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau... Mà đây đâu phải là đi ăn cỗ...

Lê Văn Ngọng: Ăn gì? Ăn gì? Cho tôi ăn với!

K-Oa: Không có gì đâu, ông anh ạ! Chỉ có không khí mà thôi! Hão cả! Ðừng có vội vàng.

K-Oa đi vào. Nghé ọ đi theo. Trong đám người lổn nhổn đứng trên sân khấu, người ta thấy rõ chỉ có K-Oa là người nổi bật, có cá tính nhất, thực sự là người khác thường. Chính tôi (tác giả của vở kịch này) cũng không hiểu tại sao K-Oa lại có mặt ở trên sân khấu như vậy. Có thể, đây chính là nghiệp chướng của số phận anh ta. Cả ông Vương trưởng giả nữa, ông ta ở đây làm gì?

Vẫn mấy cô gái mặc áo tắm hai mảnh đi tạt ngang qua như vô tình. Màn hạ.

 

(Mời đọc tiếp kỳ 2)