Những tưởng “Rừng hẹn” nhập dòng với nguồn “văn học phi hư cấu” ào ạt xuất hiện vài ba năm trở lại đây. Nhưng càng đọc thêm, thì tính tiểu thuyết của “Rừng hẹn” của Hà Đình Cẩn càng lồ lộ, càng thuyết phục.
VIẾT NHƯ ĐANG TRONG CƠN NHẬP ĐỒNG
(Đọc “Rừng hẹn” - Tiểu thuyết của Hà Đình Cẩn, NXB Quân Đội Nhân dân 2020)
TÔ HOÀNG
“Rừng hẹn”, tên sách dễ khỏa lấp giữa nhiều tên sách khác. Bìa sách không gây ấn tượng. Sách chào đời ở một nhà xuất bản ít có uy tín với thể loại tiểu thuyết. Cộng thêm căn bệnh phổ biến ở người đọc bây giờ: khó đủ say mê và kiên nhẫn đọc từ trang đầu đến trang cuối, mà không bỏ lửng giữa chừng.
Ấy vậy, nhưng “Rừng hẹn” mang chất kháng thể với bệnh lười đọc hiện nay.
Nhân vật “tôi”, người dẫn chuyện vốn thuở xưa là anh lính “cờ đèn kèn trống” thuộc ban tuyên huấn một trung đoàn quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên chiến trường Lào trong những năm 1970. Công việc thu tin, chụp ảnh, in báo lito giúp “tôi” được tham gia nhiều trận đánh, trò chuyện và gom nhặt được nhiều tích chuyện. Hơn 30 năm sau, “tôi” trở lại chiến trường xưa, như đi du lịch, lại như muốn gặp được cố nhân, muốn kiểm nghiệm, so sánh giữa hôm qua và hôm nay...
Đất nước Lào bên kia biên giới hiện lên trong “Rừng hẹn” lung linh, sánh đặc trong bảng pha màu đầy quyến rũ, chào mời như trong “Đảo hoang” của Jules Verne hay “Robinson Crusoe” của Daniel Defoe. Trên vòm trời chan chứa ánh nắng có những đốm sáng nhấp nháy. Những đốm sáng hiện hình dần là những con chim đại bàng đất. Loài chim làm chủ cao nguyên mùa khô mạnh mẽ ghê gớm, ngày hai lần bay chếch nắng, từ Nam sang Bắc rồi từ Bắc quay về Nam như là để đọ sức với nắng gió hơn là để kiếm sống (tr. 6) Chúng tôi đi vào cánh rừng bằng lăng thoáng, đầy nắng, gió thổi lạo xạo lớp lá khô dưới chân. Ở xứ rừng này, thiên nhiên khắc nghiệt mấy, rừng vẫn hào phóng. Một cành hồng với những quả chín đỏ chim ăn dở còn treo lơ lửng như mời gọi trước mặt (tr.17). Ngoảnh về phía nam, phía tây nam Cánh đồng Chum, những ngọn núi cao giũ sạch đất, chỉ còn lại bộ xương cốt bằng đá trắng thúc lên trời nhìn gớm ghiếc. Cây rừng thưa thớt trong kẽ đá. Có thể xem tất cả cây ở vách đá là cây bon sai, dáng thấp, gốc phình to, lá cằn cứng như vẩy tê tê (tr.131)…
Còn phong tục, tập quán các dân tộc Lào thì sao? Bản Lào ở trong rừng hay phố đều giống nhau về sự yên lành, với những ngôi nhà không rào giậu, không đóng cửa và những chủ nhân đi đứng khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ, khói bếp tỏa thơm mùi xôi nếp. Bản làng, nhà cửa với người Lào là nơi trú ngụ tĩnh dưỡng” (tr.30) Người Lào không bao giờ ăn hết nắm xôi trong tay. Ăn như vậy bị cho là mất mùa. Vì thế, cầm nắm xôi, người ăn bẻ từng miếng nhỏ, ăn cho đến khi chỉ còn một miếng, thì lấy xôi tiếp, không để hết xôi trên tay nếu chưa phải miếng ăn cuối bữa (tr.48). Món lạp thịnh soạn ở các gia đình khá giả có thịt lợn, hoặc thịt bò, thịt gà dằm với gan băm nhỏ, trộn ớt, muối, tỏi, tiêu và nước chanh (tr.79). Đêm nào cũng Lăm Vông, nhưng đã vào múa thì các chàng trai, cô gái đều chấp hành thể lệ nghiêm ngặt của điệu quốc vũ. Ấy là khi múa, kể cả được mời rượu, người trai múa không được chạm tay vào người cô gái múa cùng. Người trai khi múa nếu vô ý chạm nhẹ tay vào tay cô gái, cô lập tức dừng múa. Người trai phải chắp tay xin lỗi, cô gái mới thuận lòng múa tiếp (tr.79)…
Những ví dụ có thể dẫn ra như thế đan xen trên từng trang sách. Mà đâu chỉ là ở công phu gom nhặt, sưu tầm. Đặt trong văn cảnh cụ thể chúng hầm hập tình yêu, sự tôn trọng nhất định phải là của những ai đã từng sống trải.
