Ngoài kinh nghiệm, giá trị lớn nhất mà lịch sử để lại là những bài học và chủ yếu là bài học về sự cay đắng, đau khổ, mất mát. Con người làm ra lịch sử, là chủ nhân của lịch sử, vì thế bài học này hậu thế nhất định phải ôn hàng ngày.

 

Nhà văn Tạ Duy Anh: Tác giả tạo ra nhân vật, giống như Chúa trời tạo ra con người!

Tạ Duy Anh là một trong những nhà văn đương đại tiêu biểu của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Ông đã làm nhiều nghề trước khi bước vào văn chương chuyên nghiệp và làm việc lâu nhất với vai trò biên tập viên ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Ông đã xuất bản nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, tản văn... Riêng về tiểu thuyết có thể kể tên các cuốn: “Đi tìm nhân vật”, “Lão khổ”, “Thiên thần sám hối” và gần đây nhất là “Đất mồ côi”. Tạ Duy Anh là nhà văn có sức sáng tạo dồi dào, cá tính mạnh mẽ, các tác phẩm của ông thường đào sâu vào hiện thực xã hội đương thời với giọng văn có phần thô ráp, đi trực diện vào vấn đề và tạo được ấn tượng mạnh với độc giả. Nhân dịp cuốn tiểu thuyết “Đất mồ côi” của ông với bút danh Cổ Viên vừa đến tay độc giả, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn.

 

Uông Triều:Thưa nhà văn Tạ Duy Anh, tiểu thuyết “Đất mồ côi” của ông đang trở thành một sự kiện “nóng”, được trao đổi khá sôi nổi trên các diễn đàn, trong đó có một sự quan tâm không nhỏ dành cho các nhân vật trong tiểu thuyết. Vậy xin hỏi ông câu đầu tiên, nhân vật được tác giả yêu thích nhất trong “Đất mồ côi” là ai? Vì sao?

Tạ Duy Anh: Câu hỏi của ông rất hay, bởi nó gián tiếp thừa nhận có mối quan hệ khách quan giữa tác giả và nhân vật. Tác giả tạo ra nhân vật, giống như Chúa trời tạo ra con người. Khi chưa thổi hồn, nó là đất sét. Nhưng khi thổi hồn, thì nó là một thế giới, có đời sống tự do riêng và đôi khi tác giả phải đối thoại bình đẳng với nó. Sự sáng tạo thú vị và bí ẩn chính là ở chỗ đó. Đây cũng là vấn đề lớn của ngành lý luận, phê bình.

Có một chút tế nhị trong câu hỏi của ông: Một vài bạn đọc đồng nghiệp cho rằng “Đất mồ côi” không có ngôn ngữ nhân vật. Tức là không có nhân vật, theo cách họ quan niệm? Tôi có thói quen tôn trọng tuyệt đối ý kiến của bạn đọc, dù họ là ai, vì họ có quyền tối cao, bất khả xâm phạm và còn vì họ rất có giá trị với người viết. Mặc dù số bạn đọc có ý kiến như vậy không nhiều, nhưng vẫn đáng để tác giả coi là một bộ phận và cần chân thành lắng nghe. Tôi không muốn làm bất cứ việc gì khiến họ nghĩ rằng họ đã làm tôi phật ý. Nếu có thể, mong ông miễn thứ cho phải trả lời rõ ràng câu hỏi này.

Uông Triều: Và đã có yêu thích nhất thì cũng có ghét nhất, nếu không cần phải bí mật, liệu ông có thể tiết lộ cho độc giả và nguyên do?

T Duy Anh: Thực ra tôi vừa trả lời cả cho câu hỏi này rồi. Nhưng tôi được kích thích trí tò mò bởi sự gợi ý của ông, vì thế tôi xin nói thế này: Nhân vật, với nhà văn, là những đứa con bị bắt gánh theo sứ mệnh truyền thông điệp, giống như các vai diễn. Mỗi đứa một nhiệm vụ theo yêu cầu của tổng đạo diễn là tác giả, cũng là cha của chúng. Những đứa phải thủ vai xấu nhất, chưa chắc đã đáng bị ghét nhất, thậm chí có thể phải thương yêu nó nhiều nhất ông ạ. Tôi yêu tất cả những đứa con của mình. Câu này có vẻ hơi cũ, nhưng nó không có cách nói nào khác hay hơn thì cứ phải dùng lại thôi.

