Chưa có chỉ đạo nào bằng văn bản cũng như chỉ đạo miệng, cấm in truyện của Nguyễn Huy Thiệp. Có chăng chỉ ở những cuộc giao ban nội bộ, những người có trách nhiệm thường nói hiện trạng, dư luận rồi nhắn nhủ rất đa nghĩa. Lãnh đạo các báo tự hiểu và chịu trách nhiệm. Thân tình hơn thì được rỉ tai về cuộc họp ngày này, tháng này, thành phần , nội dung… Hỏi xem văn bản. Ai cũng lắc đầu. Nội bộ. Mật.
NGUYỄN HUY THIỆP - VĨNH BIỆT ANH
TRỊNH BÁ NINH (cựu Phó Tổng Biên tập báo Nông Nghiệp VN)
I.
“Tôi cứ đi, đi mãi. Trước mặt tôi là dòng sông thao thiết. Sông chảy ra biển. Biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển. Mà tôi sống nửa cuộc đời rồi đấy” (NHT).
Giờ thì anh đã theo sông về với biển. Cầu chúc anh yên nghỉ ở một miền xanh thẳm.
Nhớ cách đây hơn 30 năm. Ngày ấy những kiệt tác “Tướng về hưu”, “Con gái thủy thần”, “Vàng lửa”, “Kiếm sắc”, “Phẩm tiết”.. đã tạo ra bước ngoặt cho văn học hiện đại Việt Nam sau 1975. Những cuộc tranh luận trái chiều; những phê bình ác ý; những cách đọc ngoài văn bản, quy chụp... đã khiến dư luận râm ran. Rằng truyện lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp hạ bệ thần tượng.
Thế rồi không biết từ đâu các báo nhỏ to cấp trên cấm đăng Nguyễn Huy Thiệp. Mất vài năm, không báo nào in truyện anh. Tôi đến thăm , anh hơi buồn. Là Phó tổng biên tập kiêm Thư kí tòa soạn báo Nông Nghiệp VN, tôi chưa nhận được chỉ đạo nào bằng văn bản cũng như chỉ đạo miệng cấm in truyện của anh. Có chăng chỉ ở những cuộc giao ban nội bộ những người có trách nhiệm thường nói hiện trạng, dư luận rồi nhắn nhủ rất đa nghĩa. Lãnh đạo các báo tự hiểu và chịu trách nhiệm. Thân tình hơn thì được rỉ tai về cuộc họp ngày này, tháng này, thành phần , nội dung… Hỏi xem văn bản. Ai cũng lắc đầu. Nội bộ. Mật.
Sau khi xin phép và được Tổng biên tập đồng ý, tôi với nhà văn Văn Chinh đến đặt anh truyện ngắn cho số Tết. Anh cười cười, Nông Nghiệp VN dám đăng à. Bạo nhỉ. Rồi anh gửi truyện ngắn “Thiên văn” cho báo Nông nghiệp VN. Chúng tôi in. Bình thản. Trong lòng cũng hơi run. Cảm giác mơ hồ, lăn tăn. Tôi biết tòa soạn nhiều người nín thở.
Nhưng Tổng biên tập là người cơ trí. Đêm trước ngày phát hành, anh và tôi mời Thứ trưởng thường trực Bộ, trực tiếp phụ trách báo, xuống ăn tối. Lấy lý do, anh em vừa in xong báo Tết. Ý tứ để xem lãnh đạo đọc có ý kiến gì không. Nếu có, đêm ấy sẽ tháo tay in truyện Nguyễn Huy Thiệp và in lại. Nhưng thật không ngờ, đồng chí thứ trưởng khen báo Tết hay. Để cho chắc, tôi hỏi, anh thấy truyện Nguyễn Huy Thiệp có vấn đề gì không. Anh trả lời: Hay.
Báo phát hành, xôn xao một chút. Ban và Bộ, chả ai có ý kiến gì. Theo trí nhớ của tôi, Nông Nghiệp VN chính là nơi đầu tiên để Nguyễn Huy Thiệp trở lại văn đàn.
Kể từ đấy, Tết nào Nguyễn Huy Thiệp cũng gửi Báo Nông Nghiệp VN một truyện ngắn. Cùng với những nhà văn, nhà báo tài danh, nó là đặc sản cho bữa tiệc báo Tết in đậm dấu ấn trong lòng bạn đọc suốt 10 năm…
II.