Trong “Rừng hẹn” còn kể nhiều chuyện về cứ điểm Sảm Thông, Loong Chẹng xưng hùng xưng bá một thời với nhiều lớp hàng rào phòng thủ bằng mìn, bằng thân xác những bà con người Mẹo để cản đường tấn công của quân tình nguyện Việt và quân Pathét Lào. Đồn trú trong căn cứ ấy là ba sắc lính gồm những tiểu đoàn lính Thái, bọn phỉ Vàng Pao và quân của chính phủ Hoàng Gia. Sách kể về Cánh đồng Chum, một địa hình thuận lợi cả Pháp trước đây và Mỹ sau này đều đặt kỳ vọng vào những ý đồ quân sự bao trùm toàn cõi Đông Dương: từ Cánh đồng Chum mất hơn chục phút, máy bay có thể đã lượn trên vòm trời Hà Nội, Phnom Penh, Sài gòn. Kể về vua mèo Vàng Pao được cả Pháp và Mỹ nuôi dưỡng, huấn luyện..
Nhưng “Rừng hẹn” vẫn giành nhiều trang nhất cho những chiến sỹ tình nguyện Việt Nam sang giúp bạn Lào đánh giặc từ những năm 1947, 1948, trải qua thời kỳ thử thách của những năm 1960 để tiến tới những đòn đánh lớn vào Xuân Hè 1972...
Ngổn ngang, bề bộn từng ấy cảnh thực, người thực, việc thực của cả xa thật là xưa và những cuộc tao ngộ vui buồn ngày hôm nay như vậy, đọc vài chục trang đầu, những tưởng “Rừng hẹn” nhập dòng với nguồn “văn học phi hư cấu” ào ạt xuất hiện vài ba năm trở lại đây. Nhưng càng đọc thêm tính tiểu thuyết của “Rừng hẹn” càng lồ lộ, càng thuyết phục.
Đóng đinh trong “Rừng hẹn” là hai cuộc tình..
Cuộc tình kỳ lạ mà có “happy end” ta gặp đầu tiên là giữa ông Tín và Duông. Thời trai trẻ Tín là một trinh sát gan dạ, táo bạo, thường một mình bò tận vào trong sân căn cứ địch. Duông, một cô gái Lào dòng dõi Hoàng tộc, có gương mặt trái xoan và đôi mắt đẹp. Tín đã cứu Doan khỏi căn cứ của bọn phỉ. Cái trao đổi bằng ánh mắt thoáng nhìn ngay trong căn cứ địch ấy đã dàng dịt họ với nhau. Rồi anh phải về Việt Nam, chị ở lại Lào, để tới 4, 5 năm sau, Tín đáp xe tìm sang Lào nên duyên chồng vợ với Duông.
Cuộc tình thứ 2 của những “con người cơ nhỡ” giữa ông Nghi và cô gái Lào tên Bua. Nói đúng hơn là cuộc tình tay ba, khi có thêm người chồng cũ của Bua là Phủi. Nghi- thuộc lớp chiến sỹ tình nguyện Việt Nam đã tự cà răng, căng tai, nói tiếng Lào, hiểu phong tục tập quán các bộ tộc Lào như người Lào để trở thành cán bộ dân vận, khi công khai khi “nằm vùng”. Vì sự hy sinh thầm lặng trong suốt 5 năm, người vợ ở quê đã bỏ anh theo một người đàn ông khác. Bua, cô gái Lào nhan sắc, hát hay múa đẹp đã đem lòng yêu thương chàng trai Lào sức vóc, bắn súng giỏi tên Phủi. Nhưng Phủi theo phỉ, thành đồn trưởng của vua Mèo Vàng Pao. Dù là vợ Phủi, nhưng Bua vẫn phải là “đồ chơi” cho bọn sỹ quan Vàng Pao và cố vấn Mỹ. Nghi đã chứng kiến những đau khổ của Bun, đã nhiều lần cứu cô. Tình yêu giữa Nghi và Bua tựa như những mất mát, thiệt thòi tự nhiên phải được san sẻ. Nhưng rồi Nghi bị thương, phải trở về Việt Nam. Bua ở lại Lào chờ đợi trong vô vọng. Để đến nhiều năm sau mới sang nghĩa trang Việt Nam xin vong của Nghi đưa về một ngôi chùa thờ trên đất Lào, khi Bua đã bước vào tuổi xấp xỉ 50.