Uông Triều: Liệu những câu chuyện, nhân vật trong “Đất mồ côi” có phần nào là những kí ức hoặc kỉ niệm của chính tác giả, gia đình tác giả hay phảng phất một câu chuyện gần gũi với người viết?

Tạ Duy Anh: Không chỉ trong “Đất mồ côi”, mà trong bất cứ cuốn sách nào, của bất cứ ai, đều có kỉ niệm, kí ức của tác giả, gia đình hay những chuyện mà tác giả trải qua. Ông cứ thử đặt ra một giả định thế này: Mình sẽ viết một cuốn sách mà mọi chuyện trong đó không dính dáng tí ti gì đến mình, hoàn toàn là chuyện nằm ngoài các sự kiện liên quan đến bản thân mình, không liên quan đến những kỉ niệm, kí ức của mình hay gia đình, người thân…Nghĩa là nhà văn kiên quyết tách ra tuyệt đối như một kẻ bên ngoài, hoàn toàn khách quan, thì ngay cả ý định ấy đã dính dáng đến bản thân rồi.

Tôi nghiệm ra rằng, nhà văn chỉ kể về cuộc đời mình. Mỗi cuốn sách, anh ta lại hóa thân thành một “bản thân” khác phù hợp với nội dung mà anh ta định viết.

Uông Triều: Nhiều người đã có ý kiến rằng có vẻ các nhà văn Việt đang đứng ngoài các vấn đề nóng của xã hội, họ thích trú ngụ trong các tháp ngà hoặc ở trên tít trời xanh! Riêng tôi quan sát thì thấy ông rất quan tâm, bám sát các vấn đề xã hội và có thái độ rõ ràng. Những sự kiện trong quá khứ, kể cả những sai lầm, theo ông có cần mổ xẻ, phân tích thấu đáo để có cái nhìn khách quan về lịch sử và rút ra những bài học kinh nghiệm cho các thế hệ sau?

Tạ Duy Anh: Mỗi nhà văn có lý do cá nhân để lựa chọn cách tiếp cận các vấn đề xã hội, vấn đề lịch sử bằng cách gián tiếp hay trực tiếp, đứng ngoài, hay nhập cuộc. Chuyện này hầu như không thể bàn luận gì được. Bởi chỉ bản thân anh ta mới đủ thẩm quyền quyết định anh ta là ai và. Nhưng sau khi khẳng định điều đó, thì không thể không thừa nhận một thực tế thứ hai: Mỗi nhà văn chỉ có giá trị bản thân, khi anh ta dám dấn thân vì cuộc sống và phẩm giá của những người xung quanh anh ta. Ở đâu thì tôi không biết, chứ trong lĩnh vực sáng tác, sự công bằng luôn là tuyệt đối. Nói như dân gian, lựa chọn nào cũng có giá của nó.

Tôi không lựa chọn tháp ngà, thứ nhất vì tôi là nhà văn coi tự do là giá trị lớn nhất và còn vì tháp ngà không phải là nơi tôi tìm thấy cuộc sống như tôi muốn và với cá tính của mình, tôi cũng sẽ chẳng thể có được sự bình an. Chỉ có sự bình an, sự thanh thản của của tâm hồn con người, đôi khi trùng khớp với sự nhọc nhằn, khổ ải, mạo hiểm mà con người ấy phải trải qua, mới đáng để tôi mong ước.