Sau này, Nguyễn Huy Thiệp không viết truyện ngắn. Anh viết kịch, tiểu luận, tiểu thuyết... Nhiều người, trong đó có tôi, dù không thích những tác phẩm ở thể loại này của anh nhưng những màn đối thoại vẫn là phong cách Nguyễn Huy Thiệp: luôn khắc ghi trong tâm trí người đọc bởi mạch văn và đắc địa ngôn từ. Kịch “Mổ Nhà văn” hay tiểu luận “Trò chuyện với hoa Thủy tiên”... chả là gì trong sự nghiệp của anh nhưng va chạm một số người.
Đôi lần, anh cùng Nguyễn Bảo Sinh, sau khi dạo một vòng Hồ Gươm thường ghé tôi uống trà. Chúng tôi hay mang chi tiết trong đó ra bình phẩm. Trong khi tôi với Nguyễn Bảo Sinh khoái trá, anh chỉ nheo mắt cười khơ khơ. Vui ấy mà. Rồi hai anh lại đi.
Cũng có khi anh mời tôi đi cùng ra nhà người quen ở Hàng Mành, Đỗ Hạnh ăn cơm. Khi thì vợ chồng Đỗ Hoàng Diệu, hôm có anh Phạm Chuyên- nguyên Giám đốc Công an Hà Nội và một số người tôi không quen. Trong những cuộc ấy, anh thường im lặng, thi thoảng chêm một câu chỉnh lại khi ai đó nhắc về quá khứ mà sự kiện ấy anh tham dự. Tôi biết anh là người cẩn trọng. Không vồ vập, nồng nhiệt. Cũng chả muốn là trung tâm các cuộc gặp.
Chỉ khi ngồi riêng với nhau, tôi thấy anh thật chí tình. Chúng tôi nói về các miền quê, về thân phận người quê, về “Những ngọn gió Hua Tát”, “Những bài học nông thôn”, “Những người thợ xẻ”, “Thương nhớ đồng quê”... Những tác phẩm hợp với bạn đọc báo Nông Nghiệp VN. Nói, anh viết cho Nông Nghiệp VN những vệt như thế. Anh trầm ngâm, rất khó vượt được mình. “Tôi già rồi!”. Lần gần đây nhất anh nhắc lại câu đó cách nay 3 năm. Khi ấy con gái tôi vừa in “Du học Mỹ tuổi 16”. Mang đến tặng anh. Không phải khoe mà là cái cớ đến uống trà và “mồi” viết truyện ngắn. Cũng chả nghĩ anh đọc. Nhưng sáng tặng sách, chiều anh nhắn.
“Cháu Vi được quá. Tôi đọc cháu mới 50 trang đã phải nhắn tin chia sẻ hạnh phúc với ông. Đọc nó khó. Lúc thích, lúc không, lúc khó chịu (khi nó tự tin quá, trong sáng quá) mà sự sống thì ông biết rồi - nó mới 20. Tôi già rồi. Nhưng ông có đứa con được đấy. Nó rất yêu ông... Nó còn trẻ. Đừng sợ. Tình yêu sẽ dạy nó. Mình không dạy được đâu. Ông bây giờ hãy sống cho mình...”. Đúng phong cách Nguyễn Huy Thiệp, kể cả tin nhắn vu vơ. Câu ngắn, găm chặt vào người đọc.
Đọc xong sách, anh đạp xe đến nhà tôi uống trà. Trầm tư. Tôi bảo, anh vẫn còn năng lượng. Vẫn hăm hở với cuộc đời. Hay anh viết về những linh cảm trong quá khứ, tiên cảm ở tương lai. Viết về bè bạn, những người anh trân quý. Anh không nói gì, chỉ cười cười, mình xong việc rồi ông ạ...
Vâng, với sự nghiệp anh đã xong, anh đã có vị trí không thể nào thay thế trên văn đàn. Nhưng với những người đau đáu về nông dân, nông thôn, như anh như những người làm báo Nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi ước ao nhiều hơn thế...
Bây giờ chả còn trò chuyện được với anh nữa rồi. Viết mấy dòng tri ân anh - người anh, người bạn của báo Nông Nghiệp VN. Xin vĩnh biệt.