Hai mối tình này, bù trừ cho nhau, nếu cấu trúc theo kiểu “chẻ dọc” cũng thừa đương lượng cho một cuốn tiểu thuyết. Tính cách và diện mạo các nhân vật đã hiển hiện. Mâu thuẫn, xung động đã đạt tới cao trào. Chia ly và trùng phùng đủ cả. Nhưng “Rừng hẹn” còn muốn nói tới nhiều điều khác; muốn đặt các mối tình này trên cái nền của một khúc tráng ca. Thành thử “Rừng hẹn” lần mò một lối đi riêng.
Tôi không am tường, rạch ròi về thi pháp, thủ pháp của tiểu thuyết hiện đại. Tôi đành mượn những điểm mạnh giúp cho điện ảnh thời buổi 4.0 đạt được mọi cung bậc biểu cảm của văn chương để diễn giải điều mình định nói.
Bước vào cuộc cách mạng kỹ thuật số, điện ảnh đã nhẹ nhàng vượt qua sự ì ạch, chậm chạp khi muốn chuyển từ cảnh hiện tại qua cảnh quá khứ hoặc ngược lại. Chỉ cần một cú nhấp chuột, thế giới trên màn ảnh hòa quện nhịp nhàng, uyển chuyển yếu tố miêu tả với yếu tố tự sự, cái của ngày hôm qua với cái của ngày hôm nay; cái từ tít trên trời cao với cái là là trên mặt đất. Đọc “Rừng hẹn” thấy rõ tác giả rất thông tỏ, thành thạo với những cú clik chuột như thế, với thủ pháp montage của điện ảnh hiện đại.
“Rừng hẹn” không ưa một kiểu kể chuyện tởi ra hết lớp này tới lớp khác mà muốn xáo trộn, đan xen nhưng sao vẫn rành rọt, mạch lạc. Hãy nêu một ví dụ thôi.
Ở trang 1 chàng “Tôi” bập ngay vào kể lại chuyện lúc nhân vật Nghi hấp hối trên giường bệnh. Ông cựu tình nguyện quân Việt Nam này trằn trọc, vật vã và luôn miệng gọi tên Bua. Để ông Nghi được thanh thản về cõi bên kia, người ta phải nhờ cô y tá của trạm điều dưỡng đến bên ông thì thầm: “Em đây, Bua đây”. Ông Nghi níu lấy lưng cô y tá, trút hơi thở cuối cùng.
Sang trang thứ hai, thứ ba, trong chuyến “Tôi” sang thăm lại nước Lào, đâu đó cả chục năm sau, người đón “Tôi” là... Bua. Và cứ thế, giữa bề bộn, ngổn ngang bao người, bao việc nhân vật Bua bộc bạch mối tình đầy đớn đau và bù đắp của mình với người đã khuất.
Những thủ pháp trộn cảnh, chuyển cảnh như vậy rất nhiều trong “Rừng hẹn”. Cũng xin được lưu ý thêm, nhờ phép montage này từng chương, từng trang và cả cuốn sách bỗng như tăng thêm dung lượng. Và điều còn kỳ lạ hơn nữa, “Rừng hẹn” tạo được sự hài hòa giữa bi ca và tráng ca.
Một yếu tố khác của điện ảnh hiện đại là việc gây ấn tượng. Một nguyên tắc của phim hay quy định từng đoạn, từng cảnh trên màn ảnh luôn luôn phải như gội từng gáo nước lạnh lên đầu người xem, buộc họ không được một giây phút nào thiu thiu ngủ. Với “Rừng hẹn”, tác giả vô tình hay cố ý đây rất hay dùng những thủ pháp thuộc nghiệp vụ báo chí. Ví như tác giả gọi cả họ cả tên chiến sỹ xử dụng B.41 là Hoàng Đăng Kiếm, pháo thủ cối 61 ly Lại Văn Hùng, tiểu đội trưởng tiểu đội cửa mở Bùi Quốc Thủy, trung đoàn phó Phùng Kim Tình… nhưng chạm tới các chi tiết, tác giả “đãi cát tìm vàng” hết sức cẩn thận, tìm cho ra những chi tiết, những sự việc gây ấn tượng thật mạnh.