Giờ ta bàn vào việc chính. Tôi đã từng nói và xin nhắc lại: Ngoài kinh nghiệm, giá trị lớn nhất mà lịch sử để lại là những bài học và chủ yếu là bài học về sự cay đắng, đau khổ, mất mát. Con người làm ra lịch sử, là chủ nhân của lịch sử, vì thế bài học này hậu thế nhất định phải ôn hàng ngày.

Có một sự thật là con người nói chung, do mải kiếm ăn, mải tranh đấu thắng thua hơn kém, mải hưởng hạnh phúc và luôn mất cảnh giác, cho nên họ rất chóng quên, rất hay lãng quên những bài học lịch sử, nếu không được thường xuyên nhắc để họ nhớ. Ai sẽ làm việc này? Chắc chắn đây là bổn phận của giới trí thức và nhiều người có thể làm được. Nhưng qua kinh nghiệm, thì nhà văn là những người làm tốt nhất, bởi chính cách thức đặc biệt mà họ thực hiện: Tạo ra sự hấp dẫn cho bài học, bằng các hình tượng nghệ thuật, thông qua câu chuyện kể một cách nghệ thuật, tức là tác phẩm văn học. Nhiều sự kiện lịch sử, nếu đọc qua các sách lịch sử có thể trôi tuột đi mất. Nhưng khi nó được tái hiện dưới dạng tác phẩm nghệ thuật (trong đó có văn học và quan trọng nhất là văn học), thì muốn quên cũng khó. Văn học sẽ tạo ra cho con người thứ kí ức thứ hai mà tôi gọi là kí ức về những kí ức lịch sử.

Uông Triều: Tôi biết ông đã viết nhiều tiểu thuyết và hầu như cuốn nào cũng có tiếng vang nhưng chắc hẳn khi đứng trước một trang sách mới, người viết vẫn gặp phải những khó khăn nhất định. Và với riêng “Đất mồ côi”, khó khăn nhất trong việc viết nó là gì?

Tạ Duy Anh: Khó khăn nhất của tôi khi ngồi xuống bàn viết, là tôi luôn đối mặt với câu hỏi: Liệu việc mình sắp làm có vô bổ, vô dụng? Với “Đất mồ côi”, lời cật vấn đó càng khốc liệt gấp bội. Và nó phải mất nhiều năm để cuối cùng tôi tự trả lời: Nó là công việc chắc chắn tôi phải làm.

Uông Triều: Cuốn sách mới nhất của ông bán khá chạy. Ông đã nói rằng ông đã kí khoảng một nghìn cuốn sách để tặng bạn đọc và không giấu tham vọng muốn kí thêm mười nghìn cuốn nữa. Nhiều người đánh giá đây là cuốn tiểu thuyết nặng kí nhất của ông và nếu tôi nhớ không nhầm thì ông cũng công nhận điều ấy. Vậy, điều gì làm cho “Đất mồ côi” khác với những tiểu thuyết của ông và vì sao nó là cuốn tâm đắc nhất của người viết?

Tạ Duy Anh: Tôi tiện thể dịp này xin có vài tâm sự ngoài lề.

Sách của mình bán chạy là điều mà nhà văn nào cũng mong muốn và chắc chắn nó chứa đựng một giá trị nào đó. Nhưng nó không phải là chỉ số quan trọng (còn lâu mới quan trọng nhất) quyết định tầm vóc một cuốn sách! Tôi hiểu điều này và chưa khi nào mất cảnh giác. Nhưng tôi nhớ và thích thú với lời của một nhà phê bình lớn: Mỗi cuốn sách chỉ thực sự là sách, khi nó có bạn đọc. Một số người vẫn hay nói: Chỉ cần viết ra, còn mọi chuyện không quan trọng, ý rằng không quan trọng việc có ai đọc nó hay không. Điều đó có vẻ khí khái và nó đúng phần nào khi nhằm nói lên bản lĩnh nhà văn. Nhưng nó cũng ẩn chứa trong đó những cao ngạo, tự phụ gần với sự yếu đuối! Nếu một cuốn sách mà không cần ai đọc, thì người viết nó ra phải tự hỏi xem mình có điên không?

Tôi dành sự ngưỡng mộ cho những nhà văn tự tin tuyên bố một trăm năm sau độc giả của anh ta mới ra đời! Nhưng tôi cũng rất thích phát biểu của nhà văn Milan Kundera, một nhà văn mà tôi biết là ông khá ngưỡng mộ, khi ông ấy bảo những nhà văn nói như vậy là “những kẻ xu nịnh, ve vuốt tương lai”.

Tôi muốn sách của mình đến tay bạn đọc ngay, khi đã đủ tự tin khép lại bản thảo. Làm được như vậy hay không lại là chuyện khác, bởi trong hoàn cảnh hiện tại, đa phần mình không tự quyết định được. Nhưng ý muốn thì rất rõ ràng, chả có gì phải giấu diếm. Tôi cảm thấy cuộc sống của mình được nhân lên sự thú vị cùng với số người đọc sách của mình. Vì thế, tôi luôn làm mọi cách để sao cho khi sách của mình ra đời, bạn đọc tiếp cận thuận lợi nhất.

Giờ xin trả lời điều ông quan tâm: Tôi có cảm giác, trong cuộc truy đuổi Ác tính mà mình dấn thân, “Đất mồ côi” là cú nốc ao mà tôi chờ đợi để tung ra và cuối cùng đã tung ra. Nó có mạnh mẽ như tôi kì vọng hay không, tôi không biết. Cái ác mà tôi hình dung có bị nốc ao hay không (chắc chắn là chưa, còn lâu) cũng lại là chuyện khác. Nhưng tôi đã viết nó với tinh thần ấy. Tôi thường dựa vào cảm giác, để đo hiệu quả cuốn sách của mình. Khi “Đất mồ côi” lên kệ sách, tôi có được sự thanh thản lạ thường, một cảm giác an nhiên tuyệt vời không dễ diễn tả. Chưa cuốn sách nào trước đó của tôi làm được điều tương tự.

Uông Triều: Nếu như cuốn sách của ông nhận được những sự khen chê trái chiều và chính tôi đã nhìn thấy điều đó thì ông có phản ứng thế nào? Sự khen ngợi tất nhiên là tích cực với người viết nhưng sự không hài lòng và có thể xuất hiện những thái độ khác nữa liệu có khiến ông chùn tay. Một người viết nên có thái độ thế nào khi tác phẩm của mình trở thành tâm điểm của dư luận và hình như không phải lần đầu ông gặp phải trường hợp này?

Tạ Duy Anh: Nếu nói nhà văn miễn nhiễm hoàn toàn với sự khen chê, là nói dối. Thánh thần thế nào tôi không biết, chứ con người thì không ai đạt được điều đó. Tôi rất thích thái độ trung thực của Bảo Ninh trong chuyện này. Ý ông ấy nói không ai vui vẻ, bình thản được trước những lời chê. Nhưng phải chấp nhận lời chê, dù nhiều khi nó khiến tác giả đỏ mặt!

Một cuốn sách chỉ có đời sống thật, một đời sống xứng đáng dành cho nó khi nó được tiếp nhận ở chỗ này và bị từ chối ở chỗ khác. Mọi lời khen chê đều chứa trong đó một phần sự thật, không chỉ của cuốn sách, mà còn của cái cuộc đời mà chúng ta đang thuộc về nó. Với người viết, bản lĩnh văn hóa thể hiện ở thái độ tiếp nhận khen chê. Tôi chưa thấy nhà văn nào chỉ nghiện lời khen lại có thể lớn vọt lên được. Chỉ thích khen, miễn góp ý, tức là đã tự mãn nguyện. Một nhà văn không viết nữa, là cách anh ta chuyển trạng thái sống. Còn một nhà văn (người làm công việc sáng tạo nói chung) tự mãn, thì coi như anh ta đã chết. Anh ta sống thêm bao nhiêu cũng thế! Tôi không nói chung chung, mà đang nói về những nhà văn có tài.

Uông Triều: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thẳng thắn này!