Đây, một toàn cảnh xúc động về tấm lòng của bà con các bộ tộc Lào đối với các chiến sỹ tình nguyện Việt Nam: “Đêm nào thấy ánh lửa của các anh tìm hài cốt chấp chới trên núi, nhà chùa lại dóng chuông cho các chị, các mẹ hướng lên núi cầu mong hương hồn các liệt sỹ được an lành về đất Mẹ” (tr.20).
Đây, tội ác man rợ của lũ phỉ Vàng Pao và sự hy sinh thầm lặng của các chiến sỹ tình nguyện Việt: “Chúng lột truồng từng tù binh rồi cho lính chặt vát nhọn những cây nứa, sau đó xúm nhau nhắc từng người một , đặt đúng hậu môn vào đầu nhọn của cây nứa ấn xuống. Mũi nứa nhọn và sắc xuyên từ hậu môn lên cổ, nhô đầu ra miệng người bị hành hình. Tiếng kêu rú cùng với máu phụt ra làm xám ngoét cả cánh rừng” (tr.73).
Đánh lớn vào căn cứ Sảm Thông, có xe tăng phối thuộc, phải mở đường cho xe tăng đi. Nhiều phương án. Một cô kỹ sư tên Thái được Bộ giao thông cử sang.Để xích xe tăng vượt được khúc dốc đất xốp, phương án của cô kỹ sư Thái đã được chấp nhận: mỗi chiến sỹ chuẩn bị 30 cọc gỗ đầu nhọn, dài 25 phân để đóng xuống đường, như nêm cối xay. Xe tăng vận hành trong đêm.
Và đây là cảnh tuyệt vời nhất: “Thái hất mặt: - Lính gì mà gấu thế. Không tán nữa. Tắt đèn. Tôi cầm mảnh dù trắng dẫn đường. Lên xe đi. Anh lính xe tăng đến trước mặt Thái: -Này cô em, anh nói thật, em xắn quần lên. Xắn lên bẹn thì càng tốt. Tốt nhất em tụt bỏ quần, mặc cái sịp cũng được.- Không nói vớ vẩn nữa. Anh lính xe tăng bỗng nắm lấy tay Thái: -Các anh không gấu, không vớ vẩn. Các anh là người. Các anh là đàn ông.Không phải anh không nhìn thấy mảnh dù trắng em cầm. Nhưng khi thấy cặp đùi của em, bọn anh quả cảm hơn. Một cô gái đẹp lăn vào bom đạn, đứng không gì che chắn, xắn quần lên bẹn dẫn cho bọn anh lên dốc kia kìa. Noi theo em, dù đêm tối, bọn anh sẽ đưa xe vượt qua cao điểm”.
Ở đâu đó, có một đoạn tả cảnh như thế này: “Cánh Đồng Chum dường như khước từ ký ức chiến tranh, nó chỉ giữ những thảm cỏ mượt mịn suốt mùa mưa và ngả vàng thau vào cuối mùa khô. Máu từng ngấm xuống dưới những lớp cỏ này. Tôi bới , thấy bộ rễ có màu trắng tua tủa sọc vào đất”. Tác giả đang nói với chúng ta hay nói với chính mình?
Từng trải, am tường, sức tưởng tượng khoáng hoạt, dấu ấn tay nghề cao cường..từng ấy, hay kể thêm điều gì nữa đây tạo nên sức sống của “Rừng hẹn”?
Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ. Dòng viết và sửa cuối cùng tác giả ghi “ngày… tháng 5 năm 2020”. Tức là cũng đã bước qua thập niên thứ 2 của kỷ nguyên nhiều sự rối ren, nhiều đảo lộn giá trị, nhiều âu lo, phấp phỏng và đại dịch covid và khủng hoảng kinh tế thế giới... Làm sao đây trong bối cảnh đó mà vẫn giữ được nguồn cảm hứng trong trẻo, thẳng thớm, đúng góc phương vị với những hy sinh thầm lặng, những chiến công hiển hách và gương mặt rạng ngời đã từng có thật trong quá khứ của dân tộc này, đất nước này..
Theo ý chúng tôi, đây mới là chỗ bám chân, nơi những bộ rễ có màu trắng tua tủa sọc vào đất để tạo nên những trang viết xuất sắc của tiểu thuyết “Rừng hẹn”.
T.P Hồ Chí Minh, rằm tháng Giêng, Tân Sửu.